logo

Phân tích nét đặc sắc nghệ thuật của thơ trữ tình Nguyễn Trãi qua 01 bài thơ hoặc 1 vài câu thơ

Nguyễn Trãi là một thiên tài Văn học của dân tộc, thơ văn Nguyễn Trãi vừa kết tinh truyền thống Văn học Lí – Trần, vừa mở đường cho cả một giai đoạn phát triển mới. Các tác phẩm của ông đều thể hiện lòng yêu nước, thương dân, lí tưởng nhân nghĩa. Thơ trữ tình của ông chân thực, giản dị và gần gũi với thực tế. Dưới đây, là bài Phân tích nét đặc sắc của thơ trữ tình Nguyễn Trãi qua 01 bài thơ hoặc 1 vài câu thơ, mời các bạn tham khảo.


Dàn ý Phân tích nét đặc sắc của thơ trữ tình Nguyễn Trãi qua qua 01 bài thơ hoặc 1 vài câu thơ

Phân tích nét đặc sắc của thơ trữ tình Nguyễn Trãi qua 01 bài thơ hoặc 1 vài câu thơ
Tác giả Nguyễn Trãi 

Mở bài

Giới thiệu về tác giả Nguyễn Trãi ( Những nét khái quát về cuộc đời của ông, các tác phẩm chính,....)

Giới thiệu khái quát về bài thơ “ Bài ca Côn Sơn”. Bài ca Côn Sơn thể hiện tình yêu thiên nhiên, cảnh vật một cách sâu sắc và mãnh liệt của thi sĩ Nguyễn Trãi.

Thân bài 

Cảm nhận về bài thơ “ Bài ca Côn Sơn”

Bốn câu thơ đầu: khung cảnh thiên nhiên ở Côn Sơn.

Thiên nhiên núi rừng ở Côn Sơn đã được tác giả chọn lọc những cảnh vật tiêu biểu nhất để miêu tả:

+ Tiếng suối chảy rì rầm

+ Đá rêu phơi

+ Thông mọc như nêm

+ Bóng trúc râm

Bức tranh thiên nhiên hiện lên sống động, tác giả như thả mình vào trong cảnh vật để tìm được chốn bình yên cho tâm hồn mình. 

Các hình ảnh so sánh, liên tưởng với thiên nhiên Côn Sơn.

+ Như tiếng đàn cầm bên tai

+ Như ngồi đệm êm

+ Thông mọc như nêm

Nghệ thuật: liên tưởng sâu sắc về thiên nhiên Côn Sơn, so sánh cảnh vật. 

Những hình ảnh được tác giả miêu tả tạo nên bức tranh cảnh vật trữ hết sức nên thơ và trữ tình. 

Bốn câu thơ sau: tâm hồn và hình ảnh con người giữa cảnh vật và thiên nhiên Côn Sơn.

Đại từ danh xưng “ Ta” được lặp đi lặp lại trong bài thơ, thể hiện sự tồn tại của con người giữa cảnh núi non hùng vĩ này. 

Các động tự được sử dụng nhiều lần nhấn mạnh sự tồn tại của con người, chiếm hữu thiên nhiên và làm chủ thiên nhiên.

+ Lắng nghe tiếng suối

+ Ngồi lên đá rêu phong

+ Tìm nơi bóng mát để nằm

+ ngâm thơ nhàn

Nghệ thuật: điệp từ, hình ảnh so sánh sâu sắc

Con người như muốn giao hòa với thiên nhiên, hòa mình với cỏ cây núi rừng.

Tâm thế nhàn nhã, thư giãn, thanh cao, thả hồn mình với khung cảnh thiên nhiên Côn Sơn của tác giả. 

Kết bài

Khái quát nội dung và nghệ thuật của bài thơ “ Bài ca Côn Sơn”

+ Nội dung: vẻ đẹp nên thơ và trữ tình của khung cảnh thiên nhiên núi rừng Côn Sơn. Tâm hồn thanh cao, hòa mình vào thiên nhiên của tác giả....

+ Nghệ thuật: so sánh, điệp từ, thể thơ lục bát, giọng thơ nhẹ nhàng, êm đềm....

Nêu cảm nghĩ của em về bài thơ “ Bài ca Côn Sơn

>>> Tham khảo: Soạn bài: Bài ca Côn Sơn (ngắn nhất)


Phân tích nét đặc sắc nghệ thuật của thơ trữ tình Nguyễn Trãi qua 01 bài thơ hoặc 1 vài câu thơ

Phân tích nét đặc sắc của thơ trữ tình Nguyễn Trãi qua 01 bài thơ hoặc 1 vài câu thơ

      Nguyễn Trãi (1380 - 1442); hiệu Ức Trai; quê quán: Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương), sau dời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây) Nguyễn Trãi xuất thân từ gia đình nho giáo có truyền thống yêu nước, truyền thống thơ ca lâu đời: cha là Nguyễn Phi Khanh, một học trò nghèo đỗ thái học sinh; mẹ là Trần Thị Thái, con gái Tư đồ Trần Nguyên Đán, một quý tộc yêu nước đời Trần. Cha và ông Ngoại là những người có ảnh hưởng rất lớn đến Nguyễn Trãi. Có thể nói Nguyễn Trãi là bậc anh hùng của dân tộc, một nhân vật toàn tài hiếm có, danh nhân văn hóa thế giới nhưng cũng là một con người phải chịu những oan khiên thảm khốc nhất trong chế độ phong kiến Việt Nam.

     Nguyễn Trãi đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị trên nhiều lĩnh vực, trong sáng tác chữ Hán hay chữ Nôm, văn chính luận hay thơ trữ tình đều có những thành tựu nghệ thuật lớn. Các thi sĩ Việt Nam thời  trung đại đã viết rất nhiều bài thơ để ca ngợi thiên nhiên hùng vĩ của nước ta, trong đó Nguyễn Trãi cũng là vị anh hùng xuất sắc của dân tộc ta và là nhà thơ tài ba với kho tàng thơ ca phong phú đã sáng tác bài thơ “ Bài ca Côn Sơn” để ca ngợi thiên nhiên Côn Sơn. Nguyễn Trãi sáng tác bài thơ trong thời gian ông về ở ẩn nơi quê nhà. Bài thơ đã khắc họa lên bức tranh thiên nhiên nơi núi rừng Côn Sơn rộng lớn, bao la, yên tĩnh và trong lành vừa bộc lộ những cảm xúc của thi sĩ khi ngắm nhìn núi rừng quê hương. 

Côn Sơn suối chảy rì rầm,

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.

Côn Sơn có đá rêu phơi,

Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm.

Trong ghềnh thông mọc như nêm,

Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.

Trong rừng có bóng trúc râm,

Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.

      Bài thơ vốn được viết bằng chữ Hán những đã được dịch ra tiếng Việt với thể thơ lục bát trên 6 dưới 8, để khắc họa lên cảnh vật và thiên nhiên nơi núi rừng Côn Sơn. 

      Bức tranh thiên nhiên Côn Sơn qua 4 câu thơ đầu tiên hiện lên thật đẹp qua cảm nhận của tác giả.

Côn Sơn suối chảy rì rầm,

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.

Côn Sơn có đá rêu phơi,

Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm.

     Tác giả cảm nhận thiên nhiên trước hết bằng thị giác, tiếng suối chảy rì rầm nơi núi rừng Côn Sơn hiện ra rất tao nhã. Tiếng suối không ào ào như tiếng thác nước mà nó rì rầm, róc rách nhẹ nhàng nơi núi rừng. Tiếng suối được so sánh với “tiếng đàn cầm bên tai” tiếng đàn cầm của người nghệ sĩ du dương, sâu lắng và tình cảm. Tả tiếng suối bằng tiếng đàn cầm là một cách miêu tả thật độc đáo và mới lạ  ta có cảm giác như nhân vật trữ tình đang say sưa thưởng thức âm thanh đó như thưởng thức nghệ thuật tuyệt đỉnh của  thiên nhiên. Hồ Chí Minh cũng có lần tả "Tiếng suối trong như tiếng hát xa", cũng là so sánh một âm thanh của tự nhiên với một âm thanh du dương do con người tạo ra. Hai nhà thơ ở hai thời đại khác nhau đều gặp gỡ ở tình yêu thiên nhiên tha thiết, nhưng tiếng suối - đàn cầm của Nguyễn Trãi thì đẹp một cách cổ điển, còn tiếng suối - tiếng hát của Hồ Chí Minh thì đẹp hiện đại và trẻ trung hơn.

     Nhà thơ dùng tiếng suối để khắc họa không gian yên bình, yên tĩnh của cảnh vật nơi núi rừng. Vì yên tĩnh nên mới nghe được tiếng suối chảy rì rầm bên tai, đây là nghệ thuật lấy động để tả tĩnh, khắc họa lên không gian yên tĩnh của Côn Sơn.

     Giữa sự yên tĩnh của núi rừng là hình ảnh đá rêu phơi, tác giả đã miêu tả đá của Côn Sơn thật độc đáo. Những phiến đá màu rêu mà tác giả nhắc đến ở đây có lẽ nó đã trải qua bao nhiêu năm tháng, trải qua những trang lịch sử, hình ảnh thiên nhiên lâu đời, trải qua bao nắng gió bão bùng phơi ngoài sương gió để có được màu rêu như ngày hôm nay. Tác giả đã dùng từ “ phơi” một từ rất quen thuộc và gần gũi với con người chúng ta. Lại một lần nữa tác giả dùng hình ảnh so sánh “ ngồi trên đá như ngồi chiếu êm” . Hình ảnh so sánh rất đặc sắc ngồi trên đá mà lại như ngồi trên chiếc chiếu êm ái, đưa thiên nhiên gần gũi hơn với con người. Giúp cho nhân vật trữ tình có chỗ nghỉ ngơi, thư giãn, ngồi ngâm thơ. 

     Bốn câu thơ sau là tâm hồn của nhà thơ, giao hòa với thiên nhiên.

Trong ghềnh thông mọc như nêm,

Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.

Trong rừng có bóng trúc râm,

Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.

      Hình ảnh rừng thông khiến cho núi rừng Côn Sơn trở nên hùng vĩ, bao la, với cách so sánh “ thông mọc như nêm”. Rồi, con người xuất hiện dưới bóng mát của rừng thông, con người như được bao bọc, che chở, chút hết những mệt mỏi, những âu lo ở ngoài kia để có thời gian thư giãn, giải tỏa những áp lực. Con người với cảnh vật thiên nhiên như được hòa làm môt, hòa mình vào thiên nhiên, đất trời. Qua câu thơ cũng làm cho người đọc cảm nhận được tâm hồn yêu thiên nhiên, cảnh vật của tác giả đối với cảnh vật Côn Sơn.

      Côn Sơn không chỉ có rừng thông mọc như nêm mà còn có rừng trúc xinh đẹp, mát mẻ, làm mê mẩn lòng người. Dưới bóng trúc râm con người như đắm chìm vào vẻ đẹp của rừng trúc, màu xanh mát của rừng trúc làm cho con người, cảnh vật như hòa vào nhau. Dưới bóng râm của rừng trúc và màu xanh mát khiến cho tác giả muốn ngâm nga ngay một bài thơ, thư giãn, hòa mình với cảnh vật nơi đây. 

      Trong bài thơ này, tác giả đã sử dụng đại từ nhân xưng “ Ta” tới 5 lần, đại từ “ Ta” ở đây không ai khác chính là tác giả Nguyễn Trãi là một người yêu thiên nhiên tha thiết, thả hồn vào trong thiên nhiên hữu tình mơ mộng. Nét đặc sắc nghệ thuật thành công trong bài này đó là biện pháp so sánh, tác giả đã rất thành công trong việc so sánh cảnh vật núi rừng Côn Sơn. Những hình ảnh so sánh đó không phải thứ gì đó cao siêu mà là những hình ảnh rất gần gũi, quen thuộc “ như tiếng đàn, như ngồi đệm êm, như nêm “. Tác giả còn sử dụng biện pháp nghệ thuật lấy động để tả tĩnh dùng tiếng suối để khắc họa không gian yên tĩnh của thiên nhiên Côn Sơn. 

      Bằng thể thơ lục bát, với những biện pháp tu từ như so sánh, điệp từ... tác giả đã rất thành công trong việc khắc họa thiên nhiên núi rừng Côn Sơn và cho ta thấy sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên. Nguyễn Trãi đã khắc họa, miêu tả lên bức tranh núi rừng Côn Sơn thật tài tình, hình ảnh liên tưởng độc đáo, hình ảnh thiên nhiên và con người như hòa làm một. Vẻ đẹp nên thơ và trữ tình của khung cảnh thiên nhiên tạo cho người đọc cảm giác dễ chịu, gần gũi. Cũng qua bài thơ trên thể hiện tâm hồn thanh cao, yêu thiên nhiên, hòa mình vào thiên nhiên của tác giả. “ Bài ca Côn Sơn” không chỉ là một bức tranh về núi rừng Côn Sơn đẹp, trữ tình và nên thơ mà nó còn thể hiện tình yêu thiên nhiên, niềm tự hào, yêu quê hương của tác giả. 

--------------------------------------------------

Trên đây, Toploigiai đã mang đến cho các bạn bài Phân tích nét đặc sắc nghệ thuật của thơ trữ tình Nguyễn Trãi qua 01 bài thơ hoặc 1 vài câu thơ. Hi vọng bài viết này giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 02/02/2023 - Cập nhật : 03/07/2023