logo

Phân tích và tổng hợp là gì?


Phân tích và tổng hợp là gì?

1. Phân tích và tổng hợp là gì?

Phân tích theo nghĩa chung nhất là phương pháp nghiên cứu, là sự phân chia cái chung, cái toàn bộ thành các phần, các bộ phân khác nhau nhằm nghiên cứu sâu sắc các sự vật, hiện tượng, quá trình; nhận biết các mối quan hệ bên trong và sự phụ thuộc trong sự phát triển của các sự vật, hiện tượng, quá trình đó. Có khá nhiều khái niệm về phân tích, đơn cử vài khái niệm sau:

- Phân tích có nghĩa là chẻ vấn đề ra thành từng mảnh nhỏ, để hiểu từng chi tiết, từng khía cạnh nhỏ, hiểu được vấn đề từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài, cũng như người thợ máy hiểu rõ cái máy khổng lồ gồm hàng trăm chi tiết nhỏ để tìm hiểu cơ chế làm việc và sửa chữa bên trong lòng máy khi cỗ máy bị trục trặc trong quá trình vận hành;

- Phân tích là việc phân chia đối tượng nhận thức thành nhiều bộ phận, từ đó xem xét cụ thể theo từng bộ phận để chỉ ra mối quan hệ cấu thành và quan hệ nhân quả giữa chúng, đồng thời đưa ra những đánh giá, nhận xét nhằm làm rõ vấn đề nghiên cứu.

Ví dụ:

– Ta phân chia cái xe đạp thành bánh xe, ghi-đông, bàn đạp, yên xe (không nhất thiết phải tháo rời)… và nghiên cứu từng bộ phận.

– Sau khi khảo sát một cộng đồng, ta chia cộng đồng đó làm 03 lứa tuổi: Từ 0 – 17 tuổi, từ 18 – 50 tuổi, từ 51 tuổi trở lên. Sau đó ta nghiên cứu riêng rẽ mỗi lứa tuổi thuộc cộng đồng.

Tổng hợp là phương pháp liên kết, thống nhất các bộ phận đã được phân tích lại nhằm nhận thức cái toàn bộ.

Ví dụ: Sau khi đã nghiên cứu kỹ từng bộ phận của chiếc xe đạp, ta tìm ra điểm chung và sự liên hệ giữa các bộ phận này, từ đó nhận thức sâu sắc hơn về tổng thể chiếc xe đạp.

2. Cơ sở của hai phương pháp phân tích và tổng hợp là gì?

Phân tích và tổng hợp có cơ sở khách quan trong cấu tạo và trong tính quy luật của bản thân sự vật cũng như trong hoạt động thực tiễn của  con người.

Trong hiện thực khách quan tồn tại cái toàn bộ và cái bộ phận, yếu tố và hệ thống, phân tán và kết hợp.

Trong hoạt động thực tiễn của con người cũng có hai quá trình: Quá trình chia tách các đối tượng và quá trình hợp nhất các đối tượng đã tách ra vào thành thể thống nhất mới. Những quá trình đó được di chuyển vào tư duy thành thao tác tư duy, phương pháp tư duy.

Các phương pháp phân tích và tổng hợp của tư duy chỉ là sự phản ánh những quá trình hoạt động thực tiễn của con người – quá trình chia các yếu tố ra và quá trình hợp nhất các yếu tố lại để nhận thức cái chỉnh thể.

Tách ra trong ý thức những mặt này, mặt kia của chỉnh thể cần nghiên cứu và hợp nhất chúng lại nhằm thu được tri thức mới là một khâu cơ bản để chiếm lĩnh bằng lý luận các sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan.

3. Mối quan hệ biện chứng giữa phân tích và tổng hợp

Phân tích và tổng hợp là hai phương pháp nhận thức khác nhau song lại thống nhất biện chứng với nhau.

Sự thống nhất của phân tích và tổng hợp là một yếu tố khách quan của phương pháp biện chứng. Do đó, ta không nên tách rời phân tích và tổng hợp hoặc cường điệu phương pháp này, coi nhẹ phương pháp kia và ngược lại. Không có phân tích thì không có tổng hợp và ngược lại.

Triết học mác-xít xem sự thống nhất hữu cơ của phân tích và tổng hợp là điều kiện tất yếu của sự trừu tượng hóa và khái quát hóa. Không phân tích thì không hiểu được các bộ phận. Và ngược lại, không tổng hợp thì không hiểu được cái toàn bộ như một chỉnh thể.

Vì vậy, chỉ có phân tích hoặc chỉ có tổng hợp thì không đủ. Phân tích phải đi liền với tổng hợp và được bổ sung bằng tổng hợp. Phân tích chuẩn bị cho tổng hợp, tổng hợp giúp cho phân tích đi sâu hơn vào bản chất của sự vật.

Phân tích và tổng hợp giả định lẫn nhau, tạo tiền đề và khả năng cho nhau. Nhờ đó, con người mới nhận thức được bản chất, quy luật của sự vật.

Tuy nhiên, sự thống nhất biện chứng giữa phân tích và tổng hợp không xóa nhòa ranh giới giữa chúng cũng như không ngăn cản người nghiên cứu có thể nhấn mạnh ưu thế của phương pháp này hay phương pháp kia trong mỗi trường hợp nghiên cứu cụ thể.

icon-date
Xuất bản : 09/06/2021 - Cập nhật : 09/06/2021
/* */ /* */
/*
*/