logo

Phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ nhặt học sinh giỏi

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ nhặt học sinh giỏi. Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp nâng cao, chi tiết từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh chuyên văn. Mời các em cùng tham khảo nhé! 

Phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ nhặt học sinh giỏi - Bài văn mẫu

Kim Lân được mệnh danh là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc của nền văn học  Việt Nam đương đại. Vợ Nhặt là một trong những  tác phẩm đánh đánh dấu tên tuổi của ông. Tác phẩm đã  khắc họa thành công bức tranh nghèo khổ và tang thương khốn cùng của người dân trong nạn đói năm 1945. Đồng thời, tác phẩm cũng chính là tiếng lòng của tác giả với hy vọng vào tương lai tương sáng và vào đường lối kháng chiến của Đảng. Điều này được thể hiện rõ qua giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.

Tác phẩm “Vợ nhặt” là tiền thân của tiểu thuyết Xóm ngụ cư được Kim Lân viết vào thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám và được in trong tập “Con chó xấu xí” năm 1945. Xuyên suốt tác phẩm là tình cảnh thê thảm cùng cực của người dân Việt Nam trong nạn đói kinh hoàng năm 1945. Bên cạnh đó, truyện cũng ca ngợi được bản chất tốt đẹp, tinh thần tương thân tương ái của con người trong bất kỳ hoàn cảnh nào thậm chí là cả cái chết.

Phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ nhặt học sinh giỏi

Ngay từ đầu tác phẩm chúng ta có thể thấy rõ, Kim Lân cảm thấy xót xa, thương cảm với cuộc sống bi thảm của người dân nghèo trong nạn đói 1945, “cái đói bao trùm khắp nơi và đến cả cái xóm nghèo của dân ngụ cư”. Người nào người nấy gầy òm như những bóng ma giữa ban ngày, “buổi sáng nào cũng có vài người nằm chết queo bên đường, tỏa mùi gây gây của xác chết”. Có cái chết nào đau hơn sự quằn quại của chết đói, đói đến mức con người ta phải ngã quỵ xuống, ở cái xóm ngụ cư này dường như cả cảnh vật lẫn con người đều đã bị nạn đói hành hạ và nhuộm màu. 

Tiếp đến là cuộc sống của anh cu Tràng, anh là một chàng trai nghèo, thân mình lo không nổi nói gì đến lấy vợ. Thế nhưng, trong nạn đói khủng khiếp này chàng đã có được vợ nhờ bốn bát bánh đúc. Chúng ta sẽ càng xót xa hơn với bữa cơm đón nàng dâu mới về nhà, Thị được tiếp đón bằng nồi cháo loãng và bát cám. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh tối tăm và ảm đạm ấy, tình thương giữa con người với con người, mái ấm gia đình và sự nương tựa, che chở cho nhau của những người lao động nghèo. 

Câu chuyện trở nên thú vị hơn với tình huống nhặt được vợ của anh cu Tràng, sự thay đổi trong tâm lý của từ lo lắng, coi là chuyện tầm phào “thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không lại còn đèo bòng”. Và rồi anh lại “tặc lưỡi”: “Chậc, kệ!”. Và sau cùng là Tràng đã thực sự nghiêm túc với quyết định của mình “Trong một lúc Tràng hình như quên hết những cảnh sống ê chề…, một cái gì đó mới mẻ, lạ lẫm chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp mơn man khắp da thịt Tràng, tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng”. Anh cũng đã biết tiết kiệm và suy nghĩ hơn “hai hào đấy, đắt quá”, “vợ mới vợ miếc thì cũng phải cho nó sáng sủa một tí chứ, chẳng nhẽ chưa tối đã súc ngay vào”. Và đặc biệt, sáng ngày hôm sau Tràng thực sự đã trở thành một con người mới, biết lo lắng, chăm sóc cho vợ, cho gia đình và suy nghĩ đến gia đình nhỏ sau này. Còn Thị một cô gái gầy gò, nghèo khổ, trên người cô đến bộ quần áo cũng chẳng còn lành lặn nữa. Cô chấp nhận từ bỏ thứ gọi là danh dự để đi theo Tràng, có thể nói hoàn cảnh đã đẩy con người vào đường cùng, khiến cho giá trị của con người trở nên rẻ rúng và thậm chí là không còn giá trị. Và bên cạnh đó, cũng phần nào bộc lộ được khát vọng sống vô cùng mãnh liệt của con người. Hay cũng có thể nói rằng chính vì hoàn cảnh éo le này mà một người khờ khạo như Tràng mới lấy được vợ. 

Tất cả mọi người trong nhà đều chung tay vun đắp hạnh phúc gia đình, Thị đã hoàn toàn thay đổi thành một người vợ hiền hậu đúng mực, cô giờ đã trở thành một người vợ đảm đang rồi “nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu gọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm, mươi niên ở góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch”. Hay cả nhân vật bà cụ Tứ - một người mẹ già có thể nói là gần đất xa trời lại là người có niềm tin và hy vọng nhiều nhất. Từ lo lắng về tương lai của con xen lẫn niềm vui khi con đã có một gia đình riêng và cũng là người động viên các con cố gắng làm lụng, xây dựng gia đình  “khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà”… “Mẹ chồng nàng dâu thu dọn cửa nhà, sáng hôm sau thị dậy từ sớm quét dọn nhà cửa cho ngăn nắp, gọn gàng”. Niềm hy vọng đổi đời, hết nghèo đói trong tâm trí các nhân vật mãnh liệt hơn bao giờ hết qua hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng trong tâm trí Tràng.

Giá trị nhân đạo của tác phẩm còn được thể hiện qua việc gián tiếp tố cáo những tội ác trời đất không tha của bọn thực dân phát xít đối với nhân dân ta. Bọn thực dân đã đưa dân ta vào đường cùng, bóc lột tàn bạo sức lao động của người dân “đằng thì chúng bắt nhổ lúa trồng đay, đằng thì chúng bắt đóng thuế”. Những chính sách của chúng luôn luôn đàn áp nhân dân gây nên những cái chết đầy tang thương. Chúng ta có thể thấy rõ tội ác của chúng qua những tác phẩm cùng thời với “Vợ nhặt” như là Chí Phèo, Tắt đèn,.. Một chi tiết phản ánh những chính sách hết sức phi lý của bọn thực dân là “tiếng trống thúc sưu thuế” cuối truyện, nó khiến những người dân nghèo khổ phải than trời qua lời bà cụ Tứ ““Giời đất này không chắc đã sống qua được đâu các con ạ”.

Phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ nhặt học sinh giỏi

Cuối tác phẩm, tác giả đã chỉ ra lối thoát cho con người hướng tới những giá trị tốt đẹp hơn, đó là tin tưởng vào cách mạng, vào kháng chiến, đi theo con đường mà cách mạng chỉ dẫn. Điều này được thể hiện rõ qua hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng và đoàn người đi phá kho thóc của bọn thực dân. Chắc chắn một mai kháng chiến sẽ chiến thắng và nhân dân sẽ ấm no. Tư tưởng nhân đạo hướng về quần chúng lao động,  hướng tới những ước mơ bình dị, một lần nữa khẳng định dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì tình người và sức sống của nhân dân là bất diệt.

Bằng cái nhìn chân thực và khách quan, Kim Lân đã khắc họa thành công bức tranh nạn đói năm 1945 và cũng như nói được hộ được tiếng lòng của những người dân nghèo trong xã hội. Dù trong hoàn cảnh éo le và khắc nghiệt như vậy nhưng khát vọng sống và tình yêu thương của họ vẫn tỏa sáng. Giá trị nhân đạo cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công của tác phẩm “Vợ nhặt”.

---/---

Với bài văn mẫu Phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ nhặt học sinh giỏi do Toploigiai sưu tầm và biên soạn trên đây, hy vọng các em sẽ có thêm những góc nhìn mới mẻ và có cái nhìn tổng quát hơn về tác phẩm. Chúc các em làm bài tốt!

icon-date
Xuất bản : 11/08/2022 - Cập nhật : 11/08/2022