logo

Phân tích Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông (ngắn gọn)

Bài thơ Những cánh buồm của nhà thơ Hoàng Trung Thông là một bài thơ hay viết về tình cảm cha con ấm áp và thể hiện ước mơ khám phá của trẻ thơ, được rút ra từ tập thơ cùng tên xuất bản năm 1964. Các bạn hãy đến với bài viết sau đây của chúng tôi để hiểu hơn về bài thơ nhé.


Dàn ý Phân tích Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông (ngắn gọn)

a. Mở bài:

Giới thiệu chung về bài thơ

b. Thân bài:

- Hai khổ thơ đầu: Khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp nơi cha và con đi dạo

+ Bờ cát rộng với nắng rực rỡ

+ Hình ảnh hai chiếc bóng đáng yêu và ý nghĩa

+ Nhờ cơn mưa mà biển xanh hơn, cát mịn hơn,...

=> Cha dắt con đi dạo mà lòng vui phơi phới, vì thấy con mình đang khỏe mạnh, vui vẻ chơi đùa.

- Ba khổ thơ tiếp: Ước mơ khám phá thế giới xung quanh của con

+ Người con ngây thơ hỏi cha: “Cha ơi, sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời, Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?”

+ Người cha có câu trả lời ý nghĩa, khơi gợi sự ham học hỏi, khám phá của con: “Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa,...Ở nơi đó cha chưa hề đi đến.”

+ Con ước mơ được khám phá thế giới xung quanh, được theo cánh buồm đi muôn nơi khám phá.

- Khổ thơ cuối: Người cha thấy hình ảnh của mình ở con, kỳ vọng con sẽ tiếp nối ước mơ của mình

+ Cha thấy mình thời xa thẳm

+ Thấy ước mơ của con cũng giống như mình hồi bé

=> Tự hào, kỳ vọng con sau này lớn khôn sẽ đi đến muôn nơi, thực hiện được ước mơ.

c. Kết bài:

Khái quát lại nội dung bài thơ Những cánh buồm.

>>> Tham khảo: Đoạn văn cảm nhận bài thơ Những cánh buồm


Phân tích Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông (ngắn gọn)

Phân tích Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông (ngắn gọn)

      Trong kho tàng văn học Việt Nam, có rất nhiều tác phẩm viết về tình cảm gia đình, nhiều hơn cả chính là những tác phẩm viết về tình mẫu tử. Tình phụ tử cũng là tình cảm thiêng liêng không kém tình mẫu tử trong cuộc đời của mỗi người, nhưng dường như có ít tác phẩm viết về nó hơn. Nổi bật trong những tác phẩm viết về tình phụ tử chính là bài thơ Những cánh buồm của tác giả Hoàng Trung Thông được in trong tập thơ cùng tên, xuất bản năm 1964. Bài thơ là cuộc trò chuyện khi dạo chơi trên biển của hai cha con, cuộc trò chuyện tâm tình nhưng lại vô cùng ấm áp và mang tới nhiều thông điệp ý nghĩa. 

      Mở đầu bài thơ là khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp nơi hai cha con đi dạo: 

"Hai cha con bước đi trên cát

Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh

Bóng cha dài lênh khênh

Bóng con tròn chắc nịch,

 

Sau trận mưa đêm rả rích

Cát càng mịn, biển càng trong

Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng

Nghe con bước, lòng vui phơi phới."

      Cha dẫn con đi chơi ở một nơi thật đẹp làm sao! Đó là bờ biển với bãi cát rộng lớn và ánh mặt trời chiếu lung linh biển xanh. Cảnh tượng đó thật lộng lẫy và trong trẻo. Hình ảnh hai cha con bắt đầu được nhà thơ Hoàng Trung Thông khắc hoạ ở những câu thơ tiếp theo. Được ánh mặt trời chiếu vào, người cha cao lớn nay có một chiếc bóng "dài lênh khênh", còn người con nhỏ bé lại có chiếc bóng "tròn chắc nịch". Hai chiếc bóng đối lập với nhau tạo nên bức tranh cha con thật đáng yêu và ấm áp. Chiếc bóng không chỉ thể hiện độ tuổi bên ngoài của hai cha con mà còn thể hiện cả độ tuổi tâm hồn, người cha là một người trưởng thành, với suy nghĩ chín chắn còn người con vẫn còn nhỏ bé với suy nghĩ thơ ngây, trong sáng. Khung cảnh dạo chơi của hai cha con trở nên thoáng đãng và yên bình hơn nhờ trận mưa đêm hôm trước, mưa đã khiến cho cát mịn, biển đã xanh nay lại trong hơn. Ánh nắng sau cơn mưa có một màu hồng nhẹ dễ chịu và mộng mơ. Dắt con đi, nghe tiếng con bước, người cha hạnh phúc trong lòng, niềm vui "phơi phới". Đây là niềm hạnh phúc của bậc cha mẹ khi thấy con mình lớn khôn, khoẻ mạnh chơi đùa. Tình yêu của cha dành cho con đã ngập tràn trong không gian thiên nhiên tươi đẹp.

      Người con vẫn là một đứa trẻ ngây thơ và trong sáng với những câu hỏi rất ngộ nghĩnh và dễ thương: 

Con bỗng lắc tay cha khẽ hỏi:

“Cha ơi, sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời,

Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?”

      Với câu hỏi ngây thơ tưởng chừng dễ trả lời của trẻ con thật ra lại là những câu hỏi khó trả lời nhất. Nhưng người cha vẫn cố gắng giải thích cho con hiểu, để tâm hồn thơ ngây của con được bảo vệ và phát triển:

Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ:

“Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa,

Sẽ có cây, có cửa, có nhà

Vẫn là đất nước của ta

Ở nơi đó cha chưa hề đi đến.”

      Xung quanh trẻ em luôn là mười vạn câu hỏi vì sao. Người cha đã trả lời câu hỏi của con cách trung thực và gợi mở cho con kĩ năng tự tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh. 

      Cha lại dắt tay đứa con nhỏ đang tò mò về thế giới đi tiếp bên bờ biển: 

“Cha lại dắt con đi trên cát mịn,
Ánh nắng chảy đầy vai
Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời
Con lại trỏ cánh buồm xa hỏi khẽ:
“Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé,
Để con đi!”

      Ánh nắng giờ đây đã "chảy đầy vai" hai cha con. Đây là một hình ảnh miêu tả vô cùng thú vị của nhà thơ Hoàng Trung Thông, ánh nắng lại có thể chảy ra như chất lỏng, lan xuống khắp vai người nó chiếu vào. Biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đã được Hoàng Trung thông sử dụng thật điêu luyện. Sau câu hỏi của con, người cha "trầm ngâm" hướng ánh mắt ra đến cuối chân trời. Người cha đang suy nghĩ điều gì? Có lẽ là suy nghĩ về đứa con thơ nay đã biết hỏi những câu hỏi phong phú và ý nghĩa, cha thấy con đang lớn lên từng ngày, rồi một ngày kia, con cũng sẽ như cánh buồm đi đến những nơi xa để lập nghiệp và nhìn ngắm thế giới này. Con lại chỉ vào cánh buồm và bảo cha mượn cánh buồm trắng như lời cha kể giúp con, để con đi. Lời nói vô tư, hồn nhiên của con đã thể hiện sự ham học hỏi, khát khao được khám phá thế giới rộng lớn. Câu nói của con làm cho cha nhớ về quá khứ: 

"Lời của con hay tiếng sóng thầm thì

Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm

Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận

Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con."

      Khi cha còn bé cũng như con, cũng ước ao được đi khắp muôn nơi, tận mắt nhìn ngắm mọi vật với đôi mắt hiếu kỳ. Nhưng giờ cha đã có tuổi, cuộc sống bộn bề, gánh trên vai nhiều trách nhiệm, thế giới thì quá rộng lớn, cha không có thời gian để khám phá hết mọi thứ chưa từng biết như hồi bé nữa. Nghe câu nói của con cùng với tiếng sóng vỗ êm dịu như đang "thì thầm", người cha như tìm được chính mình ở nơi "xa thẳm" quá khứ. Hai câu thơ cuối bài thơ thật ý nghĩa, nhờ tiếng ước mơ của con, người cha đã được gặp lại chính mình khi bằng tuổi con. Đây cũng chính là sự kỳ vọng, gửi gắm của người cha tới con, mong con sẽ phát triển, hoàn thành ước mơ của con cũng chính là ước mơ của mình.

      Bài thơ Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông mang lại cảm giác thật nhẹ nhàng và yên bình cho người đọc. Qua đó, thể hiện tình cha con sâu sắc và ước mơ muốn khám phá thế giới của trẻ thơ. Những ước mơ ngây ngô đó sẽ góp phần làm nên một thế giới tươi đẹp cho trẻ thơ, chủ nhân tương lai của đất nước.

-------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn bài Phân tích Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông (ngắn gọn). Bài thơ với câu từ đơn giản, trong sáng, khiến cho người đọc cảm thấy vô cùng bình yên và ấm áp về tình phụ tử sâu sắc của hai nhân vật trong bài. 

icon-date
Xuất bản : 05/01/2023 - Cập nhật : 28/08/2023

Tham khảo các bài học khác