logo

Phân tích bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ

Tiếng Việt là một ngôn ngữ đa dạng và phong phú, với lịch sử lâu đời và nhiều giá trị văn hóa. Dưới đây là bài văn Phân tích bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ


Phân tích bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ - Bài mẫu 1

Không phải ngẫu nhiên mà Rasul Gamzatov đã từng tâm niệm rằng: “ Thơ ca bắt nguồn từ những âm vang của tâm hồn”. Thật vậy, thi ca muôn đời là nơi bộc lộ những trở trăn, nhưng nghĩ suy thổn thức của trái tim người nghệ sĩ trước cuộc đời. Và thơ Lưu Quang Vũ cũng chính là những nỗi niềm chân thành của thi nhân. Đến với thế giới nghệ thuật của nhà thơ này, người đọc sẽ bắt gọn những cảm xúc đầy xúc động, để lại những dư âm, dư ba qua thi phẩm mang tên "Tiếng Việt.

Lưu Quang Vũ là một nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch tài năng. Bài thơ "Tiếng Việt” của nhà thơ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Bài thơ đã ca ngợi sự giàu đẹp của tiếng việt: vừa giản dị, mộc mạc, vừa phong phú, sâu sắc. Tiếng việt có sức sống mãnh liệt, thấm đẫm giá trị dân tộc, bồi đắp tâm hồn, tình yêu dân tộc. Bằng lời thơ chân thành, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã thể hiện tình yêu, niềm tự hào, sự trân trọng với Tiếng việt. 

Mở đầu bài thơ, nhà thơ không sử dụng những khái niệm trừu tượng để lí giải Tiếng việt mà người nghệ sĩ đã sáng tạo nên một thế giới hình ảnh sinh động, gần gũi với cuộc sống của chúng ta, đó là tiếng mẹ gọi, tiếng cha dặn, tiếng kéo gỗ, câu hát, lời ru,...

“Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm

Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về

Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm

Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.

...

Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa

Khi hun thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi

Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ

Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời.”

Âm thanh hiện lên trong câu thơ là những âm thanh đậm tình, sâu lắng, những âm thanh gắn liền với cuộc sống hằng ngày. Đó là âm thanh của tiếng mẹ gọi, tiếng kéo gỗ, tiếng gọi đò, tiếng lụa, tiếng cha dặn,.. Những âm thanh nghe sao mà thiết tha. 

Tình yêu tiếng Việt in sâu vào tâm khảm mỗi người từ những ngày bé thơ khi tập đọc ê a từng con chữ đầu lòng:

“Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếnmg nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ”.

Tiếng Việt là kết quả của Tình yêu và Lao động. Mọi mặt của đời sống dân tộc đã làm nên hồn cốt của tiếng việt. Bởi vậy  “ chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói”. Tiếng Việt là thứ của cải vô cùng lâu đời và quý báu của dân tộc. Nhà thơ Lưu Quang Vũ rất tài hoa khi sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh để khái quát đặc trưng tiếng nói của dân tộc. “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ”. Đây là một phát hiện mới mẻ của thi sĩ. Nhà thơ đã sử dụng hình ảnh quen thuộc, gần gũi, mang đậm bản sắc dân tộc, đó là hình ảnh "đất cày”, "lụa”, "tre ngà”  "tơ”. Hai câu thơ giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp mộc mạc, chân chất, khỏe khoắn, vừa mềm mại, dịu dàng, vừa cứng cỏi lại óng ả của tiếng việt

Người Việt Nam ngày nay có đầy đủ lý do và bằng chứng để tự hào về tiếng Việt của mình. Vẻ đẹp của tiếng Việt đến từ mọi khía cạnh, đến từ cả sự giàu đẹp và đa dạng của tiếng Việt.  m điệu của tiếng Việt đa dạng và trầm bổng nhờ hệ thống 4 dấu gồm: huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng

“Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát

Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh

Như gió nước không thể nào nắm bắt

Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.”

Thật vậy, chúng ta thấy ngôn ngữ tiếng Việt có hệ thống dấu thanh rất đa dạng. Mỗi một dấu thanh khi sử dụng giống như một nốt nhạc. Với những thanh bằng như huyền, ngang giống như những nốt trầm. Những thanh trắc như sắc hỏi, ngã nặng lại giống như những thanh cao. Tiếng Việt còn có hệ thống ngữ âm rất phong phú lại rất đa dạng về ngữ nghĩa. Ông cha ta vẫn thường hay nói “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Là một người dân Việt Nam chúng ta có quyền tự hào về sự giàu đẹp của tiếng Việt. Chúng ta cũng cần có trách nhiệm giữu gìn sự giàu đẹp ấy.

Mỗi một khổ thơ là mỗi cung bậc cảm xúc khác nhau. Bằng lời thơ chân thành, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã thể hiện niềm trân trọng, nó như lời nhắc nhở thế hệ trẻ ngôn ngữ ngàn đời của dân tộc 

"Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ

Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn

Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá

Tiếng Việt ơi! Tiếng Việt ân tình"

Từ cảm thán "ôi” vang lên như lời chân tình sâu nặng của nhà thơ. Tiếng việt là kết quả lao động vất vả của những người nhân dân. Người nhân dân đã lao động, sáng tạo, đổ biết bao mồ hôi công sức, chịu đựng bao vất vả, bao hi sinh để gìn giữ, vun đắp cho tiếng việt ngày càng giàu đẹp. Qua đó, nhà thơ đã ca ngợi sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam, cần cù, chịu thương, chịu khó, ân tình, thủy chung son sắt. Nhà thơ nhắc nhở thế hệ mau sau phải biết giữ gìn, phát huy thứ ngôn ngữ của dân tộc.

"Tiếng Việt” là một bài thơ hay, chứa đựng ý nghĩa sâu sắc. Kết thúc tác phẩm nhưng nó vẫn để lại trong lòng người đọc biết bao ấn tượng sâu sắc, là bài học về lòng yêu nước, giữ gìn, phát huy giá trị tốt đẹp của dân tộc

Phân tích bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ

Phân tích bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ - Bài mẫu 2:

Nếu họa sĩ dùng màu sắc để vẽ tranh, nhà điêu khắc dùng đường nét để khắc họa, nhạc sĩ dùng âm nhạc để nói lên nỗi lòng của mình thì nhà văn dùng ngòi bút của mình để tạo ra đứa con tinh thần. Ngôn ngữ chính là chìa khóa vạn năng giúp thi nhân mở ra cánh cửa muôn vàn cảm xúc. Qua bài thơ "Tiếng Việt” nhà thơ Lưu Quang Vũ khiến cho người đọc chìm trong những vần thơ da diết, nồng nàn, đó là tiếng lòng của người nghệ sĩ.

Lưu Quang Vũ không chỉ nổi tiếng là nhà viết kịch tài năng mà còn là thi sĩ có những bài thơ được bạn đọc nhớ lâu như "Vườn trong phố", "Tiếng Việt"…” Tiếng Việt” là một bài thơ mang ý nghĩa sâu sắc. Người đọc bài "Tiếng Việt" đã lâu, nay vẫn thích bởi thi phẩm có tính khái quát cao, độ xúc cảm sâu và lấp lánh nhiều thi ảnh. 

Cái hay của bài thơ là thông qua hình tượng "Tiếng Việt", đất nước và nhân dân hiện lên thật gần gũi, thân thiết. Một không gian thuần Việt chứa đựng những thăng trầm của dân tộc, vừa anh hùng vừa bi thương, khi hiền hòa khi giông bão, lúc binh đao lúc thái bình. Khi tiếng Việt cất lên ta nghe trong đó nhiều cung bậc của cuộc sống mà trước hết là lòng yêu đất nước, quê hương được gìn giữ, truyền lưu từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Mở đầu bài thơ, tình yêu quê hương, quê Tổ quốc bắt đầu từ những điều giản dị, quen thuộc nhất. 

“Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm

Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về

Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm

Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.

"Tiếng mẹ” hiện lên thân thương, gần gũi. Tiếng mẹ à ơi ru đứa em thơ ngủ ngon giấc. Không gian hiện lên là làng quê Việt gắn liền với nền văn minh lúa nước đằng đẵng mấy nghìn năm lịch sử. Đó là làng quê nghèo khó, cuộc sống mưu sinh khổ nhọc “ Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn/ Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya/ Tiếng lụa xé đau lòng/ Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê/…” Thật vây, Tiếng Việt đã khởi nguồn và lan tỏa cùng với công cuộc dựng nước, giữ nước của nhân dân, nảy nở sinh sôi trong từng gia đình, làng xã, vượt qua biết bao khó khăn, thăng trầm, mãi mãi trường tồn. 

Mỗi khổ thơ mang một nỗi niềm cảm xúc khác. Khổ thơ tiếp theo thấm đượm chất dân gian. Bằng những hình ảnh thơ đầy ám ảnh, Lưu Quang Vũ đã nói lên được điều đó: "Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa/ Khi hun thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi/ Tiếng mưa dội ào ào trên mái cỏ/ Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời/ "Đá cheo leo trâu trèo trâu trượt"/ Đi mòn đàng dứt cỏ đợi người thương/ Đây muối mặn gừng cay lòng khế xót/ Ta như chim trong tiếng Việt như rừng". Câu thơ cuối, nhà thơ sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh thật tài tình. "Ta như chim”, "Tiếng Việt như rừng”. "Rừng” gợi lên cho người đọc vẻ xanh tươi, trù phú, giàu có. Tiếng Việt cũng vậy, tiếng việt vô cùng phong phú. Tiếng Việt thân thương ấy có ở khắp rộng dài đất nước

Viết về tiếng việt, ngôn ngữ đặc trưng của một dân tộc, lưu giữ biết bao giá trị truyền thống, nhà thơ không sử dụng các khái niệm để lý giải tiếng việt. Nhà thơ Lưu Quang Vũ đã đưa người đọc lạc vào thế giới của đời sống hằng ngày, gắn bó, quen thuộc. Tiếng Việt là thứ tiếng tuy ngữ pháp khó như "phong ba bão táp" nhưng sức biểu đạt của nó rất phong phú lại giàu tính họa, tính nhạc

“Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như t

....

Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn

Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối

Tiếng heo may gợi nhớ những con đường".

Nhà thơ đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh ở hai dòng thơ: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa – Óng tre ngà và mềm mại như tơ.” Tiếng Việt được ví như đất cày, lụa, óng tre ngà, tơ đã giúp người đọc cảm nhận đặc trưng của tiếng Việt: mộc mạc, khỏe khoắn, tinh tế và mềm mại, là tiếng nói biểu hiện bản sắc dân tộc. Nhà thơ đã chỉ ra đặc sắc của tiếng Việt là thứ tiếng nhiều thanh điệu, khiến lời nói có giai điệu, gợi hình,gợi thanh,  gợi cảm, có ý nghĩa sâu xa, có khả năng diễn tả mọi phương diện, mọi cung bậc cảm xúc của cuộc sống, con người Việt một cách giản dị, gần gũi. Qua hình ảnh thơ, nhà thơ bày tỏ tình cảm yêu mến, trân trọng và tự hào của mình dành cho vẻ đẹp và sự giàu có, phong phú của tiếng Việt.

Tiếng Việt là kết quả lao động vất vả của những người nhân dân. Người nhân dân đã lao động, sáng tạo, đổ biết bao mồ hôi công sức, chịu đựng bao vất vả, bao hi sinh để gìn giữ, vun đắp cho tiếng việt ngày càng giàu đẹp “ Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy/…/ Tiếng trong trẻo như  hồn dân tôc Việt”. 

Tiếng Việt là phương tiện kết nối lòng người; xa gần, cao thấp xích lại gầnbên nhau hơn: "Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết/ Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi/ Như vị muối chung lòng biển mặn/ Như dòng sông thương mến chảy muôn đời".

Bài thơ “Tiếng Việt” đem đến một lời nhắn nhủ sâu sắc và cũng là tuyên ngôn về nghệ thuật của Lưu Quang Vũ. Thông điệp đó được gửi gắm qua ý thơ “Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ”. Với ông, nhà văn, nhà thơ, hơn ai hết, phải thấu hiểu một cách đầy đủ nhất, tường tận và sâu xa nhất về cái đẹp, cái hay của tiếng Việt. Bởi lẽ, trong sáng tạo văn chương, ngôn ngữ chính là chất liệu quan trọng nhất. Không yêu quý, trân trọng ngôn ngữ dân tộc thì anh không thể là một nhà thơ, nhà văn thực thụ. Bằng lời thơ chân thành, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã thể hiện niềm trân trọng, yêu thương và khát vọng đẹp đẽ cho Tổ quốc thân yêu. Câu thơ như lời nhắc nhở thế hệ trẻ hãy giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị ngôn ngữ ngàn đời của dân tộc ta.

Qua thời gian, Lưu Quang Vũ vẫn còn vẹn nguyên trong cõi nhớ của người đọc bởi những vở kịch gây chấn động dư luận. Không thể phủ nhận rằng, kịch là địa hạt đã đưa ông đến vinh quang nhưng thơ mới chính là niềm đam mê lớn nhất của đời ông, là tài sản quý nhất mà Lưu Quang Vũ để lại.


Phân tích bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ - Bài mẫu 3:

Không phải ngẫu nhiên nhiều nhà phê bình văn học cho rằng bài thơ Tiếng Việt của nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ phải được chọn đưa vào chương trình Ngữ văn trung học. Tôi nghĩ, đây là ý kiến cần được quan tâm bởi Tiếng Việt là một trong những bài thơ hay viết về tiếng nói dân tộc. Nếu được chọn, bài thơ không những hội đủ các tiêu chí của một tác phẩm văn học có giá trị về nội dung và nghệ thuật mà còn có tính tích hợp cao với các phân môn Tiếng Việt, Tập làm văn.

Đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh, một người bạn thân thiết của Lưu Quang Vũ đánh giá: “Lưu Quang Vũ là một trong số rất ít người làm nghệ thuật thể hiện được cái tình đậm đà, thắm thiết, đắng cay mà hồn hậu, nhân ái của Mẹ Việt Nam. Người làm thơ viết về quê hương thì rất nhiều, nhưng viết hay, thân thiết và xúc động như Lưu Quang Vũ trong bài Tiếng Việt thì rất ít

  Viết về tiếng Việt, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã không bắt đầu bằng những khái niệm trừu tượng mà dẫn nhập bằng những câu thơ có sức gợi để cho người đọc thấy được đời sống sinh hoạt, lao động của người Việt - nơi thai nghén, hình thành và nuôi dưỡng tiếng nói dân tộc. Một không gian văn hóa Việt được anh tạo dựng với những hình ảnh, âm thanh của làng quê Việt Nam thân thuộc, dấu yêu:

"Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm

Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về

Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm

Nghe xạc xào gió thổi giữa cầu tre.

(…)

“Đá cheo leo trâu trèo trâu trượt…”

Đi mòn đàng đứt cỏ đợi người thương

Đây muối mặn gừng cay lòng khế xót

Ta như chim trong tiếng Việt như rừng

  Vâng! Tiếng Việt được cất lên từ bờ tre, gốc rạ; từ cánh đồng xa, dòng sông vắng; từ sự lấm láp, nhọc nhằn, lam lũ của của đời sống lao động; từ những tâm tình ngọt ngào, sâu lắng của người Việt. Đó là âm thanh của “Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm”, “Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa”; âm thanh của tiếng “xạc xào gió thổi giữa cầu tre”, “Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê”, “Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ”; âm thanh của “Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng/ Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya/ Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng”…  Có thể nói, mọi mặt của đời sống dân tộc - về tự nhiên và xã hội, về vũ trụ và con người - đã làm nên hồn cốt của tiếng Việt.

Ngôn ngữ là một trong những nhân tố hợp thành quan trọng, góp phần làm nên cái nền tảng về giá trị, bản sắc, tinh hoa của nền văn hóa dân tộc. Tiếng Việt - "Thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc"(1) – là thứ tiếng “Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói” bởi nó liên quan đến ý thức xã hội, ứng xử và giao tiếp, cũng như các kết quả hoạt động vật chất và tinh thần của người Việt.

Nhà thơ Lưu Quang Vũ đã rất tài hoa khi khái quát được đặc trưng tiếng nói của dân tộc trong hai câu thơ xuất thần: "Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa. Óng tre ngà và mềm mại như tơ". Tác giả mượn những hình ảnh vừa gần gũi, thân thuộc vừa mang đậm bản sắc dân tộc như “đất cày”, “lụa”, “tre ngà”, tơ” để nói về tiếng Việt. Nhà thơ đã gợi cho người đọc cảm nhận được được tiếng nói dân tộc vừa có sự mộc mạc, chân chất, khỏe khoắn của “đất cày”; vừa có sự dịu dàng, mát mẻ của “lụa”; vừa có sự óng ả, thanh tao của “tre ngà”; vừa có sự mềm mại, uyển chuyển của “tơ”.

Như chúng ta đã biết với một hệ thống nguyên âm, phụ âm phong phú, hệ thống các thanh điệu với những âm độ, âm vực, tiếng Việt có khả năng tạo ra nhiều giai điệu khác nhau: du dương trầm bổng, réo rắt, sâu lắng, thiết tha… Tiếng Việt giàu âm thanh, nhạc điệu “nói thường nghe như hát/ kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh”.

"Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy"

Và như để chứng minh tiếng Việt là ngôn ngữ giàu hình tượng, nhà thơ đã dẫn ra một số tiếng nói quen thuộc mà có khả năng gợi nhiều liên tưởng:

Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn

Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối

Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.

Nhà phê bình văn học Đặng Thai Mai cho rằng: “Tiếng Việt có đầy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và để thỏa mãn cho yêu cầu của đời sống văn hóa nước nhà qua các thời kì lịch sử”(2). Không đi sâu phân tích hay luận bàn sự giàu đẹp của tiếng Việt, nhà thơ Lưu Quang Vũ mượn chính ngôn ngữ đậm chất thơ của dân tộc mình để nói về vai trò của người sáng tạo ra thứ ngôn ngữ đó.

Nhiều độc giả cho rằng tính nhân dân là hạt nhân tư tưởng của bài thơ. Nhân dân là những người đã lao động, sáng tạo, đổ mồ hôi, công sức, chịu đựng gian khổ, hi sinh vun đắp cho tiếng Việt ngày càng giàu đẹp và giữ cho tiếng Việt mãi là tiếng nói của một dân tộc có chủ quyền. Thần thái tiếng Việt chính là sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam cần cù, nhẫn nại; ân nghĩa, thủy chung; kiên cường, bất khuất.

Dẫu có sự cách trở về địa lí, tiếng Việt vẫn là thứ của cải riêng của dân tộc: “Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng/ Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta”. Trải qua bao biến cố của lịch sử, tiếng Việt vẫn tồn tại:“Tiếng chẳng mất khi loa thành đã mất/ Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già”. Đi qua những thăng trầm của đời người, tiếng Việt vẫn lấp lánh, sáng trong: “Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng/Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi/Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán/ Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời”.

Tiếng Việt làm nên một dòng chảy văn hóa “Như vị muối chung lòng biển mặn / Như dòng sông thương mến chảy muôn đời”; gắn kết quá khứ với hiện tại: “Ai thuở trước nói những lời thứ nhất/ còn thô sơ như mảnh đá thay rìu/ Điều anh nói hôm nay, chiều sẽ tắt/ Ai người sau nói tiếp những lời yêu?”; kết nối lời yêu thương những người có chung tiếng nói, chung dòng máu Việt dù người đó đang “phiêu bạt nơi chân trơi góc biển” hay ở  “phía bên kia cầm súng khác”. Có thể nói, đây là những phát hiện mới mẻ của nhà thơ Lưu Quang Vũ về sức mạnh kì diệu của tiếng Việt. Nó là “dòng sông thương mến chảy muôn đời”, là biển lớn của tinh thần hoà hợp dân tộc.

Với tất cả lòng yêu quý và trân trọng tiếng mẹ đẻ, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã tạo ra mạch nguồn cảm xúc lai láng, trào dâng, bất tận trong bài thơ Tiếng Việt. Mỗi khổ thơ là một cung bậc cảm xúc: có lúc chậm rãi, khoan thai, xa vắng; có khi dồn dập, sôi nổi, riết róng… nhưng cảm xúc chủ đạo vẫn là tha thiết, ân tình:                                  

"Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ

Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn

Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá

Tiếng Việt ơi! Tiếng Việt ân tình…"

 Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng ca ngợi công lao của đại thi hào Nguyễn Du trong việc giữ gìn và làm giàu đẹp tiếng Việt qua tuyệt tác Truyện Kiều: “Bạch Đằng anh là cắm cọc vào thời gian nước chảy/ Cho nghìn năm sau vầng trăng tiếng Việt mãi còn” (Nghĩ thêm về Nguyễn). Tôi thiết nghĩ, với bài thơ Tiếng Việt, nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng đã “cắm cọc vào thời gian nước chảy”  và “vầng trăng tiếng Việt” trong thơ anh sẽ mãi sáng trên thi đàn văn học Việt Nam.


Phân tích bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ - Bài mẫu  4:

Ai đã được tiếp xúc với “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ dù chỉ một lần đều không dễ quên. Bài thơ được rất nhiều người yêu mến thuộc lòng…

"Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm 

...........................................

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ

Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn

Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá 

Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình..."

Bên cạnh việc sử dụng tiếng Việt để sáng tạo nên những tác phẩm văn hoá, văn học bất hủ, các nghệ sĩ của chúng ta luôn đến với tiếng nói của dân tộc như một nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn. "Họ (các nhà thơ mới-TQĐ) yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt" (Hoài Thanh). Có lẽ mọi nghệ sĩ đều có tình cảm tương tự đối với tiếng Việt. Đã có nhiều tác phẩm hay viết về tiếng Việt nhưng có một sáng tác đã đem lại cho tôi nhiều điều mới mẻ và xúc động nhất là bài thơ "Tiếng Việt" của nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa bạc mệnh Lưu Quang Vũ. 

Nhà thơ đã sáng tạo nên một thế giới hình ảnh sinh động, gợi cảm để tái hiện cội nguồn lịch sử tiếng nói dân tộc. Tiếng Việt không phải là một khái niệm trừu tượng mà là tiếng mẹ gọi, tiếng cha dặn, tiếng kéo gỗ, tiếng gọi đò, là câu hát lời ru "rung rinh nhịp đập trái tim" ...nghĩa là tất cả những gì gần gũi, thân thiết, máu thịt nhất đối với mỗi người; là thứ tiếng lấm láp giọt mồ hôi mặn chát, những giọt nước mắt cay đắng và cả những tâm tình sâu lắng, ngọt ngào, say đắm. Tiếng Việt là thứ tiếng của Tình yêu và Lao động. 

Có thể xem hai câu thơ: "Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa. Óng tre ngà và mềm mại như tơ" là những câu thơ hay nhất của bài thơ. Đó là một sự phát hiện, đúc kết sâu sắc về đặc trưng tiếng nói, bản sắc dân tộc: vừa mộc mạc, chân chất, khoẻ khoắn, vừa mềm mại, dịu dàng, mát mẻ, vừa cứng cỏi lại vừa óng ả, tinh tế, bay bổng...Những hình ảnh "đất cày", "lụa", "tre ngà", "tơ" đều gần gũi, quen thuộc, mang đậm bản sắc dân tộc. Hai câu thơ đẹp, lung linh sắc màu, càng đọc, càng suy ngẫm càng thấy thấm thía, xúc động.

Lưu Quang Vũ đã có những phát hiện mới mẻ về sức mạnh kì diệu của tiếng Việt: là dòng sông chảy muôn đời lưu giữ truyền thống yêu nước, nhân ái của con người Việt Nam, là biển lớn của tinh thần hoà hợp dân tộc. Sức mạnh quân sự của kẻ thù có thể chia cắt đất nước về mặt ranh giới địa lí nhưng không thể chia cắt khối thống nhất vĩ đại của lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ dân tộc. Tiếng Việt trở thành sợi dây nối liền tâm hồn, tư tưởng của mọi thành viên trong cộng đồng cũng như những người con xa xứ, lưu lạc. Từ mối liên hệ với lịch sử, tác giả đã xem tiếng Việt như là một nhân tố tạo nên sự bền vững muôn đời của dân tộc. 

Tính nhân dân là hạt nhân tư tưởng của bài thơ. Tác phẩm thấm đẫm cảm xúc kính trọng, tự hào, yêu thương nhân dân. Nhân dân là những người đã lao động, sáng tạo, đã đổ mồ hôi, công sức vun đắp cho tiếng Việt ngày càng giàu đẹp hơn và chịu đựng gian khổ, hi sinh, đổ máu để cho tiếng Việt mãi mãi là tiếng nói của một dân tộc có chủ quyền. Tiếng Việt là thứ tiếng cất lên từ bờ tre, mái rạ, từ trong cuộc sống lam lũ, khổ nghèo của những người kéo gỗ, chèo đò, dệt lụa, lặn ngòi ngoi nước, ăn cầu ngủ quán...trải qua những ngày chia cắt, giặc giã, khói lửa với những nỗ lực, hi sinh âm thầm của bao thế hệ con người.

Điều kì diệu là tiếng Việt sản sinh trong cuộc sống lao động và chiến đấu ấy lại là một thứ tiếng ngọt ngào, đằm thắm, tha thiết, thấm đẫm yêu thương dịu dàng, trong trẻo "như dòng sông thương mến chảy muôn đời". Suy cho cùng thì vẻ đẹp, sự kì diệu của tiếng Việt cũng là vẻ đẹp, sự kì diệu của tâm hồn nhân dân, dân tộc. Bài thơ cũng phản ánh không khí của một thời, khi mà cả dân tộc đang phải vận dụng, phát huy tất cả nguồn sức mạnh tổng hợp để đối đầu với một kẻ thù hùng mạnh hơn gấp nhiều lần. 

"Tiếng Việt" thể hiện những nét đặc sắc trong bút pháp, phong cách nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ. Bài thơ "...đầy ắp hình ảnh, ảnh thực và ảnh ảo, hiện thực và tưởng tượng, sách vở và đời sống hoà quyện thúc đẩy nhau trong các câu thơ dồn dập" (Vũ Quần Phương- Lưu Quang Vũ-Thơ và Đời. NXB Văn hoá-Thông tin. H.1999.tr.52). Bên cạnh đó, độc giả còn bị chinh phục bởi tính nhạc phong phú, tinh tế. Thể thơ tám chữ với lối gieo vần phóng khoáng và cách ngắt nhịp biến hoá khiến cho bài thơ trở thành một bản nhạc không bao giờ dứt. Nhịp thơ khi trầm lắng, khoan thai, tha thiết, khi sôi nổi, dồn dập, mạnh mẽ...Nội dung tư tưởng lớn lao, sâu sắc được diễn tả bằng một bút pháp nghệ thuật điêu luyện, tài hoa. 

"Tiếng Việt" của Lưu Quang Vũ là một bài thơ hấp dẫn, vừa Đẹp, vừa Hay, có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Ai đã được tiếp xúc với "Tiếng Việt" của Lưu Quang Vũ thì không dễ quên. Mặc dù bài thơ không có trong chương trình giáo dục phổ thông, song được rất nhiều người yêu mến thuộc lòng.


Phân tích bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ - Bài mẫu 5: 

Bài thơ đã ngợi ca sự giàu đẹp của tiếng Việt: vừa giản dị, mộc mạc, vừa phong phú, sâu sắc. Tiếng Việt có sức sống mạnh mẽ, thẫm đẫm vẻ đẹp linh hồn dân tộc, có giá trị bồi đắp tâm hồn, tình yêu dân tộc. Bằng lời thơ chân thành, hình ảnh thơ giàu giá trị biểu cảm, Lưu Quang Vũ đã thể hiện tình yêu, niềm tự hào, sự trân trọng đối với tiếng Việt thiêng liêng.

Ngày nay khi đất nước trong thời kỳ hội nhập chúng ta lại càng phải gìn giữ những bản sắc riêng của chính mình.
Ai đã được tiếp xúc với Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ dù chỉ một lần đều không dễ quên. Bài thơ được rất nhiều người yêu mến thuộc lòng…

Bên cạnh việc sử dụng tiếng Việt để sáng tạo nên những tác phẩm văn hoá, văn học bất hủ, các nghệ sĩ của chúng ta luôn đến với tiếng nói của dân tộc như một nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn. “Họ (các nhà thơ mới – TQĐ) yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt” (Hoài Thanh). Có lẽ mọi nghệ sĩ đều có tình cảm tương tự đối với tiếng Việt. Đã có nhiều tác phẩm hay viết về tiếng Việt nhưng có một sáng tác đã đem lại cho tôi nhiều điều mới mẻ và xúc động nhất là bài thơ Tiếng Việt của nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa bạc mệnh Lưu Quang Vũ.

Nhà thơ đã sáng tạo nên một thế giới hình ảnh sinh động, gợi cảm để tái hiện cội nguồn lịch sử tiếng nói dân tộc. Tiếng Việt không phải là một khái niệm trừu tượng mà là tiếng mẹ gọi, tiếng cha dặn, tiếng kéo gỗ, tiếng gọi đò, là câu hát lời ru “rung rinh nhịp đập trái tim”… nghĩa là tất cả những gì gần gũi, thân thiết, máu thịt nhất đối với mỗi người; là thứ tiếng lấm láp giọt mồ hôi mặn chát, những giọt nước mắt cay đắng và cả những tâm tình sâu lắng, ngọt ngào, say đắm.

Tiếng Việt là thứ tiếng của Tình yêu và Lao động. Có thể xem hai câu thơ: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ” là những câu thơ hay nhất của bài thơ. Đó là một sự phát hiện, đúc kết sâu sắc về đặc trưng tiếng nói, bản sắc dân tộc: vừa mộc mạc, chân chất, khoẻ khoắn, vừa mềm mại, dịu dàng, mát mẻ, vừa cứng cỏi lại vừa óng ả, tinh tế, bay bổng… Những hình ảnh “đất cày”, “lụa”, “tre ngà”, “tơ” đều gần gũi, quen thuộc, mang đậm bản sắc dân tộc. Hai câu thơ đẹp, lung linh sắc màu, càng đọc, càng suy ngẫm càng thấy thấm thía, xúc động. Lưu Quang Vũ đã có những phát hiện mới mẻ về sức mạnh kì diệu của tiếng Việt: là dòng sông chảy muôn đời lưu giữ truyền thống yêu nước, nhân ái của con người Việt Nam, là biển lớn của tinh thần hoà hợp dân tộc. Sức mạnh quân sự của kẻ thù có thể chia cắt đất nước về mặt ranh giới địa lí nhưng không thể chia cắt khối thống nhất vĩ đại của lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ dân tộc. Tiếng Việt trở thành sợi dây nối liền tâm hồn, tư tưởng của mọi thành viên trong cộng đồng cũng như những người con xa xứ, lưu lạc.

Từ mối liên hệ với lịch sử, tác giả đã xem tiếng Việt như là một nhân tố tạo nên sự bền vững muôn đời của dân tộc. Tính nhân dân là hạt nhân tư tưởng của bài thơ. Tác phẩm thấm đẫm cảm xúc kính trọng, tự hào, yêu thương nhân dân. Nhân dân là những người đã lao động, sáng tạo, đã đổ mồ hôi, công sức vun đắp cho tiếng Việt ngày càng giàu đẹp hơn và chịu đựng gian khổ, hi sinh, đổ máu để cho tiếng Việt mãi mãi là tiếng nói của một dân tộc có chủ quyền. Tiếng Việt là thứ tiếng cất lên từ bờ tre, mái rạ, từ trong cuộc sống lam lũ, khổ nghèo của những người kéo gỗ, chèo đò, dệt lụa, lặn ngòi ngoi nước, ăn cầu ngủ quán… trải qua những ngày chia cắt, giặc giã, khói lửa với những nỗ lực, hi sinh âm thầm của bao thế hệ con người. Điều kì diệu là tiếng Việt sản sinh trong cuộc sống lao động và chiến đấu ấy lại là một thứ tiếng ngọt ngào, đằm thắm, tha thiết, thấm đẫm yêu thương dịu dàng, trong trẻo “như dòng sông thương mến chảy muôn đời”.

Suy cho cùng thì vẻ đẹp, sự kì diệu của tiếng Việt cũng là vẻ đẹp, sự kì diệu của tâm hồn nhân dân, dân tộc. Bài thơ cũng phản ánh không khí của một thời, khi mà cả dân tộc đang phải vận dụng, phát huy tất cả nguồn sức mạnh tổng hợp để đối đầu với một kẻ thù hùng mạnh hơn gấp nhiều lần.

Tiếng Việt thể hiện những nét đặc sắc trong bút pháp, phong cách nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ. Bài thơ “…đầy ắp hình ảnh, ảnh thực và ảnh ảo, hiện thực và tưởng tượng, sách vở và đời sống hoà quyện thúc đẩy nhau trong các câu thơ dồn dập” (Vũ Quần Phương, Lưu Quang Vũ – thơ và đời, NXB Văn hoá – Thông tin, 1999). Bên cạnh đó, độc giả còn bị chinh phục bởi tính nhạc phong phú, tinh tế. Thể thơ tám chữ với lối gieo vần phóng khoáng và cách ngặt nhịp biến hoá khiến cho bài thơ trở thành một bản nhạc không bao giờ dứt. Nhịp thơ khi trầm lắng, khoan thai, tha thiết, khi sôi nổi, dồn dập, mạnh mẽ… Nội dung tư tưởng lớn lao, sâu sắc được diễn tả bằng một bút pháp nghệ thuật điêu luyện, tài hoa.


Phân tích bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ - Bài mẫu 6:

Bài thơ Tiếng Việt Lưu Quang Vũ được viết bằng cái tình đậm đà và thắm thiết và cũng chứa đựng đầy nét nhân ái của con người Việt Nam. Tuy viết về tiếng Việt nhưng nhà thơ đã không bắt đầu bằng những khái niệm trừu tượng mà đó chính là những hình ảnh giản dị và thân thuộc. Đó là những câu thơ giàu sức gợi để con người ta có thể cảm nhận được cuộc sống sinh hoạt của người dân Việt Nam. Bởi chính cuộc sống áy đã hình thành và nuôi dưỡng tiếng nói của dân tộc. Đó cũng chính là lý do nhà thơ đã gợi lên một không gian làng quê thân thuộc và dấu yêu:

"Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm

Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về

Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm

Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre

...


Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa

Khi hun thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi

Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ

Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời."

Vâng tiếng việt được cất lên từ bờ tre, gốc rạ, dòng sông… Đó là những âm thanh đậm tâm tình và sự sâu lắng của người Việt Nam. Đó cũng chính là tiếng mẹ gọi khi hoàng hôn buông xuống, tiếng cha dặn khi nhóm lửa… Và cũng là tiếng mưa, tiếng xào xào gió thổi… Và mọi mặt của cuộc sống đều góp phần tạo nên hồn cốt của tiếng Việt. Đó là cái hay của tiếng dân tộc mình.

Chính ngôn ngữ là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên cái gọi là bản sắc dân tộc, tinh hoa văn hóa của dân tộc. Hơn nữa vấn đề mà Tiếng việt Lưu Quang Vũ chuyển tải được ở đây chính là ý thức xã hội, ứng xử và cách giao tiếp bởi “Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói”. Và cũng bởi vì nó là kết quả của hoạt động vật chất và tinh thần của người Việt Nam

"Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ."

Có lẽ nói điểm tài hoa của nhà thơ này chính là đã khái quát được đặc trưng của tiếng Việt thông qua hai câu thơ: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa. Óng tre ngà và mềm mại như tơ”. Ở đây tác giả vừa mượn hình ảnh giản dị và thân quen như đất cày, lụa, tre… để nói về tiếng Việt. Từ đó mà nhà thơ đã gợi cho người đọc có thể cảm nhận được sự mộc mạc và giản dị, chân chất mềm mạ của thứ tiếng này.

Tiếng Việt là một ngôn ngữ giàu nhạc điệu, điều này cũng được thể hiện thông qua hệ thống nguyên âm, phụ âm, thanh điệu đa dạng. Nên ta có htheer cảm nhận được độ trầm bổng, réo rắt, sâu lắng của ngôn ngữ này. Và để chứng minh cho nhận định đó nhà thơ Đã dẫn ra những câu nói rất giàu tính liên tưởng. Chẳng hạn như:

"Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn

Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối

Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.'

Nhiều người đánh giá rằng nhân dân chính là hạt nhân trong bài thơ Tiếng Việt Lưu Quang Vũ. Bởi nhân dân chính là bộ phận lao động, họ đã chịu đựng gian khổ và hy sinh để cho tiếng Việt thêm phần giàu đẹp và thân thương. Đó cũng chính là lý do tại sao tiếng Việt lại thân thuộc và gần gũi như vật. Và cũng chính thần thái của tiếng Việt cũng là sức sống mảnh liệt của con người Việt Nam kiên cường bất khuất.

Bởi đó cũng chính là một chứng nhân lịch sử cho các thăng trầm của cuộc sống này. Đó là khi loa thành đã mất, Mỵ Châu quỳ xuống cha già. Đó cũng chính là vẻ lấp lánh, thăng trầm của đời người. Và chung quy lại nó đã làm nên một dòng chảy văn hóa “Như vị muốn chung lòng biển mặn, như dòng sông thương mến chảy muôn đời”.

Bằng tất cả sự trân quý tiếng mẹ đẻ, Tiếng Việt Lưu Quang Vũ đã thành công trong việc chuyển tải cảm xúc tha thiết ân tình khi nhắc về ngôn ngữ này.

"Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ

Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn

Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá

Tiếng Việt ơi! Tiếng Việt ân tình…"

Có thể nói bài thơ Tiếng Việt Lưu Quang Vũ là một trong những áng văn thơ hay và nổi tiếng. Đọc nó ta có thể cảm nhận được một nét giản dị, đậm đà và hồn hậu như chính về con người Việt Nam.


Phân tích bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ - Bài mẫu 7:

Tiếng Việt, thứ ngôn ngữ đa thanh có sức biểu đạt phong phú mang trong nó những trầm tích lịch sử, văn hóa lâu dài và cực kỳ bền vững của dân tộc mình. Đó chính là "Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt", là tấm chứng minh thư của con cháu Rồng Tiên khi bước ra với nhân loại bao la. Tiếng Việt, nói như Lưu Quang Vũ muôn đời "Vẫn tiếng làng, tiếng nước của riêng ta"

Cái hay của bài thơ là thông qua hình tượng "Tiếng Việt", đất nước và nhân dân hiện lên thật gần gũi, thân thiết. Một không gian thuần Việt chứa đựng những thăng trầm của dân tộc, vừa anh hùng vừa bi thương, khi hiền hòa khi giông bão, lúc binh đao lúc thái bình. Khi tiếng Việt cất lên ta nghe trong đó nhiều cung bậc của cuộc sống mà trước hết là lòng yêu đất nước, quê hương được gìn giữ, truyền lưu từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tình yêu Tổ quốc bắt đầu từ những cái cụ thể, thân quen nhất: "Tiếng Việt gọi trong hoàng hôn khói sẫm/ Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về/ Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm/ Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre". Đấy chính là làng quê Việt gắn liền với nền văn minh lúa nước đằng đẵng mấy nghìn năm, nói bao nhiêu cũng không hết được những cơ cực, tảo tần: "Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng/ Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya/ Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng/ Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê".

Tiếng Việt khởi nguồn và lan tỏa cùng với công cuộc dựng nước, giữ nước của nhân dân, cùng những dấu yêu, thương mến nảy nở sinh sôi trong từng gia đình, làng xã để Tổ quốc văn hiến mãi mãi được sinh tồn, mãi mãi phát triển dù phải trải qua bao cuộc bể dâu, binh biến kinh hoàng.

Bằng những hình ảnh thơ đầy ám ảnh, Lưu Quang Vũ đã nói lên được điều đó: "Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa/ Khi hun thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi/ Tiếng mưa dội ào ào trên mái cỏ/ Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời/ "Đá cheo leo trâu trèo trâu trượt"/ Đi mòn đàng dứt cỏ đợi người thương/ Đây muối mặn gừng cay lòng khế xót/ Ta như chim trong tiếng Việt như rừng". Chất dân gian thấm đẫm mỗi câu thơ, rưng rưng ngấm vào từng âm thanh, hình sắc, mùi vị. Câu "Ta như chim trong tiếng Việt như rừng" thật tài hoa bởi thủ pháp so sánh vừa lạ, vừa đẹp.

Lưu Quang Vũ đã làm được một điều rất khó là phác họa những đặc trưng ngôn ngữ Việt bằng thơ. Đó là thứ tiếng tuy ngữ pháp khó như "phong ba bão táp" nhưng sức biểu đạt của nó rất phong phú lại giàu tính họa, tính nhạc. Thứ tiếng mà người nước ngoài cho là ríu rít như chim, bổng trầm như hát khi nghe ta nói: "Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói/ Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ/ Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ/ Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát/ Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh/ Như gió nước không thể nào nắm bắt/ Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh./ Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy/ Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn/ Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối/ Tiếng heo may gợi nhớ những con đường".

Tiếng Việt thân thương ấy có ở khắp rộng dài đất nước. Có thể xem nó cũng là "dấu mốc" xác lập chủ quyền và chứng tích lịch sử Việt Nam. Ngôn ngữ nghe như hát ấy đã thể hiện bản lĩnh, khí phách, tâm hồn, cốt cách Việt. Ngôn ngữ ríu rít như chim hót ấy cũng làm nên một nền văn chương Việt với ngôi sao sáng nhất mang tên đại thi hào Nguyễn Du.

Từ bể khổ trần gian, ánh sáng nhân văn hửng phát bằng những câu lục bát rất Việt: "Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng" của Tố Như. Nguồn cội của lòng nhân ái phải chăng cũng là câu ca dao đầy Việt tính "Thương người như thể thương thân" này.

Chính vì thế, mà ta đồng cảm sâu sắc với Lưu Quang Vũ qua những câu thơ xuất sắc của ông: "Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng/ Vẫn tiếng làng, tiếng nước của riêng ta/ Tiếng chẳng mất khi Loa Thành đã mất/ Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già./ Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng/ Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi/ Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán/ Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời…".

Lịch sử và văn học Việt Nam có rất nhiều sự kiện, tác giả nhưng Lưu Quang Vũ đã có lý khi chỉ chọn truyền thuyết về Cổ Loa thành thời An Dương Vương với bi kịch Mỵ Châu và người viết "Đoạn trường tân thanh" bất hủ Nguyễn Du. Thật điển hình và tinh tế làm sao; hình như nhà thơ đã gửi gắm nhiều tâm sự kín đáo vào hai con người nổi tiếng ấy.

Nỗi buồn của lầm lỗi trắng trong, nỗi đau nhân thế của một tài hoa bạc mệnh. Bi kịch của một người cũng là bi kịch của dân tộc trong những thời đoạn lịch sử éo le, ngặt nghèo chăng? Dân tộc chưa bao giờ thanh toán hết những bi kịch lịch sử, cơ cực của muôn kiếp chúng sinh vẫn diễn ra thì nỗi thương đời vẫn vằng vặc Nguyễn Du

Bài thơ lại được mở thêm những vùng miền mới. Liên tưởng tiếp nối những liên tưởng vừa tạo ra độ mở về nội dung vừa cung cấp cho người đọc những thi ảnh mới, đẹp. Tiếng Việt vang lên trong mỗi nhà: "Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay"; tiếng Việt ngân bay giữa bao la mây nước, thôn mạc, núi non: "Buồm lộng sóng xô, mai về nhớ trúc" và kết dệt nên hồn dân tộc Việt trong trẻo. Tiếng Việt kết nối lòng người; xa gần, cao thấp xích lại bên nhau trong nghĩa đồng bào, bè bạn: "Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết/ Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi/ Như vị muối chung lòng biển mặn/ Như dòng sông thương mến chảy muôn đời".

Tiếng Việt là sự chuyển lưu, tiếp nối, gìn giữ, bổ sung của nhiều thế hệ, vì thế nó là tài sản vô giá của dân tộc. Trong thời đại ngày nay, khi sự giao lưu hội nhập quốc tế là xu hướng không thể cưỡng được, người ta có thể sử dụng những ngôn ngữ khác trong giao tiếp, công việc nhưng tiếng Việt vẫn phải là phần bảo lưu quan trọng, thiêng liêng trong mỗi chúng ta: "Ai thuở trước nói những lời thứ nhất/ Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu/ Điều anh nói hôm nay, chiều sẽ tắt/ Ai người sau nói tiếp những lời y

Và, tiếng Việt mãi là công cụ gắn kết những con người Việt lại với nhau trên tinh thần hòa hợp dân tộc chân thành thực sự. Lưu Quang Vũ từ mấy chục năm về trước đã tâm huyết nói lên điều đó, như một nhận thức, một suy ngẫm, một tình yêu đúng đắn: "Ai phiêu bạt nơi chân trời góc bể/ Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya/ Ai ở phía bên kia cầm súng khác/ Cùng tôi trong tiếng Việt quay về".

Như muôn người yêu nước thương dân khác, Lưu Quang Vũ cũng mắc nợ tiếng Việt suốt đời. Không chỉ mắc nợ với ngôn ngữ mẹ đẻ mà đây còn là mắc nợ với những ân tình của đất nước, của nhân dân đã dành cho mình. Món nợ này vừa vô hình vừa cụ thể, đau đáu giữa lòng ta từ những yêu thương và khát vọng đẹp đẽ cho Tổ quốc thân yêu:

"Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ

Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn

Trời xanh quá, môi tôi hồi hộp qu

Tiếng Việt ơi, tiếng Việt ân tình."

Chẳng còn gì đúng hơn thế nữa, xưa kia, hôm nay và mai sau, trên dòng thời gian thăm thẳm, giữa hành tinh xanh này, Tiếng Việt mãi mãi "Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta"…

icon-date
Xuất bản : 21/01/2024 - Cập nhật : 11/03/2024