Phân tích nội dung cơ bản của quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập?
Lời giải
Khi nghiên cứu sự vận động phát triển của mọi sự vật, hiện tượng, trong triết học đã xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng sự vật hiện tượng vận động phát triển được là nhờ vào cú huých từ bên ngoài, cú huých của thượng đế; có quan điểm lại cho rằng do cảm giác, phức hợp cảm giác vận động thì sự vật, hiện tượng mối vận động.
Theo quan điểm chủ nghĩa duy vật biện chứng, nguồn gốc của vận động, phát triển là do sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập có ở trong sự vật. Bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng chứa đựng sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập; thống nhất của các mặt đối lập là tương đối, tạm thời, là tiền đề cho sự tồn tại của sự vật; đấu tranh của các mặt đối lập là tuyệt đối vĩnh viễn, là nguồn gốc động lực bên trong của sự vận động phát triển của mọi sự vật, hiện tượng.
Mặt đối lập là những mặt, những đặc điểm có khuynh hướng vận động trái ngược nhau cùng tồn tại trong một sự vật, hiện tượng. Cứ hai mặt đối lập tạo nên một mâu thuẫn. Trong một sự vật có nhiều mâu thuẫn, mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài; mâu thuẫn cơ bản và không cơ bản; mâu thuẫn đối kháng và không đối kháng (trong xã hội), vai trò của mâu thuẫn không ngang bằng nhau đối với sự vận động phát triển sự vật và vai trò của hai mặt đối lập trong một mâu thuẫn cũng không ngang bằng nhau. Khi hai mặt đối lập chúng còn thống nhất với nhau thì sự vật còn tồn tại, nhưng là sự thống nhất của hai mặt đối lập cho nên chúng luôn tác động qua lại, đấu tranh với nhau.
Trong thời gian các mặt đối lập còn thống nhất với nhau, chúng làm cơ sở, điều kiện của nhau, tồn tại của mặt này phải lấy mặt kia làm tiền đề. Sự thống nhất của các mặt đối lập là tính không thể tách rời nhau của các mặt đối lập. Giữa các mặt đối lập bao giờ cũng có những nhân tố giống nhau, “đồng nhất” với nhau. Sự thống nhất của các mặt đối lập còn bao hàm sự “đồng nhất” của các mặt đó. Trong khoảng thời gian thống nhất các mặt đối lập, chúng chưa bài trừ, phủ định được nhau. Đây là sự tác động ngang nhau giữa chúng, là trạng thái vận động của mâu thuẫn ở một giai đoạn phát triển, khi diễn ra sự cân bằng của các mặt đối lập.
Trong quá trình thông nhất, các mặt đối lập luôn tích lũy về lượng, để đấu tranh với nhau. Sự thông nhất bao hàm đấu tranh. Do vậy, thống nhất của các mặt đối lập chỉ là tạm thời, thoáng qua có điều kiện, nhưng nó có vai trò để cho sự vật tồn tại và làm tiền đề cho đấu tranh.
Đấu tranh giữa các mặt đối lập là sự tác động qua lại theo xu hướng bài trừ và phủ định lẫn nhau. Mâu thuẫn rất đa dạng và phong phú, do vậy hình thức đấu tranh giữa các mặt đối lập cũng rất phong phú. Hình thức đó tùy thuộc vào tính chất, mối quan hệ qua lại, lĩnh vực tồn tại của các mặt đối lập và điều kiện trong đó diễn ra cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập. Sự bài trừ thủ tiêu lẫn nhau của các mặt đối lập chỉ là một trong những hình thức đấu tranh của chúng.
Đấu tranh giữa các mặt đối lập là một quá trình diễn ra từ thấp đến cao, qua các giai đoạn phát triển khác nhau của mâu thuẫn. Từ sự đồng nhất, sự khác biệt, phát triển thành sự đối lập, sự xung đột, và cuối cùng là sự chuyển hóa các mặt đối lập. Sự chuyển hóa các mặt đối lập diễn ra bằng các hình thức khác nhau, phong phú, đa dạng. Chỉ khi nào đấu tranh đạt đến sự chuyển hóa các mặt đối lập, mâu thuẫn được giải quyết, các mặt đối lập cũ được thay thế bằng các mặt đối lập mới khác hẳn về chất thì sự vật cũ mất đi, sự vật mới ra đời.
Mâu thuẫn tồn tại ở mọi giai đoạn, mọi quá trình phát triển, cho nên các mặt đối lập không có lúc nào không đấu tranh với nhau. Do vậy, đấu tranh là tuyệt đối vĩnh viễn, đấu tranh phá vỡ thống nhất cũ, thiết lập thống nhất mới cao hơn. Thống nhất mới lại có mâu thuẫn mới và lại tiếp tục đấu tranh, cứ như vậy làm cho sự vật, hiện tượng phát triển.
Trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, phải tích cực phát hiện mâu thuẫn, tạo điều kiện để giải quyết mâu thuẫn, thúc đẩy sự vật phát triển.