logo

Hệ thống tự nhiên - xã hội: Sự tác động qua lại giữa con người, xã hội và tự nhiên? Con người đang ngày càng thù địch với tự nhiên? Đâu là giải pháp?


Hệ thống tự nhiên - xã hội: Sự tác động qua lại giữa con người, xã hội và tự nhiên? Con người đang ngày càng thù địch với tự nhiên? Đâu là giải pháp?

1. Vai trò của yếu tố tự nhiên và yếu tố xã hội trong hệ thống tự nhiên – xã hội

Hệ thống tự nhiên – xã hội được hình thành trong quá trình tiến hóa của thế giới vật chất.

Sự thống nhất của hệ thống tự nhiên – xã hội được xây dựng trên cơ sở cấu trúc liên hoàn chặt chẽ của sinh quyển và được bảo đảm bởi cơ chế hoạt động của chu trình sinh học. Đó là chu trình trao đổi chất, năng lượng và thông tin giữa các hệ thống vật chất sống với môi trường tồn tại của chúng trong tự nhiên.

Hoạt động của chu trình đó tuân theo những quy luật chung với nguyên tắc tự tổ chức, tự điều chỉnh, tự làm sạch, tự bảo vệ theo một trật tự, liên hoàn chặt chẽ, bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của cả hệ thống.  

Để đảm bảo sự thống nhất, tính chỉnh thể toàn vẹn của hệ thống, thì sự tác động qua lại giữa xã hội và tự nhiên phải phục tùng những quy luật và những nguyên tắc tổ chức chung đó. Trong sự tác động qua lại giữa xã hội và tự nhiên, yếu tố tự nhiên có ảnh hưởng to lớn đến sự tồn tại và phát triển của xã hội, còn yếu tố xã hội ngày càng có vai trò quan trọng đối với việc biến đổi và phát triển của tự nhiên.

1.1. Vai trò của tự nhiên

Tự nhiên là điều kiện thường xuyên và tất yếu của quá trình sản xuất ra của cải vật chất, đồng thời là một trong những yếu tố cơ bản của những điều kiện sinh hoạt vật chất xã hội.

Tự nhiên vừa là nhà ở, vừa là công xưởng và phòng thí nghiệm, vừa là bãi chứa chất thải khổng lồ của xã hội.

Song, vai trò của tự nhiên cũng có tính lịch sử cụ thể, theo nghĩa là vai trò đó thay đổi cùng với sự phát triển của xã hội.

Tự nhiên là môi trường sống của con người và xã hội loài người. Vai trò này của tự nhiên không có gì có thể thay thế được và không bao giờ bị mất đi, cho dù xã hội phát triển đến trình độ cao đến đâu chăng nữa.

Chỉ có tự nhiên mới cung cấp được những thứ cần thiết cho sự sống của con người như nước, ánh sáng, không khí, thức ăn… và những điều kiện cho sự tồn tại và phát triển của xã hội như các nguyên vật liệu, tài nguyên khoáng sản.

Ngày nay, với khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại, con người có thể sản xuất, chế tạo ra những vật liệu mới vốn không có sẵn trong tự nhiên, song suy đến cùng, những thành phần tạo nên chúng đều xuất phát từ tự nhiên. Vì vậy, tự nhiên luôn là tiền đề, là điều kiện tồn tại, phát triển của xã hội. Tự nhiên có thể tác động thuận lợi hoặc cản trở sản xuất, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lao động, do đó thúc đẩy hoặc làm chậm nhịp độ phát triển của xã hội.

1.2. Vai trò của xã hội loài người 

Xã hội loài người gắn bó với tự nhiên nhờ có các dòng vật chất, năng lượng và thông tin, nhờ sự kết hợp giữa lao động với thiên nhiên. Nền sản xuất xã hội là phương thức trao đổi chất giữa xã hội và tự nhiên. Thông qua quá trình hoạt động thực tiễn, trước hết là quá trình lao động sản xuất, con người đã thu nhận các dòng vật chật, năng lượng và thông tin từ môi trường tự nhiên, biến đổi chúng cho phù hợp với nhu cầu sống và phát triển của mình và của xã hội.

Lao động là ranh giới phân biệt về chất giữa con người và con vật, giữa xã hội loài người và thế giới loài vật. Song, cũng chính lao động lại là yếu tố đầu tiên, cơ bản và quan trọng nhất tạo nên sự thống nhất hữu cơ giữa xã hội và tự nhiên. C.Mac viết: "Lao động trước hết là một quá trình diễn ra giữa con người và tự nhiên, một quá trình trong đó, bằng hoạt động của chính mình, con người làm trung gian, điều tiết và kiểm tra sự trao đổi chất giữa họ và tự nhiên".

Tự nhiên là nguồn cung cấp các tư liệu sinh hoạt và tư liệu sản xuất cho con người và xã hội, đồng thời con người và xã hội là người tiêu thụ, người biến đổi tự nhiên mạnh mẽ nhất, nhanh chóng nhất so với tất cả những thành phần khác của chu trình sinh học.

“Mắt khâu xã hội” trong chu trình trao đổi chất của tự nhiên có những nét nổi bật mà không một hệ thống vật chất sống nào có thể có được:

Một là, xã hội có thể sử dụng tất cả các nguồn vật chất vốn có của sinh quyển, từ động vật, thực vật đến vi sinh vật. Từ đất, đá, sỏi, cát đến các loại khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt. Từ những nguồn vật chất có hạn và tái tạo đến những nguồn vật chất như ánh sáng, không khí, nước…

Hai là, sự trao đổi chất của mắt khâu xã hội đạt hiệu quả sinh thái rất thấp. Nền sản xuất xã hội, nhất là sản xuất tư bản chủ nghĩa cho đến nay đã sử dụng hết sức lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các chất thải của sản xuất xã hội không những ngày càng quá nhiều, mà còn rất độc hại, cho nên các sinh vật khác không thể sử dụng được.

Hậu quả đó rất nguy hiểm, vừa làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, vừa gây ô nhiễm nặng nề môi trường sống. Vì vậy, trên hành tinh chúng ta ngày nay, một số nơi đang xảy ra khủng hoảng sinh thái nghiêm trọng, đe dọa sự tồn tại của hệ thống tự nhiên – xã hội, sự sống của con người và xã hội loài người.

Trong sự tác động qua lại giữa xã hội và tự nhiên, yếu tố xã hội ngày càng giữ vai trò quan trọng. Song, để tồn tại và phát triển, con người và xã hội không được phá vỡ sự cân bằng của hệ thống tự nhiên - xã hội; muốn vậy, trong các hoạt động của mình, con người cần phải tuân thủ các quy luật của tự nhiên.

2. Mối quan hệ giữa con người và tự nhiên phụ thuộc vào trình độ phát triển của xã hội

Lịch sử xã hội là sự tiếp tục của lịch sử tự nhiên.

Từ khi xuất hiện con người và xã hội loài người, lịch sử của tự nhiên không chỉ phụ thuộc vào sự tác động của các yếu tố tự nhiên, mà còn chịu sự chi phối ngày càng mạnh mẽ của yếu tố xã hội.

Ngược lại, sự phát triển của lịch sử xã hội không thể tách rời các yếu tố tự nhiên, bởi vì chỉ có trong mối quan hệ với tự nhiên và quan hệ với nhau, con người mới làm nên lịch sử của mình.

Điều đó có nghĩa là có sự tiếp tục, sự gắn bó và sự quy định lẫn nhau giữa lịch sử xã hội và lịch sử tự nhiên. Bởi vậy, khi nghiên cứu lịch sử cần phải xét đến cả hai mặt: Lịch sử xã hội và lịch sử tự nhiên.

 Sự gắn bó, quy định lẫn nhau giữa lịch sử xã hội và lịch sử tự nhiên biểu hiện thông qua mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Mối quan hệ đó luôn biến đổi theo quá trình lịch sử, được thực hiện trong sự phát triển và thay thế của các hình thái xã hội cụ thể.

Nền sản xuất của xã hội là phương thức trao đổi chất giữa xã hội và tự nhiên, trong phạm vi của chu trình trao đổi chất của tự nhiên.

Xét về mặt xã hội, đó đồng thời là quá trình con người đồng hóa các đối tượng của tự nhiên trong phạm vi của hình thái xã hội xác định.

Sự đồng hóa, biến đổi các đối tượng tự nhiên đó đạt đến mức độ nào trước hết phụ thuộc vào công cụ lao động và trình độ hiểu biết của con người, tức là phụ thuộc trực tiếp vào lực lượng sản xuất.

Tính chất của mối quan hệ giữa xã hội và tự nhiên quy định bởi phương thức sản xuất, trước hết là lực lượng sản xuất và phù hợp với nó là quan hệ sản xuất, quan hệ xã hội nói chung.

Mối quan hệ giữa con người và tự nhiên được thực hiện thông qua lực lượng sản xuất. Lực lượng sản xuất chính là biểu hiện sự chinh phục tự nhiên của con người.

Lực lượng sản xuất luôn vận động, biến đổi, và trong bản thân nó đã từng diễn ra những cuộc cách mạng to lớn, quyết định các bước chuyển vĩ đại về chất của xã hội loài người từ mông muội, dã man, sang văn minh, với các nền văn minh kế tiếp nhau: Nông nghiệp, công nghiệp và trí tuệ.

Như C. Mác nhận định, sự phát triển đó là sự kế tiếp nhau của các hình thái kinh tế – xã hội, mà mỗi hình thái là một bậc cao hơn trong sự phát triển của xã hội.

Mỗi nền văn minh, mỗi một hình thái kinh tế – xã hội đều được đặc trưng bởi một trình độ phát triển của công cụ sản xuất nhất định, chẳng hạn:

– Nền văn minh nông nghiệp được đặc trưng bởi công cụ sản xuất bằng kim loại thủ cộng.

– Nền văn minh công nghiệp được đặc trưng bằng công cụ sản xuất bằng máy móc, cơ khí.

– Nền văn minh trí tuệ đã, đang và sẽ được đặc trưng bởi công nghệ trí tuệ như công nghệ AI, công nghệ 5G, điện thoại thông minh…

Điều đó nói lên rằng, sự phát triển của lực lượng sản xuất, trước hết là công cụ sản xuất, là nhân tố năng động và cốt lõi quyết định trình độ phát triển của xã hội. Nó quy định nội dung sự phát triển của phương thức sản xuất.

Công cụ sản xuất biến đổi và phát triển, tức là sức chinh phục tự nhiên của con người tăng lên, làm thay đổi tính chất của mối  quan hệ giữa con người và tự nhiên.

Tuy nhiên, xã hội đối xử với giới tự nhiên ra sao là tùy thuộc vào bản chất của chế độ xã hội, vào quan hệ sản xuất thống trị.

Do vậy, cùng với việc sử dụng các công cụ sản xuất bằng kim loại từ thủ công cho đến máy móc cơ giới, mà đỉnh cao là nền đại công nghiệp cơ khí tự động hóa, sự khác biệt giữa con người và tự nhiên ngày càng tăng lên và cuối cùng dẫn đến sự mâu thuẫn, đối lập gay gắt trong hệ thống tự nhiên – xã hội dưới chủ nghĩa tư bản.

Trong giai đoạn này, con người không chỉ coi tự nhiên như môi trường sống, như kho tài nguyên, mà chủ yếu còn như đối tượng để khai thác, vơ vét nhằm thu lợi nhuận tối đa.

Mối quan hệ “dã thú” của con người đối với tự nhiên đã đưa lại những hậu quả không sao lường trước được. Khủng hoảng sinh thái đang đe dọa nhân loại, đe dọa sự sống của cả hành tinh. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa phải chịu trách nhiệm chính về sự phá hoại sinh thái đó.

Để tiếp tục tồn tại và phát triển, con người không còn con đường nào khác là phải quay về sống hài hòa với thiên nhiên, bằng cách thay đổi phương thức khai thác và sử dụng thiên nhiên…

3. Mối quan hệ và sự tác động lẫn nhau giữa xã hội và tự nhiên phụ thuộc vào nhận thức và vận dụng quy luật tự nhiên và quy luật xã hội trong hoạt động thực tiễn

Bằng hoạt động thực tiễn, con người và xã hội ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với sự biến đổi và phát triển của tự nhiên. Đứng trên bình diện xã hội, những kết quả mà con người đạt được trong lĩnh vực sản xuất vật chất đều phải nhằm phục vụ cho mục đích phát triển không ngừng của xã hội.

Song, trong các chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, đặc biệt từ khi xuất hiện chủ nghĩa tư bản từ mấy trăn năm nay, sự khai thác tự nhiên, vơ vét của cải nhằm thu lợi nhuận tối đa đã tàn phá tự nhiên hết sức nặng nề.

Do đó, xét trên bình diện tổng thể của hệ thống tự nhiên – xã hội, thì hoạt động của con người là hoạt động tự phát. Bởi những hoạt động đó chưa tính toán đầy đủ những quy luật tồn tại và phát triển của tự nhiên.

Quy luật cần tuân thủ

Trong hoạt động thực tiễn, trước hết là hoạt động sản xuất vật chất, con người phải tuân thủ quy luật bảo đảm hoạt động cơ chế bình thường của chu trình sinh học, hay chu trình trao đổi vật chất, năng lượng và thông tin của tự nhiên.

Bởi vì sự thống nhất giữa xã hội và tự nhiên được thực hiện thông qua cơ chế của chu trình đó.

Bối cảnh hiện nay cho thấy “mắt khâu xã hội” đã không còn phù hợp với tính chất cơ bản của sinh quyển: Tính tự tổ chức, tự điều chỉnh, tự  làm sạch, tự bảo vệ… Cuộc khủng hoảng sinh thái đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới là hậu quả của những hành động thiếu suy nghĩ và bóc lột quá đáng tự nhiên của con người, đặc biệt là dưới chủ nghĩa tư bản.

Không thể tiếp tục phạm sai lầm, phải tìm cách sống hài hòa với tự nhiên, phải điều khiển có ý thức mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Đó là cách giải quyết đúng đắn cho các vấn đề sinh thái toàn cầu hiện nay. Bởi “chúng ta hoàn toàn không thể thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị mọi dân tộc khác…”, như trước tác của Mác và Ăng-ghen đã viết.

Con người phải nhận thức được rằng mình là một bộ phận không thể tách rời của tự nhiên, hơn thế nữa còn là con đẻ của tự nhiên. Vì vậy, con người phải nắm vững những quy luật của tự nhiên và quan trọng hơn, phải biết vận dụng những quy luật đó một cách chính xác vào hoạt động thực tiễn của mình.

Tuy nhiên, nếu chỉ thay đổi nhận thức không thôi thì chưa đủ, mà cần phải hành động.

Vì muốn điều khiển được những lực lượng tự nhiên ta cần phải điều khiển được những lực lượng xã hội. Do vậy, để loại trừ tận gốc nguyên nhân phá hoại tự nhiên và gây ô nhiễm môi trường thì phải loại bỏ chế độ người bóc lột người dựa trên cơ sở sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất.

Chủ nghĩa tư bản trong quá trình phát triển lâu dài, bằng sự kết hợp giữa sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa với quá trình công nghiệp hóa, đã tập trung vơ vét, khai thác đến mức tối đa không chỉ sức lao động của con người, mà cả những nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường nhằm thu được lợi nhuận cao nhất, nhanh nhất cho sự phát triển kinh tế, là nguyên nhân cơ bản của những mâu thuẫn giữa con người với con người và giữa con người với tự nhiên.

Việc xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa để thiết lập nên một hình thái xã hội mới, hình thái xã hội cộng sản chủ nghĩa cũng chính là tiến đến giải quyết mâu thuẫn gay gắt giữa con người với con người và giữa con người với tự nhiên.

Vì vậy, tiến đến chủ nghĩa cộng sản chính là tiến đến xây dựng mối quan hệ công bằng, bình đẳng thật sự giữa con người với con người và mối quan hệ hài hòa thật sự giữa con người với giới tự nhiên.

4. Qua những điều đã trình bày trên đây, có thể rút ra những nguyên lý cơ bản của triết học Mác – Lênin về mối quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên như sau:

4.1. Tính thống nhất vật chất của thế giới là cơ sở của sự thống nhất biện chứng giữa con người, xã hội và tự nhiên.

Tuy thế giới vô cùng phức tạp và đa dạng được cấu thành nhiều yếu tố khác nhau, song suy đến cùng có ba yếu tố cơ bản: Tự nhiên, Con người và Xã hội.

Vì chúng đều là các dạng thức khác nhau, những trạng thái, những đặc tính và những mối quan hệ khác nhau của vật chất đang vận động.

4.2. Sự phụ thuộc của mối quan hệ giữa con người và tự nhiên vào trình độ phát triển của xã hội.

Sự thống nhất giữa xã hội và tự nhiên là sự thống nhất động, được thực hiện thông qua mối  quan hệ qua lại, sự tác động và quy định lẫn nhau giữa xã hội và tự nhiên trong quá trình sống và làm nên lịch sử của con người.

Phương thức sản xuất, trước hết là lực lượng sản xuất, là yếu tố cơ bản quyết định trình độ phát triển của xã hội, trong đó lực lượng sản xuất là biểu hiện của mối quan hệ giữa con người và tự nhiên.

Do vậy, giữa trình độ phát triển của xã hội và mối quan hệ giữa con người với tự nhiên luôn có sự phụ thuộc và chế định khác nhau.

4.3. Nguyên lý về sự điều khiển một cách có ý thức mối quan hệ giữa con người và tự nhiên.

Sự thống nhất giữa con người và tự nhiên được thực hiện chủ yếu thông qua quá trình sản xuất xã hội. Song cũng chính bằng sản xuất, con người đã tự tách mình ra khỏi tự nhiên, đối lập với tự nhiên.

Quy luật xã hội cho thấy, phải tìm cách sống hài hòa với tự nhiên, phải điều khiển có ý thức mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Đó là cách giải quyết đúng đắn cho các vấn đề sinh thái toàn cầu hiện nay. Chúng ta có nguồn gốc từ tự nhiên, và tất cả sự thống trị của chúng ta đối với tự nhiên là ở chỗ chúng ta, khác với tất cả các sinh khác, là chúng ta nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và có thể sử dụng được những quy luật đó một cách chính xác". Như vậy, để điều khiển được tư nhiên, trước hết, con người cần phải nhận thức được rằng mình là một bộ phận không thể tách rời của tự nhiên, hơn thế nữa, còn là con đẻ của tự nhiên. Vì vậy, con người cần phải nắm vững những quy luật của tự nhiên và quan trọng hơn, phải biết vận dụng những quy luật đó một cách chính xác vào trong hoạt động thực tiễn của mình.

icon-date
Xuất bản : 01/06/2021 - Cập nhật : 09/06/2021