logo

Phân tích Tư tưởng nhân nghĩa trong Bình Ngô Đại Cáo


Phân tích Tư tưởng nhân nghĩa trong Bình Ngô Đại Cáo

Phân tích Tư tưởng nhân nghĩa trong Bình Ngô Đại Cáo | Văn mẫu 10 hay nhất

        Viện sĩ Đ.X. Likhatsôp nhận thấy ở thể loại văn học Nga cổ- “là để phục vụ nhằm thoả mãn cả một kết hợp phức tạp những nhu cầu xã hội và tồn tại gắn liền với điều đó trong một sự lệ thuộc với nhau rất chặt chẽ”. Dường như ta cũng nhận thấy điều đó trong văn học trung đại Việt Nam.  Xuất phát từ cảm hứng yêu nước giá trị của Bình Ngô đại cáo không chỉ ở phương diện một trước tác chính luận - loại văn bản được đánh giá cao khi có hệ thống lập luận chặt chẽ, thể hiện sâu sắc và sinh động những vấn đề mang tính thời đại mà còn bởi giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của nó.

        Xét về tư tưởng nhân nghĩa trong “Bình Ngô đại cáo” ta thấy nó xuất phát cụ thể từ hai khía cạnh. Đầu tiên là sự bắt nguồn từ nhận thức của con người về nhân nghĩa bao gồm khái niệm và nguyên lí. Thứ hai là thái độ của con người trong việc phát hiện, khẳng định và bảo vệ nguyên lí đó.

        Tư tưởng nhân nghĩa được hiểu cụ thể khi bóc tách nghĩa thực của từng từ, “nhân” ở đây là nhân đạo, là nhận thức, “nghĩa” được hiểu là cái đúng, có giá trị. Như vậy nhân nghĩa được hiểu là giá trị sống tích cực, sống có đạo lý. Chính tư tưởng nhân nghĩa đã đặt dấu mốc mới trong chặng đường phát triển của văn học. Trong lịch sử Nho giáo cũng nhắc đến nhân nghĩa như một đạo lý trong đời thường: Con người sống với nhau bằng tình nghĩa, bằng tấm lòng. Đây là cơ sở để tạo lập các mối quan hệ xã hội giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể. Đến với nhân nghĩa trong tác phẩm thì ngay khi bước vào những dòng đầu tiên tác giả đã khẳng định tư tưởng nhân nghĩa bằng cách đưa ra quan niệm cá nhân làm tiền đề khai thác. Ở đây tư tưởng nhân nghĩa được hiểu là con người làm việc thiện, hành động trượng nghĩa, đấu tranh tiêu diệt những thế lực bạo tàn nhằm mục đích bảo vệ an toàn, ổn định cho quần chúng nhân dân. Ngoài ra, trên cơ sở của lý thuyết, tác giả khẳng định, chứng minh tính đúng đắn của chân lý về sự tồn tại qua thực tiễn lịch sử.

        Đầu tiên là quan niệm của tác giả về nhân nghĩa:

"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo"

       Tư tưởng nhân nghĩa được nêu ra qua hai câu thơ là một tiền đề có tính chất tiên nghiệm bởi nó xuất phát từ một quan niệm của Nho giáo. Khổng Tử đã từng nói tới chữ “nhân” còn Mạnh Tử lại đề cao chữ “nghĩa”. Có nhiều người đưa ra lí giải về nhân nghĩa rất phong phú, đa dạng, khai thác dưới nhiều góc độ nhưng hiểu theo nghĩa chung nhất đó là mối quan hệ duy trì tốt đẹp, ổn định giữa người với người đặt trên cơ sở của tình thương và đạo lí. Như vậy, trong ý thơ  có thể hiểu nhân nghĩa là là loại bỏ những xấu xa e hèn, tiêu trừ tham tàn bạo ngược, bảo vệ cho dân chúng cuộc sống ổn định, yên ấm hướng tới ổn định dân tộc “cốt ở yên dân”. Chính điều này, đặt trong bối cảnh xã hội lúc đó lại đánh mạnh vào tâm lí con người nhằm gia tăng tính thuyết phục. Như vậy, qua hai câu thơ mở đầu, tác giả đã các định cụ thể và chính xác mục đích, nội dung của tư tưởng nhân nghĩa: cốt yếu là yên dân, trước hết phải trừ bạo.

       Thứ hai, tư tưởng nhân nghĩa trong Bình Ngô đại cáo được thừa nhận trong cuộc chiến của dân tộc và kết quả của nó:

 “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần

Khi Khôi Huyện quân không một đội”

nhưng quân tướng một lòng, nhân dân một dạ “bốn cõi một nhà”, “một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào’ tất cả đồng lòng, kiên trung, son sắt, nung nấu ý chí diệt giặc báo thù. Đó còn là thái độ căm giận, phẫn nộ trước tội ác tày trời “trúc Nam Sơn không ghi hết tội, nước Đông Hải không rửa sạch mùi” của bọn “quân cuồng Minh thừa cơ gây họa”, “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”

       Hơn nữa là niềm hân hoan, tự hào, kiêu hãnh trước thắng lợi vĩ đại của dân tộc và kết cục thảm bại của quân cướp nước

“Đánh một trận sạch không kình ngạc

 Đánh hai trận tan tác chim muông”

        Không có gì lạ khi bài cáo đã dành một dung lượng rất lớn để ghi lại “nhật kí” những ngày chiến thắng cùng với sự mô tả tỉ mỉ, cụ thể những mốc thời gian gắn với những chiến công quan trọng Bởi lẽ, để có được ngày chiến thắng, dân tộc đã phải chịu đựng biết bao nhiêu đau thương, gian khổ. Nói đến chiến thắng bằng giọng văn hồ hởi, bằng cảm xúc tự hào, bằng niềm tin tuyệt đối là biểu hiện rất rõ của cảm hứng dân tộc trong Đại cáo bình Ngô.

         Thứ ba, tư tưởng nhân nghĩa được đem đến trong một nội dung mới, lấy tiền đề từ thực tiễn dân tộc để đưa vào tiền đề có tính chất chiêm nghiệm rằng nhân nghĩa phải gắn liền với công cuộc đấu tranh chống xâm lược. Nhân nghĩa là chống xâm lược, ngược lại, chống xâm lược là nhân nghĩa, có như vậy mới đủ bền bỉ và kiên gan để xóa tan luận điệu xảo trá của kẻ thù, phân định rạch ròi giữa ta và địch, giữa chính nghĩa và phi nghĩa. Điều đó hoàn toàn phù hợp với nguyên lí chính nghĩa. Song song với nguyên lí nhân nghĩa, tác giả đưa ra chân lí khách quan từ thực tiễn:

"Như nước Đại Việt ta từ trước

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Dân tộc ta không chỉ có truyền thống văn hiến lâu đời, có nền độc lập tự chủ cùng cương vực lãnh thổ của riêng mình :

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương"

         Không chỉ là một dân tộc phải chịu muôn vàn đau thương, tủi nhục dưới sự xâm lăng của kẻ thù, phải trả giá quá lớn cho nền độc lập. Ta bước ra chiến trận với vị thế người chiến thắng nhưng biết đối xử với kẻ thù bằng điều nhân nghĩa, không những tha mạng cho tàn binh bại tướng mà còn mở đường, cấp cho phương tiện để họ về nước:

“Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh

 Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc

Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run.”

         Điều này trở thành chân lí không thể phủ nhận. Truyền thống nhân đạo, yêu hòa bình, lấy hòa hiếu làm đầu tốt được phát huy tối đa để “đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). , không kiêu căng, ngạo nghễ nhưng biết bao máu, nước mắt và mồ hôi đã rơi để đổi lấy hòa bình nên thắng lợi ấy cũng thiêng liêng hơn bao giờ. Thắng lợi có được trước quân xâm lăng phương Bắc hung dữ, tàn bạo phải trả giá bằng mồ hôi, máu và nước mắt. Đó không phải là chiến thắng của một cá nhân nào, mà là chiến thắng của toàn quân, toàn dân đã tài năng, bản lĩnh, hết lòng yêu nước thương dân:

"Ngẫm thù lớn há đội trời chung

 Căm giặc nước thề không cùng sống…"

         Càng thấm thía giá trị của chiến thắng trước quân thù bao nhiêu, càng hiểu rằng kháng chiến là vì đất nước và nhân dân bao nhiêu, cảm hứng dân tộc trong bài cáo càng sâu sắc, nồng nàn bấy nhiêu.

        Cuối cùng, tư tưởng nhân nghĩa thể hiện qua niềm hân hoan, tin tưởng một kỉ nguyên hòa bình, độc lập, tự chủ được mở ra cho đất nước. Đọc đến cuối bài cáo, không thể nào quên những câu văn hào sảng, lạc quan, tràn đầy tin tưởng của tác giả:

“Xã tắc từ đây vững bền

 Giang sơn từ đây đổi mới

Càn khôn bĩ rồi lại thái

Nhật nguyệt hối rồi lại minh

Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu

Muôn thuở nền thái bình vững chắc”.

       Tác giả đã thỏa ước mơ khi mong muốn đã trở thành thực tế. Trong suốt chặng đường đi lên của lịch sử dân tộc, triều đại nhà Lê có những bước tiến vượt bậc và ghi dấu trong lịch sử. Sự thay đổi ở đây chính là sự phục hưng, phát triển và sự vững bền xây dựng trên lí tưởng, cơ sở đã phục hưng dân tộc, mở ra viễn cảnh đất nước tươi sáng, huy hoàng.

       Quả đúng, có hiện thực hôm nay và tương lai ngày mai là bởi có máu, mồ hôi và nước mắt đã đổ xuống những chiến công ngày trước. Chính điều đó nhắc nhở thế hệ của hôm nay tự hào về quá khứ, trân trọng và gìn giữ những giá trị của hiện tại và khát khao hướng tới tương lai xây dựng đất nước thái bình, bền vững.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021