logo

Phân tích đoạn 1 Phú sông Bạch Đằng

Trương Hán Siêu là một tác gia nổi tiếng của văn học thời kì trung đại, trong sự nghiệp đồ sộ của thi nhân, có thể nói bài Phú Sông Bạch Đằng chính là kiệt tác thành công rực rỡ nhất, hãy cùng tham khảo các bài phân tích đoạn 1 Phú sông Bạch Đằng trong bài viết dưới đây nhé.


Phân tích đoạn 1 Phú sông Bạch Đằng - Bài mẫu số 1

Phân tích đoạn 1 Phú sông Bạch Đằng - Bài mẫu số 2

Hầu như mỗi nhà thơ, mỗi ngòi bút đều tìm về với một địa danh lịch sử của dân tộc để tìm cảm hứng cho mình, Bạch Đằng có thể nói là địa điểm lịch sử hào hùng mà rất nhiều bước chân nghệ sĩ đã đến khai thác, kiếm tìm, trong đó, Trương Hán Siêu đã để lại dấu ấn của riêng mình qua bài phú Phú sông Bạch Đằng:

“Giương buồm trong gió chơi vơi,

Lướt bể chơi trăng mải miết.

Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương,

Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt:

Khách cũng là một con người đi nhiều, biết rộng:

Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ củng nhiều,

Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết”

Học Tử Trường chừ thú tiêu dao”.

        Thú vui của những bậc tao nhân mặc khách, ấy là bầu bạn với thiên nhiên, uống rượu thưởng trăng, ngâm thơ. Ở đây, nhân vật trữ tình cũng mang trong mình niềm yêu say thiên nhiên, khát khao được chu du sơn thủy non nước hữu tình. Ngay từ câu thơ mở đầu, chất hào hoa, lãng mạn, tâm hồn thi sĩ đã được bộc lộ qua cách diễn đạt rất đỗi tài tình của nhà thơ. Chơi vơi, lướt bể, mải miết, những từ ngữ đó góp phần tạo nên cảm nhận cho người đọc về phong thái, tư thế, tâm thế của nhân vật trữ tình, hẳn là một vị lữ khách có chí hải hồ, thích ngao du sơn thủy, mà bầu bạn, bầu thơ túi rượu thân tình cùng gió trăng thiên nhiên. Các từ chỉ thời gian xuất hiện tần xuất kế tiếp đối nhau “sớm, tối”, tạo nên sự xuyên suốt, gắn kết cho hai câu thơ.

        Tiếp đó, bằng cách liệt kê các địa danh nổi tiếng, nhân vật trữ tình phần nào gián tiếp cho thấy trải nghiệm sâu rộng, phong phú của bản thân mình. Đó, phần nào cũng là ý thức thị tài của kẻ sĩ thời xưa, họ luôn ý thức về địa vị, học thức và vốn sống, vốn trải nghiệm, du lãm sâu rộng của mình, từ đó làm nên nét riêng của người trí thức lúc bấy giờ.

        Nhưng để ý thấy một điểm đặc biệt, đó là dù đi nhiều, biết nhiều, nhưng trong thú tiêu hao, khách chỉ học có Tử Trường, tức là Tư Mã Thiên, một nhà sử học danh tiếng lẫy lừng, người đã từng bôn ba hơn 20 năm chu du thiên hạ để viết nên cuốn sử ký toàn thư lưu danh ngàn thế hệ. Không chỉ thế, cái sâu xa của nhân vật trữ tình khi nhắc tới Tử Trường là ở chỗ, phải chăng khách nói đến Tử Trường để bày tỏ tâm hồn đồng điệu của mình với người xưa. Đi xa không phải chỉ để thỏa thú tiêu dao, xê dịch, mà còn là một dịp lắng mình vào những nét đẹp của các địa danh lịch sử dân tộc, để chiêm ngưỡng, và hồi tưởng về quá khứ hào hùng của cha ông.

        Mở đầu bài phú, nhân vật khách mở ra một cảnh tượng rộng lớn, hùng vĩ về những địa điểm mình đã đặt chân, nhưng hầu hết chúng đều khó có thể hiện hưu, hiện thực hóa trong tâm hồn người đọc, bởi lối viết phóng khoáng thiên về gợi, về liệt kê để gia tăng sự hào phóng hơn là đi vào điểm nhấn chi tiết. Do đó, ta có thể hiểu thêm về dụng ý của nhà thơ ở đây, đó là mở đầu bài phú là cảm hứng tạo nên thực ra chỉ là sự chuẩn bị một không khí thích hợp trước khi đi vào thế giới hùng vĩ của sông Bạch Đằng lịch sử.

       Nét vẽ đầu tiên là vẻ đẹp hùng vĩ, bát ngát vô tận của con sông lịch sử, hào hùng:

“Bát ngát sóng kình muôn dặm

Thướt tha đuôi trĩ một màu

Nước trời một sắc

Phong cảnh ba thu”

         Nhưng ngay khi vừa khiến người đọc choáng ngợp bởi không gian rộng lớn, bởi vẻ đẹp hùng vĩ nơi đây, nhân vật khách lại đồng thời làm dấy lên trong lòng người đọc những cảm xúc ngậm ngùi, lắng đọng về thế hệ đã ngã xuống tại nơi đây:

“Sông chìm giáo gãy

Gò đầy xương khô

Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá

Tiếc thay dấu vết luống còn lưu.”

        Để từ đó, ta thấy việc chu du núi non không phải để thỏa thú xê dịch, để làm bạn với bầu thơ túi rượu, với thiên nhiên rộng lớn kì vĩ, mà nó còn là cách để ta tìm về với những di tích lịch sử, để đồng điệu, đồng cảm, trân trọng những người đã ngã xuống vì giang sơn nghìn thu còn mãi. Cảm xúc hai câu thơ cuối ở trên như một nốt trầm, nốt lặng làm trầm xuống nhịp điệu của cả mạch thơ, đó cũng đồng thời là sự hoài tưởng, nuối tiếc, xót xa cho những hi sinh không gì tả xiết của bao thế hệ đã qua.

        Khổ thơ đầu bài Phú sông Bạch Đằng đã gợi lên trong người đọc những mạch cảm xúc đan quyện vào nhau, vừa như được mở rộng tầm mắt bởi non kỳ thủy tú của giang sơn, vừa tha thiết lắng sâu với sự hy sinh của người chiến sĩ hào hùng đã ngã xuống vì dân tộc.


Phân tích đoạn 1 Phú sông Bạch Đằng - Bài mẫu số 2

Phân tích đoạn 1 Phú sông Bạch Đằng - Bài mẫu số 2

        Giáo sư Nguyễn Đình Chú có viết "Giá trị của phú là ở chỗ không chỉ làm sống dậy hào khí chiến đấu của trận Bạch Đằng mà còn làm sáng chân lý muôn đời của dân tộc". Qủa đúng, đằng sau không khí chiến thắng hùng tráng của trận thủy chiến trên sông Đằng bài phú đã nêu cao niềm tự hào dân tộc, tư tưởng nhân văn cao đẹp. Đoạn thơ đầu tiên không chỉ làm sống dậy hào khí chiến thắng đầy anh hùng mà còn là khúc tráng ca sáng ngời chân lý dân tộc.

         Xét về kết cấu bài phú cổ thể mang tính hô ứng, là kết cấu đối đáp giữa hai hình tượng nhân vật chủ và khách. Khách ham đi, am hiểu nhiều và đặc biệt tâm huyết với lịch sử dân tộc. Khách tìm đến sông Bạch Đằng không chỉ vì yêu thiên nhiên mà còn vì lòng ngưỡng mộ nơi có chiến công oanh liệt và khát vọng tìm về một thời anh hùng để đào sâu vào chiều dài của lịch sử dân tộc, theo bước chân anh hùng Tử Trường xưa (sử gia nổi tiếng Trung Quốc đời Hán). Chủ là những bô lão ở ven sông Bạch Đằng mà khách gặp đã gánh vác trọng trách to lớn được cả dân tộc giao phó.. Cũng có thể nhân vật bô lão là nhân vật có tính chất hư cấu, được xây dựng nhằm thỏa mãn nhu cầu cảm xúc để đẩy tình cảm đi đến tận cùng và trọn vẹn nhất.

         Bài phú bắt đầu trong dáng vẻ của người lữ khách – “giong buồm gió lênh đênh, nhặt trăng bể mê mải”, lãng mạn và đầy chất thơ. Chính nhân vật này đã ngược dòng thời gian trôi về quá khứ đi tìm những kí ức hôm nào với hàng loạt những danh thắng “đệ nhất thiên hạ”. Đó là không gian đơn sơ của buổi sơ khai còn là thiên nhiên chẳng tiếc lời ca ngợi.

Triệu dát huyền hề Nguyên Tương,

Mộ u thám hề Vũ Huyệt.

Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt.

Nhân tích sở chí, mị bất kinh duyệt

       Cái tài của người cầm bút thực sự được bộc lộ khi đã dùng từ, đặt câu. Chỉ là danh xưng của các miền đất mà đọc lên nghe du dương bởi chúng được chọn lọc, sắp xếp thành nhạc điệu:

Tam > Ngô > Bách > Việt

Cửu > Giang > Ngũ > Hồ

         Nào là sông Nguyên, sông Tương ở Hồ Nam, Vũ Huyệt ở Cối Kê… nào là Tam Ngô, Bách Việt… mà ai ai cũng đợi chờ, ngóng trông, cũng mang một ước mơ, một hy vọng được in dấu chân mình trên miền đất ấy. Cho dù xa xôi, dù cách trở trăm bề, dù quen dù lạ thì chắc hẳn dấu chân người đến không ai khác là lữ khách từng du ngoạn. Tưởng vậy là đã thoả “tráng chí” tung hoành bốn phương, nào ngờ: “Hung thốn Vân Mộng giả sổ đắc, nhị tứ phương chi tráng chí do khuyết như dã” (Ngực nuốt vài trăm đầm Vân Mộng mà chí lớn tung hoành bốn phương vẫn còn chưa thỏa). Chưa thoả! Vì ngay trên chính mảnh đất quê hương, ngay trên mảnh đất anh hùng, ngay miền đất mẹ của Tổ quốc thân yêu mà chân ta còn chưa đặt tới, chiến tích sông Bạch Đằng! Đến với sông Bạch Đằng không đơn thuần là một cuộc du hí  mà đến để hiểu, để nhớ và để biết ơn máu xương của thế hệ cha anh đã đổ xuống đổi lại cho yên bình hôm nay. Chiến thắng vẻ vang ấy, lý tưởng hào hùng ấy sẽ sống mãi và ghi dấu chiến công oanh liệt cho muôn đời hậu thế!

        Ấn tượng đầu tiên mà Trương Hán Siêu đưa đến cho người đọc là chiều rộng và chiều sâu của dòng sông lịch sử, chiều rộng trong khoảng độ địa lí, chiều sâu trong bề dày lịch sử của Bạch Đằng giang. Điều đó đủ để thấy dòng sông địa lý vừa là đại giang vừa là trường giang (Bát ngát sóng kình muôn dặm), với bao lớp sóng lớn trùng điệp. Điều đáng lưu ý là ngoài vẻ thiêng liêng hùng vĩ, sông Bạch Đằng còn nên thơ và trữ tình, nó dịu dàng e ấp như những nàng thơ, nó thơ mộng nên duyên với sóng nối sóng, với thuyền bè nối đuôi nhau trôi dập dềnh trên sông. Người xưa thường nói tức cảnh sinh tình, có lẽ bởi thế mà đứng trước thiên nhiên vừa nên thơ vừa trữ tình ấy khiến lòng người rạo rực, khiến nỗi buồn niềm vui như lẫn lộn. Nơi chiến trường ta từng chiến đấu và chiến thắng, nơi trận thủy chiến lừng lẫy trong lịch sử nhưng kể sao cho hết những hi sinh mất mát với bao giáo gãy, bao máu và mồ hôi đã đổ xuống xương khô. Đất trời cũng như hiểu lòng người, lau lách như thể trở về quá khứ, gợi lại những ngày chiến đấu căng thẳng để thế hệ hôm nay không tránh khỏi động lòng tiếc nuối, xót thương cho bao anh hùng đã khuất:

Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá 

Tiếc thay dấu vết luống còn lưu

        Trước phong cảnh tàn thu, trời nước biếc màu (thủy thiên nhất sắc, phong cảnh tam thu) tác giả không khỏi động lòng mà lung lay ngòi bút. Tác giả đã khéo vận dụng ý thơ cổ để câu từ trau chuốt mà thổi vào đó hồn thiêng Bạch Đằng. Nơi thiên nhiên kì vĩ của Bạch Đằng đã khơi nguồn cảm hứng để cảm xúc được dâng trào, để hồn người thêm lãng mạn phiêu du. Cảm hứng ấy dâng cao trong niềm tự hào vô bờ bến khi hồi tưởng về quá vãng anh hùng với lí tưởng kiên gan quyết chiến quyết thắng, “hào khí Đông A” là đây!

         Như vậy khổ thơ thứ nhất đã làm sống dậy hình ảnh sông Bạch Đằng từ lâu đã soi bóng lịch sử dân tộc như một huyền thoại, như một dấu son trong lịch sử 4000 năm chiến đấu giành, dựng nước và giữ nước của dân tộc anh hùng. Quả đúng, Phú sông Bạch Đằng là đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong nền văn học Việt Nam thời trung đại.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021