logo

Phân tích nhân vật thầy Bản trong “Thầy giáo dạy vẽ của tôi” - Xuân Quỳnh

Phân tích nhân vật thầy Bản trong “Thầy giáo dạy vẽ của tôi” - Xuân Quỳnh. Thầy Bản trong câu chuyện là một người thầy tận tụy với nghề, say mê hội họa, ân cần và tâm huyết với học sinh của mình. Cùng đi phân tích tìm hiểu rõ hơn về con người hiền hậu, liêm khiết của thầy Bản nhé!


Dàn ý phân tích nhân vật thầy Bản trong “Thầy giáo dạy vẽ của tôi” - Xuân Quỳnh

A, Mở bài

- Giới thiệu khái quát tác giả tác phẩm và hình ảnh người thầy đáng kính - thầy Bản

B, Thân bài

Phân tích đặc điểm nhân vật thầy Bản:

- Hoàn cảnh gợi nhớ đến nhân vật Thầy Bản: trong hồi tưởng của Châu - học trò cũ của thầy.

- Thầy hiền từ, nhân hậu, luôn ân cần, chẳng bao giờ quát mắng hay cáu giận với học trò

- Thầy tâm huyết với công việc, chẳng ngại mệt nhoài, đau ốm, thầy vẫn có mặt đủ các tiết dạy.

- Thái độ tập trung, giảng dạy tỉ mỉ từng chút một với học trò của mình.

- Khát vọng hội họa của thầy gửi gắm qua những câu chuyện, những bức tranh trên gác mái và tâm trạng đầy xúc động khi bức tranh của mình được trưng bày ở triển lãm mỹ thuật thành phố.

C, Kết bài

- Ca ngợi và khẳng định nhân vật Thầy bản là tấm gương sáng về đức tính nhân từ, hiền hậu, liêm khiết và say mê với nghề, yêu hội họa.


Phân tích nhân vật thầy Bản trong “Thầy giáo dạy vẽ của tôi” - Xuân Quỳnh.

Thầy Bản dạy vẽ cho học trò của mình

      Câu chuyện “Thầy giáo dạy vẽ của tôi” của tác giả xuân Quỳnh đưa người đọc đến một dòng cảm xúc nghẹn ngào, sâu lắng về đạo làm trò, nổi bật hơn cả là tấm lòng thương yêu học trò, tận tâm với công việc của nhân vật thầy Bản qua hồi tưởng của cậu học trò Châu - họa sĩ - kỹ sư nhà máy cơ khí.

      Hình ảnh về người thầy luôn đọng mãi trong tâm trí Châu với những kỷ niệm không thể nào quên. Thầy Bản là một người đầy có bề dày kinh nghiệm của nghề giáo. Khi Châu học lớp năm, thầy đã có mái tóc bạc phơ. Thầy ăn mặc theo phong cách xưa cũ với bộ com-le đen sờn màu, thầy đội mũ nồi, đeo dày và chiếc cặp da nâu cũ kĩ, râu mép của thầy đã lấm tấm bạc. Chỉ bằng vài chi tiết, ta có thể thấy thầy Bản đã bước vào tuổi xế chiều, thầy cống hiến cả cuộc đời mình để truyền lại cho thế hệ mầm non một kho tàng hội họa trù phú. Thầy yêu thương tất cả học sinh của mình, thầy ân cần, hiền hậu, chẳng bao giờ gắt gỏng hay cáu giận gì. Dù tuổi tác không còn trẻ, sức khỏe đã giảm sút đi nhiều nhưng thầy luôn tận tâm với công việc. Mặc cho có ốm yếu, sốt cao nhưng thầy chưa bao giờ phụ lòng học sinh, thầy luôn có mặt đủ, không bỏ một tiết lên lớp nào. Hiếm có thể thấy một người thầy nào tâm huyết với học trò, với nghề như vậy. Có lẽ bởi vì thầy yêu cái đẹp, tâm hồn say mê hội họa đã dẫn dắt thầy gắn bó với nghề này, gắn bó với những cô cậu học trò đáng yêu. Thầy muốn gửi gắm ước mơ, khát vọng của mình vào những mầm non tươi đẹp của đất nước. Thầy dạy học sinh chu đáo, tỉ mẩn từng chút một. “Thầy dạy chúng tôi kẻ chữ, vẽ cái sọt giấy, lọ mực,... Thầy ân cần, tỉ mỉ chỉ bảo cho chúng tôi từng li từng tí: cách tô màu, đánh bóng, cả cách gọt bút chì thế nào cho đẹp và dễ vẽ.” Thầy tận tâm hướng dẫn học sinh từng li từng tí, thầy mong muốn từng nét vẽ là từng ước mơ được chắp cánh bay xa. 

      Hoài bão về nghệ thuật vẫn luôn rực cháy trong trái tim của thầy. Đó là “Những câu chuyện về hội họa, về màu sắc và đường nét, về thế giới thứ hai rực rỡ, diệu kỳ của những bức tranh, những cánh cửa mở tới khu vườn tốt lành và đẹp đẽ”. Qua lời kể của Châu về câu chuyện của thầy, có thể thấy hội họa đã trở thành nguồn sống, nhịp thở, hòa cùng dòng máu chảy trôi trong con người thầy. Nguồn sống đó còn thể hiện ở những bức học tỉ mỉ, nhiều màu sắc về vạn vật xung quanh của thầy trên căn gác mái. Khát khao cháy bỏng là thế nhưng trái tim của thầy cũng yếu đuối vô cùng. Thầy bồi hồi, xúc động khi báo tin bức tranh của mình được trưng bày ở triển mỹ thuật thành phố. Thầy cứ loay hoay, đi đi lại lại ngắm nhìn bức tranh của mình mãi không thôi. Ta càng thấy đồng cảm và thương thầy hơn khi thầy bối rối vì cảm động thông báo với học trò rằng bức tranh của thầy đã được một số người thích và ghi nhận. Ấy thế mà thầy khiêm tốn, ân hận nói rằng: “Bức tranh ấy tôi chưa được vừa ý...Nếu vẽ lại tôi sẽ sửa chữa nhiều hơn.” Thầy đâu biết rằng lời bình trong cuốn sổ cảm tưởng đó chính do những cô cậu học trò vì yêu mến thầy, thương cảm cho tài năng bị chôn vùi của thầy nên mới quyết định thực hiện hành động ý nghĩa đó.

      Người thầy đáng kính đó nay đã đi xa nhưng để lại muôn vàng kính trọng cho thế hệ học sinh bấy giờ. Thầy làm cho những tâm hồn ngây thơ biết yêu hội họa. Thầy trở thành một tấm gương sáng chói về sự cần cù, chăm chỉ, cống hiến hết mình với công việc, một con người giàu tình yêu thương, tấm lòng trong sạch, chân chính giúp cho thế hệ mai sau noi theo. Thầy không nổi tiếng và thành công trong sự nghiệp nhưng trong mắt học trò, thầy luôn là hình mẫu lý tưởng với hình ảnh hiền từ, khiêm nhường đáng quý trọng. 

>>> Tham khảo: Đọc hiểu Thầy giáo dạy vẽ của tôi

---------------------------

Trên đây là bài viết phân tích nhân vật thầy Bản trong câu chuyện “Thầy giáo dạy vẽ của tôi” - Xuân Quỳnh do Toploigiai biên soạn, hy vọng sẽ giúp ích cho quá trình học tập của các bạn. Chúc các bạn học tập thật tốt!

icon-date
Xuất bản : 04/01/2023 - Cập nhật : 15/07/2023

Tham khảo các bài học khác