logo

Soạn bài: Vợ chồng A Phủ

Hướng dẫn Soạn bài Vợ chồng A Phủ chi tiết đầy đủ nhất. Với bản soạn văn 12 này các bạn sẽ được trả lời toàn bộ các câu hỏi trong phần Đọc- hiểu và Luyện tập, qua đó nắm vững nội dung tác phẩm tốt nhất


Khái quát về tác giả Tô Hoài để soạn bài Vợ chồng A Phủ

Soạn văn 12: Vợ chồng A Phủ

Khái quát về tác phẩm Vợ chồng A Phủ để soạn bài hay nhất

Tóm tắt:

Tác phẩm có thể được chia thành 2 phần chính: bóng tối ở Hồng Ngài và ánh sáng ở Phiềng Sa. Đoạn trích chủ yếu xoay quanh phần đầu của tác phẩm. Chính vì thế bao trùm lên toàn bộ không gian văn bản là sự tù túng, mù mờ của những kiếp người chịu đọa đầy. Thiên nhiên Tây Bắc hiện lên có đẹp, có nên thơ nhưng cũng không làm phai mờ dấu vết nô lệ, cuộc đời cay đắng mà Mị cũng như A Phủ phải chịu đựng. Nhân vật chính của tác phẩm: Mị - con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra, còn A Phủ là con ở gạt nợ. Sau nhiều cay đắng, hai người đã tìm thấy nhau, tìm thấy lẽ sống mới và quyết định bỏ trốn để hi vọng một tương lai tươi sáng hơn.

Bố cục

- Phần 1 (từ đầu ... bao giờ chết thì thôi): tâm trạng và hoàn cảnh sống của Mị

- Phần 2 (tiếp ... đánh nhau ở Hồng Ngài): hoàn cảnh của A Phủ

- Phần 3 (còn lại): cuộc tự giải thoát của Mị và A Phủ


Soạn bài Vợ chồng A Phủ chi tiết từng cầu trong SGK Ngữ văn 12

Câu 1 (trang 14/15 sgk Văn 12 Tập 2):

Soạn bài: Vợ chồng A Phủ (chi tiết)

- Trước khi bị bắt về làm dâu gạt nợ, thân phận Mị được tái hiện thông qua những chi tiết như:

+ Thứ nhất, Mị là cô gái trẻ trung, tràn đầy sức sống và vô cùng xinh đẹp. Mị lại có tài thổi sáo khiến bao chàng trai mê đắm, tình nguyện đi theo tiếng sáo của Mị.

+ Mị vô cùng hiếu thảo với cha mẹ. Dù còn trẻ tuổi và lại là một người con gái chân yếu tay mềm nhưng vẫn tình nguyện, đầy kiên quyết khi khẳng định với cha, rằng mình sẽ cày nương, cuốc rãy, dùng chính sức lao động của mình để trả nợ cho nhà thống lí Pá Tra.

=> Một người con gái vừa đẹp người lại vừa đẹp nết như thế theo lẽ thông thường đáng được hưởng một cuộc sống hạnh phúc, thế nhưng, đúng như đại thi hào Nguyễn Du từng viết: “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”. Dường như vẻ đẹp của Mị cũng báo trước cho một tương lai không mấy phẳng lặng. Cuộc đời của Mị bước sang một trang mới, đen tối hơn, cay đắng hơn kể từ khi bị A Sử bắt về làm vợ vào đêm tình mùa xuân.

- Kể từ khi bị bắt về làm dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra, Mị phải sống cuộc sống vô cùng cực khổ, tủi nhục:

+ Hằng ngày, Mị phải làm việc chẳng lúc nào ngơi tay, mặt lúc nào cũng lầm lũi cúi xuống đất mà làm, không thể ngẩng mặt lên mà nhìn mặt trời. Đã có lúc Mị thấy mình khổ hơn con trâu, con ngựa bởi vì trâu hay ngựa thì làm cũng có lúc nghỉ, cũng có lúc thảnh thơi mà đứng gãi chân nhai cỏ, chứ còn Mị làm quanh năm suốt tháng chẳng nghỉ ngơi.

+ Không chỉ phải làm việc cực nhọc, Mị còn không được tôn trọng như một con người. Mị sống lầm lũi trong nhà thống lí Pá Tra như bao người đàn bà khác, lầm lũi trong xó cửa như con rùa người ta nuôi góc nhà vậy. Căn buồng của Mị chỉ có một lỗ cửa sổ bé bằng bàn tay, lúc nào trông ra cũng chỉ thấy nhờ nhờ, trăng trắng không biết là trăng hay là nắng, ngày hay là đêm.

+ Mị không được sống như một người vợ của A Sử, không được làm đẹp, đi chơi trong những ngày xuân tươi đẹp, không được uống rượu vào mỗi dịp tết như bao người khác,…

+ Không chỉ vậy, Mị còn bị A Sử đánh đập vô cùng dã man, tàn bạo.

=> Chính vì những sự chèn ép, áp bức của nhiều tầng thống trị như thế đã biến một cô Mị tràn đầy sức sống trở thành một cái bóng không hồn, một con người sống lầm lũi không biết đến tương lai. Mị đã không còn khóc, không còn thấy khổ bởi ở lâu trong cái khổ Mị cũng quen rồi.

- Thế rồi tâm trạng Mị lại một lần nữa bước sang bước phát triển mới vào một đêm tình mùa xuân và đêm đông cứu A Phủ.

+ Vào đêm tình mùa xuân, tâm trạng Mị được đặc tả theo sự phát triển của tiếng sáo. Tiếng sáo từ xa lại gần, Mị từ mơ thành tỉnh, vùng bước đứng dậy.

Khi tiếng sáo còn xa xăm ngoài đầu núi, Mị thiết tha bổi hổi, ngồi nhẩm lại bài hát của người thổi sáo.

Khi tiếng sáo tiến gần hơn đến đầu làng, Mị bỗng thèm uống rượu, Mị lén lấy hũ, cứ uống ừng ực từng bát. Rồi Mị say, Mị nhớ lại những ngày tháng tươi đẹp trước kia, nhớ về tuổi xuân và những mối tình ngây trẻ, những ngày tháng đã mãi mãi không trở về. Có cay đắng không cơ chứ, uống để quên đi thực tại mà dường như Mị càng uống càng tỉnh, càng nhớ về quá khứ tươi đẹp càng cay đắng cho thân phận bây giờ. Chính vì thế, trong đầu Mị đã nảy ra ý định phản kháng lại mạnh mẽ nhất đó chính là cái chết. Mị muốn chết ngay để không phải nhớ lại những ngày đã qua ấy nữa.

Thế rồi, khi tiếng sáo đã thâm nhập vào đến đầu Mị, nó làm Mị phản ứng lại thực tại bằng cách quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa để đi chơi. Mị muốn đi chơi. Mị vẫn còn trẻ. Mị không thể trôn vùi thanh xuân của mình trong căn phòng với bốn bức tường chật hẹp này được.

=> Sức sống theo tiếng sáo đã tìm đường trở lại với Mị. Nhưng đó là sự trở lại không mạnh mẽ và đầy e dè. Khi các thế lực cường quyền bạo ngược trở nên mạnh mẽ hơn, sức sống mới ấy trở nên yếu thế và dần bị đánh bại. Thế nhưng sức sống của Mị không hề bị vùi tắt hẳn. Tiếng sáo vẫn âm ỉ trong đầu Mị và chờ một ngày cùng Mị bùng lại dữ dội hơn. Ngày đó cuối cùng cũng đến trong đêm đông cứu A Phủ.

+ Trong đêm đông cứu A Phủ, diễn biến tâm trạng của Mị cũng có nhiều sự thay đổi.

Lúc đầu, nhìn thấy A Phủ, Mị hoàn toàn dửng dung, dường như nhìn thấy những con người bị đánh đập ở nhà thống lí Pá Tra này là điều quá bình thường.

Chỉ đến khi nhìn thấy giọt nước mắt của A Phủ, âm thanh tiếng sáo đêm tình mùa xuân năm trước mới sống lại trong tâm trí Mị. Mị nhớ lại mình đã từng cay đắng như thế nào. Mị nghĩ rằng mình chịu khổ đau là điều đương nhiên, thế nhưng người kia vì lẽ nào mà cũng phải chịu cảnh cực khổ như thế. Từ thương mình Mị đã thấy thương người, từ tình cảm ấy Mị đã đi tới hành động cụ thể là cắt dây cứu A Phủ.

Sau khi tình cảm đã được giải tỏa, lí trí mới bắt đầu khiến Mị lo lắng. Nếu bố con thống lí Pá Tra phát hiện ra hành vi của Mị thì sẽ như thế nào? Chính vì lẽ đó, Mị đã quyết định chạy theo A Phủ, để đi tìm một cuộc sống mới.

Câu 2 (trang 15 sgk Văn 12 Tập 2):

- Nhân vật A Phủ hiện lên thông qua những hành động cụ thể:

+ Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, A Phủ sống bằng chính sức lao động của mình. Là một thanh niên chịu khó, lại có sức khỏe hơn người nên nhiều cô gái thầm ao ước, lấy được A Phủ là có được một con trâu quí trong nhà. Thế nhưng ao ước cũng chỉ là ao ước, bởi A Phủ nghèo, lại không còn cha mẹ, nên khó mà có đủ bạc ruộng mà lấy vợ.

+ Mạnh mẽ, dám đấu tranh với cái ác khi mà đánh lại A Sử. Từ hành động đó, A Phủ đã bị bắt phạt trở thành con nợ làm không công cho nhà thống lí Pá Tra.

+ Khi trở thành người làm cho nhà A Sử, A Phủ vẫn là một chàng trai mạnh khỏe, làm hết sức cho nhà chủ,, không ngại khó ngại khổ.

+ Hành động bỏ trốn trong đêm đông giá rét cho thấy sức sống mãnh liệt của A Phủ.

- So sánh với nhân vật Mị, có thể thấy, Mị được xây dựng theo bút pháp miêu tả tâm lí, nội tâm, còn nhân vật A Phủ thì lại xây dựng bằng những hành động cụ thể. Đây là 2 dạng nhân vật trong văn học là nhân vật tư tưởng tình cảm và nhân vật hành động.

Câu 3 (trang sgk Văn 12 Tập 2):

Tác giả đã có những quan sát đầy tinh tế và độc đáo thông qua thiên truyện này về đề tài miền núi.

- Tô Hoài đã dựng được một câu chuyện với cách trần thuật linh hoạt, giọng kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn.

- Hệ thống nhân vật điển hình cho thân phận con người miền núi trước cách mạng.

- Nhân vật hiện lên sống động, nội tâm phong phú.

- Những phong tục, cảnh sắc sinh hoạt của đồng bào miền núi hiện lên cũng vô cùng sống động, hấp dẫn người đọc.


Soạn bài Vợ chồng A Phủ - Luyện tập

Nhận xét – Ý nghĩa

Giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ:

- Tố cáo xã hội miền núi với nhiều tầng áp bức bóc lột người dân nghèo.

- Thương cảm cho số phận những người dân nghèo.

- Ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp và khát khao sống chính đáng của những con người thấp cổ bé họng trong xã hội.


Các bài viết liên quan khác:

Phân tích bài Vợ chồng A Phủ

Phân tích nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ

Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị ( Vợ chồng A Phủ)

Phân tích nhân vật A Phủ

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 02/07/2021

Tham khảo các bài học khác