logo

Phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài Tiếng ru của tác giả Tố Hữu

Cấu tứ góp phần tạo nên sự thành công của một tác phẩm, cung cấp cho người đọc những góc nhìn mới lạ và độc đáo. Sau đây, mời các em cùng Toploigiai tìm hiểu bài viết phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài Tiếng ru của tác giả Tố Hữu. 


Dàn ý phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài Tiếng ru của tác giả Tố Hữu

Phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài Tiếng ru của tác giả Tố Hữu - ảnh 1

1. Mở bài: 

- Giới thiệu khái quát về nội dung chính của bài thơ Tiếng ru 

- Giới thiệu về tác giả Tố Hữu

- Dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận và phân tích: cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ. 

2. Thân bài: 

- Nêu khái quát về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác của bài thơ,… 

- Giải thích lần lượt các định nghĩa: Cấu tứ là gì? Hình ảnh trong thơ là gì? Hình ảnh và cấu tứ trong bài thơ mang lại những tác dụng gì? 

+ Cấu tứ có thể xem là linh hồn, là cốt lõi và là mô hình chính cho tác phẩm, nhờ vào cấu tứ mà người đọc có một vị trí đứng, thế nhìn bao quát để có thể cảm nhận toàn bộ tác phẩm. Chính cấu tứ đã giúp cho người đọc và tác phẩm đến gần với nhau hơn, nhờ đó mà người đọc có thể hiểu và dành cảm xúc nhiều hơn cho tác phẩm.

+ Hình ảnh trong thơ là những hình ảnh đẹp được tác giả gửi gắm vào trong tác phẩm, đây là nơi mà tác giả thoả sức sáng tạo, đặt vào trong đó cảm xúc và suy nghĩ, giúp người đọc cảm nhận được những điều hay, những điều mới lạ.

- Phân tích bài thơ Tiếng ru dựa trên cấu tứ và hình ảnh 

+ Bốn câu thơ mở đầu: Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên vạn vật, tình yêu thương giữa người với người là yếu tố vô cùng quan trọng. 

+ Bốn câu thơ tiếp theo: Sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống (Phân tích các hình ảnh ngôi sao, lúa chín...) 

+ Bốn câu thơ tiếp: Những đạo lý, truyền thống sâu sắc của con người Việt Nam về sự thuỷ chung.

+ Bốn câu thơ cuối: Tầm quan trọng của tình yêu thương trong gia đình, tình yêu quê hương và yêu đất nước nuôi dưỡng con người. 

3. Kết bài: 

- Khẳng định lại tầm quan trọng của cấu tứ và hình ảnh trong tác phẩm Tiếng ru

- Nêu cảm xúc của em sau khi đọc xong tác phẩm. 


Phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài Tiếng ru của tác giả Tố Hữu (Hay nhất)

Phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài Tiếng ru của tác giả Tố Hữu - ảnh 2

Xuân Diệu đã từng viết trong tập “Tố Hữu nói với chúng tôi” rằng “Sức mạnh của thơ Tố Hữu trong những ngày đen tối ấy chính là vì nó nói với trái tim, chính là bởi vì người cách mạng ấy là một thi sĩ chính cống, thật sự”, có thể nói những vần thơ của Tố Hữu đã ghi dấu và giữ những vị trí rất đặc biệt trong lòng của tác giả, và Tiếng ru cũng là một bài thơ hay như thế, góp phần tạo nên sự thành công của bài thơ chính là nhờ vào cấu tứ và các hình ảnh độc đáo trong bài. 

Tố Hữu là một tác giả tài ba của nền văn học Việt Nam, những sáng tác của ông vô cùng đặc biệt. Bài thơ Tiếng ru được in trong tập thơ nổi tiếng Gió Lộng, từ những kinh nghiệm sống quý báu và con mắt tinh tế, Tố Hữu đã gửi đến cho bạn đọc rất nhiều bài học bổ ích và cần thiết. 

Ta biết cấu tứ có thể xem là linh hồn, là cốt lõi và là mô hình chính cho tác phẩm, nhờ vào cấu tứ mà người đọc có một vị trí đứng, thế nhìn bao quát để có thể cảm nhận toàn bộ tác phẩm. Chính cấu tứ đã giúp cho người đọc và tác phẩm đến gần với nhau hơn, nhờ đó mà người đọc có thể hiểu và dành cảm xúc nhiều hơn cho tác phẩm. Đây là nơi phản ánh ý nghĩa và cảm xúc của bài thơ, qua cấu tứ, người đọc cảm nhận được tư duy mới lạ, độc đáo và khác biệt của người cầm bút. Đồng thời cũng khiến bài thơ thêm phần hấp dẫn, thu hút, khiến người đọc nhớ mãi không quên.

Còn hình ảnh trong thơ là những hình ảnh đẹp được tác giả gửi gắm vào trong tác phẩm, đây là nơi mà tác giả thoả sức sáng tạo, đặt vào trong đó cảm xúc và suy nghĩ, giúp người đọc cảm nhận được những điều hay, những điều mới lạ, gợi ra cho người đọc nhiều liên tưởng, tạo sự ấn tượng và tăng phần ý nghĩa cho bài thơ.

Bài thơ mở đầu với các hình ảnh giản dị, gần gũi:

Con ong làm mật, yêu hoa

Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời.

Con người muốn sống, con ơi

Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.

Từ việc sử dụng các hình ảnh “con ong, con cá” và nói đến những lợi ích, trách nhiệm của những loài động vật ấy đối với cuộc đời, tác giả Tố Hữu đã dẫn dắt đến hình tượng “con người”. Con người sinh ra có mối quan hệ mật thiết với thiên nhiên và giờ đây cũng vậy, mỗi cá nhân đều chỉ là một thành phần nhỏ bé trong thế giới tự nhiên và con người muốn sống thì phải biết yêu thương những người anh em, phải biết đoàn kết và gắn bó. 

Một ngôi sao chẳng sáng đêm

Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng

Một người - đâu phải nhân gian?

Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!

Ta biết rằng một cá nhân thì sẽ không thể tạo nên được những điều lớn lao, một ngôi sao không thể góp sức chiếu sáng cho toàn bộ bầu trời đêm, một cây lúa chín cũng không thể nào tạo nên một cánh đồng lúa trổ bông vàng ươm. Và thật đúng như Tố Hữu khẳng định “Một người – đâu phải nhân gian”, một người thì không thể làm được, câu thơ gợi nhắc ta đến những câu ca dao của ông cha ta ngày trước:

Một cây làm chẳng lên non

Ba cây chụm lại lên hòn núi cao”

Những vần thơ như những lời nhắc nhở, dù trong bất kì hoàn cảnh và tình huống nào, ta vẫn phải luôn đoàn kết, thương yêu lẫn nhau, cống hiến hết mình để dựng xây Tổ quốc thân yêu, chính như vậy ta mới không khiến cuộc đời mình chỉ đơn thuần là “một đốm lửa tàn”. Phải thắp sáng lên ngọn lửa ước mơ, khát khao cống hiến trong mình, đó chính là tinh thần sục sôi lý tưởng của Tố Hữu. Cấu tứ đã cung cấp một vị trí đứng giúp cho bạn đọc hiểu thêm về sự độc đáo và đặc biệt của tác phẩm. 

Núi cao bởi có đất bồi

Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu?

Muôn dòng sông đổ biển sâu

Biển chê sông nhỏ, biển đâu nước còn?

Khổ thơ thứ ba đề cập đến đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đáng quý của người dân Việt Nam ta. Con người dù đi đâu về đâu cũng không được quên đi cội nguồn, quê hương, những hình ảnh “núi, sông” đã nhắc nhở bạn đọc nhớ về cội nguồn, nguồn gốc của mình, gợi ra những bài học vô cùng quý báu khiến người đọc nhớ mãi không quên. 

Tre già yêu lấy măng non

Chắt chiu như mẹ yêu con tháng ngày.

Mai sau con lớn hơn thầy

Các con ôm cả hai tay đất tròn.

Khổ thơ cuối cùng nói về tình mẫu tử thiêng liêng và da diết, hình ảnh thơ “Tre già yêu lấy măng non” đã làm nổi bật tình cảm mà mẹ dành cho con, hiểu rộng ra còn là ý nghĩa tươi đẹp hơn chính là quê hương, đất nước luôn hết lòng nâng đỡ và hỗ trợ những người dân thân yêu, vì vậy mỗi người cần ý thức trách nhiệm của riêng mình trong việc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

Bài thơ đã vận dụng cấu tứ và hình ảnh thơ vô cùng độc đáo kết hợp với thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc khiến người đọc vô cùng bồi hồi, da diết. Có thể khẳng định, cấu tứ và hình ảnh trong bài đã góp phần tạo nên sự thành công của bài thơ, khiến tác phẩm Tiếng ru in dấu trong trái tim bạn đọc mặc kệ thời gian có qua đi.

icon-date
Xuất bản : 09/11/2023 - Cập nhật : 10/11/2023