logo

Phân tích những giá trị lịch sử, những hạn chế của chủ nghĩa xã hội không tưởng

Câu hỏi: Phân tích những giá trị lịch sử, những hạn chế của chủ nghĩa xã hội không tưởng. Vì sao tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ này được gọi là chủ nghĩa xã hội không tưởng?

Trả lời:


1. Những giá trị và những hạn chế lịch sử của chủ nghĩa xã hội không tưởng

a. Những giá trị của chủ nghĩa xã hội không tưởng:

Chủ nghĩa xã hội không tưởng có một quá trình phát triển lâu dài, từ chỗ là những ước mơ, khát vọng thể hiện trong các câu chuyện dân gian, các truyền thuyết tôn giáo đến những học thuyết xã hội – chính trị. Cống hiến lớn lao của chủ nghĩa xã hội không tưởng:

- Một là, chủ nghĩa xã hội không tưởng đã thể hiện tinh thần lên án, phê phán kịch liệt và ngày càng gay gắt các xã hội dựa trên chế độ tư hữu, chế độ quân chủ chuyên chế và chế độ tư bản chủ nghĩa; góp phần nói lên tiếng nói của những người lao động trước tình trạng bị áp bức, bóc lột ngày càng nặng nề.

- Hai là, chủ nghĩa xã hội không tưởng đã phản ánh được những ước mơ, khát vọng của những giai cấp lao động về một xã hội công bằng, bình đẳng, bác ái. Nó chứa đựng giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc thể hiện lòng yêu thương con người, thông cảm, bênh vực những người lao khổ, mong muốn giúp đỡ họ, giải phóng họ khỏi nỗi bất hạnh.

- Ba là, chủ nghĩa xã hội không tưởng bằng việc phác họa ra mô hình xã hội tương lai tốt đẹp, đưa ra những chủ trương và nguyên tắc của xã hội mới mà sau này các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học đã kế thừa một cách có chọn lọc và chứng minh chúng trên cơ sở khoa học.

Với những giá trị lịch sử trên mà chủ nghĩa xã hội không tưởng, chủ yếu là của chủ nghĩa xã hội không tưởng – phê phán đầu thế kỷ XIX, được các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học thừa nhận là một trong ba nguồn gốc lý luận của chủ nghĩa Mác.

b. Những hạn chế của chủ nghĩa xã hội không tưởng:

- Một là, chủ nghĩa xã hội không tưởng không giải thích được bản chất của các chế độ nô lệ làm thuê. Đặc biệt là nó không thấy được bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa, chưa khám phá ra được quy luật ra đời, phát triển và diệt vong của các chế độ đó, đặc biệt là chủ nghĩa tư bản nên cũng không chỉ ra được con đường, biện pháp đúng đắn để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.

- Hai là, chủ nghĩa xã hội không tưởng đã không phát hiện ra lực lượng xã hội tiên phong có thể thực hiện cuộc chuyển biến cách mạng từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản – lực lượng xã hội đã được sinh ra, lớn lên và phát triển cùng với nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa, đó là giai cấp công nhân.

- Ba là, chủ nghĩa xã hội không tưởng muốn cải tạo xã hội bằng con đường cải lương chứ không phải bằng con đường cách mạng.


2. Chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ này được gọi là chủ nghĩa xã hội không tưởng 

Vì: Nó không tồn tại ở đâu cả, vì nó hướng tới 1 xã hội không có tư hữu, không có bóc lột, không có giàu nghèo:

Các trào lưu không tưởng chỉ mới phê phán chủ nghĩa tư bản, lên án tình trạng bất công và những thảm hoạ do nó gây ra, mà không giải thích được nguồn góc kinh tế sâu sa của tình trạng ấy. Những nhà không tưởng có ý thức bênh vực lợi ích của những người lao động, nhưng chưa thấy vai trò lịch sử của giai cấp vô sản. Họ muốn đứng trên các giai cấp, nhân danh toàn xã hội để mưu giải phóng toàn xã hội. Nhiều người cho rằng xã hội đầy rẫy xấu xa vì chưa phát hiện chân lí tuyệt đối và vĩnh cửu để có thể thuyết phục và cảm hoá mọi người, không phân biệt giai cấp và giàu nghèo. Phần đông những nhà không tưởng tách rời học thuyết của họ với phong trào quần chúng. Họ không nhận thức rõ lực lượng của quần chúng. Trái lại, họ muốn đi tìm một sức mạnh tinh thần làm chỗ dựa cho công cuộc cải tạo xã hội. Nhiều người mong muốn cải tạo xã hội bằng những cải cách dần dần, bằng giáo dục, chứ không phải bằng đấu tranh cách mạng. Về cơ bản họ vẫn đứng trên lập trường duy tâm về lịch sử.
Tính chất không tưởng của chủ nghĩa xã hội trước chủ nghĩa Mác chủ yếu là do những điều kiện lịch sử quy định. Trong hoàn cảnh phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chưa phát triển đầy đủ , mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản chưa chín muồi thì mọi lí thuyết về chủ nghĩa xã hội cũng chưa thể chín muội.

Đến những năm 40 của thế kỉ XIX , mọi trào lưu xã hội chủ nghĩa không tưởng đều trở thành lạc hậu , bảo thủ hoặc phản động, vì cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản đã diễn ra với quy mô rộng lớnvà đã có những hình thức rõ rệt , đòi hỏi phải có một lí luận cách mạng khoa học soi đường . Chính Các-Mác và Ph. Ăng-ghen là những người đã đáp ứng được yêu cầu cấp bách đó của phong trào giai cấp vô sản.

icon-date
Xuất bản : 06/10/2021 - Cập nhật : 07/10/2021