logo

Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa


Phân tích tác phẩm: Chiếc thuyền ngoài xa

Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa | Văn mẫu 12 hay nhất

       Nguyễn Văn Hạnh từng nhận xét “Trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu, dù có là tiểu thuyết hay truyện ngắn, cốt truyện thường không đóng vai trò  nào đáng kể, nhà văn thường tập trung chú ý vào thân phận con người, tính cách nhân vật, đã huy động và đẩy tâm hồn của con người đa cảm rồi tạo ấn tượng tươi mới và xúc động về cuộc sống. Bút pháp chân tình và giọng văn đầy trầm ấm, ấm áp.” Quả đúng, từ sau năm 1975 mỗi tác phẩm của ông đã có sự thay đổi mạnh mẽ về quan niệm nghệ thuật, về con người và những đóng góp của ông trong công cuộc đổi mới với văn học nước nhà. Tất cả những băn khoăn được nhà văn vẽ tràn trên trang sách, đặt trong từng câu văn dưới tác phẩm mang Chiếc thuyền ngoài xa.

       Trước hết là nhân vật Phùng -người nghệ sĩ đích thực với hai khám phá của anh. Đó là “bức hoạ” giống như “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”. Bức ảnh khiến cảm xúc thẩm mĩ dấy lên trong lòng anh “khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Nói cách khác, chỉ trong khoảnh khắc, nghệ sĩ Phùng đã cảm thấy tâm hồn mình như được gột rửa, trở nên thật trong trẻo, tinh khôi. Những khoảnh khắc trong ngần vừa bắt đầu thì người nghệ sĩ kinh ngạc trước hiện thực. Một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi ; một gã đàn ông to lớn, dữ dằn; một hiện thực tàn nhẫn, …Đứa con vì thương mẹ đã đánh lại cha để rồi nhận lấy hai cái bạt tai mà ngã dúi xuống … Chứng kiến những cảnh tượng đó, nghệ sĩ Phùng kinh ngạc đến thẫn thờ : “Tất cả mọi việc xảy đến khiến tôi kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn”, cái xấu xa, ngang trái, bi kịch như nhuốm màu đau thương ghê sợ. Chao ôi! Nghệ thuật không thể chỉ dừng lại ở vẻ đẹp bề ngoài nhất là cái vẻ đẹp tuyệt vời thơ mộng, mà còn phải thấu nhị tới bề sâu, bề sâu của cuộc đời không hề đơn giản mà đầy ngang trái bi kịch. Cuộc sống luôn tồn tại những mặt đối lập, những mâu thuẫn : đẹp – xấu, thiện – ác…

        Người đàn bà hàng chài coi nỗi khổ vận vào đời mình như một lẽ đương nhiên. Chị chấp nhận để chồng đánh chỉ xin chồng là “đánh ở trên bờ, đừng để các con nhìn thấy”. Ở đây, lẽ đời đã chiến thắng. Nó là chất xúc tác để Phùng và chánh án Đẩu hiểu về lẽ thiệt hơn ở đời. Thức nhận được ở người phụ nữ ấy chứa đựng mẫu tính sâu xa như một bản năng: “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ”, những lời lẽ ấy của người đàn bà hàng chài được thốt lên từ một niềm tin đơn giản mà vững chắc vào cái thiên chức mà trời đã giao phó cho để cảm nhận hạnh phúc dẫu rất nhỏ nhoi trong cuộc sống đầy khó khăn. Qua nhân vật người đàn bà hàng chài, Nguyễn Minh Châu cũng khẳng định: gian lao không làm mất đi ở người phụ nữ tấm lòng yêu thương, nhân hậu bao dung, vị tha. Và với họ, gia đình hạnh phúc là gia đình trọn vẹn các thành viên cho dù đây đó vẫn có những tính cách chưa hoàn thiện.

       Truyện ngắn kết thúc bằng những suy nghĩ cảm nhận của người nghệ sĩ  thấy “hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai”, “người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh…”. Ở đây, “màu hồng hồng” là nét đẹp, là hạnh phúc, là niềm vui còn “người đàn bà” là chân dung của gian khổ, cam chịu và hy sinh.

        Qua tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện sự cảm thông sâu sắc đối với những cảnh đời, những thân phận trớ trêu, gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống đồng thời gửi gắm những chiêm nghiệm sâu sắc của mình về nghệ thuật.

Các bài viết liên quan:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021