logo

Phân tích bài thơ Tuổi nhỏ (Xuân Diệu)

icon_facebook

Nhà đại tài Voltaire đã từng nói: "Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm”. Thơ ca bật ra khi trong tim người nghệ sĩ đang rung lên những nhịp đập thổn thức, đang ngân lên những nhịp điệu của tâm hồn. Chính vì vậy, vần thơ dù ngắn gọn nhưng lại có sức truyền tải lớn và để lại trong tâm hồn người đọc những ấn tượng không bao giờ quên. Trong số đó phải kể tới “ Tuổi nhỏ” của nhà thơ Xuân Diệu. Bài thơ là những nỗi niềm cảm xúc sâu sắc, lãng mạn đầy khát khao cũng như nhắc nhở mỗi con người về giá trị tình yêu và sự kết nối trong tình yêu.

“Giơ tay muốn ôm cả trái đất
Ghì trước trái tim, ghì trước ngực
Cho đầy trước mặt khoảng cô đơn
Bao la muôn trời, sâu vạn vực
Làm sao sống mà không yêu?
Không nhớ không thương một kẻ nào?
Hãy đốt đời ta muôn thứ lửa
Cho bừng tia mắt đọ tia sao.”

Xuân Diệu là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong phong trào thơ mới đầu thế kỷ XX. Tác giả là gạch nối của hai chặng đường lịch sử, thời đại thi ca. Ông mang thân phận là đứa con vợ lẽ nên từ nhỏ đã sống trong tâm trạng cô đơn, khao khát được yêu thương. Bởi vậy mà những câu thơ của ông chứa đựng bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu tâm tình mà Xuân Diệu muốn gửi gắm trong những vần thơ của mình. Ông còn được mệnh danh là ông hoàng thơ tình, nhà thơ của tình yêu, của mùa xuân, của tuổi trẻ. Trong bài thơ “ Tuổi nhỏ” được viết như một dòng nhật ký thể hiện tình cảm đối với em gái. Bài thơ mang đậm tình cảm, sự tiếc nuối và những hoài niệm về quãng thời gian đó và hồn nhiên của tuổi thơ. 

Hai câu thơ đầu đã thể hiện sự mãnh liệt, khát khao muốn chiếm lấy cả hoà bình, cả “ Trái Đất” của tác giả: 

“Giơ tay muốn ôm cả Trái Đất
Ghì trước trái tim, ghì trước ngực”

Tác giả đã nói quá bằng cách dang tay ôm Trái Đất nhấn mạnh sự mạnh mẽ, tham vọng của tuổi trẻ bởi ở độ tuổi đó, trong Xuân Diệu có những ước mơ, hoài bão, khát vọng vô bờ bến. Tác giả thể hiện khác vọng muốn chinh phục, khám phá và yêu thương mọi thứ trong thế giới này. Điệp từ “ ghì” nhấn mạnh hành động mạnh mẽ, khát khao bảo vệ tình yêu, mong muốn được sống với những cảm xúc của mình. “ Trái tim” và “ ngực” là hai bộ phận nằm trên cơ thể con người tượng trưng cho tình cảm, sự yêu thương, khát vọng sống, không chỉ trong tình yêu mà còn trong cuộc sống. 

Chuyển sang một khía cạnh khác,  ta thấy được sự đối lập trong các hình ảnh được nhắc đến :

“Cho đấy trước mặt khoảng cô đơn
Bao la muôn trời sâu vạn vực”

“Khoảng cô đơn” và không gian bao la vô tận của vũ trụ là hai hình ảnh tương phản. Câu thơ nói lên sự cô đơn của người trước sự bao la, rộng lớn của vũ trụ. Những hình ảnh này không chỉ gợi lên sự mênh mông, trống vắng mà còn thể hiện sự khát khao tình yêu, ước mơ và khát vọng của tác giả. Đây là sự tương phản giữa cái nhỏ bé với cái vô cùng rộng lớn cũng như thể biện sự mong muốn vượt qua cô đơn của Xuân Diệu. 

Nếu ở hai câu thơ trước ta thấy được nỗi cô đơn sâu thẳm giữa vũ trụ bao la thì ở hai câu tiếp theo khắc hoạ đầy trăn trở về ý nghĩa của cuộc sống rằng liệu con người có thể tồn tại mà thiếu đi tình yêu, sự gắn bó và sẻ chia.

“Làm sao sống mà không yêu?
Không nhớ không thương một kẻ nào?”

Trong cuộc sống của chúng ta luôn gắn liền với tình yêu, có thể là tình yêu cuộc sống, yêu gia đình hay những tình cảm đặc biệt như tình yêu lứa đôi. Hai câu hỏi tu từ được đặt ra như một lời khẳng định rằng tình yêu là điều không thể thiếu trong cuộc sống. Điệp từ “ không” được lặp lại 3 lần, càng nhấn mạnh hơn niềm khao khát được sống và được yêu thương của tác giả. Tình yêu không đơn giản chỉ là tình cảm giữa người với người mà còn là sự kết nối với vạn vật, với thế giới rộng lớn. 

Tiếp nối mạch cảm xúc, những câu thơ tiếp theo đã thể hiện rõ hơn nhiệt huyết cháy bỏng trong Xuân Diệu.

“Hãy đốt đời ta muôn thứ lửa
Cho bừng tia mắt đọ tia sao”

Ngọn lửa được nhắc đến trong câu thơ tượng trưng cho sự đam mê, nhiệt huyết, cháy bỏng trong mỗi con người. Hình ảnh “ muôn thứ lửa” ẩn dụ những đam mê, khát khao sống mãnh liệt. Tác giả muốn “ đốt cháy” cuộc đời mình, sống mãnh liệt với khát vọng, sống hết mình để yêu và được yêu. Hình ảnh “ tia mắt đọ tia sao” nhấn mạnh sự kết nối giữa con người và vũ trụ bao la, giữa cái nhỏ bé và vô cùng rộng lớn bao la của vũ trụ.

Bài thơ “ Tuổi nhỏ” được chăm chú từ lựa chọn từ ngữ đến cấu trúc câu, tạo nên sự hài hoà, uyển chuyển giữa các câu thơ. Đồng thời, tác giả còn sử dụng các biểu cảm tinh tế, các hình ảnh so sánh ẩn dụ giúp tác phẩm trở nên sống động và lôi cuốn người đọc cũng như ý nghĩa sâu sắc về tuổi thơ và tình cảm gia đình được khắc hoạ rõ nét qua từng câu thơ.
Bài thơ, không chỉ là lời tự tình của tác giả mà còn là tiếng nói chung của những tâm hồn trẻ tuổi khao khát được yêu thương, được sống và cống hiến. Xuân Diệu đã truyền tải cho người đọc một triết lý sống đẹp: sống là phải yêu, yêu là yêu hết mình yêu mãnh liệt vì tuổi trẻ chỉ đến một lần trong đời. Bài thơ không chỉ chạm đến cảm xúc của tác giả mà còn để lại trong lòng mỗi người đọc những suy ngẫm sâu sắc về cuộc đời.

Nếu hoạ sĩ dùng màu sắc để vẽ tranh, nhà điêu khắc dùng đường nét để khắc hoạ, nhạc sĩ dùng âm nhạc để nói lên nỗi lòng thì nhà văn, nhà thơ lại dùng ngòi bút để nói lên cảm xúc, tâm tình của mình. Khép lại những trang thơ giàu cảm xúc, bài thơ “ Tuổi nhỏ” của nhà thơ Xuân Diệu đã để lại những suy nghĩ và chiêm nghiệm sâu sắc. Đặc biệt với sự khát khao yêu thương mà tác giả khắc hoạ trong những vần thơ, người đọc cũng rút ra bài học vô cùng ý nghĩa, bởi những giá trị qua từng câu chữ đơn giản nhưng đậm chất nghệ thuật của tác phẩm.

icon-date
Xuất bản : 23/12/2024 - Cập nhật : 23/12/2024

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads