logo

Phương pháp từ trừu tượng đến cụ thể là gì?


Phương pháp từ trừu tượng đến cụ thể là gì?

Các Mác coi phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể là phương pháp nhận thức khoa học quan trọng. Do đó, việc nắm rõ nội dung phương pháp này sẽ giúp chúng ta định hướng được các bước đi trong công tác nghiên cứu khoa học.

I. Cái cụ thể và cái trừu tượng

1. Cái cụ thể là gì?

Các sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan bao giờ cũng tồn tại dưới dạng cái cụ thể. Cái cụ thể khách quan được phản ánh vào nhận thức dưới hai hình thức: Cái cụ thể cảm tính và cái cụ thể trong tư duy.

– Cái cụ thể cảm tính là điểm bắt đầu của nhận thức, còn hỗn độn so với cái toàn bộ.

– Cái cụ thể trong tư duy là kết quả của tư duy lý luận, của sự nghiên cứu khoa học phản ánh cái cụ thể khách quan bằng hệ thống những khái niệm, phạm trù, quy luật. Nó là tổng thể phong phú, sâu sắc với rất nhiều tính quy định và quan hệ.

2. Cái trừu tượng là gì?

Cái trừu tượng là một trong những yếu tố, vòng khâu của quá trình nhận thức. Nó là kết quả sự trừu tượng hóa một mặt, một mối liên hệ nào đó trong tổng thể phong phú của sự vật.

Vì vậy, cái trừu tượng là một bộ phận của cái cụ thể, biểu hiện một mặt nào đó của cái cụ thể, là bậc thang của sự xem xét cái cụ thể. Từ nhiều cái trừu tượng tư duy tổng hợp lại thành cái cụ thể trong tư duy.

So với cái cụ thể, cái trừu tượng là cái nghèo nàn hơn về tính quy định và quan hệ. Tuy nhiên, ranh giới giữa cái trừu tượng và cái cụ thể cũng chỉ là tương đối, tùy thuộc vào mối quan hệ xác định.

II. Từ cụ thể đến trừu tượng và từ trừu tượng đến cụ thể

Nhận thức là sự thống nhất của hai quá trình đối lập: Từ cụ thể đến trừu tượng và từ trừu tượng đến cụ thể.

Trong nhận thức, cái trừu tượng và cái cụ thể luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Chúng tạo thành một quan hệ xác định, trong đó cái trừu tượng là hình tái tồn tại phiến diện của cái cụ thể, còn cái cụ thể lại là cái toàn vẹn hơn, đa dạng hơn cái trừu tượng. Cái trừu tượng gián đơn hơn, cô đọng hơn cái cụ thể. Còn cái cụ thể phong phú hơn, phức tạp hơn. Cái trừu tượng và cái cụ thể là những phạm trù có tính tương đối, vì cái mà trong một quan hệ nào đó, có thể xuất hiện như một cái trừu tượng, lại có thể tồn tại như là cái cụ thể trong một quan hệ khác. Tuy nhiên, trong một quan hệ nhất định, chúng luôn luôn tồn tại như một thể thống nhất. Không có cái trừu tượng ngoài cái cụ thể và ngược lại, không có cái cụ thể nằm ngoài cái trừu tượng.

Cái cụ thể là tổng hợp vô số những mặt mà người ta đùng phương pháp trừu tượng hoá để nhận thức được trong sự thống nhất và phong phú của những mặt ấy. Nó là sự hiểu biết sâu sắc, phong phú nhất về các sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan. Nó vượt tầm cái cụ thể cảm tính, vì nó không phản ánh những tính quy định bề ngoài của sự vật trong mối liên hệ trực tiếp của những tính quy định ấy (cảm giác có thể biết được mối liên hệ đó) mà nó phản ánh những mặt bản chất trong mối liên hệ của các sự vật và hiện tượng đó. Hơn nữa, cái cụ thể còn vượt hơn cái trừu tượng vì nó không phản ánh một mặt bản chất nào đó của sự vật, hiện tượng , mà nó phản ánh các mặt bản chất khác nhau trong muối liên hệ hệ chúng, nghĩa là nó bao quát sự vật một cách toàn diện.

Cái trừu tượng là sự phủ định cái cụ thể cảm tính, còn cái cụ thể là tổng hợp vô số những trừu tượng, là sự phủ định cái trừu tượng. Nhưng đó không phải là sự quay trở lại cái cụ thể đâu tiên một cách giản đơn, mà là sự,quay trở lại cái cụ thể trong giai đoạn phát triển cao hơn của nhận thức.

1. Từ cụ thể đến trừu tượng:

Theo quá trình này, nhận thức xuất phát từ những tài liệu cảm tính, qua phân tích rút ra những khái niệm đơn giản, những định nghĩa trừu tượng phản ánh từng mặt, từng thuộc tính của sự vật.

Trong quá trình này, toàn bộ biểu tượng đã biến thành một sự quy định trừu tượng, tạo tiền đề cho quá trình thứ hai: Từ trừu tượng đến cụ thể.

2. Từ trừu trượng đến cụ thể:

– Trong quá trình này, nhận thức phải từ những định nghĩa trừu tượng thông qua tổng hợp biện chứng đi đến cái cụ thể với tư cách là kết quả của tư duy chứ không phải với tư cách là điểm xuất phát trong hiện thực.

Ở quá trình này, những sự quy định trừu tượng lại dẫn tới sự mô tả lại cái cụ thể bằng con đường của tư duy.

– Theo phương pháp này, việc nghiên cứu phải bắt đầu từ cái trừu tượng, từ các khái niệm phản ánh những mối liên hệ phổ biến, đơn giản của khách thể nhận thức. Tuy nhiên, không phải lấy bất kỳ cái trừu tượng nào làm khâu xuất phát, mà phải là cái phản ánh những mối liên hệ phổ biến, đơn giản nhất nhưng có vai trò quyết định trong cái cụ thể cần nghiên cứu.

Từ cái trừu tượng xuất phát đó, tư duy theo dõi những vòng khâu, những trạng thái quá độ trong sự phát triển của sự vật được thể hiện bằng các khái niệm ngày càng cụ thể hơn. Bằng cách đó, tư duy tái hiện quá trình hình thành và phát triển của khách thể nghiên cứu với toàn bộ các mặt và các quan hệ tất yếu, bản chất, những quy luật vận động, phát triển của nó.

Ví dụ:

Trong bộ Tư bản, Các Mác đã đưa ra một kiểu mẫu về việc sử dụng phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể để nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Bắt đầu phân tích phạm trù “hàng hóa” – phạm trù cơ bản và giản đơn nhất như là cái trừu tượng xuất phát, Mác khai triển quá trình phân tích những phạm trù cụ thể hơn như tiền tệ, tư bản, giá trị thặng dư, lợi nhuận, lợi tức, địa tô…, rồi lại tổng hợp các khái niệm cụ thể hơn này lại.

Nhờ đó, Mác đã tái hiện xã hội tư bản chủ nghĩa như một chỉnh thể cụ thể trong sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng trên cơ sở vạch ra quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản.

icon-date
Xuất bản : 09/06/2021 - Cập nhật : 09/06/2021