logo

Phân tích Buổi tiễn đưa trích Chinh phụ ngâm (lớp 9)

Những cung bậc tâm trạng cảm xúc luôn được bộc bạch dưới những thể thức khác nhau, một trong số đó phải kể đến Chinh phụ ngâm khúc với những nỗi đau xé lòng trong tình yêu khi phải xa chồng của người phụ nữ. Hãy cùng phân tích đoạn trích Buổi tiễn đưa để thấy rõ điều này. 


Dàn ý Phân tích Buổi tiễn đưa trích Chinh phụ ngâm 

1. Mở bài: Giới thiệu tác giả và tác phẩm. 

2. Thân bài: 

- Giới thiệu về Chinh phụ ngâm khúc và đi vào đoạn trích Buổi tiễn đưa.

- 4 câu đầu: chinh phu lúc chuẩn bị lên đường. 

- 8 câu tiếp: Khát vọng của người chinh phu. 

- 8 câu sau: tâm trạng người chinh phụ. 

- 8 câu tiếp: chi tiết gợi liên tưởng việc binh đao. 

- 8 câu sau: cảnh li biệt của người chinh phu, chinh phụ. 

- Còn lại: cảm xúc của người chinh phu, chinh phụ sau chia li.

-> Giá trị nghệ thuật: Mang nét đặc trưng của thể loại ngâm khúc, tiếng vang nỗi lòng của người phụ nữ.

-> Giá trị nghệ thuật: Để lại cho đời tác phẩm có sức cuốn hút, cái nhìn về tâm tình người phụ nữ xưa phải hy sinh hạnh phúc riêng mình, xa chồng để chồng ra chiến trường dẹp loạn.

3. Kết bài: khẳng định lại vấn đề. 


Phân tích Buổi tiễn đưa trích Chinh phụ ngâm 

Những tác phẩm văn học xưa luôn có một chỗ đứng, mang những tiếng vang lớn trong thi đàn văn học. Trong đó phải kể đến thời kì trung đại, nổi danh với rất nhiều tác phẩm vang lên tiếng nói thay những người phụ nữ bất hạnh. Chinh phụ ngâm cũng chiếm sự quan trọng lớn trong lòng người đọc bởi tác phẩm bộc lộ nỗi buồn thương, phận đời của người chinh phụ chờ chồng tòng quân trở về. Mà ở trong đó, đoạn trích lấy đi nhiều nước mắt của người đọc nhất có lẽ là Buổi tiễn đưa. 

Chinh phụ ngâm hay còn được gọi là Chinh phụ ngâm khúc, một tác phẩm đến giờ vẫn chưa xác định được nguyên mẫu đến từ Đặng Trần Côn hay Đoàn Thị Điểm nhưng dù là tác giả nào sáng tác thì tác phẩm này cũng mang một ánh sáng cho thời kì này với mảng ngâm khúc. “Chinh phụ ngâm” nhan đề có thể hiểu là khúc ngâm của người có chồng ra trận, mở ra khung cảnh buồn thương và đầy quyến luyến. Trong đó Buổi tiễn đưa là đoạn trích đau lòng nhất, bởi nó mang nỗi đau da diết, khung cảnh chia li, thể hiện nỗi niềm đầy tâm sự, ai oán, sầu muộn, xót thương của người chinh phụ. 

Phân tích Buổi tiễn đưa trích Chinh phụ ngâm (lớp 9)

Đoạn trích mở đầu với khung cảnh của buổi tiễn đưa người chinh phu chuẩn bị lên đường ra trận: 

“Đường rong ruổi lưng đeo cung tiễn,

Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa?

Bóng cờ tiếng trống xa xa,

Sầu lên ngọn ải oán ra cửa phòng.”

Hình ảnh người chinh phu trên “lưng đeo cung tiễn” sẵn sàng “rong ruổi” tới nơi chiến trận xa xôi. Giây phút chia tay mấy ai có thể hiểu tấm lòng người ở lại. Câu hỏi được đặt ra “Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa?”, nỗi lòng của người chinh phụ có lẽ bận tâm nhất chính là vợ con ở lại, họ sẽ ra sao khi phải xa mình. Mọi thứ như đang thúc dục, đang vội vã kéo chàng đi nhanh mà trọng lòng người ở lại chỉ thấy “sầu” và “oán”. Nỗi buồn xa chồng cộng với nỗi oán than giặc ngoài kia chia xa đôi lứa. Khung cảnh chia li thật buồn thương mà đau đớn làm sao:

“Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt,

Xếp bút nghiên theo việc đao cung.

Thành liền mong tiến bệ rồng,

Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa

Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.

Giã nhà đeo bức chiến bào,

Thét roi cầu Vị ào ào gió thu.”

Người chinh phu mang trong mình những khát vọng to lớn tuy tuổi còn trẻ lại “vốn dòng hào kiệt” tài giỏi mà mang biết bao chiến công hiển hách mà phải gác lại việc học hành mà cầm đao ra trận. Có thể hạ nhiều thành, phá tan bao thế giặc mạnh muốn lăm le cướp lấy ngôi báu. Với ý chí của chàng thì mọi việc khó khăn cũng chỉ nhẹ tựa lông hồng. Từ biệt gia đình, khoác lên “chiến bào” cũng vì nghĩa lớn. Khát vọng lớn lao vì nước mà quên thân. Nhưng điều đó cũng làm người chinh phụ mang nhiều tâm trạng:

“Ngòi đầu cầu nước trong như lọc,

Đường bên cầu cỏ mọc còn non.

Đưa chàng lòng dặc dặc buồn,

Bộ khôn bằng ngựa thuỷ khôn bằng thuyền.

Nước có chảy mà phiền chẳng rửa

Cỏ có thơm mà dạ chẳng khuây

Nhủ rồi nhủ lại cầm tay

Bước đi một bước dây dây lại dừng”

Khung cảnh chia tay lúc nào cũng đượm màu buồn thương. Thốt lên tâm trạng người chinh phụ “lòng dằng dặc buồn”, nỗi buồn phải chia xa mà nàng “phiền chẳng rửa”. Mọi thứ xung quanh dù có đẹp, có thơm thì cũng không đủ làm nguôi ngoai nỗi lòng người chinh phụ trong giây phút này. Chỉ thấy hết lời căn này đến lời dặn khác rồi cứ luyến lưu không rời không dứt. Ôi cái nỗi đau đớn khi phải chia xa người mình yêu thương đau đớn mà quyến luyến biết nhường nào. Rồi nàng lại nghĩ đến cảnh binh đao mà người chồng chuẩn bị phải đối mặt trong thời gian tới: 

“Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi,

Dạ chàng xa tìm cõi Thiên San.

Múa gươm rượu tiễn chưa tàn,

Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo.

Săn Lâu Lan rằng theo Giới Tử

Tới Man Khê bàn sự Phục Ba

Áo chàng đỏ tựa ráng pha,

Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.”

Tấm lòng của người chinh phụ được soi như ánh trăng để có thể dõi theo từng bước người mình thương, bên người chồng luôn mong “tìm cõi Thiên San”, lập được những chiến công vang dội. Chưa tàn buổi chia li đã xông vào “hang beo”, nơi mà biết bao tên giặc tàn ác đang trú ngụ đầy hiểm nguy. Và rồi phải sống trong cảnh hiểm nguy rình rập mỗi ngày, một nỗi đau buồn khó tả. Mà ở đó phải cố dù cho máu có chảy xuống. Nỗi lo lắng như bao trùm cùng với nỗi buồn chia tay thật đáng thương cho người ở lại. 

“Tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống,

Giáp mặt rồi phút bỗng chia tay.

Hà lương chia rẽ đường này

Bên đường trông lá cờ bay ngùi ngùi.

Quân trước đã gần ngoài doanh Liễu,

Kị sau còn khuất nẻo Tràng Dương.

Quân đưa chàng ruổi lên đường,

Liễu dương biết thiếp đoạn trường này chăng?”

Cảnh chia tay của người chinh phu, chinh phụ thật đáng thương. Sự dồn dập, thúc dục của vó ngựa và tiếng trống dồn vang báo hiệu thời gian không còn nhiều để nói những lời thương yêu. Người mình thương đang đứng trước mặt bỗng chốc phải chia tay, trên chính cái cầu, con sông đã chứng kiến sự chia li. Chông thấy cờ bay, quân đi cùng ngựa ra chiến trận mà tấm lòng cũng ngậm ngùi. Chọn cây liễu để thể hiện sự chia li, và cũng nói lên nỗi đau buồn, xót xa vô cùng của người chinh phụ. Cuộc chia li ấy không khỏi mang đến nhiều cảm xúc: 

“Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng.

Hàng cờ bay trông bóng phất phơ.

Dấu chàng theo lớp mây đưa,

Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.

Chàng thì đi cõi xa mưa gió,

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.

Đoái trông theo đã cách ngăn,

Tuôn màu mây biếc trải ngần núi xanh.

Chốn Hàm Kinh chàng còn ngoảnh lại,

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy.

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.

Ngàn dâu xanh ngắt một màu,

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”

Tiếng sáo bắt đầu thổi báo hiệu đoàn bắt đầu ra trận, cùng với những hàng cờ bay lòng người chinh phụ lại nặng đầy cảm xúc sau chia li. Hình bóng người chinh phu cứ xa dần thì người chinh phụ lại ngẩn ngơ dõi theo nơi nhà. Sự đối lập giữa nơi chàng “mưa gió” nơi thiếp thì “chiếu chăn”khoảng cách với những vách ngăn xa xôi rẽ đôi. Nơi người chồng thì ngoảnh lại “Hàm Kinh”, chốn kinh đô, còn nàng ở lại thì trông bến “Tiêu Tương”, nơi với những đau đớn, giọt nước mắt. Dù cho hai người có chông lại phía nhau cũng chẳng thể thấy thể hiểu. “Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai” có lẽ đây là câu ngâm nổi nhất, sự suy tư, buồn thương đến từ hai phía mà không thể xác định phần hơn. 

Mang nét đặc trưng của thể loại ngâm khúc, tác phẩm đã ngân lên những tiếng vang về tâm trạng của người chinh phụ khi tiễn chồng ra trận. Thể thơ song thất lục bát quen thuộc, kết hợp với những vần thơ liên kết chặt chẽ cùng những thanh điệu bằng chắc ngắt nhịp nhịp nhàng. Tạo nên âm điệu da diết nỗi buồn, sự trải dài đau thương và sự quyến luyễn chia tay. Cùng với đó là những biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, điệp từ và liệt kê để tăng thêm sức gợi và sức biểu cảm cho từng câu từng chữ. Thành công của tác giả là đã tạo nên một khúc ngâm chuẩn mực và chất chứa đầy cảm xúc. 

Khúc ngâm đã vang lên tiếng nói đến từ lòng trắc ẩn của người chinh phụ. Để lại cho đời tác phẩm có sức cuốn hút, cái nhìn về tâm tình người phụ nữ xưa phải hy sinh hạnh phúc riêng mình, rời xa người mình yêu vì chiến tranh. Trận chiến mở ra là khi tình cảm bị chia rời, người ở lại cũng là người đau lòng nhất. Bên cạnh câu chuyện tình yêu, sự chia ly đầy buồn thương là lý tưởng cao đẹp lập chiến công, chiến thắng quân giặc của người chinh phu. Về mọi mặt thì tác phẩm cũng mang lại những chiều sâu về triết lý nhân sinh. 

Buổi tiễn đưa trích Chinh phụ ngâm mang lại làn gió văn chương thổi vào tâm hồn người đọc, sẻ chia nỗi buồn với người chinh phụ phải tiễn đưa người chồng đi tòng quân vì nghiệp lớn. Một khúc ngâm về tình yêu, về sự chia ly và về lý tưởng to lớn của cuộc sống thời xưa.

icon-date
Xuất bản : 16/01/2024 - Cập nhật : 16/01/2024