logo

Phân tích bài thơ Việt Bắc khổ 1


Mở bài Phân tích bài thơ Việt Bắc khổ 1

  Tố Hữu từng nói “Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình, là những điệu hồn đi tìm hồn đồng điệu”. Việt Bắc có lẽ nếu lắng lòng xuống, thì chính là khúc hát tâm tình ngọt ngào mà Tố Hữu viết cho người đọc bao thế hệ về thời kì kháng chiến đã qua, đặc biệt là những xúc cảm da diết, mặn nồng trong khổ một của bài thơ

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?"


Thân bài Phân tích bài thơ Việt Bắc khổ 1

Đoạn thơ mở đầu bằng câu hỏi đầy bùi ngùi về nỗi nhớ, chính vì thế làm cho mạch cảm xúc của toàn bộ đoạn thơ này như một khúc tâm tình đầy nhớ thương, giăng mắc mãi trong tâm hồn người đọc. Nhớ gì mà da diết, nồng đượm đến vậy? Hóa ra, đó là nỗi nhớ “mười lăm thiết tha mặn nồng”. Mười lăm năm ấy là mười lăm năm kháng chiến, gian khó muôn phần, vất vả ngược xuôi lắm khi chỉ “miếng cơm chấm muối” chia ngọt sẻ bùi, thế cho nên nỗi nhớ như được dâng lên gấp bội, như mang theo nó dòng chảy của hoài niệm và những kỉ niệm về tình đồng chí, nghĩa đồng bào khi còn hoạt động ở Việt Bắc- nơi được mệnh danh là địa chỉ đỏ cách mạng. Nếu tinh ý ta sẽ nhận ra, Tố Hữu đã rất có chủ đích khi đặt hai về đối rất cân, rất gợi cả về không gian và thời gian ở 2 câu thơ. Một câu về thời gian, một câu nhắc không gian, thế mới thấy được ngòi bút rất mực tài hoa của Tố Hữu cũng như sự nhịp nhàng hài hòa của thể thơ lục bát mà Tố Hữu sử dụng. Không những thế, câu thơ như gói ghém biết bao chất liệu dân gian mộc mạc, gợi nhớ đến câu tục ngữ “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đó có lẽ cũng là lời gợi nhắc của Tố Hữu về vẻ đẹp, đạo lí sống của dân tộc, đó là luôn biết tri ân, nhớ ơn, đền đáp công sức những người đi trước những người đã hi sinh vì lẽ sống lớn, vì dân tộc. Do đó, mới hay thơ Tố Hữu chính trị ở chỗ ấy, ông luôn đề cập đến những tình cảm lý tưởng lớn, cao đẹp của con người thời đại. Nhưng lại không khô khan, bởi cách diễn đạt, dùng từ, đặc biệt là cách mượn cặp từ xưng hô “mình – ta” trong ca dao dân ca xưa, mình và ta vốn được biết đến trong những câu hát huê tình, đằm thắm yêu thương của đôi lứa yêu nhau, Tố Hữu mượn điệu hát ngọt ngào ấy để nói về tình cảm lớn, về đất nước dân tộc, nghĩa là cái chung hòa quyện trong cái riêng, và đằm thắm hơn bao giờ hết.

Phân tích bài thơ Việt Bắc khổ 1 | Văn mẫu 12 hay nhất

        Tiếp tục mạch cảm xúc ấy, Tố Hữu mở ra những lớp sóng cồn khác của cảm xúc trong lòng người đọc:

 “Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi”

“Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

         Tiếng ai vừa như một cụm từ nghi vấn, vừa như một lời bộc bạch chân thành đến “ta”. Nỗi nhớ vốn vô hình, bỗng chốc được hữu hình hóa, tha thiết biết mấy, “bâng khuâng trong dạ”, “bồn chồn bước đi”. Nỗi nhớ như cồn lên, đánh tung những rung động và xúc cảm trong tâm hồn con người, làm nao nao người ở lại, mà cũng làm bồn chồn bước chân người ra đi. Hình ảnh ẩn dụ “áo chàm đưa buổi phân li”, là một cách ẩn dụ đặc sắc, ấn tượng của Tố Hữu tượng trưng cho vẻ đẹp mộc mạc, giản dị và chất phác của người dân miền núi. Nhưng cái giản dị, đơn sơ ấy đổi lại là hình ảnh “cầm tay” mới thấm thía, tha thiết, và bền chặt làm sao. Đó là biểu tượng của sự kết nối, gắn kết, cái cầm tay thay cho những khoảng vô ngôn mà rất đỗi dư tình trong cảm xúc lâng lâng của người đi người ở lúc bấy giờ. Vì thế, mà càng làm cho hình ảnh thơ cô đọng nhưng nói được rất nhiều.


Kết bài Phân tích bài thơ Việt Bắc khổ 1

         Đoạn thơ 1 được đánh giá là đoạn thơ đặc sắc nhất trong Việt Bắc, Tố Hữu từng tâm sự: Tôi phải lòng đất nước và nhân dân mình như phải lòng người con gái mình yêu, có lẽ cũng vì thế nên ông đã dùng khúc tâm tình tha thiết nhớ thương của mình để viết một bản tình ca thật ngọt ngào về nghĩa tình người đi kẻ ở, giữa người chiến sĩ cách mạng và đồng bào miền xuôi.

Các bài viết liên quan:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021