logo

Phân tích vẻ đẹp bài thơ “Chiều” của Hồ Dzếnh (1916- 1991)

Buổi chiều là khoảng thời gian lưng chừng giữa ngày, là lúc tâm hồn con người lắng đọng và mọi vật hoạt động thật chậm rãi. Chính vì vậy, từ trong thơ văn cổ, khoảng thời gian buổi chiều đã được nhiều nhà văn, nhà thơ lựa chọn để sáng tác. Một trong những tác phẩm viết về chủ đề này là bài thơ Chiều của Hồ Dzếnh. Để các bạn hiểu hơn về bài thơ Toploigiai đã mang tới bài viết Phân tích vẻ đẹp bài thơ “Chiều” của Hồ Dzếnh (1916- 1991). Mời các bạn tham khảo


Dàn ý Phân tích vẻ đẹp bài thơ “Chiều” của Hồ Dzếnh (1916- 1991) 

- Mở bài: 

Giới thiệu bài thơ Chiều

- Thân bài:

+ 5 dòng thơ đầu: Bức tranh buổi chiều bình yên và dịu dàng, mở ra tâm trạng u sầu của nhà thơ ( Nhà thơ bước đi trong buổi chiều ảm đảm, với nỗi nhớ nhà da diết; chim rừng buổi chiều không bay về tổ mà lại không buồn cất cánh, giống như nhà thơ là người con xa xứ, tuy có nhà nhưng lại không phải tổ ấm thực sự mà mình nhớ mong)

+ 2 câu thơ tiếp theo: Câu hỏi tu từ về nỗi sầu trong đời người không có lời giải đáp khiến nỗi buồn nặng thêm (Nhà thơ tự hỏi mình, hỏi người đọc, nỗi sầu có phải là vạn cổ, sẽ luôn đến vào mỗi buổi chiều hay không?)

+ 4 câu thơ tiếp theo: Nhà thơ tạm xa thế giới nội tâm, trở về với thực tại xung quanh để bày tỏ trực tiếp nỗi lòng của một người lữ khách xa xứ

+ 2 câu thơ cuối: Hành động giải tỏa tâm trạng, tự tiếp thêm động lực của tác giả để bon chen giữa dòng người nơi đất khách quê người (Hút thuốc để sưởi ấm tâm hồn mình)

- Kết bài:

Khái quát lại giá trị của bài thơ và vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên buổi chiều.

Phân tích vẻ đẹp bài thơ “Chiều” của Hồ Dzếnh (1916- 1991) (Bài số 2)

Phân tích vẻ đẹp bài thơ “Chiều” của Hồ Dzếnh (1916- 1991) - Mẫu số 1

      Nhà văn Văn Cao, nhà văn nổi tiếng của nền văn học Việt Nam được rất nhiều người mến mộ đã từng sáng tác một bài thơ viết về thời gian, trong đó có câu thơ “Thời gian qua kẽ tay/ Làm khô những chiếc lá". Đúng như lời thơ của Văn Cao, thời gian là điều kì diệu trên thế gian này nhưng một khi trôi qua nó sẽ không quay lại và có rất ít điều có thể trường tồn cùng nó. Đặc biệt như vậy nên thời gian luôn là đề tài sáng tác bất tận trong thơ văn, nghệ thuật. Ngoài những bài thơ về thời gian mà chúng ta thường được nghe tới như Thời gian của Xuân Diệu, Thời gian của Văn Cao, Áo thời gian của Huy Cận, trong nền văn học Việt Nam còn nhiều tác phẩm lấy chủ đề sáng tác là thời gian, tiêu biểu như bài thơ “Chiều” của Hồ Dzếnh, tên thật Hà Triệu Anh, ông sinh năm 1916, mất năm 1991. Bài thơ Chiều đã khắc họa khung cảnh và tâm trạng của nhà thơ trong một khoảng thời gian cụ thể trong ngày, đó là buổi chiều. Qua buổi chiều này, Hồ Dzếnh đã bộc lộ tâm tư tình cảm của một người con xa quê sống ở nơi xa xứ với nỗi nhớ quê hương sâu sắc.

      Mở đầu bài thơ, chúng ta đã được chứng kiến một bức tranh buổi chiều thật bình yên và dịu dàng:

“Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây
Chim rừng quên cất cánh
Gió đưa tình ngây ngây.”

      Trên con đường về nơi mình sống ở một vùng đất xa lạ, nỗi nhớ đã phủ đầy ắp trong tâm hồn nhà thơ. Ở đây tác giả không chỉ rõ nỗi nhớ đó là gì? Bởi đây chính là nỗi nhớ tất cả những điều thân thương trong cuộc đời của ông. Thời gian nhà thơ về nhà được thể hiện ở câu thơ tiếp theo, vào một buổi "chiều", thời gian này thường được chọn để xuất hiện trong thơ văn cổ, là khoảng thời gian lưng chừng giữa một ngày, khiến cho tâm trạng con người cũng như lửng lơ ở một nơi xa nào đó trong kí ức. Nhà thơ cảm nhận được từng chút thời gian đang trôi chậm rãi của buồi chiều yên ả, về nơi dừng chân chốn xa xứ. Để rồi cuối cùng đến khi xế chiều, nó sẽ đưa tiễn "chân ngày", tạm biệt ban ngày, chào đón ban đêm. Buổi chiều tan thật chậm khiến con đường về nhà tưởng sẽ háo hức và vui vẻ vì được thư giãn sau ngày dài giờ nhà thơ lại thấy trống trải, thấy tiếng chiều buồn đang vang vọng trong những áng mây trôi lững lờ. Thêm vào đó, đi qua cánh rừng, Hồ Dzếnh lại thấy "Chim rừng không cất cánh", mà buổi chiều đáng nhẽ chim phải đang bay về tổ nhưng giờ lại còn không muốn bay. Chú chim rừng có lẽ giống như tác giả ở nơi xa xứ, không có một nơi thực sự để trở về, mỗi ngày chỉ làm việc và cuối chiều trở về nơi dừng chân, không phải tổ ấm mình hằng mong nhớ. Cơn gió bay qua như hiểu nỗi lòng nhà thơ, nên tỏ vẻ "say tình ngây ngây" để xoa dịu tâm hồn ông, như để nhắc nhà thơ đừng buồn nữa, quê hương vẫn luôn dang tay chào đón mình trở về. Nhà thơ lại tiếp tục hành trình, giữa núi rừng hoang vu, trong đầu ông chợt nảy lên câu hỏi:

"Có phải sầu vạn cổ

Chất trong hồn chiều nay?"

      Nhà thơ tự hỏi chính mình, hỏi cả người đọc, hỏi tất cả mọi người trên thế gian, liệu nỗi sầu có phải là điều vạn cổ, luôn xuất hiện mỗi khi chiều đến từ xa xưa tới nay hay không? Trong buổi chiều càng lúc càng yên ắng, buồn man mác này, nỗi sầu đó mỗi lúc dày thêm, nỗi nhớ quê, nhớ những điều gắn bó với máu thịt càng trở nên sâu sắc hơn. 

      Nhà thơ trở lại với thế giới thực tại xung quanh, tạm xa thế giới nội tâm của mình:

"Ta là người lữ khách

Màu chiều khói làm khuây

Ngỡ lòng mình là rừng

Ngỡ hồn mình là mây."

      Nhà thơ trực tiếp nhận mình là một người lữ khách xa quê. Nơi xa xứ không có điều gì làm mình vui vẻ, hạnh phúc nên mượn màu khói chiều làm khuây khoả tâm hồn mình. Rồi màu khói chiều phủ lên cả cánh rừng, cả những đám mây mờ cuối ngày, cũng chính là tâm hồn nhà thơ Hồ Dzếnh. Cả mây và rừng đều là những vật vô định, rừng từng mùa thay lá, từng loại cây, mây thì trôi vô định không biết sẽ bay đến nơi nào? Vậy nên nhà thơ đã thấy lòng mình như rừng, hồn mình như mây, luôn vô định, trống trải, và bay bổng. 

      Cuối cùng, sau khoảng thời gian ngắm nhìn cảnh vật và suy nghĩ, Hồ Dzếnh bắt đầu dùng hành động khác để giải toả tâm trạng, lấy động lực tiếp tục bon chen nơi tha hương:

"Nhớ nhà châm điếu thuốc

Khói huyền bay lên cây."

      Chúng ta thường thấy nhiều người chọn hút thuốc để giải toả tâm trạng, tác giả cũng như vậy. Nhớ nhà nhưng không thể về ngay, chỉ có thể châm điếu thuốc để sưởi ấm tâm hồn, vơi nỗi nhớ quê hương. Làn khói thuốc cứ thế bay lên trên cây, tạo nên sự huyền ảo như tâm hồn nhà thơ thường lạc vào cõi mộng, với những khát khao được trở về với những thứ thân thương giữa dòng đời bão tố, mỏi mệt.

      Bài thơ Chiều là một bài thơ làm lay động tâm hồn người đọc của nhà thơ Hồ Dzếnh. Trong bài thơ, chúng ta được cảm nhận bức tranh thiên nhiên thật đẹp và bình yên của buổi chiều yên ắng, nhưng ẩn chứa trong ánh mắt ngắm nhìn cảnh vật là tâm hồn sâu sắc và nỗi buồn của tác giả. Qua đó, chúng ta cũng thấy được tình yêu thiên nhiên và quê hương da diết của Hồ Dzếnh.


Phân tích vẻ đẹp bài thơ “Chiều” của Hồ Dzếnh (1916- 1991) - Mẫu số 2

      Hồ Dzếnh đã từng nói: “Muôn trùng sở dĩ rạo rực lòng người vì muôn trùng là nỗi thương nhớ mênh mông của những tấm lòng rất bạn”. Và “nỗi nhớ mênh mông” đó dường như đã trở thành một chủ đề chính trong các tác phẩm của ông. Nỗi thương nhớ ấy đầy rạo rực trong lòng người và lấp đầy muôn trùng cảm xúc. Bài thơ "Chiều" của ông, với nốt nhạc trầm buồn và xa vắng, như một tình khúc thổn thức về những kỉ niệm một thời, về những giấc mơ và hy vọng, và cũng về nỗi đau và cô đơn trong tâm hồn con người. 

     Khi đọc bài thơ, ấn tượng đầu tiên mà người đọc có thể nhận thấy là âm hưởng dàn trải, mênh mang cùng sự phối hợp các yếu tố âm thanh. Mặc dù bài thơ chỉ có 13 dòng thơ năm chữ, nhưng thanh trắc được sử dụng một cách sáng tạo và hiệu quả, chỉ xuất hiện với số lượng ít ỏi, khoảng 20 từ nằm rải rác từng câu thơ, tạo thành những điểm nhấn cố định giúp cho câu thơ lơ lửng như muốn bay lên không gian bao la của buổi chiều. Mở đầu bài thơ, tâm trạng “nhớ đầy” của một chủ thể ẩn danh:

“Trên đường về nhớ đầy

Chiều chậm đưa chân ngày

Tiếng buồn vang trong mây”

      Ngay từ những câu thơ đầu đã khơi lên một cảm giác nhớ, không rõ là ai, đang nhớ gì. “Trên đường về nhớ đầy” là một dấu hiệu của cảm giác nhớ cao nhất. Từ “trên đường” đã gợi cho người đọc một hướng đi cụ thể, nhưng đồng thời, nó cũng làm cho không gian trở nên rộng lớn và xa xôi. Bởi vì không rõ ai đang nhớ gì, câu thơ lơ lửng trong không gian của nỗi nhớ phủ đầy. Cảm giác gần gũi với sự vật đã biến mất, thay vào đó là một khoảng cách xa xôi và khó nắm bắt. Không gian đã hé mở trước mắt cho ta thấy được tâm trạng của một nhân vật trữ tình. Thời gian trôi qua như một chất men ấm áp, làm cho nỗi nhớ trong ta càng thêm sâu đậm. "Chiều chậm đưa chân ngày" - câu thơ này đã mô tả rõ sự chuyển động chậm rãi nhưng đều đặn của thời gian. Ranh giới giữa ngày và đêm tạo nên sự rõ ràng, đẩy lùi dần những ánh sáng của ngày. Bóng chiều dần phủ lên không gian, tạo nên không khí buồn tênh, đầy nỗi nhớ, cô đơn. Câu "Tiếng buồn vang trong mây" như một lời giãi bày cho tâm trạng của nhân vật, đưa ta đến với một thế giới đầy u tối và cảm xúc thấm đẫm.

      Ba câu thơ đầu của bài thơ vẫn chưa hé lộ rõ ràng chủ thể và tâm trạng của người kể. Tuy nhiên, những âm thanh u buồn, nhuốm đầy nỗi nhớ và thời gian, đã tạo nên một không gian tâm trạng đầy sâu sắc. Vần "ây" được sử dụng nhiều lần trong ba câu thơ đầu và trong toàn bài, tạo nên một hiệu ứng âm vần nhấn mạnh nỗi buồn liên kết, không tan ra. Thay vì mô tả cảnh vật, bài thơ trở thành lời tâm sự của một chủ thể trữ tình bước đi trên con đường chiều tối, với cái nhìn xa xăm và nặng trĩu nỗi buồn.

      Đến những câu thơ tiếp theo, sự sống bắt đầu xuất hiện:

“Chim rừng quên cất cánh

Gió say tình ngây ngây

Có phải sầu cổ vạn

Chất trong hồn chiều nay”

      Đoạn thơ cho ta cảm thấy như đang thám hiểm một khu rừng lạ lẫm, nơi ẩn chứa bao điều bỡ ngỡ và câu hỏi mà không có lời đáp. Gió thổi say đắm lòng người và trở nên "ngây ngây", giống như một trạng thái mơ màng không hiểu mình say vì lý do gì. Từ một không gian thời gian vừa cụ thể vừa mơ hồ, bức tranh chiều trong bài thơ trở nên sống động hơn nhờ sự hiện diện của "chim rừng" và "gió". Nhưng ngay cả khi có sự sống, cây cối rậm rạp của rừng cũng mang tới cho người đọc một tâm trạng u uất, như một bầu trời ngột ngạt trước cơn giông. Điều này thể hiện qua câu hỏi tu từ: "Có phải sầu vạn cổ/ Chất trong hồn chiều nay?" như một mong muốn có người tâm sự. Trong không gian thời gian ấy, buổi chiều dần muộn, tâm trạng của nhân vật trữ tình bị chùng lại, co rút và cô đặc thành cảm giác "sầu" nặng trĩu.

      Bước sang khổ thơ cuối, chủ thể ở đầu bài thơ dần được hé lộ:

“ Tôi là người lữ khách

Mầu chiều khó làm khuây

Ngỡ lòng mình là rừng

Ngỡ hồn mình là mây

Nhớ nhà châm điếu thuốc

Khói huyền bay lên cây ...”

      Bức chân dung về một chủ thể ẩn dần hé mở qua lời giới thiệu "Tôi là người lữ khách". Từ đó, ta cảm nhận được dáng vẻ cô độc và mơ hồ của người lữ khách, người không có nơi nào để ở lại. Ngược lại với người lữ hành, người lữ khách mang đầy bất ổn và không biết đường đi như thế nào. Hai câu thơ tiếp theo càng làm tăng thêm cảm giác đơn độc, mệt mỏi của chủ thể, khi cách sử dụng biện pháu tu từ điệp cú pháp tạo ra một tác động sâu sắc, nặng nề hơn. Lòng mình là rừng để được níu giữ, hồn mình là mây để được bay bổng tự do. Nhưng đầu câu lại kèm thêm từ “ngỡ” đã phủ định lại ước mơ của tác giả. Và điểm tựa, điểm đến của tâm trạng ấy là hai câu thơ cuối:

“Nhớ nhà châm điếu thuốc

Khói huyền bay lên cây ...”

      Tác giả đã vén bức màn che giấu những ngõ ngách sâu kín nhất trong tâm hồn. Qua đó, chúng ta hiểu rõ hơn rằng cả bài thơ đều bao trùm bởi nỗi cô đơn của một người xa quê nhớ nhà. Nỗi nhớ ấy đã được tác giả gọi tên, nhưng lại được bao phủ bởi làn “khói huyền” huyền ảo. Tâm hồn tác giả đã tìm thấy một nơi nương tựa và một người tri âm, tri kỷ để dựa vào, nhưng giờ đây lại lạc vào trong làn khói huyền. Khói ấy bay lên cây, nhưng không phải để tan biến, nó vẫn còn vương vấn, không yên, đong đầy nỗi niềm. Tâm trạng tác giả cứ như làn khói kia, không yên, vẫn đang vật vờ, trăn trở về một điều gì đó không rõ ràng. Khi kết thúc câu thơ, cũng như kết thúc bài thơ, dấu ba chấm lửng lơ mở ra cả một thế giới tâm trạng, một cơn sóng cảm xúc dữ dội khác.

      Bài thơ “Chiều” của Hồ Dzếnh như một tấm gương phản ánh tâm hồn của một người con Trung Quốc lớn lên ở sông nước Việt Nam, với những cung đường đầy gian nan và nỗi nhớ về quê hương. Cứ như những con sông sâu rộng, trong đó ẩn chứa những tâm sự khó nói thành lời, thơ của Hồ Dzếnh mãi đọng lại trong lòng người đọc với những cảm xúc sâu lắng không thể tả nổi.

-----------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn bài viết Phân tích vẻ đẹp bài thơ “Chiều” của Hồ Dzếnh (1916- 1991). Đây là một bài thơ hay được tác giả Hồ Dzếnh sáng tác, khắc họa thành công nỗi nhớ thương quê hương trong buổi chiều nơi xa xứ.

icon-date
Xuất bản : 17/03/2023 - Cập nhật : 03/07/2023