logo

Phân tích nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ


Mở bài Phân tích nhân vật Mị 

       Nhà văn Tô Hoài từng nói “Đất nước và con người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều quá, không thể bao giờ quên khi vợ chồng A Phủ tiễn tôi dưới chân núi Tà Sua rồi vẫy theo Chéo lù, chéo lù. Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi”. Cứ thế, nhà văn đã viết lên tác phẩm Vợ chồng A phủ tái hiện chân thực cuộc sống và thân phận con người vùng Tây Bắc, đặc biệt là qua chân dung nhân vật Mị.

Phân tích nhân vật Mị - Vợ chồng A Phủ | Văn mẫu 12


Thân bài Phân tích nhân vật Mị 

      Nói về Vợ chồng A Phủ là nói về giá trị khởi đầu của nó ở vị trí là một trong ba truyện để thành “Truyện Tây Bắc”. Nhà văn trong chuyến đi cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc đã sinh sống cùng nhân vật của mình, cùng vác củi, thổi sáo, bắt chuột, cướp vợ, cùng ăn rêu đá, thịt ngựa… Có lẽ bởi thế mà trong trang văn của Tô Hoài con người hiện lên gần gũi và chân thực hơn tất cả. Đặc biệt là qua  nhân vật Mị.

      Tác giả để Mị bước ra trong hình ảnh lầm lũi, cô đơn với hành động ngồi kéo sợi cạnh tàu ngựa. Chính hình ảnh đó đã gieo cho người đọc những ám ảnh, day dứt. Ngay sau đó, nhà văn đưa ngược về quá khứ với cô Mị trẻ trung, đầy sức sống, đầy mãnh liệt. Bao chàng trai say đắm tiếng sáo của Mị, cô “thổi lá cũng hay như thổi sáo” để “trai làng đều đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị. Chỉ vậy đã đủ để thấy hình ảnh Mị đẹp và tài, là niềm ước ao của mỗi chàng trai. Mị  như một bó hoa rừng đang độ rực rỡ sắc hương. Mị đẹp người còn đẹp cả nết, hiếu thảo, có tự trọng và có ý thức cao về cuộc sống của mình. Nghe tin thống lí Pá tra muốn cô làm dâu, Mị chẳng hề e ngại mà thẳng thắn với bố “ Con nay đã biết cuốc nương, làm ngô…” Bố đừng bán con cho nhà giàu.”.  Mỗi lời Mị nói là một lời khẳng định tinh thần mạnh mẽ, dám sống, dám ước mơ và đấu tranh vì tuổi xuân của mình.

        Bước về “làm dâu gạt nợ” nhà thống lí cũng là khi Mị bước chân vào cánh cửa của đọa đày. Họ dùng mọi thủ đoạn để biến cô gái xinh đẹp, tài năng và đầy đức hạnh thành một món hàng gạt nợ. Điều đó trực tiếp tố cáo thủ đoạn cho vay nặng lãi của bọn cho vay miền núi. Những ngày làm dâu là những ngày đau đớn nhất cuộc đời Mị đến độ “đêm nào Mị cũng khóc”. Đã có lần Mị trốn về nhà, quỳ lạy cha, tay cầm lá ngón để kết liễu cuộc đời mình. Đó chính là khi Mị có ý thức sâu sắc về khát vọng, cảnh ngộ của mình và là cách mà Mị đã phản kháng, chống lại sức mạnh của cường hào miền núi. Tìm đến cái chết lại chính là lúc Mị thèm sống nhất, đó là cách Mị đòi quyền sống một cuộc sống thực sự. Nhưng dường như tình thương cha còn cao hơn nỗi khát thèm được sống, Mị buộc lòng quay lại làm dâu nhà thống lí. Hành động của Mị một lần nữa thể hiện sự hiếu thảo và hy sinh của cô. Bước chân trở lại làm dâu cũng là trở lại với cực nhọc, bất hạnh và đớn đau cả thể xác lẫn tinh thần.

      Làm dâu nhà thống lí, Mị bị bóc bột và chà đạp đến tận cùng. Đầu tiên là nỗi đau thể xác. A Sử- người mà Mị lấy làm chồng nhẫn tâm đánh đập cô dã man, đầy tàn nhẫn. A Sử “đạp” Mị ngã bên bếp lửa khi cô thổi lửa vì bừng tỉnh giấc ngủ. A Sử lấy chân đạp vào mặt khi Mị bóp chân cho hắn rồi ngủ thiếp đi vì mệt. Trong đêm tình mùa xuân, khi trai gái hẹn hò, tiếng sáo gọi bạn yêu lửng lơ, mọi người vui vẻ, xúng xính áo quần thì A Sử trói Mị trong góc nhà đến không ngóc đầu lên được. Đau đớn về thể xác, Mị héo mòn cả về tinh thần. Nhà Pá Tra bắt Mị về làm dâu lại dùng sức mạnh của thần quyền để trói chặt đời Mị vào bóng ma vô hình, để cô mãi mãi bị ám ảnh về bóng ma ấy. Căn buồng nơi Mị ở “chỉ có lỗ vuông bằng bàn tay, lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng”. Nơi tối tăm ấy làm Mị mất hết ý niệm về thời gian, nó như nhà ngục giam hãm tuổi trẻ thời con gái của Mị. Chính những nỗi đau đã đè nặng lên vai Mị, khiến cô tê liệt cả tinh thần, sức phản kháng dường như đã ngủ quên hay hoàn toàn tê liệt. Rõ ràng, qua cô Mị ta thấy rõ tội ác của thống trị miền núi không chỉ dừng ở việc bóc lột sức lao động, cũng không phải sự đọa đày mà đau đớn hơn cả là làm héo mòn những tâm hồn, khát khao mãnh liệt của con người.

      Những tưởng sức sống của Mị đã bị dập tắt nhưng nó chợt bùng lên mãnh liệt trong đêm tình mùa xuân. Sức sống ấy là dạng sức sống tiềm ẩn, ẩn sau vẻ vô cảm, thẫn thờ của nhân vật. Đó là khát vọng một thời của Mị đã bị vùi sâu vào câm lặng nhưng nó giống như lớp than hồng vùi dưới lớp tàn tro. Nó sẽ cháy bùng lên rực rỡ khi đủ “ấm”. Và cô Mị đã bắt gặp hơi ấm ấy trong một đêm mùa xuân Hồng Ngài. Trong đêm tình mùa xuân, khi gió thổi cỏ ranh vàng ửng, những chiếc váy hoa được đem ra phơi như những con bướm sặc sỡ… Không gian tràn ngập hơi thở, hương sắc của tình yêu, tác động không nhỏ đến lòng người. Khi ấy, Mị uống rượu, “uống ực từng bát” . Hành động của Mị dường như có sự phá cách trong tâm hồn của con người chịu nhiều những đắng cay, Mị uống như nuốt hận, uống để mà say, mà quên đi thực tại để trở về quá khứ. Tiếng sáo đã đưa Mị về với ngày trước, đánh thức khát vọng tình yêu tưởng như đã bị chôn vùi trỗi dậy rộn ràng, phơi phới, đầy khao khát. Mị chuẩn bị lại quần áo, lấy thêm miếng mỡ thắp sáng ngọn đèn. Ở đây, nhà văn đã thấu hiểu được nỗi niềm rộn ràng, thấu hiểu sức mạnh bản thân, thấu hiểu cả sức mạnh tình yêu nóng bỏng, nồng nàn trong Mị. Ông đã nhạy bén và sáng tạo những chi tiết nghệ thuật đặc sắc có hiệu quả cao trong miêu tả diễn biến tâm lý làm bật khát khao và sức sống mãnh liệt của nhân vật Mị.

      Không dừng lại ở đêm tình mùa xuân mà tâm hồn Mị còn trỗi dậy bởi tiếng sáo và hành động cởi trói cho A Phủ trong đêm đông. Tiếng sáo như tiếng gọi của linh hồn, nhiều lần kêu gọi và miêu tả từ xa đến gần, giống như sức sống mỗi lúc một căng tràn hơn trong tâm hồn Mị. Thoạt đầu thì lấp ló ở đầu núi, rồi văng vẳng đầu làng, lửng lơ bay ngoài đường rồi dập dờn trong đầu Mị. Tới khi Mị biết mình bị trói thì tiếng sáo như ngừng lại. Tô Hoài đã bày tỏ niềm tin tưởng đồng thời ca ngợi sức sống mãnh liệt của con người cho dù bị đày đọa đến tột cùng của đau khổ nhưng mầm sống luôn âm ỉ, bền bỉ để khi gặp điều kiện thuận lợi lại bùng lên mạnh mẽ.

      Sau đêm tình mùa xuân, Mị trở về dáng vẻ câm lặng và có lẽ Mị sẽ cứ thế mà đi hết cuộc đời mình tại nhà thống lý nếu không có sự kiện A Phủ bị bắt và trói tại nhà thống lí. Mị vẫn thường ngồi hơ tay bên bếp lửa, đêm trước Mị cũng thấy A Phủ bị trói ở góc nhà nhưng cô lại thản nhiên đến mức lạnh lùng. Thậm chí Mị còn nghĩ A Phủ có là xác chết thì cũng thế thôi. Sở dĩ, Mị có thái độ đó bởi cảnh người bị trói tại nhà thống lí như thành thông lệ và bởi sau đêm tình mùa xuân thì tâm hồn Mị đã trở nên tê cứng bởi quá nhiều đau khổ. Thế nhưng, bắt gặp “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại của A Phủ”, Mị đã khác. Chính dòng nước mắt đã giải hóa tâm hồn khô cằn, chai sạn của Mị, giúp Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ. Giữa Mị và A Phủ có sự đồng cảnh, đồng cảm. Mị nhớ về cảnh ngộ bi thảm của mình rồi lòng ngập nỗi thương thân và đến thương người. Có lẽ, nỗi thương người lớn hơn cả thương chính mình, Mị sẵn sàng chết để A Phủ được sống, tình thương người mãnh liệt giúp Mị bản lĩnh cắt dây cởi trói cho A Phủ. Giây phút A Phủ chạy nhanh trong đêm, lòng Mị ngổn ngang những rối bời. Mị nhanh chóng chạy vụt đuổi theo A Phủ. Khi chạy theo A Phủ cũng là khi Mị tự cắt sợi và dây cởi trói cho chính mình để đến với chân trời tự do, hạnh phúc.


Kết bài Phân tích nhân vật Mị 

       Như vậy, thông qua số phận của nhân vật Mị nhà văn đã phản ánh số phận đau khổ của người dân miền núi, tố cáo tội ác của bọn thống trị miền núi. Đồng thời thể hiện niềm tin bất diệt của những con người khốn khổ, sống trong đọa đày nhưng từ tự phát đến tự giác và bước chân đến với Cách mạng.

Các bài viết liên quan:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021