Cùng Top lời giải trả lời chi tiết, chính xác câu hỏi: “Phân tích cơ sở lý luận của quan điểm thực tiễn” và đọc thêm phần kiến thức tham khảo giúp các bạn học sinh ôn tập và tích lũy kiến thức bộ môn Triết học.
Thực tiễn là toàn bộ những hoạt động vật chất có mục đích mang tính lịch sử - xã hội của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội.
Hoạt động thực tiễn là hoạt động mà con người sử dụng những công cụ vật chất tác động vào những đối tượng vật chất làm biến đổi chúng theo những mục đích của mình. Đó là những hoạt động đặc trưng và bản chất của con người. Nó được thực hiện một cách tất yếu khách quan và không ngừng phát triển bởi con người qua các thời kỳ lịch sử. Chính vì vậy mà hoạt động thực tiễn bao giờ cũng là hoạt động mang tính chất sáng tạo và có tính mục đích, tính lịch sử - xã hội.
Thực tiễn là hoạt động vật chất gắn liền với sự biến đổi của tự nhiên xã hội loài người nhằm cải tạo tự nhiên - xã hội. Những hoạt động vật chất nào đi ngược với khoa học tự nhiên và xã hội thì không gọi là hoạt động thực tiễn.
Có nhiều hình thức thể hiện sự biểu hiện của thực tiễn, tuy nhiên có ba hình thức cơ bản là hoạt động sản xuất vật chất, hoạt động chính trị xã hội và hoạt động thực nghiệm khoa học, cụ thể như sau:
- Hoạt động sản xuất vật chất là hình thức hoạt động cơ bản, đầu tiên của thực tiễn. Đây là hoạt động mà trong đó con người sử dụng những công cụ lao động tác động vào giới tự nhiên để tạo ra của cải vật chất, các điều kiện cần thiết nhằm duy trì sự tồn tại và phát triển của mình.
- Hoạt động chính trị xã hội là hoạt động của các cộng đồng người, các tổ chức khác nhau trong xã hội nhằm cải biến những quan hệ chính trị xã hội để thúc đẩy xã hội phát triển.
- Hoạt động thực nghiệm khoa học là một hình thức đặc biệt của hoạt động thực tiễn. Đây là hoạt động được tiến hành trong những điều kiện do con người tạo ra, gần giống, giống hoặc lặp lại những trạng thái của tự nhiên và xã hội nhằm xác định những quy luật biến đổi, phát triển của đối tượng nghiên cứu. Dạng hoạt động này có vai trò trong sự phát triển của xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại.
Mỗi hình thức hoạt động cơ bản của thực tiễn có một chức năng quan trọng khác nhau,không thể thay thế cho nhau song chúng có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau. Trong mối quan hệ đó, hoạt động sản xuất vật chất là loại hoạt động có vai trò quan trọng nhất,đóng vai trò quyết định đối với các hoạt động thực tiễn khác. Không có hoạt động sản xuất vật chất thì không thể có các hình thức thực tiễn khác.
Các hình thức thực tiễn khác, suy đến cùng cũng xuất phát từ thực tiễn sản xuất vật chất và nhằm phục vụ thực tiễn sản xuất vật chất. Tuy nhiên, các hình thức hoạt động chính trị xã hội và thực nghiệm khoa học là không hoàn toàn thụ động, lệ thuộc một chiều vào hoạt động sản xuất vật chất. Ngược lại,chúng có tác dụng kìm hãm hoặc thúc đẩy hoạt động sản xuất vật chất phát triển. chẳng hạn,nếu hoạt động thực tiễn chính trị xã hội mang tính chất tiến bộ, cách mạng và nếu hoạt động khoa học thực nghiệm khoa học đúng đắn sẽ tạo đà cho hoạt động sản xuất phát triển.
Thực tiễn là nguồn gốc, là cơ sở nhận thức. Mọi nhận thức đều bắt nguồn từ thực tiễn, tác động vào sự vật, hiện tượng buộc nó bộc lộ thuộc tính trên cơ sở đó khái quát, rút ra bản chất của sự vật hiện tượng, biến nó thành vật cho ta.
Thực tiễn là tiêu chuẩn để kiểm nghiệm nhận thức, thước đo để đánh giá nhận thức. Thước đo không cố định, luôn luôn vận động, phát triển, nhưng vẫn đủ để kiểm nghiệm nhận thức và lý luận, vừa mang tính tuyệt đối vừa mang tính tương đối. Từ thực tiễn mà con người sáng tạo ra các phương pháp để cải tạo chính thực tiễn.