logo

Nghị luận Phú sông Bạch Đằng

          Phú sông Bạch Đằng là một trong những  bài phú xuất sắc, tiêu biểu cả trong mạch lập luận và xây dựng hình tượng nhân vật. Vậy thì, bạn đã tìm được cách triển khai lí tưởng nhất cho đề văn nghị luận Phú sông Bạch Đằng chưa? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.


 Nghị luận Phú sông Bạch Đằng

Nghị luận Phú sông Bạch Đằng | Văn mẫu 10 hay nhất

         Giáo sư Nguyễn Đình Chú khi nhận định về bài Phú sông Bạch Đằng đã viết: “Giá trị của phú không nằm ở chỗ làm sáng dậy hào khí chiến đấu của trận Bạch Đằng mà còn làm sáng dậy chân lý muôn đời của lịch sử dân tộc.” Có lẽ chính vì những giá trị cốt lõi ấy mà trong kho tàng văn học Việt Nam, trải qua bao nhiêu thế hệ thì bài phú của Trương Hán Siêu vẫn còn nguyên vẻ đẹp và giá trị của nó ở đó người đọc của thế hệ sau như tìm được sợi dây đồng điệu với điệu hồn của thế hệ cha ông hào hùng, oanh liệt ngày trước, đồng thời từ đó gợi nhắc cho con cháu mai sau sứ mệnh và trách nhiệm của mình trước sự hi sinh vĩ đại của thế hệ đã qua.

“Giương buồm giong gió chơi vơi,

Lướt bể chơi trăng mải miết.

Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương,

Chiều lần thăm chừ Vũ huyệt”

          Ngay từ những câu thơ mở đầu, nhân vật khách- hình tượng nhân vật trung tâm được tác giả xây dựng đã gây ấn tượng trong lòng độc giả với vẻ đẹp của một người lữ khách với tâm hồn phóng khoáng, thích ngao du bốn phương. Các từ chơi vơi, mải miết tạo cho người đọc một cảm giác rõ nét hơn về hình tượng nhân vật này, một bậc tài tử lãng du cùng với thú vui sơn thủy, đắm chìm trong không gian rộng lớn, thơ mộng khoáng đạt. Thiên nhiên mây, gió, trăng bỗng trở thành người bạn của nhân vật khách với thú vui tao nhã. Cách liệt kê một loạt những địa điểm nổi tiếng cho thấy khả năng đi nhiều, biết nhiều và tráng chí bốn phương của nhân vật khách, gợi nên một tâm hồn phóng khoáng, thích ngao du và mang vẻ đẹp lộng gió như được hơi thở của thiên nhiên đằm vào điệu tâm hồn nhân vật.

          Tiếp tục người đọc nhận thấy rằng, trong rất nhiều điển tích điển cố, chỉ có điển tích Tử Trường được nhắc đến, nhưng sự gợi nhắc của tác giả ở đây không phải để nhấn mạnh về việc nhân vật khách học cách ghi chép sử ký, mà là học cái thú tiêu dao, ngao du sơn thủy của những bậc tài tử ngày trước.Đó không chỉ là việc trau dồi, học hỏi trong những hành trình đã đi qua, mà còn là sự chiêm nghiệm của nhân vật khách đầy sâu sắc về những thắng cảnh lịch sử của dân tộc. Cụ thể, là ở đoạn thơ sau, khi nhân vật khách hồi tưởng về quá khứ hào hùng mà cũng đầy bi thương của dân tộc. 

“Buồn vì cảnh thảm,

Đứng lặng giờ lâu.

Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá,

Tiếc thay dấu vết luống còn lưu”

          Nếu như ở những câu thơ mở đầu, không gian mở ra rộng lớn khoáng đạt để khắc họa vẻ đẹp tâm hồn và tráng trí của nhân vật khách thì càng dần về cuối, theo mạch hồi tưởng của nhân vật khách vĩ cảnh hóa thảm cảnh u sầu, nhuốm một màu buồn thấm lan tỏa lên toàn bộ bức tranh chung. Đó là niềm xót thương, cũng là sự câm lặng nén chặt đau thương khi nghĩ đến những người anh hùng, những người chiến sĩ đã hi sinh, đã ngã xuống, đã hóa thân linh hồn mình vào mảnh đất nơi đây. Đó là phút trầm mặc để tri ân, để tưởng niệm về những cống hiến và sự hi sinh vĩ đại của họ. Những dấu vết xưa còn lưu lại như một gợi nhắc về dấu phong xưa, về quá khứ vàng son của lịch sử dân tộc, đồng thời là một điểm tựa lịch sử để thế hệ sau noi gương, trau mình. Niềm xót thương nuối tiếc của nhân vật khách đồng thời vừa dậy cả nỗi bi thương lần lòng tự hào của người dân xứ sở về những chiến tích oanh liệt của một quá khứ hào hùng. Đồng thời, chính niềm xót thương ấy khẳng định tấm lòng luôn khắc cốt ghi tâm công ơn và sự hi sinh của nhân vật khách, và càng khiến cho mạch văn trở nên sâu sắc, thấm thía hơn.

         Con sông Bạch Đằng đã là nơi ghi dấu của những chiến tích lịch sử hào hùng, nơi mà quân địch thất bại ê chề nhục nhạc, giọng kể vừa hào hùng vừa xen lẫn những yếu tố lãng mạn, tạo cảm giác đầy cuốn hút cho người đọc. Khiến cho dẫu người đọc đến từ những thế sau, vẫn cảm nhận một cách chân thực,  sống động quá khứ lịch sử hào hùng của cha ông, để cùng hòa điệu, hòa nhịp với dòng chảy lịch sử oai hùng của một thời kì vĩ đại. Khép trang sách lại, có lẽ điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng người đọc đó là ngòi bút tài hoa của Trương Hán Siêu đã khiến bài phú không hề khô khan, thuần về giá trị lịch sử. Việc kết hợp khéo léo trong việc xây dựng bố cục chặt chẽ, nhịp điệu giọng văn thay đổi linh hoạt và lời văn cô đọng, cùng nguồn cảm hứng dạt dào về dân tộc, về niềm tự hào dân tộc đã giúp nhà thơ truyền tải trọn vẹn cả hình tượng nhân vật khách cùng hào khí thiêng liêng, hào hùng của dân tộc ta trên con sông Bạch Đằng lịch sử.

        Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu là một trong những tác phẩm mẫu mực của thể loại phú du nhập từ Trung Hoa. Bằng vốn hiểu biết am tường về lịch sử, về địa lý, cùng tâm hồn yêu thiên nhiên và niềm tự hào dân tộc, nhà thơ đã khéo léo lồng ghép giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và văn hóa, giữa chiến tích oanh liệt và bi thương của lịch sử. Từ đó, làm nên một bài phú giàu giá trị nghệ thuật cũng như giá trị lịch sử, văn hóa.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021