logo

Phân tích bài thơ Sơn Tinh, Thủy Tinh - Nguyễn Nhược Pháp (lớp 9)

Ta đã quá quen với truyện ngắn Sơn Tinh - Thủy Tinh nhưng mấy ai biết còn một tác phẩm thơ viết về câu chuyện này. Hãy cùng Phân tích bài thơ Sơn Tinh, Thủy Tinh của Nguyễn Nhược Pháp để thấy điểm hay và khác biệt của thể loại này nhé!


Dàn ý Phân tích bài thơ Sơn Tinh, Thủy Tinh - Nguyễn Nhược Pháp

1. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm 

2. Thân bài: 

- Đôi nét về phong cách tác giả và hoàn cảnh sáng tác. Có những điểm nào mới so với chuyện.

- Phần I: 

+ Chuyện kén rể của Hùng Vương thứ mười lăm.

+ Vẻ đẹp của nàng Mỵ Nương.

+ Hình tượng Sơn Tinh. 

+ Hình Tượng Thủy Tinh.

+ Sức mạnh của Sơn Tinh và Thủy Tinh. 

- Phần III

+ Sơn Tinh cưới được Mỵ Nương. 

+ Giương oai và bị Thủy Tinh ghen ghét mà chặn lại. Sử dụng sức mạnh của mình để ngăn cản.

+ Sơn Tinh dâng núi bảo vệ tình yêu. 

+ Chuyện xảy ra mỗi năm. 

-> Giá trị nghệ thuật: Chuyển câu chuyện thành một bài thơ bố cục rõ ràng, ngôn từ dễ hiểu, dễ nắm bắt. 

-> Giá trị nghệ thuật: Câu chuyện tình yêu, sự dai dẳng trong tình yêu. Để có được tình yêu và hạnh phúc, con người luôn hết mình tìm kiếm và cũng là một chấp niệm cho người thua cuộc. Bên cạnh đó đây cũng là một câu chuyện đi theo tiềm thức người Việt, giải thích về hiện tượng trong năm luôn có một mùa lũ dâng cao (Thủy Tinh không phục muốn giành lại Mỵ Nương từ tay Sơn Tinh). 

3. Kết bài: Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật. 

Phân tích bài thơ Sơn Tinh, Thủy Tinh - Nguyễn Nhược Pháp (lớp 9)

Phân tích bài thơ Sơn Tinh, Thủy Tinh - Nguyễn Nhược Pháp

Đi sâu vào tiềm thức người Việt ta là những câu truyện truyền thuyết bất hủ, giải thích cho những hiện tượng tự nhiên, những vị thần thánh nổi tiếng từ xưa đến nay. Trong số đó phải kể đến Sơn Tinh - Thủy Tinh, một câu chuyện đi sâu vào tiềm thức mỗi người cho đến bây giờ, dưới góc nhìn độc đáo, Nguyễn Nhược Pháp đã chuyển thể thành một bài thơ, đặc sắc và cũng truyền tải sự sáng tạo đầy mới lạ về câu chuyện đến với người đọc. 

Nguyễn Nhược Pháp. một nhà thơ trữ tình hiện đại của Việt Nam, bởi vậy mà có lẽ, cách nhìn cuộc đời và đưa cuộc đời vào tác phẩm của ông cũng thật khác lạ so với thời kỳ trước đó. Trong đó phải kể đến bài thơ Sơn Tinh Thủy Tinh, sự tưởng tượng được đạt đến mức độ sâu sắc và đầy sáng tạo. Nếu như ta quen với Sơn Tinh - Thủy Tinh với câu chuyện, nói lên cái chi tiết về cuộc nội chiến giữa hai vị thần tối cao để tranh giành nàng Mỵ Nương. Thì đến với bài thơ, tác giả đã trình bày lại câu chuyện dài ấy bằng ba phần thơ ngắn gọn, như một bản tóm tắt lại của câu chuyện. Phần đầu là nói về Hùng Vương thứ mười lăm muốn kén rể cho con gái là nàng Mỵ Nương và hình dạng trong tưởng tượng của tác giả về hai vị thần sức mạnh vô song là Sơn Tinh vị thần núi non và Thủy Tinh vị thần của biển cả. Phần hai viết về lễ vật và sự chiến thắng của Sơn Tinh khi cưới được Mỵ Nương. Và phần ba, tức phần cuối cùng, sự ngạo nghễ của Sơn Tinh khi cưới được Mỵ Nương và sự ghen tức của Thủy Tinh, sau đó dẫn đến những trận lũ quét hằng năm. Một bài thơ ngắn gọn nhưng vẫn toát lên được nội dung của toàn bộ tác phẩm, nói lên được cái nhìn của tác giả sau khi suy ngẫm về câu chuyện này. Và có lẽ đây cũng là một bước tiến quan trọng trong việc sáng tạo văn chương ở nước ta. 

Ngay trong phần đầu, tác giả đã giới thiệu về bối cảnh, không gian xảy ra đại hội kén rể: 

“Ngày xưa, khi rừng mây u ám

Sông núi còn vang um tiếng thần,”

Khung cảnh gợi nên việc ranh giới giữa thần và dân dường như là không. Thần và dân hài hòa gắn kết, thần hỗ trợ nhân dân trong cuộc sống. Thời kì ai cũng có thể biết và nghe tiếng của các vị thần. Trong thời kì ấy, vua Hùng Vương thứ mười lăm muốn kén rể cho đứa con gái của mình tên Mỵ Nương, một người tài sắc vẹn toàn:

“Con vua Hùng Vương thứ mười tám,

Mỵ Nương, xinh như tiên trên trần.

Tóc xanh viền má hây hây đỏ,

Miệng nàng hé thắm như san hô,

Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ:

Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ.

Hùng Vương thường nhìn con yêu quá,

Chắp tay ngẩng lên giời tạ ân;”

Người con gái với vẻ đẹp “xinh như thiên thần”, có lẽ phải dùng biện pháp so sánh nét đẹp của Mỵ Nương với thần tiên mới có thể bộc lộ hết nét đẹp của nàng. Trong tưởng tượng của tác giả thì nàng hiện lên với “tóc xanh viền má hây hây đỏ”, màu xanh của nàng ở đây ta có thể hiểu là màu xanh của tuổi trẻ, chỉ độ tuổi của nàng, một người con gái trẻ đẹp. Chiếc má hây hây hồng như một sự e thẹn ngại ngùng của người con gái mới lớn thật duyên dáng mà đáng yêu. Đã vậy khuân miệng cười thắm mà hồng như san hô. “Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ” một vẻ đẹp tuyệt mĩ đến từ một con người. Thật không quá khi khen nàng mang vẻ đẹp của thần tiên. Chính vì nàng đẹp đến vậy, vua Hùng cũng rất yêu con gái nên tiêu chuẩn kén rể cũng thật khác biệt:

“Rồi cười bảo xứng ngôi phò mã,

Trừ có ai ngang vì thần nhân.

Hay đâu thần tiên đi lấy vợ!

Sơn Tinh, Thuỷ Tinh lòng tơ vương,

Không quản rừng cao, sông cách trở,

Cùng đến Phong Châu xin Mỵ Nương.”

Tiêu chuẩn mà vua đặt ra sánh với những vị thần. Bởi vậy, hia vị thần với sức mạnh vô song là Sơn Tinh và Thủy Tinh đã tới tham gia, có lẽ một phần để cưới được vợ đẹp, phần nào đó cũng để thể hiện sức mạnh của mình. Dáng vẻ của hai vị thần được tưởng tượng thật oai phong:

“Sơn Tinh có một mắt ở trán,

Thuỷ Tinh râu ria quăn xanh rì.

Một thần phi bạch hổ trên cạn,

Một thần cưỡi lưng rồng uy nghi.”

Trong đó, Sơn Tinh có một mắt ở trán, hình dáng khác lạ so với một người bình thường. Nhưng chính sự khác lạ ấy mới mang lại hình tượng một vị thần đặc biệt, uy nghi mà người người phải kính nể. Phi đến kén rể với “một thần phi bạch hổ”, thể hiện khí thế oai nghi của một vị thần trị vì núi non, muôn thú trên cạn. Thủy Tinh cũng không kém cạnh khi được tả với “râu ria quăn xanh rì” sự hung tợn, đáng sợ nhưng lại mang sự mạnh mẽ. Cưỡi trên thân “lưng rồng” hình ảnh của sự uy nghi khiến ai cũng phải kính nể và khiếp sợ. Hình ảnh hai vị thần oai nghi, dân chúng kính nể đến kén rể thật độc đáo, đặt hai vị thần cạnh nhau cũng không thể so sánh được sức mạnh của hai vị.

“Hai thần bên cửa thành thi lễ,

Hùng Vương âu yếm nhìn con yêu.

Nhưng có một nàng mà hai rể,

Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều!

Thuỷ Tinh khoe thần có phép lạ,

Dứt lời, tay hất chòm râu xanh,

Bắt quyết hò mây to nước cả,

Dậm chân rung khắp làng gần quanh.

Ào ào mưa đổ xuống như thác,

Cây xiêu, cầu gẫy, nước hò reo,

Lăn, cuốn, gầm, lay, tung sóng bạc,

Bò, lợn, và cột nhà trôi theo.

Mỵ Nương ôm Hùng Vương kinh hãi.

Sơn Tinh cười, xin nàng đừng lo,

Vung tay niệm chú. Núi từng dải,

Nhà lớn, đồi con lổm cổm bò”

Dưới sức mạnh và sự uy nghi của hai vị thần to lớn, vua Hùng cũng phải đắn đo trong việc chọn ai khi Mỵ Nương thì chỉ có một. Chính vì vậy, hai vị thần cùng nhau thể hiện sức mạnh. Thủy Tinh, làm chủ được biển cả nên có thể “hò mây to nước cả” , dậm chân thì các làng cũng phải rung, “mưa đổ như thác”, mọi vật đều trở nên tan tác, trôi cuộn vì bị phá hủy bởi sức tàn phá kinh khủng mà cơn giông bão Thủy Tinh tạo ra. Sức mạnh cùng với hình dáng của Thủy Tinh khiến mọi người phải kinh sợ, trong đó có nàng Mỵ Nương. Sơn Tinh cũng không chịu thua kém, niệm chú để nâng núi, dời nhà, đồi làm nước không thể gây thiệt hại cho mọi thứ. Nói đến đây, có lẽ trong lòng người đọc cũng chọn ra cho mình người chiến thắng. Khác với vẻ hiếu thắng, hùng mạnh của thủy tinh khiến người người khiếp sợ của Thủy Tinh thì Sơn Tinh mang vẻ uy nghi nhưng vẫn ôn hòa hơn. Tuy như vậy, tránh cho chiến tranh xảy ra giữa hai vị thần vua Hùng đành phải ra thêm yêu cầu về sính lễ ai thắng sẽ cưới được vợ.: 

“Chạy mưa. Vua tuỳ con kén chọn.

Mỵ Nương khép nép như cành hoa:

“Con đây phận đào tơ bé mọn,

Nhân duyên cúi để quyền mẹ cha!”

Vua nghĩ lâu hơn bàn việc nước,

Rồi bảo mai lửa hồng nhuốm sương,

Lễ vật thần nào mang đến trước,

Vui lòng vua gả nàng Mỵ Nương.”

Cả vua Hùng và Mỵ Nương khi thấy được tài to sức mạnh của hai vị thần đều không biết phải chọn ai. Bèn phải tìm đến hướng giải quyết là phần sính lễ. Nhưng có lẽ chính vì sự thể hiện của Sơn Tinh nên lễ vật có vẻ dễ dàng hơn đối với chàng. Và cũng không mấy bất ngờ khi Sơn Tinh cưới được nàng Mỵ Nương xinh đẹp:

“Sơn Tinh đang kèm theo sau kiệu,

Áo bào phơ phất nụ cười bay.

(Vui nhỉ mê ai xinh, mới hiểu)

Thần trông kiệu nhỏ, hồn thêm say.

Choàng nghe sóng vỗ, reo như sấm,

Bạch hổ dừng chân, lùi, vểnh tai.

Mỵ Nương tung bức rèm đỏ thắm,

Sơn Tinh trông thấy càng dương oai.”

Hình ảnh đón dâu của thần cũng thật khác lạ và độc đáo so với người thường. Thân hình to lớn nhìn theo chiếc “kiệu nhỏ hồn thêm say” của Sơn Tinh đúng với người sống trong tràn ngập tình yêu. Vui vẻ mà vỗ tay, những tiếng vỗ tay như sấm, bạch hổ cũng phải dừng vểnh tai khi Mỵ Nương lên kiệu hoa. Một đám cưới giữa thần và người diễn ra độc đáo. Chính vì cưới được người đẹp tuyệt thế mà Sơn Tinh cũng không khỏi dương oai về sự chiến thắng có được mĩ nhân của minh. Cũng vì điều đó mà cơn giận trong Thủy Tinh không thể kiểm soát: 

“Sóng cả gầm reo lăn như chớp,

Thuỷ Tinh cưỡi lưng rồng hung hăng.

Cá voi quác mồm to muốn đớp,

Cá mập quẫy đuôi cuồng nhe răng.

Càng cua lởm chởm giơ như mác;

Tôm kềnh chạy quắp đuôi xôn xao.”

Không chấp nhận phải bại dưới tay Sơn Tinh trong cuộc chiến giành tình yêu, Thủy Tinh đổ dồn cơn tức lên muôn loài. “Hung hăng” cùng với cá voi, cá mập, cua, tôm tạo nên một chiến trận to lớn. Mục đích để giành lại Mỵ Nương cũng để phô ra sức mạnh của mình, Trận địa mà Thủy Tinh bày ra thật đáng sợ và hỗn loạn, đại náo ngày vui của Sơn Tinh. Hiểu được tình hình, Sơn Tinh liền hóa giải:

“Sơn Tinh hiểu thần ghen, tức khắc

Niệm chú, đất nẩy vù lên cao.

Hoa tay thần vẫy hùm, voi, báo.

Đuôi quắp, nhe nanh, giơ vuốt đồng,

Đạp long đất núi, gầm xông xáo,

Máu vọt phì reo muôn ngấn hồng.

Mây đen hăm hở bay mù mịt,

Sấm ran, sét động nổ loè xanh.

Tôm cá xưa nay im thin thít,

Mở quác mồm to kêu thất thanh.”

Cuộc chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh nổi lên. Nước dâng bao nhiêu, Sơn Tinh dâng núi cao bấy nhiêu, hùm, voi, báo cũng cùng nhau ra trận. Khung cảnh hỗn loạn, đất trời rung chuyển, nhuốm cả màu máu. “Mây đen” thì mù mịt, sấm sét thì kêu ran, nổ lòe xanh, mọi thứ như trở nên hỗn loạn. Trời đất cũng bao trùm toàn tiếng kêu của loài vật, tiếng sấm chớp vang trời. Cuộc giao tranh mang đến nỗi kinh hoàng của tạo vật. Thấy vậy Mỵ Nương cũng không thể ngồi yên mà cảm thán:

“Mỵ Nương kinh hãi ngồi trong kiệu,

Bỗng chợt nàng kêu mắt lệ nhoà.

(Giọng kiêu hay buồn không ai hiểu,

Nhưng thật dễ thương): “Ô! Vì ta!””

Đối diện với sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh tàn phá thiên nhiên, Mỵ Nương không khỏi sợ hãi, khóc than mong rằng có thể kết thúc mọi thứ. Phải nói nước mắt mỹ nhân rơi cũng khiến thần phải yếu mềm. Dưới con mắt của tác giả thì giọng kêu của nàng “thật dễ thương”. Sắc đẹp đã cảm hóa lại được sự nóng giận và hiếu thắng của vị thần. Có lẽ chính nàng là nguyên nhân gây nên cuộc giao tranh và cũng chỉ có nàng mới khiến cuộc giao tranh dừng lại. Nhưng mối thù tình trong Thủy Tinh không thể nguôi ngoai, bởi vậy hằng năm ngài lại tìm cách để phục thù:

“Thuỷ Tinh năm năm dâng nước bể,

Đục núi hò reo đòi Mỵ Nương.

Trần gian đâu có người dai thế,

Cũng bởi thần yêu nên khác thường!”

Hằng năm dâng nước bể, nhằm “đục núi hò reo đòi Mỵ Nương”. Mối thù trở đi trở lại hằng năm khiến người đời cũng phải than về sự “dai” cố chấp của vị thần khi yêu. Thực chất nói đến thần tuy oai dũng nhưng cũng như con người, cũng yêu và vì tình yêu mà có thể làm mọi thứ. Chính vì không giành được người mình yêu mới biến Thủy Tinh thành vị thần hung tợn, nỗi khiếp sợ của mọi người. Vì mỗi khi đến thời điểm ấy là nước sẽ lại dâng, lại có bão lũ quét qua phá hỏng mọi thứ. Và từ câu chuyện ấy cho đến nay đây cũng là đức tin của người dân về mùa lũ ở nước ta. Câu chuyện tình yêu lý giải cho một hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt hằng năm. 

Với nghệ thuật đầy sáng tạo, Nguyễn Nhược Pháp đã viết nên một bài thơ hết sức độc đáo và đi sâu vào lòng người đọc. Chuyển một câu chuyện thành thơ, tóm tắt hết cốt truyện Sơn Tinh Thủy Tinh xưa là một tài năng vô cùng độc đáo. Bên cạnh đó bằng những từ ngữ miêu tả sắc nét qua trí tưởng tượng, giàu tính biểu cảm, sử dụng những từ so sánh, liệt kê và động từ mạnh đã vẽ nên một bức tranh hiện ra trước mắt về mọi thứ diễn ra. Sự độc đáo, mới lạ đến từ cách kể chuyện bằng thơ đã giúp cho Sơn Tinh - Thủy Tinh đến với người đọc gần hơn, dạng thức mới thật dễ tiếp cận.

Bài thơ đã xuất sắc tái hiện lại cuộc giao tranh giành Mỵ Nương của Sơn Tinh - Thủy Tinh dưới góc nhìn mới lạ và hiện đại. Sự tưởng tượng cùng với am hiểu câu chuyện đã giúp tác giả viết nên một bài thơ dễ đọc, dễ hiểu và dễ tiếp cận trong thời đại nay. Từ đó nói lên trong tình yêu thì thần cũng giống người, đều biết yêu, trải qua thử thách và có cả những ghen tuông khi thất bại trong tình yêu. Và cũng chính câu chuyện tình yêu ấy mà người đời cũng lấy nó làm sự lý giải cho hiện tượng bão lũ hằng năm của tự nhiên. 

Độc đáo khi đưa một câu chuyện gần gũi trong dân gian thành một bài thơ, là nét khác lạ của Nguyễn Nhược Pháp. Và cũng bởi cái khác lạ ấy đã khiến bài thơ Sơn Tinh - Thủy Tinh có một chỗ đứng vững chắc trong thi đàn văn học nước nhà.

icon-date
Xuất bản : 14/01/2024 - Cập nhật : 14/01/2024