logo

Phân tích hình tượng cây xà nu

Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành là tác phẩm mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, đặc biệt chỉ với hình tượng cây xà nu nhà văn đã gợi lên vẻ đẹp không chỉ của riêng vùng đất Tây Nguyên, mà còn thổi hồn vào hình tượng ấy nét đẹp hào hùng mà cũng đầy đau thương của cả một cộng đồng. Hãy cùng TOPLOIGIAI tham khảo các bài phân tích hình tượng cây xà nu dưới đây các bạn nhé


Phân tích hình tượng cây xà nu - Bài mẫu 1

Phân tích hình tượng cây xà nu | Văn mẫu 12 hay nhất

        Nguyên Ngọc- Nguyễn Trung Thành được biết tới là người viết nhiều và hay nhất về mảnh đất Tây Nguyên với một loạt những tác phẩm truyện ngắn xuất sắc. Một trong số đó có một câu chuyện thuộc đề tài Tây Nguyên đó là Rừng xà nu - câu chuyện về chân lí cách mạng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với hình tượng rừng xà nu đã trở thành biểu tượng.

        Tác phẩm Rừng xà nu có hai cốt truyện đan cài vào nhau. Đó là chuyện kể về Tnú – người anh hùng dân tộc và cuộc chiến đấu không khuất phục của dân làng Xôman trước sự tàn bạo của đế quốc Mĩ. Nổi bật trong truyện ngắn là hình ảnh cây xà nu được nhắc đến như một điệp khúc và khai thác ở nhiều góc độ.

        Vẻ đẹp của cây xà nu từ hiện thực khách quan đến hiện thực chủ quan và đi vào cảm giác đầy độc đáo với mùi thơm ngào ngạt, ánh sáng lung linh.  Với người Tây Nguyên, cây xà nu có một vị trí quan trọng, sống trên mảnh đất quê hương hùng vĩ, mọc thành từng đồi, từng rừng và tạo nên màu xanh bất tận, dựng lên không gian bát ngát cho núi rừng đại ngàn. Chính vì lẽ đó mà ở cả mở đầu và kết thúc, nhà văn đều dụng công đưa hình ảnh cây xà nu nối tiếp để tạo điệp khúc xanh bất tận làm nền cho câu chuyện đậm bản sắc Tây Nguyên.

       Thứ hai, cây xà nu luôn có mặt trong thực tế đời sống. Ngọn lửa xà nu mỗi ngày vẫn cháy lên trong từng căn bếp nhỏ, khói xà nu le luốc trên từng gương mặt trẻ thơ. Người dân Xôman sống dưới tán rợp của xà nu và khi về với đất mẹ họ cũng trở lại với bóng mát dưới chân đồi xà nu. Nó hiện lên dưới nhiều góc độ, khi thì trong hoài niệm, khi hiện ra trước mất, lúc là thân là ngọn, khi là nhựa là lửa, có lúc là đồi, là rừng. Rừng xà nu là nơi chuẩn bị vũ khí để chờ đợi tới khi vùng lên quật khởi. Ngọn lửa xà xu như những ngọn đuốc thắp sáng lòng căm thù để rồi hừng hực cháy trong lòng mọi người và đem đến tín hiệu của giờ đồng khởi. Bếp lửa xà nu sáng rực ấm áp là nơi cả dân làng quây quần lắng nghe từng lời cụ Mết.

       Không chỉ vậy, cây xà nu vẫn luôn ứng chiếu với con người Tây Nguyên rất tương ứng, hài hòa. Người dân xôman mang nặng nỗi đau thương với xà nu. Qua hình ảnh rừng xà nu bị tàn phá, người đọc như sống lại những trang sử đau thương của người dân xôman và chính đau thương ấy đã trở thành sức mạnh quật khởi của dân làng. Thứ hai, xà nu là biểu tượng của sự sống và niềm tin tự do. Mỗi cây xà nu vươn mình, xanh rờn là mỗi cây ham sống và vươn ra tìm tự do. Nó là khát vọng vươn lên và lòng trung thành của người dân Xôman. Dù sống trong tầm đại bác của giặc, những cánh rừng vẫn trải dài một màu xanh. Người dân Xôman cũng vậy. Họ có sự kế thừa từ thế hệ này qua thế hệ khác. Sự tàn bạo, độc ác và cả nhẫn tâm của kẻ thù không thể tiêu diệt tinh thần kiên cường, bất khuất của dân làng, kẻ thù càng tàn bạo thì sức mạnh đoàn kết đứng lên càng mạnh mẽ. Cuối cùng, rừng xà nu biểu tượng cho  những thế hệ người dân Xôman. Rừng xà nu có ba lứa cây: cây cổ thụ, cây trưởng thành và cây non. Chúng luôn có sự kế tục và là biểu tượng cho dân làng Xôman. Bom đạn không thể quật ngã những cây cổ thụ cũng như bom đạn không ngăn cản tinh thần Cụ Mết- luôn vững chắc bám trụ trên mảnh đất quê hương, bao nhiêu thử thách là bấy nhiêu gan dạ và trở thành chỗ dựa cho cả dân làng. Mỗi cây trưởng thành là soi chiếu của lớp thanh niên đang căng tràn nhựa sống, sẵn sàng đứng dậy và đấu tranh như Tnú, Mai, Dít. Đau thương vẫn tiếp tục nuôi dưỡng ý chí bền bỉ quật cường. Đó là sức mạnh không ngưng trưởng thành, ngày một lớn mạnh, được nuôi dưỡng, ấp ủ bởi tinh thần kiên cường để tạo nên sức mạnh toàn dân mang màu sắc sử thi.

       Rừng xà nu là hình tượng nghệ thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Hình tượng cây xà nu với bút pháp lãng mạn, gợi và tả đã hiện lên chân thực, vừa khái quát, vừa cụ thể tạo nên màu sắc sử thi rất đậm nét cho thiên truyện.


Phân tích hình tượng cây xà nu - Bài mẫu 2

Phân tích hình tượng cây xà nu - Bài mẫu 2

         Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành là tác phẩm mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, đặc biệt chỉ với hình tượng cây xà nu nhà văn đã gợi lên vẻ đẹp không chỉ của riêng vùng đất Tây Nguyên, mà còn thổi hồn vào hình tượng ấy nét đẹp hào hùng mà cũng đầy đau thương của cả một cộng đồng.

        Hình tượng cây xà nu là một trong những hình tượng trung tâm và xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, Nguyễn Trung Thành đầy dụng ý khi cả mở đầu và kết thúc tác phẩm hình ảnh cây xà nu đều xuất hiện, tạo nên một kết cấu đầu cuối tương ứng, biến hình tượng xà nu trở thành một cấu tứ nghệ thuật hoàn hảo.

        Trước hết, rừng là nu là hình tượng cho người dân làng Xô Man trong đau thương:

"Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương, có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão, từ miệng vết thương ấy ứa ra thứ nhựa tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh; bầm lại quyện đen thành những cục máu lớn".

Đó không chỉ là những đau thương, mất mát của rừng xà nu mà cũng là biểu trưng cho thân phận đau thương của người dân làng Xô Man khi làng nằm trong tầm bắn của địch, luôn luôn phải đối mặt với hiểm nguy. Nhưng chính khu rừng xà nu hùng vĩ, lấp lánh ấy đã trở thành người hùng cùng đồng hành, gắn bó và che chở, bảo vệ những người dân nơi đây. Để ý có thể thấy, cây xà nu bị thương đã được nhà văn miêu tả bằng ngôn ngữ đậm chất thơ, và thấm trong từng mạch tả là niềm tự hào, xúc động cũng như sự gắn bó của tác giả với mảnh đất Tây Nguyên. Nguyễn Trung Thành dường như đã mang cả chất kiêu hùng trong ngòi bút rất riêng của mình để khắc họa về hình tượng rừng xà xà nu. Vì thê cây xà nu cũng đẹp, cũng trở nên lớn lao và mang đậm tính biểu tượng hơn nhờ sự hi sinh và nỗi đau mà nó phải chịu đựng, để từ đó hình tượng về những người dân làng Xô Man vất vả đau thương nhưng vẫn luôn quật cường, hiên ngang, một lòng hướng về cách mạng.

        Xà nu trong vất vả đau thương mang vẻ đẹp cao cả, hùng vĩ, nhưng hình tượng xà nu với nét đẹp riêng của loài cây này cũng là biểu trưng cho nét đẹp tâm hồn của cộng đồng người Tây Nguyên. Xà nu là một loài cây khao khát ánh sáng đến lạ kỳ: "nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh sáng". Đưa vẻ đẹp này của xà nu lên trang viết, Nguyễn Trung Thành như đang một lần nữa khẳng định vẻ đẹp của xà nu hay cũng chính là nét tâm hồn người dân Tây Nguyên đằm sâu ở trong đó, mảnh đất với những con người luôn tha thiết với  tình yêu của sự  tự do và mang trong mình sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Mỗi một dân tộc, một cộng đồng người ở từng vùng miền đều tồn tại thẳm sâu trong họ những nét đẹp tâm hồn riêng, để làm nguồn gợi thơ gợi tứ cho biết bao ngòi bút. Với Nguyễn Trung Thành, người dân Tây Nguyên là những người mà thiên nhiên rộng lớn nơi đại ngàn đã đằm vào tâm hồn họ tình yêu tự do, yêu sự sống và yêu cả những khoảng trời cao lớn mà xiềng xích gông cùm không thể kiềm tỏa được. Thêm nữa, xà nu còn có khả năng sinh sôi mãnh liệt:  Đó là biểu tượng cho sự tiếp nối liên tục và mạnh mẽ của người dân làng Xô Man, thế hệ này ngã xuống, thế hệ sau sẽ tiếp nối sứ mệnh thiêng liêng mà thế hệ trước đã trao truyền, gửi gắm.

        Cứ như thể, thế hệ trước và thế hệ sau nối tiếp nhau, để cùng gồng gánh chặng đường cách mạng. Và chăng, Nguyễn Trung Thành nhìn thấy trong thế hệ ấy, hàng ngàn hàng vạn, lớp lớp những thế hệ người Việt đã hi sinh đầy bất khuất kiên cường như vậy. Đó cũng là biểu hiện sâu sắc cho lòng kiên trung tinh thần đại đoàn kết trước sau như một để đánh đuổi kẻ thù của dân tộc ta. Mượn hình tượng cây xà nu, Nguyễn Trung Thành đã diễn tả một cách sống động vẻ đẹp hào hùng ấy của biết bao nhiêu thế hệ đã hy sinh, đã ngã xuống vì dân tộc, đồng thời làm cho hình ảnh rừng xà nu bỗng mang trong nó linh hồn lớn lao hơn, bởi nó là sự gửi gắm điệu hồn của hàng nghìn thế hệ.

         Tiếp tục những dòng miêu tả đầy chất thơ mà cũng đậm chất hùng của Nguyễn Trung Thành, hình tượng xà nu hiện lên mang đậm tính chất biểu tượng,mang đậm vẻ đẹp sử thi lãng mạn: 

"Có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá xum xuê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng".

        Đó phải chăng cũng là câu chuyện ta nhìn thấy trong sự hi sinh của người dân làng Xô Man vì sự nghiệp chung của cả dân tộc.  Hình ảnh bất diệt của cây xà nu khiến ta lập tức nghĩa đến Tnú - đại diện tiêu biểu cho lớp anh hùng của làng Xô Man, anh chịu biết bao đau đớn thương tật nhưng anh vẫn sống vẫn hoạt động cách mạng một cách hăng hái, nhiệt tình, những chiêu trò hiểm độc của quân địch tàn bạo không uy hiếp được anh, không thể nào làm nguôi ngoai tinh thần cách mạng đang bùng lên như ngọn lửa rực cháy trong anh, cái chết với Tnu không là gì, anh đặt sự nghiệp chung, sự hi sinh cho cả cộng đồng cao hơn mạng sống và an nguy của chính mình. Tnú quả thực là hình tượng đẹp, hùng vĩ cho cánh chim đại ngàn của mảnh đất Tây Nguyên. Tnú vì thế, chính là hình tượng đại diện cho vẻ đẹp của cả cộng đồng người dân làng Xô man. Ngay cả khi ranh giới giữa cái chết và sự sống quá đỗi mong manh, ngay cả khi trong gang tấc hiểm nguy, tinh thần và ý chí quật cường, bất khuất vẫn là nét đẹp khắc tạc trong tâm hồn từng người con mảnh đất này.  Dù khó khăn, dù gian nan, họ vẫn hướng về tương lai, vẫn khao khát sự sống, sự tự do bằng cả tâm hồn rộng lớn của mình.

        Hình ảnh rừng xà xu là hình ảnh xuyên suốt của trong tác phẩm, vì nó không chỉ gắn bó với người dân làng xô man trong đau thương, mà còn  đi vào đời sống sinh hoạt, gắn với hoạt động của người dân làng Xô Man. và vì thế nó mang theo hơi thở của sự sống Tây Nguyên. Cây xà nu bên cạnh Tnú và Mai học con chữ, lửa xà nu đã cháy trên mười đầu ngón tay Tnú, cụ Mết cũng được ví như bóng cây xà nu vĩ đại, và cả khi Tnu quay trở về từ đơn vị, cũng gắn bó với hình ảnh cây xà nu. Vậy nên cây xà nu không chỉ là loài cây của núi rừng, mà còn là linh hồn của mảnh đất anh hùng này, là người bạn thân thiết và khăng khít với người dân làng Xô man.

       Bằng tình yêu tha thiết cháy bỏng với mảnh đất và con người nơi đây, cùng lối hành văn bay bổng lãng mạn mang khuynh hướng sử thi, hình tượng xà nu quả thực là hình tượng lưu lại sâu sắc dấu ấn phong cách của Nguyễn Trung Thành.

Các bài viết liên quan:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021