logo

Phân tích tác phẩm Bình ngô Đại cáo


Phân tích tác phẩm Bình ngô Đại cáo

Phân tích tác phẩm Bình ngô Đại cáo | Văn mẫu 10 hay nhất

         Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận định “Nguyễn Trãi là một người yêu nước, yêu nước sâu sắc, mạnh mẽ thiết tha với tâm hồn và khí phách của người anh hùng. Đối với Nguyễn Trãi, yêu nước là thương dân, để cứu nước phải dựa vào dân, đem lại thái bình cho dân, cho mọi người. Triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi cuối cùng chẳng qua là lòng yêu nước, thương dân: cái nhân, cái nghĩa lớn nhất là phấn đấu đến cùng chống ngoại xâm, diệt tàn bạo vì độc lập của nước, hạnh phúc của dân”. Nhận định ấy càng sâu sắc và thấm thía khi đến với áng “thiên cổ hùng văn” của Nguyễn Trãi mang tên Bình Ngô đại cáo.

         Tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” được Nguyễn Trãi viết theo thể cáo, một thể văn có nguồn gốc từ Trung Hoa, viết bằng chữ Hán. Ngay từ nhan đề tác giả đã có dụng ý thể hiện ý nghĩa tác phẩm của mình như một lời răn đe, cảnh báo và tuyên bố khởi nghĩa chiến thắng, dẹp tan bè lũ cướp nước, khẳng định chủ quyền dân tộc. Bằng tài năng và vốn sống tác giả đã kết hợp thể cáo độc đáo với bố cục trọn vẹn vận dụng thể tứ lục, sử dụng hệ thống hình tượng sinh động, gợi cảm.

       Ngay từ những câu chữ đầu tiên lí lẽ đưa ra đã vô cùng sắc sảo. Trong nguyên lí chính nghĩa của Nguyễn Trãi, có hai vấn đề được đề cập đến bao gồm khẳng định vấn đề tư tưởng nhân nghĩa và nhấn mạnh một chân lý sống còn về độc lập chủ quyền của nước Đại Việt ta. Đoạn đầu này có ý nghĩa như một lời tuyên ngôn độc lập bởi tác giả đã không chỉ đã đưa ra một chân lí về chính nghĩa mà còn bao gồm lý lẽ thực tiễn có cơ sở chắc chắn từ truyền thống lịch sử về sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của nước ta:

Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

         Khái niệm quốc gia dân tộc của Nguyễn Trãi được trình bày chặt chẽ, cô đọng, mạch lạc và có phần trọn vẹn hơn, tiến bộ hơn so với Nam quốc sơn hà. Nhưng yếu tố đã được Nguyễn Trãi đưa ra để xác định độc lập chủ quyền của dân tộc là cương vực lãnh thổ về mặt địa lý, là truyền thống được dựng xây qua bao thế hệ, là nền văn hóa, văn hiến lâu đời ngày ngày được bồi đắp, chúng ta có miền đất riêng, có nét văn hóa riêng, có truyền thống độc đáo và có cả lịch sử đấu tranh đầy anh hùng, ta sống chế độ riêng với “hào kiệt đời nào cũng có”. Đó là những lí lẽ sắc bén, tin cậy và trở thành lời tuyên ngôn hào hùng tuyên bố quyền tự do, độc lập của quốc gia. Để khẳng định quyền tự do, độc lập và để làm nổi bật lên niềm tự hào dân tộc, tác giả đã dùng những lời lẽ lập luận đầy sức thuyết phục với các từ ngữ khẳng định tính chất tự nhiên, vốn có (từ trước, vốn xưng, đã lâu, đã chia, cũng khác); với ngòi bút sắc sảo vượt mọi hàng rào ngôn ngữ (đối ứng giữa nước ta với Bắc Triều); với dẫn chứng khách quan, chân thực, chính xác được nêu ra đầy thuyết phục (chuyện Lưu Cung, Triệu Tiết, Toa Đô). Chính cách lập luận chặt chẽ với lí lẽ, dẫn chứng minh bạch đã tạo tính khách quan cho bản tuyên ngôn, khiến nó trở thành áng thiên cổ hùng văn mà đời đời ngưỡng mộ.

         Trong đoạn văn thứ hai, tác giả đã vạch trần tội ác của kẻ thù khiến chúng không thể chối cãi mà còn thấy e hèn, nhục nhã với chính mưu hèn kế bẩn, chủ trương cai trị thâm độc cùng những hành động đầy tội ác của mình. Trước hết, tác giả chỉ ra âm mưu hèn hạ cuộc giặc Minh khi lăm le xâm lược chủ quyền dân tộc ta. Tiếp theo vạch trần kế hoạch đầy dã tâm của chúng khi mượn gió bẻ măng với luận điệu xảo trá “phù Trần diệt Hồ” đúng hơn chỉ là một nguyên cớ để giặc Minh thừa cơ gây họa khi “thiên triều” luôn tồn tại mưu kế để xâm chiếm nước ta.

       Cũng ở đoạn này, Nguyễn Trãi chủ động đi sâu tố cáo những chủ trương cai trị phản nhân đạo của giặc Minh: hủy hoại cuộc sống con người (“nướng dân đen”, “vùi con đỏ”), hủy hoại môi trường sống (“tàn hại cả giống côn trùng, cây cỏ”). Chính luận cứ và lí lẽ với những dẫn chứng đưa ra càng khiến bản cáo trạng tăng tính thuyết phục và khơi dậy trong lòng người đọc bao nỗi hờn căm. Đó là nhờ vào ngòi bút viết cáo rất sắc sảo của Nguyễn Trãi.

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,

Vùi con đỏ xuống hầm tai vạ.

hay:

Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán.

       Cùng với sự thay đổi giọng văn một cách linh hoạt với nhịp điệu thay đổi từ nhanh đến chậm, chuyển thanh phù hợp Nguyễn Trãi kết thúc bản cáo trạng bằng những câu văn đầy hình tượng:

Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,

Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.

        Lấy cái vô hạn (trúc Nam Sơn) để nói cái vô hạn (tội ác của giặc), dùng cái vô cùng (nước Đông Hải) để nói cái vô cùng (sự nhơ bẩn của kẻ thù), câu văn đầy hình tượng và đanh thép đó để dân chúng thấy rõ tội ác đang hiện ra thành vần, thành chữ ngay trước mắt “Lẽ nào trời đất dung tha, Ai bảo thần dân chịu được?” của giặc Minh xâm lược.

       Lời văn trong bản cáo trạng đanh thép, thống thiết: khi uất hận trào sôi, khi cảm thương tha thiết, lúc muốn hét thật to, lúc nghẹn ngào, ấm ức,… những trạng thái cảm xúc rất khác nhau nhưng đều mang tâm trạng, tình cảm con người. Giai đoạn đầu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chủ yếu được tái hiện qua những khó khăn gian khổ: thiếu nhân tài, thiếu lương thực, quân đội,… thế nhưng người anh hùng Lê Lợi được thể hiện qua đoạn ba:

“Ngẫm thù lớn há đội trời chung,

Căm giặc nước thề không cùng sống.

Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời;

Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối.

Như thế sức mạnh để quân ta chiến thắng đó là ở cái ý chí quyết tâm, ở sự đoàn kết muôn người:

"Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới,

Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào.”

       Cuộc chiến được chia làm ba giai đoạn ở ba thời điểm: thời kì đầu của cuộc tổng phản công; giai đoạn căng thẳng và cuối cùng là thời kì chiến tranh kết thúc. Mỗi giai đoạn gắn với một mốc thời gian nhất định trong lịch sử. Càng tiến gần về chiến thắng, quân ta càng thể hiện rõ hơn ý chí  “dĩ chí nhân dịch cường bạo” (dùng chí nhân làm cho cường bạo phải thay đổi). Miêu tả chiến thắng bằng bút pháp nghệ thuật đậm chất anh hùng ca nên toàn bài cáo vang lên âm hưởng anh hùng từ không gian, thời gian. Đầu tiên là mở ra không gian thiên nhiên  đầy tráng lệ, kì vĩ, tiếp theo là vẽ ra khung cảnh chiến thắng “sấm vang chớp giật”, “trúc trẻ cho bay”, “sạch không kình ngạc”, “tan tác chim muông”, “trút sạch lá khô” khiến “đá núi cũng mòn”, “nước sông cũng phải cạn”. Bên cạnh chiến công lẫy lừng của quân và dân ta là thất bại ê chề của tướng giặc khi “máu chảy thành sông”, “máu trôi đỏ nước”, “thây chất đầy nội”, “thây chất đầy đường”. Chiến trường khi ấy tan tác trăm bề, thời gian, không gian như đắm chìm trong thuốc súng, khói bom  “sắc phong vân phải đổi”, “ánh phật nguyệt phải mờ” với chuyển rung dồn dập, dữ dội. Các tính từ chỉ mức độ ở điểm tối đa tạo thành hai mảng đối lập.

        Bức tranh toàn cảnh về thất bại ê chề của kẻ thù thì mỗi tên một vẻ, mỗi đứa một cảnh: Trần Hiệp phải chịu bêu đầu,… và gặp nhau ở một điểm là sự ham sống sợ chết đến hèn nhát. Qua hình tượng kẻ thù hèn nhát và được tha tội chết đã nêu bật tính chất chính nghĩa, nhân đạo sáng ngời của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

        Trong lời tuyên bố độc lập được lập lại, tác giả đã đồng thời rút ra bài học lịch sử: Đó là quy luật bĩ, thái (khốn cùng, thông suốt) của trời đất, cũng là quy luật suy vong hưng thịnh tất yếu của mỗi quốc gia. Sự kết hợp giữa sức mạnh truyền thống và sức mạnh thời đại: có hiện thực hôm nay và tương lai ngày mai cũng là bởi “nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng ngầm giúp đỡ”, nhờ có chiến công trong quá khứ: “Một cổ nhung y chiến thắng, nên công oanh liệt ngàn năm”. Trong lời tuyên bố kết thúc, cảm hứng về độc lập dân tộc và tương lai đất nước đã hòa quyện với cảm hứng về vũ trụ khi “bĩ”, khi “hối” những quy luật là hướng tới sự sáng tươi, phát triển khi vận hội duy tân đã mở.

        Đại cáo bình Ngô là sự kết hợp giữa lí lẽ và thực tiễn, giữa bút pháp tự sự có sức thuyết phục và hấp dẫn cao. Đúng như Xuân Diệu khẳng định “Trước Lê Lợi, đã từng có chiến thắng oanh liệt đuổi sạch quân Nguyên xâm lược ở thời nhà Trần, sau thời Lê Lợi, sẽ có chiến thắng thần tốc của vua Quang Trung đánh đuổi 20 vạn quân Thanh xâm lược, nhưng trong văn học sử chỉ có một áng văn Bình Ngô đại cáo, bởi các lẽ: không có ba Nguyễn Trãi để viết ba áng văn khải hoàn mà lịch sử đòi hỏi ở ba thời điểm, mà chỉ có một Nguyễn Trãi cụ thể, hiệu ức Trai, ở đầu triều Lê cùng với tài thao lược kinh bang tế thế, đã có cái thiên tài viết văn”.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021