logo

Cảm nhận về bài thơ Tiếng chổi tre của Tố Hữu (ngắn gọn)

Tố Hữu là một nhà thơ nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam hiện đại, tác phẩm của ông thường chứa đựng tính nhân văn và dân tộc sâu sắc. Tập thơ Gió lộng được tác giả sáng tác từ năm 1945 đến năm 1961. Trong tập thơ bài Tiếng chổi tre là bài thơ nổi bật. Các bạn hãy đến với bài viết sau đây để hiểu rõ hơn về tác phẩm nhé.


Dàn ý Cảm nhận về bài thơ Tiếng chổi tre của Tố Hữu (ngắn gọn)

a. Mở bài: 

- Giới thiệu tác giả Tố Hữu và tác phẩm Tiếng chổi tre

b. Thân bài:

- 2 đoạn thơ đầu: Khung cảnh làm việc của những người lao công và cảm xúc của nhà thơ Tố Hữu

+ Những người lao công làm việc vào đêm khuya khi mọi người chìm vào giấc ngủ

+ Họ làm việc miệt mài chăm chỉ không kể đêm hè oi bức hay đêm đông buốt giá

+ Những chị lao công được nhà thơ ví như sắt, như đồng => Nét đẹp của lao động.

=> Em thấy được sự nhân hậu, thương người của nhà thơ Tố Hữu, cũng như tôn trọng những người lao động chân chính như chị lao công

- 2 đoạn thơ cuối: Khung cảnh buổi sang sau những đêm làm việc miệt mài của những người lao công và thông điệp của tác giả

+ Buổi sáng tấp nập với những gánh hoa sặc sỡ, nổi bật khắp các góc phố, với hương thơm dịu mát lòng người, nhưng thay vì mải mê nhìn ngắm sắc đẹp đó, nhà thơ Tố Hữu đã nhắc nhở những bạn nhỏ cũng như người đọc phải biết ơn người lao công

+ Nhà thơ nhắc nhở các bạn nhỏ và người đọc phải biết tôn trọng, giữ gìn môi trường xanh đẹp, bảo vệ thành quả của những người lao công

c. Kết bài:

- Khái quát lại nội dung bài thơ và thông điệp ý nghĩa mà nhà thơ Tố Hữu gửi tới người đọc: Phải biết yêu thương con người, tôn trọng nghề nghiệp của mỗi người, góp sức mình bảo vệ thành quả chung của những người lao động, từ đó giúp xã hội ngày càng văn minh, phát triển hơn.


Cảm nhận về bài thơ Tiếng chổi tre của Tố Hữu (ngắn gọn)

Cảm nhận về bài thơ Tiếng chổi tre của Tố Hữu (ngắn gọn)

      Trên thế giới này mọi nghề nghiệp đều đáng quý như nhau, miễn đó là công việc chân chính, giúp ích cho gia đình. Chính vì vậy, mọi nghề nghiệp đều xứng đáng được tôn trọng và bình đẳng với nhau. Đã có nhiều tác phẩm trong nền văn học Việt Nam viết về những người làm nghề bác sĩ, công an, giáo viên, kỹ sư,...Nhà thơ Tố Hữu, một nhà thơ nổi tiếng của nước ta cũng đã sáng tác một bài thơ viết về những người làm nghề lao công, có tên Tiếng chổi tre. Nhà thơ đã chọn viết về những người lao công, những người làm công việc cao cả nhưng hay bị lãng quên trong cuộc sống. Bài thơ Tiếng chổi tre được rút ra từ tập Gió lộng do Tố Hữu sáng tác năm 1961, tập thơ Gió lộng là những bài thơ được Tố Hữu sáng tác từ năm 1945 tới năm 1961, thời kì miền Bắc nước ta mới giành được độc lập, đang xây dựng xã hội chủ nghĩa. Tác phẩm đã mang tới những thông điệp đáng quý về lao động đối với không chỉ các bạn nhỏ mà còn cả với người đọc nói chung.

      Đầu tiên, nhà thơ Tố Hữu đã đưa người đọc đến với khung cảnh lao động của những người lao công: 

“Những đêm hè
Khi ve ve
Đã ngủ
Tôi lắng nghe
Trên đường Trần Phú
Tiếng chổi tre
Xao xác
Hàng me
Tiếng chổi tre
Đêm hè
Quét rác...

Những đêm đông
Khi cơn giông
Vừa tắt
Tôi đứng trông
Trên đường lặng ngắt
Chị lao công
Như sắt
Như đồng
Chị lao công
Đêm đông
Quét rác...”

      Vào mùa hè oi bức, trong đêm khuya tĩnh mịch, thậm chí ve đã ngủ không còn ca vang khúc ca mùa hè, nhà thơ Tố Hữu vẫn còn thức, có lẽ do nhà thơ bận lòng điều gì chăng? Nhưng chính vì vậy mà nhà thơ đã được nghe thấy âm thanh tiếng chổi tre của những người lao công đang quét dọn đường Trần Phú, tiếng chổi vang lên những âm thanh “xao xác” tận Hàng me. Khi nhà nhà say giấc nồng, nằm nghỉ sau một ngày hoạt động sôi nổi thì vẫn còn đó là những người lao công đang chăm chỉ làm việc, họ lao động một cách hăng say, miệt mài vì môi trường chung của tất cả mọi người. Tiếng chổi tre vang lên những âm thanh đều đều không dứt cũng như sự vất vả ngày qua ngày của những người lao công vậy. Không chỉ mùa hè, mà đến mùa đông rét buốt, trong thời tiết khắc nghiệt, những người lao công cũng không ngơi nghỉ tay, họ vẫn tích cực dọn dẹp đường phố. Nhà thơ Tố Hữu đã miêu tả những chị lao công như “sắt”, như “đồng”, vì họ có thể chịu đựng được sự giá buốt mùa đông để làm tròn trách nhiệm công việc của mình. Vẻ đẹp của những chị lao công là vẻ đẹp của lao động, vẻ đẹp mạnh mẽ, khỏe khoắn của những người phụ nữ Việt trung hậu, đảm đang. Qua đó, chúng ta cũng thấy được lòng nhân ái, thương yêu mọi người của nhà thơ Tố Hữu.

      Đường phố được những người lao công dọn dẹp sạch sẽ vào đêm hôm trước sáng hôm sau sẽ lại tấp nập, nhộn nhịp hình ảnh mọi người sinh hoạt, di chuyển, mua bán, trái ngược hoàn toàn với sự vắng vẻ lúc người lao công làm việc:

“Sáng mai ra
Gánh hàng hoa
Xuống chợ
Hoa Ngọc Hà
Trên đường rực nở
Hương bay xa
Thơm ngát
Đường ta
Nhớ nghe hoa
Người quét rác
Đêm qua.

Nhớ em nghe
Tiếng chổi tre
Chị quét
Những đêm hè
Đêm đông gió rét
Tiếng chổi tre
Sớm tối
Đi về
Giữ sạch lề
Đẹp lối
Em nghe!”

      Sáng hôm sau, khi người người bắt đầu một ngày làm việc mới, có hình ảnh thật nổi bật và tràn ngập sức sống đó là những gánh hoa tươi, được người bán mang tới chợ hoa Ngọc Hà. Những bông hoa xinh đẹp đó tỏa hương thơm ngát khắp đường mọi người qua. Tác giả Tố Hữu dặn hoa cũng chính là lời nhắc nhở tới mọi người, rằng để có không gian sạch sẽ, thoáng mát cho hoa đi qua tỏa hương, cho hoa gọi người mua tới chính là nhờ vào tiếng chổi tre đêm qua của những người lao công làm sạch đường phố. Giống như những người lao công là đạo diễn sân khấu, tạo ra sân khấu đẹp nhất cho biểu diễn, tỏa sáng trên sân khấu vậy. Rồi từ lời nhắc nhở hoa, nhà thơ Tố Hữu nhắc nhở các bạn nhỏ, hay chính là người đọc phải biết ơn những người lao công với chiếc chổi tre làm sạch không gian sống cho mình, không kể đêm hè oi bức hay đêm đông buốt giá. Vậy nên chúng ta phải biết giữ gìn môi trường “sạch lề đẹp lối”, bảo vệ công sức lao động của người lao công cũng là bảo vệ chính ta. Đặc biệt trong giai đoạn đất nước ta miền Bắc mới giành được độc lập, đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, mỗi cá nhân cần phải có ý thức hơn từ những công việc nhỏ, để xây dựng một nhà nước vững mạnh. Đoạn thơ khiến cho em tôn trọng và biết ơn những người lao công vô cùng vì họ là những người lao động thầm lặng, đang góp sức bảo vệ Tổ quốc.

      Bài thơ Tiếng chổi tre của nhà thơ Tố Hữu với câu từ và nội dung thật đơn giản nhưng cũng thật ý nghĩa. Em cảm nhận được bài thơ là lời biết ơn tới những người lao công luôn âm thầm cống hiến cho xã hội, cũng là thông điệp mà nhà thơ Tố Hữu gửi gắm người đọc: Phải biết yêu thương con người, tôn trọng nghề nghiệp của mỗi người, góp sức mình bảo vệ thành quả chung của những người lao động, từ đó giúp xã hội ngày càng văn minh, phát triển hơn.

-------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn bài viết Cảm nhận về bài thơ Tiếng chổi tre của Tố Hữu (ngắn gọn). Qua bài thơ em đã cảm nhận được sự hi sinh, vất vả của những người lao công và thấm thía bài học về mọi nghề nghiệp đều xứng đáng được tôn trọng như nhau.

icon-date
Xuất bản : 31/12/2022 - Cập nhật : 15/07/2023

Tham khảo các bài học khác