logo

Phân tích nhân vật Khách trong bài Phú Sông Bạch Đằng

         Bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu nổi tiếng bởi xây dựng thành công hình tượng nhân vật khách mà qua đó giúp tác giả chở đi những thông điệp nghệ thuật của mình. Vậy thì hãy cùng tham khảo bài văn phân tích hình tượng nhân vật khách dưới đây nhé.


 Phân tích nhân vật Khách trong bài Phú Sông Bạch Đằng

Phân tích nhân vật Khách trong bài Phú Sông Bạch Đằng | Văn mẫu 10 hay nhất

         Nhân vật khách trong bài Phú sông Bạch Đằng được Trương Hán Siêu xây dựng là hình tượng trung tâm của toàn bộ tác phẩm, mạch chảy mạch kết cấu của văn bản theo toàn bộ những dòng suy tưởng, đó là sự bộc bạch cái tráng chí bốn phương tha thiết và là nỗi niềm về cả một thời dĩ vãng oanh liệt của dân tộc năm xưa trên sông Bạch Đằng. Vì thế có thể nói, nhân vật khách chính là một thông điệp nghệ thuật mà tác giả muốn gửi gắm đến độc giả. Xây dựng thành công hình tượng nhân vật khách, điều đó đã phần nào thể hiện tài năng của Trương Hán Siêu khi tiếp thu một thể loại phú được du nhập từ Trung Hoa.

        Mở đầu bài phú, nhân vật khách xuất hiện với hình tượng nhân vật ham thú ngao du sơn thủy, làm bạn với thiên nhiên. Một vẻ đẹp phóng khoáng toát ra từ tâm hồn nhân vật khách. Đồng thời qua các điển tích, các địa điểm được liệt kê người đọc phần nào cảm nhận được nhân vật khách là người có tráng chí bốn phương, lấp đầy tâm hồn mình bởi vẻ đẹp tráng lệ, hùng vĩ của thiên nhiên non sơn kỳ thú:

“Giương buồm giong gió chơi vơi,

Lướt bể chơi trăng mải miết.

Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương,

Chiều lần thăm chừ Vũ huyệt”

        Đến đây, ngay lập tức ngôn từ thể hiện sức mạnh của nó, bởi sức gợi mà nó tạo ra để bắc một nấc thang liên tưởng trong tâm hồn người đọc. Các từ chơi vơi, mải miết tạo cho người đọc một cảm giác mới mẻ về nhân vật khách, một bậc tài tử lãng du cùng với thú vui sơn thủy, đắm chìm trong không gian rộng lớn, thơ mộng khoáng đạt. Thiên nhiên mây, gió, trăng bỗng trở thành người bạn của nhân vật khách với thú vui tao nhã. Cách liệt kê một loạt những địa điểm nổi tiếng cho thấy khả năng đi nhiều, biết nhiều và tráng chí bốn phương của nhân vật khách, gợi nên một tâm hồn phóng khoáng, thích ngao du và mang vẻ đẹp lộng gió như được hơi thở của thiên nhiên đằm vào điệu tâm hồn nhân vật.

         Tiếp tục người đọc nhận thấy rằng, trong rất nhiều điển tích điển cố, chỉ có điển tích Tử Trường được nhắc đến, nhưng sự gợi nhắc của tác giả ở đây không phải để nhấn mạnh về việc nhân vật khách học cách ghi chép sử ký, mà là học cái thú tiêu dao, ngao du sơn thủy của những bậc tài tử ngày trước.Đó không chỉ là việc trau dồi, học hỏi trong những hành trình đã đi qua, mà còn là sự chiêm nghiệm của nhân vật khách đầy sâu sắc về những thắng cảnh lịch sử của dân tộc. Cụ thể, là ở đoạn thơ sau, khi nhân vật khách hồi tưởng về quá khứ hào hùng mà cũng đầy bi thương của dân tộc. 

“Buồn vì cảnh thảm,

Đứng lặng giờ lâu.

Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá,

Tiếc thay dấu vết luống còn lưu”

         Khác hẳn với không gian rộng lớn và khoáng đạt trên kia, cảnh vật giờ dường như đã hóa thảm sầu, nhuốm một màu buồn thấm lan tỏa lên toàn bộ bức tranh chung. Đó là niềm xót thương, cũng là sự câm lặng nén chặt đau thương khi nghĩ đến những người anh hung, những người chiến sĩ đã hi sinh, đã ngã xuống, đã hóa thân linh hồn mình vào mảnh đất nơi đây. Đó là phút trầm mặc để tri ân, để tưởng niệm về những cống hiến và sự hi sinh vĩ đại của họ. Những dấu vết xưa còn lưu lại như một gợi nhắc về dấu phong xưa, về quá khứ vàng son của lịch sử dân tộc, đồng thời là một điểm tựa lịch sử để thế hệ sau noi gương, trau mình. Từ tiếc được đặt ở đầu câu thơ, thể hiện mạnh mẽ cảm xúc trong lòng nhân vật khách, đó là sự tiếc nuối và nỗi buồn hoang hoải của nhân vật khách khi chứng kiến sức mạnh ăn mòn vạn vật của thời gian đã làm phai mờ dấu tích oai hùng một thời. Theo dòng cảm xúc ấy, bao nhiêu thương cảm dồn nén ấy hóa ra lại đẩy lên trong lòng thi nhân một ước vọng được một lần nữa sống lại những khoảnh khắc oai hùng như thuở xưa. Con sông Bạch Đằng đã là nơi ghi dấu của những chiến tích lịch sử hào hùng, nơi mà quân địch thất bại ê chề nhục nhạc, giọng kể vừa hào hùng vừa xen lẫn những yếu tố lãng mạn, tạo cảm giác đầy cuốn hút cho người đọc. Khiến cho dẫu người đọc đến từ những thế sau, vẫn cảm nhận một cách chân thực,  sống động quá khứ lịch sử hào hùng của cha ông, để cùng hòa điệu, hòa nhịp với dòng chảy lịch sử oai hùng của một thời kì vĩ đại.

          Đồng thời, sự hồi tượng của nhân vật khách còn như một điểm tựa để người đọc nhìn sâu hơn vào lịch sử, cũng là một phương tiện để thể hiện nét đẹp tâm hồn con người dân tộc. Lùi về quá khứ là tìm về với cội nguồn, hay chính là vẻ đẹp đạo lí truyền thống ngàn đời của dân tộc, đó là uống nước nhớ nguồn, tìm về, nhớ về quá khứ lịch sử là một cách để tri ân, để tưởng nhớ, và để sửa mình sao cho đúng đắn với sự hy sinh mà cha ông ta đã bỏ ra.

         Thông qua hình tượng nhân vật khách, ta phần nào cảm nhận được vẻ đẹp của một người lữ khách với chí hải hồ, đồng thời cũng từ đó mà gợi về vẻ đẹp dĩ vãng một thời vàng son của lịch sử dân tộc. Bằng ngòi bút tài hoa của mình, Trương Hán Siêu đã khéo léo lồng ghép giữa sự hồi tưởng của nhà thơ và đồng thời khắc họa lại chiến tích vẻ vang của dân tộc. Để từ đó, chỉ với hình tượng nhân vật khách nhưng nhà thơ mở ra thế giới giàu sức gợi hơn trong lòng độc giả, vừa gợi về vẻ đẹp của hình tượng, vừa thông qua hình tượng gợi về vẻ đẹp hào khí dân tộc, nên vẻ đẹp của hình tượng khách không phải là vẻ đẹp cá nhân đơn thuần mà còn mang trong nó nhiều giá trị thiêng liêng hơn thế..

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021