logo

Phân tích Buổi học cuối cùng học sinh giỏi

Tác phẩm “Buổi học cuối cùng” của nhà văn An-phông-xơ Đô-đê viết về buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp ở một trường làng thuộc vùng An-dát đã thể hiện tình yêu nước, cũng như ý thức trách nhiệm bảo vệ ngôn ngữ của dân tộc.Toploigiai sẽ cùng các bạn tìm hiểu rõ hơn về tác phẩm Buổi học cuối cùng qua bài Phân tích Buổi học cuối cùng học sinh giỏi dưới đây


1. Dàn ý Phân tích Buổi học cuối cùng học sinh giỏi 

a. Mở bài

- Giới thiệu truyện ngắn Buổi học cuối cùng, bối cảnh của truyện

b. Thân bài

Cậu bé Phrăng: 

- Định trốn học đi chơi đồng nội như mọi ngày, nhưng lại đến trường

- Thấy đông người ở trụ sở xã và lời bác phó rèn Oát-stơ nên lo lắng

- Đến lớp thấy không khí khác thường của mọi người

- Ngạc nhiên và không ngờ đây là buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp.

- Hối hận vì ham chơi, lười học, ân hận vì không để ý lời thầy dạy dỗ

- Chăm chú nghe giảng và hiểu bài hơn bao giờ hết

Thầy Ha-men

- Thái độ khác lạ với Phrang

- Mặc bộ trang phục chỉ dành cho dịp đặc biệt

- Chỉ ra thái độ thờ ơ của mọi người trước đó với việc học, tự trách mình lơ là việc dạy

- Ca ngợi tiếng Pháp và khẳng định tầm quan trọng của ngôn ngữ dân tộc

- Dạy học bằng tất cả nhiệt huyết và tâm trí của mình

- Nghẹn ngào viết 4 chữ: “Nước Pháp muôn năm” thay cho lời cuối.

c. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị của truyện “Bài học cuối cùng”, tình yêu nước gắn với ngôn ngữ dân tộc và tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ

>>> Tham khảo: Phân tích một số chi tiết cụ thể trong suy nghĩ, cách nhìn nhận về thầy Ha - men và thái độ đối với việc học tiếng Pháp) để làm rõ diễn biến tâm trạng của nhân vật “tôi” trong buổi học cuối cùng”?


2. Phân tích Buổi học cuối cùng học sinh giỏi

Phân tích Buổi học cuối cùng học sinh giỏi

Tất cả các cuộc chiến tranh trên thế giới này từ thời xa xưa đến nay nếu nổ ra đều đem đến cho con người mất mác và đau khổ. Đặc biệt là những cuộc chiến tranh giành lãnh thổ sẽ để lại cho con người bi kịch lớn nhất. Bên cạnh những tổn thất về tính mạng, tài sản, những cuộc chiến này còn mang tới những tổn thất về tinh thần, như khi một người mất đi người thân hoặc một dân tộc bị đánh mất ngôn ngữ và văn hóa của mình vì thua trận trong cuộc chiến. Có thể thấy rõ sự mất mác về ngôn ngữ và văn hóa này lớn như thế nào khi nhìn vào chính đất nước chúng ta, từng bị quân xâm lược phương Bắc đô hộ và đồng hóa hơn một nghìn năm. Và ở phương Tây xa xôi, trong trận đánh Pháp-Phổ năm 1870-1871, nước Pháp thua trận, hai vùng An – dát và Lo- ren giáp biên giới với Phổ bị nhập vào nước Phổ, người dân nước Pháp ở hai vùng này, đặc biệt là những đứa trẻ ngây thơ còn chưa học hết tiếng mẹ đẻ của mình đã phải chịu nỗi đau mất đi lòng tự tôn dân tộc khi bị ép buộc học tiếng Đức thay vì tiếng Pháp. Dựa trên bối cảnh này, nhà văn nổi tiếng nước Pháp An-phông-xơ Đô-đê đã sáng tác ra truyện “Buổi học cuối cùng” viết về buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp ở một trường làng thuộc vùng An – dát, dưới góc nhìn và lời kể của cậu bé Phrăng.

Ngay từ tên nhan đề đã cho người đọc chúng ta cảm nhận được sự ngậm ngùi, tiếc nuối của tác giả An-phông-xơ Đô-đê về tình cảnh của đất nước lúc bấy giờ. Nhân vật chính của chuyện là cậu bé Phrăng, một cậu bé ham chơi và hay đi học muộn, hôm nay cũng không ngoại lệ. Trên đường đến lớp, Phrang đã nghĩ đến chuyện sẽ nghỉ học và đi chơi “ngoài đồng nội”, nhưng cậu đã cưỡng lại được và “ba chân bốn cẳng chạy đến trường”. Khi đi qua trụ sở xã, cậu bé thấy đông người đứng dưới bảng dán cáo thị có lưới che từ hai năm nay đã đã lan đến những tin không lành về những cuộc bại trận, những “mệnh lệnh của quân chỉ huy Đức”. Cùng với đó khi Phrang đi qua bác phó rèn Oát-stơ đang đọc cáo thị lớn tiếng bảo cậu: “Đừng vội vã thế cháu ơi, đến trường lúc nào cũng vẫn còn là sớm!” đã làm cho cậu bé càng lo lắng hơn.

Khi đến lớp, không khi khác lạ hoàn toàn so với mọi hôm làm Phrang cảm thấy hoang mang hơn nữa. Lớp học yên tĩnh y như “một buổi sáng chủ nhật”, trái với thường ngày, Phrang đến lớp lúc buổi học chuẩn bị bắt đầu sẽ có tiếng “ồn ào như vỡ chợ”, tiếng ngăn bàn đóng mở, tiếng mọi người nhắc lại bài và tiếng thầy quát yên lặng. Vào đến trong lớp, mọi người đã ngồi yên ở chỗ, Phrang ngạc nhiên khi thầy Ha-men bình thường sẽ giận dữ vì cậu đi học muộn, giờ lại dịu dàng nói: “Phrăng, vào chỗ nhanh lên con; lớp sắp bắt đầu học mà vắng mặt con.” Lúc này Phrang đã biết chuẩn bị có một chuyện gì đó quan trọng sắp diễn ra. Thầy Ha-men hôm nay đã mặc bộ đồ trang trọng nhất của thầy chỉ dành cho những dịp đặc biệt là “chiếc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục, diềm lá sen gấp nếp mịn và đội cái mũ tròn bằng lụa đen thêu mà thầy chỉ dùng vào những hôm có thanh tra hoặc phát phần thưởng”. Chắc chắn lúc này Phrang rất tò mò tại sao hôm nay không có thanh tra hay dịp phát phần thưởng mà thầy lại mặc như vậy? Sự khác lạ còn chưa dừng ở đó, bởi vì cuối lớp học còn xuất hiện các dân làng, trong đó có cụ già Hô-de, trước đây cụ chính là xã trưởng, có cả bác đưa thư. Và rồi lời thầy Ha-men dịu dàng thông báo trên bục giảng đã trả lời cho những thắc mắc của Phrang: “Các con ơi, đây là lần cuối cùng thầy dạy các con. Lệnh từ Béc-lin là từ nay chỉ dạy tiếng Đức ở các trường vùng An-dát và Lo-ren… Thầy giáo mới ngày mai sẽ đến. Hôm nay là bài học Pháp văn cuối cùng của các con.” Đúng vậy, đây chính là buổi học Pháp văn cuối cùng của Phrang và mọi người vùng An-dát. Tiếng nói của thầy nhẹ nhàng nhưng đối với Phrang đây như là tiếng sét đánh ngang tai vậy, đến nỗi cậu đã bật ra “A! Quân khốn nạn”, một đứa trẻ còn nhỏ như Phrang lại thốt ra câu chửi thề, đây không còn là lời nói của một đứa bé mà là lời của một con người yêu nước nồng nàn, có lòng căm thù giặc sâu sắc. Phrang đã hối hận, tiếc nuối vì những lần trốn học, bỏ bài, ham chơi của mình và ân hận vì đã không để tâm đến những lần thầy Ha-men mắng mỏ, dạy dỗ. Buổi học tiếng Pháp cuối cùng của cậu bé nhỏ tuổi thật buồn và đau đớn, cậu sẽ phải học một thứ tiếng xa lạ mà mình không muốn, là tiếng nói của kẻ thù, trong khi tiếng mẹ đẻ cậu mới viết được “tập toạng”. 

Thầy Ha-men bắt đầu giảng bài Pháp văn cuối cùng, rồi thầy bộc bạch tất cả những tâm tư kìm nén của mình về tầm quan trọng của ngôn ngữ dân tộc, những lời thầy nói khiến cho mỗi người ngồi trong lớp học đều cảm động và tự trách khi đã vô trách nhiệm với việc học tiếng Pháp nói riêng và việc học nói chung. Như là những phụ huynh thờ ơ với việc học của con cái, những học sinh lười học chỉ ham chơi. Và thầy Ha-men còn tự trách chính bản thân thầy khi đã lơ là với việc dạy học trong những năm qua: “Cả thầy cũng không có gì để trách mình ư? Thầy đã chẳng sai các con tưới vườn thay vì học hành đó sao? Và khi thầy muốn đi câu cá hương, thầy có ngại ngùng cho các con nghỉ học đâu?...”Chính vì những nguyên nhân này mà “những kẻ kia” theo lời thầy Ha-men có quyền để nói rằng: “Thế nào! Các người tự nhận là dân Pháp, vậy mà các người chẳng biết đọc, biết viết tiếng của các người!...”Đây quả là nỗi đau lớn của một đất nước vì ngôn ngữ là lòng tự tôn, niềm kiêu hãnh dân tộc. Tất cả những lời bộc bạch chân thành đó của thầy Ha-men đã thể hiện cho chúng ta thấy, thầy là một nhà giáo có tâm, yêu nghề và hơn cả là có một lòng nồng nàn yêu nước. Thầy Ha-men đã cố gắng truyền tình yêu tiếng Pháp đến cho mọi người, thầy ca ngợi Tiếng Pháp là “ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất” và nhấn mạnh phải giữ lấy, không được lãng quên nó, vì có tiếng nói của dân tộc mới có chìa khóa để dân tộc đó thoát ra khỏi ngục tù, ách đô hộ. Khi quay lại bài học chính, thầy Ha-men nhiệt huyết hơn bao giờ hết như đang cố dùng hết mọi sức lực, tâm trí cả cuộc đời mình vào trong bài học, tha thiết tất cả mọi người trong lớp có thể hiểu được hết những kiến thức về Pháp văn. Mọi người trong lớp, trong đó có Phrang cũng cùng thầy Ha-men cố gắng, chăm chú ghi chép và nghe thầy giảng, cố tiếp thu được hết những kiến thức Pháp văn cuối cùng mình được học, trước khi phải chia xa, không hẹn ngày gặp lại. Phrang trước đó chưa bao giờ chú ý đến việc học tập, vậy mà trong buổi học này cậu hiểu hết những điều thầy nói, đến nỗi tự cậu còn ngạc nhiên khẳng định: “Tất cả những điều thầy nói, tôi thấy thật dễ dàng, dễ dàng”. 

Tuy tất cả những nhân vật trong truyện đều hối hận muộn màng khi không biết coi trọng ngôn ngữ dân tộc trước kia, nhưng trong buổi học Pháp văn cuối họ lại vô cùng chăm chú học tập, điều này chứng tỏ họ đều có chung một lòng yêu nước mãnh liệt. Đặc biệt hơn cả, có lẽ là thầy Ha-men, người đã 40 năm dạy tiếng Pháp, trong giờ khắc chia tay, thầy biết không còn thời gian để có thể truyền lại hết những kiến thức về Pháp văn, ngôn ngữ đẹp nhất trên thế giới được nữa nên chỉ đành nghẹn ngào viết lên bảng dòng chữ “NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM!” để truyền tình yêu Tổ quốc và ngôn ngữ dân tộc đến mọi người lần cuối. Có lẽ không đủ can đảm để nói lời từ biết, vì ngày mai thầy sẽ đến một nơi khác, không có ngày gặp lại mọi người, nên thầy chỉ ra hiệu cho mọi người về, buổi học kết thúc rồi. Những chi tiết cuối của chuyện khiến người đọc chúng ta lặng đi và không khỏi xúc động trước tinh thần yêu nước của thầy Ha-men, hành động của thầy chính là lời kêu gọi tất cả người dân Pháp hãy đứng lên đấu tranh hết mình vì Tổ quốc, vì tự tôn dân tộc.

Bằng lời văn giản dị, chân thật qua ngôi kể thứ nhất của cậu bé Phrang, nhà văn An-phông-xơ Đô-đê đã đem tới cho mọi người một tác phẩm thật xúc động về lòng yêu nước và ngôn ngữ dân tộc. Qua đó, nhà văn muốn truyền đạt đến người đọc hiểu được tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ đối với mỗi đất nước. Bởi vì “khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khoá chốn lao tù”. Truyện “Bài học” cuối cùng đã mang đến những giá trị thật nhân văn và cao cả.

---------------------

Trên đây Toploigiai đã mang đến cho các bạn bài Phân tích Buổi học cuối cùng. Hi vọng qua bài văn mẫu này các bạn đã hiểu rõ hơn về tác phẩm. Chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 24/10/2022 - Cập nhật : 29/11/2022