logo

Phân tích Đất nước đoạn 2 học sinh giỏi

Tuyển chọn những bài văn hay, nâng cao Phân tích Đất nước đoạn 2. Với những bài văn mẫu đặc sắc, chi tiết dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn tại các lớp chuyên và thi học sinh giỏi. Cùng tham khảo nhé! 

Phân tích Đất nước đoạn 2 học sinh giỏi - Bài văn mẫu

   Đất nước là một đề tài không mới, phải nói là rất quen thuộc với nền thơ ca Việt Nam. Trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ đất nước lại có màu sắc, dáng vẻ khác nhau. Và qua mỗi hồn thơ hình ảnh đất nước cũng hiện lên với muôn màu, muôn hình, muôn vẻ. Đọc “Đất nước” trích”Trường ca mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp giản dị, gần gũi nhưng cũng vô cùng thiêng liêng cao đẹp của đất nước. Tư tưởng đất nước của nhân dân là tư tưởng chủ đạo, như sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dọc bài thơ. Đặc biệt là ở đoạn 2 của bài thơ này.

  Viết về đất nước nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã có những khám phá rất mới mẻ và sâu sắc. Ông chọn những điểm nhìn gần gũi, quen thuộc để làm nổi bật những vẻ đẹp của đất nước. Và điểm then chốt cuối cùng chính là tư tưởng đất nước của nhân dân thấm đẫm trong từng trang thơ.

   Tư tưởng đất nước của nhân dân là tư tưởng đã được Nguyễn Trãi xác lập từ thời trung đại, sau này nhà thơ Phan Bội Châu cũng khẳng định” dân là nước, nước là dân” Đến thời kỳ những năm 1945-1975 tư tưởng đất nước của nhân dân đã thấm nhuần trong thơ ca dân tộc. Tuy nhiên phải đến đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, cảm hứng đất nước của nhân dân mới được thể hiện một cách trọn vẹn, đầy đủ. Đất nước được cảm nhận trong không gian ba chiều: chiều rộng của không gian, chiều dài thời gian và chiều sâu của lịch sử, văn hoá, phong tục. Tư tưởng đất nước của nhân dân cũng được cảm nhận cũng được triển khai theo phương diện ấy. Chính nhân dân những người chân lấm tay bùn đã làm nên vẻ đẹp của đất nước:

Phân tích Đất nước đoạn 2 học sinh giỏi

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

……………………………………..

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

   Một loạt các địa danh quen thuộc trải dài trên lãnh thổ từ Bắc vào Nam được liệt kê. Đó là núi Vọng Phu, hòn Trống Mái, đất tổ Hùng Vương, vịnh Hạ Long, núi Bà Đen, núi Bà Điểm… Đây đều là những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, là sản phẩm do tạo hoá sắp đặt. Những cảnh đẹp ấy gợi lên hình ảnh của một đất nước mà đâu đâu cũng có vẻ đẹp hoa lệ, trù phú, gợi ra niềm tự hào khôn xiết ở mỗi người. Nhưng có một điều đặc biệt là nhà thơ không nhìn nó dưới góc độ của một nhà địa lý, nhà khoa học mà bằng những suy tưởng độc đáo, sâu sắc, nhà thơ khẳng định rằng mỗi danh lam thắng cảnh ấy đều do nhân dân hoá thân mà thành.

   Theo nhà thơ hình ảnh núi Vọng Phu là hoá thân của người vợ nhớ chồng, hòn Trống Mái là hoá thân của những cặp vợ chồng yêu nhau tha thiết, son sắt, ngay cả những núi Bút, non Nghiên cũng là hoá thân của những người học trò nghèo cần cù, chịu khó. Không ai khác chính những người dân áo vải bình thường, vô danh, bình dị, không ai nhớ mặt đặt tên nhưng chính họ đã làm nên vẻ đẹp của đất nước, non sông.

   Đi từ những phát hiện cụ thể này, Nguyễn Khoa Điềm đã khái quát thành kết luận sâu sắc:

Ôi đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta

   Mọi mảnh đất, miền quê trên dải đất hình chữ S đều in dấu cuộc đời của mỗi con người , là máu thịt, hoá thân của nhân dân ta. Nhà thơ ngợi ca vẻ đẹp mĩ lệ của non sông cũng là khẳng định về vẻ đẹp của tâm hồn con người Việt Nam.

   Nhìn vào chiều dài của lịch sử đất nước Nguyễn Khoa Điềm không nhắc đến các triều đại hay các bậc vua chúa, ông chỉ nhắc đến “nhân dân” những người vô danh đã làm nên đất nước. Nhân dân là biết bao những thế hệ trong lịch sử, là con trai, con gái, những người bằng tuổi chúng ta. Khi đất nước hoà bình họ cần cù làm lụng để làm giàu đẹp cho quê hương, tổ quốc. Khi có ngoại xâm, người con trai ra trận để chiến đấu, người con gái trở thành hậu phương vững chắc, nuôi con, tiếp tế cho chồng đánh giặc. Và rồi khi giặc đến họ sẵn sàng cầm gậy, cầm chông đứng lên diệt giặc. 

Em ơi em

Hãy nhìn rất xa

Vào bốn ngàn năm Đất Nước

……………………………

Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm

Có nội thù thì vùng lên đánh bại

   Nhà thơ đã gợi lại lịch sử đầy hào hùng, vẻ vang của dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống thực dân pháp, đánh đuổi đế quốc Mỹ. Cả dân tộc không phân biệt già trẻ, gái trai, không phân biệt tuổi tác đều trở thành những anh hùng đánh giặc

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

Cuối đoạn thơ này nhà thơ khái quát và khẳng định lại tư tưởng đất nước này là của nhân dân:

Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân Đất

Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại

Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”

Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội

Biết trồng tre đợi ngày thành gậy

Đi trả thù mà không sợ dài lâu

   Hai lần cụm từ “đất nước của nhân dân” được lặp lại với mục đích nhấn mạnh nhân dân chính là những chủ thể làm nên đất nước này. Gắn với tư tưởng đất nước của nhân dân nhà thơ cũng khẳng định chiều sâu văn hoá dân gian trong đất nước” đất nước của ca dao thần thoại” Đó là hình ảnh đất nước trong những câu ca dao, dân ca ấm áp tình người. Dân ca, ca dao chính là vẻ đẹp tâm hồn của nhân dân, là sản phẩm do nhân dân sáng tác và truyền miệng. Nhắc đến đất nước của ca dao dân ca nhà thơ cũng gián tiếp khẳng định chính nhân dân là những người đã làm nên đất nước.

Kết thúc đoạn thơ đất nước là hình ảnh của những dòng sông, câu hát, người lái đò, là vẻ đẹp của trăm màu trên trăm dòng sông:

Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu

Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát

Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác

Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi.

   Tiếng hát của người lái đò đầy khoan thai, sảng khoái ngợi ca vẻ đẹp trù phú của quê hương đất nước và khát khao được lao động cống hiến xây dựng quê hương.

   Đoạn thơ thứ hai sử dụng chất liệu chính vẫn là ca dao, dân ca để làm nổi bật tư tưởng “đất nước của nhân dân”. Sự sáng tạo của nhà thơ là ở chỗ ông không trích dẫn nguyên văn những câu ca dao dân ca mà chỉ lấy ý tưởng, từ đó để thể hiện những suy nghĩ, liên tưởng của mình. Chính điều đó đã giúp ý thơ trở nên nhẹ nhàng, tinh tế và có sức truyền tải lớn đối với người đọc.

  Tác giả người Nga Pautopxky đã nói rằng “ Văn học đối với tôi là một hiện tượng đẹp đẽ nhất trên thế giới” Văn học sinh ra để bồi đắp tình cảm tốt đẹp ở mỗi người. Và đến với “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm mỗi người chúng ta đều có chung một tình yêu, sự tự hào với quê hương đất nước, để mỗi lần nghĩ về quê hương trong lòng ta lại ngân nga những câu thơ:

“ Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần đất nước”

---/---

Trên đây là các bài văn mẫu Phân tích Đất nước đoạn 2 học sinh giỏi do Toploigiai sưu tầm và tổng hợp được, mong rằng với nội dung tham khảo này thì các em sẽ có thể hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất!

icon-date
Xuất bản : 11/08/2022 - Cập nhật : 11/08/2022