logo

Phân tích Đất nước đoạn 1 học sinh giỏi

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Phân tích Đất nước đoạn 1 học sinh giỏi. Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp nâng cao, chi tiết từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh chuyên văn. Mời các em cùng tham khảo nhé! 

Phân tích Đất nước đoạn 1 học sinh giỏi - Bài văn mẫu

    Thuộc thế hệ những nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ tiêu biểu. Thơ ông giàu tính triết lý, sự suy tưởng sâu sắc, những sự cảm nhận, khám phá có chiều sâu. Một trong những bài thơ làm nên thành công trong thơ ông chính là “Đất nước”, trích “Trường ca mặt đường khát vọng”. Tư tưởng xuyên suốt chiều dài bài thơ chính là hình ảnh đất nước được cảm nhận ở đa chiều, nhiều góc độ và then chốt chính là hình ảnh đất nước này là của nhân dân. Ngay ở đoạn 1 hình ảnh đất nước đã hiện lên với tất cả sự bình dị, sâu sắc mà thiêng liêng vô cùng:

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa …” mẹ thường hay kể

……………………………….Làm nên đất nước muôn đời”

Phân tích Đất nước đoạn 1 học sinh giỏi

   Đất nước có từ bao giờ? Nhà thơ cũng chẳng biết rõ, chỉ biết rằng khi ta lớn lên đất nước đã có rồi. Đất nước tồn tại từ rất lâu, gắn với chiều dài không gian và thời gian lịch sử. Suốt 4000 năm văn hiến, trải qua bao nhiêu bể dâu, đất nước đã có, đã trở thành một trong những phần máu thịt của con người. Và rồi với nhà thơ đất nước bình dị, gắn bó với “ những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể”. Đó là những câu chuyện cổ tích, những bài hát ru, những kỷ niệm gắn bó với tuổi ấu thơ của mỗi người. Tiếp theo mạch suy tư ấy, hình ảnh đất nước hiện lên giản dị, gần gũi cũng giống như chính cuộc đời của con người “ đất nước bắt nguồn với miếng trầu bà ăn”, “đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre, đánh giặc”…Miếng trầu tình nghĩa, thắm đượm tình cảm vợ chồng, tình anh em, tình làng xóm. Đó cũng là tình cảm yêu thương, gắn bó, đoàn kết nghĩa tình của con người Việt Nam. Đất nước trưởng thành cùng những năm tháng khi cả dân tộc đánh giặc ngoại xâm. Những buổi đầu vũ khí thô sơ chỉ có vót chông, gậy tre nhưng tinh thần chiến đấu của dân tộc vẫn không có gì lay chuyển được. Đằng sau hình ảnh đất nước là những con người Việt Nam giản dị, nghĩa tình:

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

    Người mẹ giản dị với mái tóc búi sau đầu mang đậm truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Và tình yêu thương của cha mẹ cũng như thế chẳng có gì hoa mỹ mà đơn giản như “gừng cay muối mặn” trọn vẹn nghĩa tình đến đầu bạc răng long. 

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất nước có từ ngày đó…

    Câu thơ gợi nhắc đến phong tục dựng nhà của người Việt cổ “cái kèo, cái cột thành tên”, truyền thống lao động cần cù, siêng năng “xay, giã, giần, sàng” để làm ra hạt gạo trắng ngần. Tách đất và nước làm hai yếu tố nhà thơ tiếp tục cắt nghĩa cụ thể hơn về khái niệm đất nước:

Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất nước là nơi ta hò hẹn

Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

    Đất nước tiếp tục được cảm nhận thông qua những hình ảnh giản dị, thân quen, gần gũi với cuộc sống của con người. Đất nước chính là con đường anh đến trường hàng ngày, là dòng suối mang nước mát cho em tắm. Đất nước còn là nơi ghi dấu tình cảm hò hẹn của đôi ta, là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ… Như vậy đất nước còn là nơi ghi dấu tình yêu, chứng nhân tình yêu nồng nàn, son sắt của mỗi người. Thiêng liêng hơn cả đất nước chính là:

Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”

Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”

Thời gian đằng đẵng

Không gian mênh mông

Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ

Đất là nơi chim về

Nước là nơi rồng ở

Lạc Long Quân và Âu Cơ

Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

    Đất nước đã được cảm nhận qua chiều rộng của không gian và chiều dài của thời gian lịch sử.  Mà ở đó chúng ta tự hào vì là con cháu của “rồng tiên”, tự hào vì 54 dân tộc anh em có chung một cội nguồn lịch sử.

Phân tích Đất nước đoạn 1 học sinh giỏi

Những ai đã khuất,

Những ai bây giờ,

Yêu nhau và sinh con đẻ cái,

Gánh vác phần người đi trước để lại.

Dặn dò con cháu chuyện mai sau,

Hằng năm ăn đâu làm đâu.

Cũng biết cúi đầu nhở ngày giỗ tổ.

    Giọng điệu thơ đầy sự tâm tình thủ thỉ như nhắc nhở trách nhiệm của mỗi người với con cháu mai sau, phải biết gìn giữ những nét đẹp văn hoá của dân tộc, biết nhớ về cội nguồn lịch sử. Vì đất nước gắn bó với mỗi người, là cơm ta ăn, là áo ta mặc, là cha, là mẹ ta nên mỗi người cần phải có nghĩa vụ và trọng trách với đất nước:

Em ơi em,

Đất Nước là máu xương của mình,

Phải biết gắn bó và san sẻ,

Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời...

    Chính nhờ cảm xúc chân thành nên lời thơ dù là cầu khiến nhưng không hề lên gân, khẩu hiệu mà rất tự nhiên, tác động mạnh mẽ đến trái tim của mỗi người.

    Đoạn thơ được viết theo thể thơ tự do, gieo vần ngẫu hứng trong một số đoạn. Với giọng điệu kể chuyện, thủ thỉ, tâm tình, với hình ảnh giản dị, gần gũi, Nguyễn Khoa Điềm đã tạc nên hình ảnh của một đất nước giàu truyền thống văn hoá, thẫm đẫm tình người. Ý thơ phát triển một cách tự do, theo dòng liên tưởng của tác giả nhưng vẫn hợp lý và liền mạch. Đặc biệt chính là vận dụng một cách khéo léo những “thi liệu của văn học, văn hoá dân gian” như ca dao, dân ca, tục ngữ, sự tích, truyền thuyết, truyện cổ tích. Nhờ vậy mà hình ảnh đất nước được cảm nhận với vẻ đẹp thật giản dị, gần gũi với cuộc đời của mỗi người. Tư tưởng đất nước của nhân dân cũng dần được thể hiện và sẽ trọn vẹn hơn trong đoạn thơ thứ hai.

  Đất nước là đề tài không hề mới mẻ trong văn học Việt Nam từ bao đời. Thế nhưng “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm vẫn có một chỗ đứng riêng, có thể nói là vững chắc trong nền văn học. Để làm nên thành công đó phải khẳng định tài hoa, vốn sống của nhà thơ và sâu xa hơn cả chính là tình yêu chân thành của người con xứ Huế với dân tộc.

---/---

Với các bài văn mẫu Phân tích Đất nước đoạn 1 học sinh giỏi do Toploigiai sưu tầm và biên soạn trên đây, hy vọng các em sẽ có thêm những góc nhìn mới mẻ và có cái nhìn tổng quát hơn về tác phẩm. Chúc các em làm bài tốt!

icon-date
Xuất bản : 11/08/2022 - Cập nhật : 11/08/2022