Tham vấn chuyên môn bài viết
Giáo viên:
Hoàng Thùy Phương
Cử nhân sư phạm Ngữ Văn với 2 năm kinh nghiệm
Tham vấn chuyên môn bài viết
Giáo viên:
Hoàng Thùy Phương
Cử nhân sư phạm Ngữ Văn với 2 năm kinh nghiệm
Bài thơ Tự tình I là tiếng lòng khao khát yêu thương và hạnh phúc, đồng thời thể hiện sự phản kháng mạnh mẽ trước số phận cuarngười phụ nữ trong xã hội. Dưới đây là bài văn phân tích bài thơ “Tự tình I”.
a. Mở bài
- Khái quát chung về nữ sĩ Hồ Xuân Hương và bài thơ Tự Tình I
b. Thân bài
* Khái quát về tác giả tác phẩm
- Nữ sĩ Hồ Xuân Hương:
+ Được mệnh danh là "Bà chúa thơ Nôm. Nữ sĩ để lại khoảng 50 bài thơ Nôm theo thể thất ngôn tứ tuyệt hoặc thất ngôn bát cú Đường luật.
+ Chùm thơ "Tự tình" gồm có 3 bài; đây là bài thứ nhất:
* Phân tích tác phẩm:
- Hai câu thơ đầu: Tâm trạng buồn tủi, lẻ loi cô đơn của nhân vật trữ tình
- Hai câu thực: nỗi thảm sầu về bi kịch cô đơn với mức độ được tăng lên.
- Hai câu luận: nỗi lòng về duyên phận bạc bẽo được bộc lộ một cách trực tiếp.
- Hai câu kết: thái độ thách thức, phản kháng trước bi kịch cuộc đời
* Đánh giá tác phẩm:
- Giá trị tác phẩm:
+ Nội dung: Nỗi lòng của người phụ nữ tài hoa, khát khao hạnh phúc nhưng bất hạnh trong tình duyên.
+ Nghệ thuật: Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, ngôn ngữ táo bạo, hình ảnh giàu sức gợi, nghệ thuật gieo vần vô cùng tài tình hiểm hóc
c. Kết bài
Liên hệ và đánh giá: Tiếng nói của Hồ Xuân Hương là tiếng nói chung của người phụ nữ trong xã hội cũ, có giá trị nhân văn sâu sắc.
Thời gian vẫn trôi đi và bốn mùa luôn luân chuyển. Con người chỉ xuất hiện một lần trong đời và cũng chỉ một lần ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng những gì là thơ, là văn, là nghệ thuật đích thực thì vẫn còn mãi mãi với thời gian. Bài thơ “Tự tình I” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương là một trong số những tác phẩm nghệ thuật như thế. Đặc biệt là trích đoạn:
“ Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom,
Oán hận trông ra khắp mọi chòm.
Mõ thảm không khua mà cũng cốc,
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om.
Trước nghe những tiếng thêm rầu rỉ,
Sau giận vì duyên để mõm mòm.
Tài tử văn nhân ai đó tá?
Thân này đâu đã chịu già tom!”
Hồ Xuân Hương là một trong những thi sĩ tiêu biểu của nền thơ ca Việt Nam. Thơ Hồ Xuân hương là thơ của phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà trữ tình, đậm chất dân gian từ đề tài,cảm hứng ngôn từ và hình tượng. Bà sáng tác thành công cả chữ Hán và chữ Nôm nhưng thành công hơn ở chữ Nôm. Nữ sĩ được mệnh danh là “bà chúa thơ Nôm”. Bài thơ “Tự tình” nằm trong chùm thơ tự tình gồm 3 bài của Hồ Xuân Hương. Bài thơ được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Bài thơ là thái độ đau buồn, phẫn uất, lời than vãn của Hồ Xuân Hương về duyên tình lỡ làng và tình cảnh éo le, qua đó thể hiện khát vọng tình yêu mãnh liệt của người phụ nữ.
Mở đầu bài thơ, tác giả đã gợi ra trước mắt người đọc bưc tranh tâm trạng “oán hận”, nỗi thao thức, đau đớn sau một đêm dài nghĩ về duyên phận mình của người con gái.
“ Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom,
Oán hận trông ra khắp mọi chòm.
Từ láy “văng vẳng’ diễn tả một không gian vắng vẻ, heo hút của đêm khuya cùng với tiếng gáy trên bom. Nhà thơ Hồ Xuân Hương đã sử dụng nghệt thuật lấy động tả tĩnh, mượn tiếng gà gáy nơi xa xa để làm nổi bật thêm sự yên ắng, tĩnh mịch của đêm khuya nơi làng quê. Thời gian là dòng chảy không ngừng, khiến con người ta mỗi khi đối mặt đều thấy sợ hãi, lo lắng về sự chảy trôi. Đối diện với sự chảy trôi của thời gian, với không gian mênh mông bát ngát của đất trời là thân phận nhỏ bé của của người phụ nữ. Người phụ nữ ấy "Trông ra khắp mọi chòm" - nhìn ra khắp mọi nơi, khắp mọi không gian, nhìn ra khắp nơi đâu đâu cũng chỉ thấy oán hận. Màn đêm mù mịt, u tối đang bủa vây người phụ nữ trong nỗi cô đơn, oán hận. “Tiếng gà văng vẳng” tàn canh làm thức dậy nỗi đau đớn xót xa đến nỗi âm thanh lan tỏa đến đâu thì “oán hận” tràn ra ngùn ngụt đến đó. Đây không còn là nỗi “oán hận” của một cá nhân mà là nỗi oán hờn của những kiếp hồng nhan bất hạnh trong xã hội bấy giờ. Nhưng sau cùng, nữ sĩ vẫn tỏ ra bản lĩnh, tinh thần đối mặt với số phận.
'Mõ thảm không khua mà cũng cốc,
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om?'
Nhà thơ đã sử dụng hai hình ảnh đối xứng một cách độc đáo “Mõ - chuông” ; “cốc - om” khiến cho nỗi cô đơn buồn tủi càng kéo dài hơn. Mõ không khua mà cũng có tiếng kêu, chuông không đánh mà cũng vẫn om. Những âm thanh ấy vẫn luôn ám ảnh trong tâm trí người nữ sĩ, càng thêm da diết, u buồn, rầu rĩ khi kết hợp cùng những tính từ: "thảm", "sầu". Câu hỏi tu từ trong câu thơ “Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om?” vang lên như một tiếng thở dài ngao ngán, buồn tủi về cuộc đời của bà, về con đường tình duyên trắc trở.
Hai câu thơ tiếp theo, nhà thơ bày tỏ nỗi lòng về duyên phận bạc bẽo, một tiếng thở dài than thân trách phận:
“Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ,
Sau giận vì duyên để mõm mòm.”
Nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật đối để diễn tả tâm trạng của nhận vật trữ tình: "Trước nghe" đối với "sau giận". Nhà thơ lắng nghe tiếng vào lời ra của thiên hạ/ tiếng gà văng vẳng gáy/ tiếng "chuông sầu". Tất cả những âm thanh đó được miêu tả là khiến lòng người thêm rầu rĩ, buồn tủi. "Sau giận" đã thể hiện sự oan ức, trách móc, than thở với số phận lênh đênh, tình duyên bẽ bàng. Hai câu thơ là tiếng thở dài, than thân, đồng thời thể hiện khao khát hạnh phúc của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Nhà thơ khao khát hạnh phúc, nhưng dường như hạnh phúc không đến với nữ sĩ.
Những câu thơ trên là tự trách, là buồn tủi, là thương xót cho thân phận hẩm hiu, tình duyên bẽ bàng. Nhưng hai câu kết dường như lại đảo ngược lại với tâm trạng trên, nó là sự thách thức trước bi kịch cuộc đời:
“Tài tử văn nhân ai đó tá?
Thân này đâu đã chịu già tom!”
Câu thơ “Thân này đầu đã chịu già tom” càng khẳng định sự bướng bỉnh trong thơ và tính cách của Hồ Xuân Hương. Nếu câu thơ Sau giận vì duyên để mõm mòm cho thấy được sự tỉnh thức của tác về tuổi xuân, về tình duyên đã quá lứa lỡ thì mà cô đơn, thì sang câu “ Thân này đâu đã chịu già tom” cho thấy sự biến chuyển về suy nghĩ, vượt lên nghịch cảnh, sự bướng bỉnh trong tín cách. Hay nói đúng hơn đây là bản lĩnh cứng cỏi của Hồ Xuân Hương trước cuộc đời, một người phụ nữ tuy tình duyên lận đận nhưng chưa bao giờ ngưng khát vọng, ngưng tìm hạnh phúc.
Bài thơ Tự tình phản ánh nỗi niềm tâm sự trĩu nặng của người phụ nữ trong xã hội xưa. Qua bài thơ, Hồ Xuân Hương thể hiện sự thấu hiểu, đồng cảm với thân phận của người phụ nữ, đồng thời bộc lộ thái độ trân trọng, ngợi ca bản lĩnh, ý thức về quyền sống và khát vọng hạnh phúc của họ. Tự tình khẳng định khả năng to lớn của tiếng Việt khi biểu đạt những cung bậc cảm xúc trong thế giới nội tâm con người.