logo

Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị ( Vợ chồng A Phủ)


Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị

Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị | Văn mẫu 12 hay nhất

         Nhà văn lớn là nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. Tấm lòng nhân đạo của nhà văn không chỉ thể hiện ở việc đồng cảm, thương xót cho số phận con người, mà còn ở niềm tin và bút lực của nhà văn khi đi sâu vào những vỉa tầng sâu kín của tâm hồn con người, để khám phá ra chất ngọc trong tâm hồn họ. Tô Hoài với một ngòi bút của một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn, đã đào sâu, kiếm tìm và phát hiện ra sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ.

         Tô Hoài mở đầu câu chuyện bằng những cảnh quay chậm từ hiện tại để rồi ngược về quá khứ để thấy được thân phận của Mị. Trước khi làm dâu gạt nợ, Mị là một cô gái hầu như tập trung được những vẻ đẹp tiêu biểu của người phụ nữ miền núi: Mị vừa đẹp người, vừa đẹp nết, cần cù, đảm đang, hiếu thảo, giàu đức hi sinh vị tha, ham sống, yêu đời và rất mực tài hoa. Ấy thế nhưng người con gái với vẻ đẹp và sức sống như cánh chim núi rừng Tây Bắc ấy đã bị giam hãm trong chiếc lồng chật hẹp, tù túng nhà thống lí Pá Tra. Mị làm quần quật suốt ngày đêm, thậm chí khi đặt Mị bên tảng đá hay so sánh với con ngựa, Tô Hoài như đã ngầm ám chỉ rằng thân phận của Mị giờ đang bị đối xử không bằng con trâu, con ngựa nhà họ. Để qua đó, người đọc thấy được thân phận làm dâu đong đầy nước mắt của Mị. "Có đến hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc". Nước mắt chính là bước đầu tiên cho sự phản kháng của Mị, nhưng giọt nước mắt ấy thậm chí còn dẫn sự phản kháng, uất nghẹn ấy đi xa hơn khi có lần Mị đã định tự tử bằng lá ngón. Nhưng vì lòng hiếu thảo, thương cha Mị đã từ bỏ. Ta dễ dàng nhận ra dưới mấy tầng áp bức của cường quyền, thần quyền, những hủ tục phong kiến nơi miền núi, Mị gần như tê liệt hết về sức sống, Mị lãnh đạm, thờ ơ với sự chảy trôi của thời gian, sắc màu cuộc sống của Mị trở nên mờ nhạt. Nó được biểu tượng bằng "Một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay", "lúc nào cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng”. Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". Mị trở nên câm lặng như đá, không thiết xanh cùng lá, không thiết nắng cùng gió, con chim núi rừng như đang bị kìm kẹp.

        Tưởng như sức sống trong người con gái Tây Bắc ấy đã lụi tàn, thì chính tiếng sáo dìu dặt, du dương ấy đã gọi dậy sức xuân trong lòng Mị, trong đêm tình mùa xuân. Tiếng sáo dẫn dắt tâm hồn Mị, khiến cô như bừng tỉnh, nhập hòa vào hiện tại, mà cũng đang trôi về miền kí ức không gian xưa để tìm lại tâm hồn tươi trẻ của chính mình. Mị cầm bát uống “ực” bát rượu. Hành động ấy chính là sự thay đổi về tâm lí để dẫn dắt cho sự thay đổi về hành động, hay là một tên gọi khác cho sự phản kháng. Mị muốn đi chơi, Mị nhận ra mình vẫn còn trẻ, cũng đồng thời tỉnh thức về nhà tù hiện thực tại nhà thống lí Pá Tra đã chôn vùi tuổi xuân và sức sống trong tâm hồn Mị. Ý thức được giá trị của tuổi trẻ, khát vọng sống, và khát vọng được tự do. Nhưng ngay lập tức, bị A Sử tạt một gáo nước lạnh trước sự hồi sinh ấy. Thế nhưng, Mị bây giờ dẫu bị trói quanh cột nhà, dẫu bị chôn vùi trong bóng tối đầy sợ hãi và cô độc ,thì con chim ấy tiếng ca tha thiết của nó vẫn cất mãi lên tận trời xanh.

          Đỉnh điểm của sự trỗi dậy, của sức sống tiềm tàng ở trong Mị là hành động cởi trói cho A Phủ trong đêm đông. Giọt nước mắt lăn dài trên hõm má xám đen lại của A Phủ chính là chất xúc tác thổi bùng lên ngọn lửa đang âm thầm nhen nhóm trong tâm hồn Mị. Mị nhìn thấy giọt nước mắt ấy, trước hết cảm thấy bất bình cho A Phủ.
Bao lâu nay, Mị sống câm lặng như tảng đá trong nhà Pá Tra, nay sự bất bình trỗi dậy, muốn đòi công lí, công bằng cho tha nhân? Suy nghĩ ấy, chẳng phải chính là đang manh nha của quá trình trỗi dậy ư? Tiếp đến, mặc dù trong trái tim và tâm hồn Mị đầy sự sợ hãi, và rợn ngợp về tương lai, nhưng hành động cắt dây cởi trói cho A Phủ lại quyết liệt và đầy sức mạnh. Mị xin chạy theo A Phủ, hành động đó thể hiện lòng ham sống, khát sống, khát khao tự do của Mị, đó cũng là hành động cắt dây cởi trói cho chính bản thân mình của Mị. Mị quyết liệt vùng lên, khao khát sống âm ỉ từ lâu nay cháy lên như ngọn đuốc, thắp sáng toàn bộ hành trình phía trước của cô.

        Tô Hoài đã bằng ngòi bút miêu tả tâm lí tài tình để lách sâu vào trong thế giới nội tâm của nhân vật Mĩ, từ đó, phát hiện ra sức sống trỗi dậy tiềm tàng trong tâm hồn Mị.

Các bài viết liên quan:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021