logo

Liên hệ mở rộng bài Chữ người tử tù

Chữ người tử tù là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Tuân trước cách mạng. Tiêu biểu cho phong cách sáng tác tài hoa, uyên bác, sự am hiểu trên nhiều lĩnh vực hội hoạ, âm nhạc, nghệ thuật… Liên hệ mở rộng bài Chữ người tử tù với tác phẩm sau cách mạng của ông là “Người lái đò sông Đà” để thấy được điểm khác biệt trong cách cảm nhận về con người của Nguyễn Tuân trước và sau cách mạng tháng 8.

* Gợi ý:


Những tác phẩm có thể liên hệ với bài Chữ người tử tù

1. Liên hệ Chữ người tử tù với Người lái đò sông Đà, đều là tác phẩm của Nguyễn Tuân. Một tác phẩm sáng tác trước cách mạng, tập trung khai thác vẻ đẹp chỉ còn vang bóng. Một tác phẩm sáng tác trong thời kỳ xây dựng cuộc sống mới, khai thác vẻ đẹp của những con người lao động.

2. Liên hệ Chữ người tử tù với Vĩnh biệt cửu trùng đài của Nguyễn Huy Tưởng. Thông qua cái chết của nhân vật, tác giả gửi gắm quan niệm về số phận người nghệ sĩ giữa cuộc đời, quan niệm về nghệ thuật và đời sống. Gửi gắm thông điệp về người nghệ sĩ với nghệ thuật và cuộc sống.

3. Liên hệ với tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao để thấy được cái đẹp có thể cứu vớt cuộc đời của một con người, hướng con người sống vươn tới chân, thiện, mỹ.


Dàn ý liên hệ mở rộng bài Chữ người tử tù

1. Mở bài

- Giới thiệu tác phẩm, tác giả.

- Liên hệ mở rộng với tác phẩm Người lái đò sông Đà.

2. Thân bài

- Chỉ ra những nét đặc sắc về nội dung và ý nghĩa của tác phẩm Chữ người tử tù, đối sánh với tác phẩm Người lái đò sông Đà để thấy rõ sự khác biệt.

+ Là một tác phẩm phản ánh hoàn cảnh, phẩm chất tài hoa của nhân vật Huấn Cao dựa trên hình mẫu Cao Bá Quát

+ Là sự chiến thắng của thiên lương, cái đẹp, sự trong sạch, cái tài hoa vượt lên những tầm thường của cuộc sống

- Liên hệ điểm giống

+ Phong cách tài hoa của Nguyễn Tuân, tiếp cận con người trên phương diện tài hoa, nghệ sĩ.

+ Vốn từ hết sức tinh lọc, phong phú, độc đáo, tổ chức câu văn đầy chất tạo hình. Sử dụng các biện pháp tu từ độc đáo.

- Liên hệ điểm khác

+ Chữ người tử tù ca ngợi vẻ đẹp tài hoa, thiện lương, phủ nhận lối sống đớn hèn và bộ mặt tàn bạo của xã hội thực dân phong kiến. Người lái đò sông Đà bày tỏ niềm yêu mến tha thiết đất nước, cuộc sống và con người mới.

+ Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” là con người của quá khứ, lịch sử, vẻ đẹp chỉ còn vang bóng; người lái đò sông Đà là vẻ đẹp của con người trong cuộc sống mới hôm nay.

3. Kết bài

- Qua “Chữ người tử tù” người đọc thấy được vẻ đẹp trong cốt cách của Huấn Cao cũng là của nhà văn Nguyễn Tuân.

- Cả hai tác phẩm tuy có điểm khác nhau nhưng đều nói lên đặc điểm phong cách của Nguyễn Tuân: tài hoa, uyên bác, say sưa khám phá vẻ đẹp của con người trong quá khứ và cuộc sống mới.

Liên hệ mở rộng bài Chữ người tử tù

Liên hệ mở rộng bài Chữ người tử tù với Người lái đò sông Đà

      Là một tài năng đặc biệt trong diễn đàn thi ca Việt Nam, Nguyễn Tuân cho thấy ngòi bút sung sức, độc đáo của mình khi có cách tiếp cận nhiều mảng khác nhau của đời sống. Từ “Chữ người tử tù” trước cách mạng tháng 8 cho đến “Người lái đò sông Đà” sau cách mạng, chúng ta đều thấy điểm chung trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân: nhà văn suốt đời đi tìm kiếm cái đẹp. Liên hệ mở rộng bài Chữ người tử tù sáng tác trước cách mạng với Người lái đò sông Đà sau cách mạng để thấy được những nét độc đáo trong phong cách của ông.

      “Chữ người tử tù” sáng tác trước trước cách mạng tháng 8 được in trong tập “Vang bóng một thời” tức là phản ánh những vẻ đẹp chỉ còn vang bóng. Trên nền hiện thực đen tối của nhà tù phong kiến nửa thực dân, Nhân vật Huấn Cao là điểm sáng ít ỏi có tác dụng chiếu sáng cả tác phẩm. Huấn Cao là một tên tử tù đang chờ ngày bị hành quyết, người tài hoa nổi tiếng viết chữ đẹp khiến bao người nể phục, ước ao có được nét chữ của ông để treo trong nhà. Đối lập với Huấn Cao là viên quản ngục - người quản lý tù nhân, đại diện cho trật tự xã hội đương thời yêu và say sưa với cái đẹp, hâm mộ người có tấm lòng lương thiện. Xét trên bình diện xã hội hai nhân vật này hoàn toàn đối lập nhau nhưng họ lại có điểm chung là đều say mê cái đẹp, có tâm hồn thanh khiết, luôn hướng tới cái đẹp. Như vậy trên bình diện nghệ thuật họ chính là tri kỉ của nhau. Tuy gặp nhau trong một hoàn cảnh éo le, ban đầu hiểu lầm nhau, chà đạp nhau nhưng sau cùng Huấn Cao vẫn thấy vẻ đẹp còn sót lại của viên quan coi ngục và quyết định cho chữ, như là một sự đền ơn, đãi ngộ dành cho cái đẹp hiếm hoi còn sót lại trong tù ngục. Tình huống truyện độc đáo là cái cớ để hai nhân vật bộc lộ cái đẹp của mình, và một cảnh tượng hiếm hoi xưa nay chưa từng có đã xảy ra trong tù ngục. Một tên tội phạm cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang khoan thai đứng cho chữ; một bên là viên quan coi ngục khúm núm để nhận từng nét chữ của kẻ cấp dưới mình. Chính trong hoàn cảnh đối lập đó,Nguyễn Tuân đã cho thấy sự chiến thắng mạnh mẽ của cái đẹp, cái thiện trước hoàn cảnh tăm tối, ca ngợi vẻ đẹp của Huấn Cao, con người đại diện cho cái đẹp tài hoa, kiệt xuất.

      Cũng viết về đề tài phản ánh vẻ đẹp của con người, Người lái đò sông Đà vẫn thể hiện cách tiếp cận chung của Nguyễn Tuân đó là tiếp cận con người trên phương diện tài hoa nghệ sĩ. Một bên cái đẹp của con người trong chốn lao tù, quyết giữ gìn phẩm chất của mình, chiến thắng cái tầm thường, giả dối nơi chốn ngục tù. Một bên là cái đẹp trong cuộc sống lao động mới, vẻ đẹp từ sự chinh phục những dữ dội của thiên nhiên để khẳng định vị trí trung tâm của mình. Cả hai tác phẩm đều sử dụng vốn từ hết sức tinh lọc, phong phú, độc đáo, tổ chức câu văn đầy chất tạo hình. Sử dụng các biện pháp tu từ độc đáo như nhân hoá, so sánh, nghệ thuật tương phản, đối lập. Đặc biệt là ngòi bút tạo hình đầy tài hoa của Nguyễn Tuân, sự am hiểu tường tận trên nhiều lĩnh vực khác nhau như hội hoạ, âm nhạc, văn học, sử học….

Liên hệ mở rộng bài Chữ người tử tù

      Tuy vậy cả hai tác phẩm vẫn có những điểm khác trong cách khai thác đề tài và tiếp cận con người của nhà văn. Điểm khác này chính là do hoàn cảnh thời đại chi phối. Chữ người tử tù sáng tác trước cách mạng, thời kỳ văn học hiện thực phê phán nở rộ, con người và đề tài tiếp cận của Nguyễn Tuân có điểm khác. Ông chú trọng đi tìm vẻ đẹp chỉ còn vang bóng, Chữ người tử tù ca ngợi vẻ đẹp tài hoa, thiện lương, phủ nhận lối sống đớn hèn và bộ mặt tàn bạo của xã hội thực dân phong kiến. Còn Người lái đò sông Đà sáng tác sau cách mạng giải phóng, nhân dân tập trung xây dựng cuộc sống mới, hân hoan trước sự đổi thay của thời đại nên Nguyễn Tuân lại khát khao đi tìm vẻ đẹp của những con người trong cuộc sống đời thường.  Qua cuộc chiến đấu của ông lão lái đò với con sông Đà hung bạo, Nguyễn Tuân ca ngợi vẻ đẹp hào hoa, dũng mãnh của người lao động trong cuộc sống. Cũng qua tác phẩm tác giả bày tỏ niềm yêu mến tha thiết đất nước, cuộc sống và con người mới.

      Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” là con người của quá khứ, lịch sử, vẻ đẹp chỉ còn vang bóng, thời vàng son đã qua rồi, không quay trở lại nữa. Người lái đò sông Đà là vẻ đẹp của con người trong cuộc sống mới hôm nay, con người lao động bình thường nhưng vẫn có những nét tài hoa, nghệ sĩ. Hiện thực hay quá khứ thì vẫn có những điểm mới để khai thác, tiếp cận. Nguyễn Tuân cũng cho thấy điểm nhất quán trong phong cách của mình, dù là con người ở quá khứ hay con người trong thời đại mới thì vẫn luôn có vẻ đẹp tài hoa, lịch lãm. Và dù trong hoàn cảnh nào thì Nguyễn Tuân vẫn trung thành với tình yêu của mình dành cho con người.

      Qua “Chữ người tử tù” người đọc thấy được vẻ đẹp trong cốt cách của Huấn Cao cũng là của nhà văn Nguyễn Tuân. Cả hai tác phẩm tuy có điểm khác nhau nhưng đều nói lên đặc điểm phong cách của Nguyễn Tuân: tài hoa, uyên bác, say sưa khám phá vẻ đẹp của con người trong quá khứ và cuộc sống mới.

----------------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Liên hệ mở rộng bài Chữ người tử tù. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 20/03/2023 - Cập nhật : 15/08/2023