logo

Phân tích bài thơ Những ngọn gió đồng của Bình Nguyên

icon_facebook

Tham vấn chuyên môn bài viết

Giáo viên:

Hoàng Thùy Phương

Học vị:

Cử nhân sư phạm Ngữ Văn với 2 năm kinh nghiệm

Tham vấn chuyên môn bài viết

Giáo viên:

Hoàng Thùy Phương

Học vị:

Cử nhân sư phạm Ngữ Văn với 2 năm kinh nghiệm

Khung cảnh đồng quê luôn gợi đến sự bình dị, an yên, mang đến biết bao kỉ niệm cho những người con xa quê tới nơi phố thị đông đúc. Phân tích Bài thơ Những ngọn gió đồng của Bình Nguyên sẽ cho ta thấy được vẻ đẹp ấy trong bài viết dưới đây.


Dàn ý Phân tích bài thơ Những ngọn gió đồng của Bình Nguyên

a. Mở bài: Giới thiệu chung về tác giả Bình Nguyên và tác phẩm Những ngọn gió đồng

b. Thân bài

* Khái quát tác giả, tác phẩm

-  Tác giả: Bình Nguyên là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ ca Việt Nam đương đại. 

-  Tác phẩm: Bài thơ Kính gửi mẹ được viết vào tháng 8 năm 2012, in trong tập thơ cùng tên, NXB Hội nhà văn ấn hành, năm 2016.

* Phân tích bài thơ

- Không gian đồng quê với nhiều hình ảnh tươi đẹp: "Rời phố phường tôi gặp ngọn gió quê’: nhân vật tôi gặp lại ngọn gió quê mới nhận ra mình, mới thấy được những khát khao, những tình cảm dạt dào  với quê nhà thân thuộc.

- Tác giả cảm nhận sự tác động tích cực của những ngọn gió đồng: thổi tôi mềm lại, xua tan những áp lực cuộc sống; gió vỗ về hình  bóng mẹ tần tảo lam lũ mỗi buổi chiều quê; gió đồng khơi gợi kí ức tuổi thơ ngọt ngào, sâu lắng, xua tan những phiền lo hiện tại….

- Một ký ức của yêu thương, tảo tần, vất vả “mẹ vục bóng vào sông”. Sự gột rửa của gió cho tâm hồn sáng trong trở lại. Đất quê có nhọc nhằn là một quãng đời đã sống, là ký ức, của mỗi con người trên mỗi vùng đất mẹ sinh, cắt rốn chôn nhau. ….

* Đánh giá tác phẩm:

+ Nội dung: Vẻ đẹp tình yêu quê hương của tác giả thể hiện qua tình cảm yêu mến những ngọn gió đồng.

+ Nghệ thuật: 

- Với giọng thơ tự sự,  hình ảnh thơ giàu liên tưởng trong cảm xúc qua các cung bậc .

- Ngôn ngữ mộc mà thanh; nhịp thơ chậm, gần gũi, gieo vần chân, lưng linh hoạt giàu nhạc điệu .

- Các biện pháp tu từ:  so sánh, nhân hóa, lặp cấu trúc….. góp phần diễn đạt thành công cảm xúc mãnh liệt của nhà thơ.

c. Kết bài: Đánh giá chung lại tác giả tác phẩm


Phân tích bài thơ Những ngọn gió đồng của Bình Nguyên

GS. TS Trần Đình Sử đã từng nói rằng: “Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của hình tượng nghệ thuật. Đó là sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống”. Thật vậy, qua tác phẩm văn học, người nghệ sĩ không chỉ thể hiện con người mà còn truyền tải những quan niệm, suy nghĩ và cảm xúc về cuộc sống. Đến với bài thơ Những ngon gió đồng, tác giả Bình Nguyên đã mở ra không gian bối cảnh thân thuộc, gần gũi của làng quê với hình ảnh cánh đồng, dòng sông, những vạt cỏ gầy… Tuy nhiên, qua góc nhìn đầy sáng tạo của nhà thơ Bình Nguyên, không gian bối cảnh ấy đã trở thành không gian nghệ thuật khi bất chợt nhân vật trữ tình có một cuộc rời đi để trở về gặp gỡ:“Rời phố phường tôi gặp ngọn gió quê”.

Phân tích bài thơ Những ngọn gió đồng của Bình Nguyên

 Nhà thơ Bình Nguyên sinh ra tại Ninh Bình. Ông là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Ninh Bình, chủ tịch hội Văn học nghệ thuật tỉnh Ninh Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Thơ Bình Nguyên mang một nét giản dị, mộc mạc qua những câu thơ lục bát truyền thống. Ở những thể loại thơ khác, nét dung dị của tác giả dần dần được bay bổng, hòa trộn với sắc cảm ảo giác, làm nên những câu thơ hiện đại đặc sắc. Bài thơ Những ngọn gió đồng được viết vào thàng 8 năm 2012.

Mở đàu bài thơ, gió dắt “tôi” quay trở về với miền kí ức từng bị lãng quên: 

“Rời phố phường tôi gặp ngọn gió quê
Gió thổi một thổi đôi thổi như dắt tôi đi giữa
những bầy gió chạy
Tôi đông cứng gió thổi tôi mềm lại
Để như sông dào dạt phía ruộng đồng”

Nhân vật tôi gặp lại linh hồn của quê hương, thứ gió lồng lộng, miên man, hoang dại mà người ở phố phường không bao giờ thấy được. Nhân vật tôi gặp lại ngọn gió quê mới nhận ra mình, mới thấy được những khát khao, những tình cảm dạt dào với quê nhà thân thuộc. Gió đồng thức tỉnh “tôi” từ con người đang “đông cứng”, ngột ngạt bởi sự ồn ào náo nhiệt, tấp nập, xô bồ nơi phồn hoa phố thị bỗng trở nên “mềm lại”, thư thái, thảnh thơi với những không gian quen thuộc nơi trảng cỏ, nơi đất cát đồng quê . Câu thơ bỗng dài ra như cơn gió, dài ra như những cánh tay nối nhau hối hả, dài như tiếng nói tiếng cười trong veo vọng về từ thơ ấu. Nhịp thơ dồn dập như nhịp đập rộn ràng của trái tim đầy hưng phấn. Tất cả như cuốn lấy, thôi thúc kẻ còn đang bỡ ngỡ rưng rưng ùa vào với đồng nội thân thương.

 Ta đã từng biết đến những cuộc rời đi mang đầy nỗi niềm trăn trở, băn khoăn về sự đổi thay trong lòng người cất bước: 

“Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng?
(Việt Bắc - Tố Hữu)

Hay

“Từ ngày về thành phố
Quen ánh điện cửa gương
Vầng trăng đi qua ngõ
Như người dưng qua đường”
(Ánh trăng - Nguyễn Duy)

Khác với những nỗi niềm ấy, ở câu thơ của Bình Nguyên, qua giọng thơ tự sự, dường như con người khao khát được trở về ấy không muốn vòng vo, dài dòng bởi cảm xúc đã kịp dâng trào khi vừa “rời phố phường” đã “gặp ngọn gió quê”. Đó là sự bất ngờ đầy háo hức!

Gió đưa “tôi” trở về với không gian ruộng đồng quen thuộc, đưa tôi” về bên bóng dáng của người mẹ thân yêu: 

“Tôi trở về gặp buổi chiều mẹ vục bóng vào sông
Gió thổi áo nâu mềm lại ngày muối mặn
Thổi buốt tháng năm thổi tràn ký ức
Thổi mát những đau buồn còn nằm khuất đâu đây”

Cuộc gặp của nhân vật “tôi” với người mẹ yêu quý không phải là trong bóng chiều mà là gặp “buổi chiều mẹ vục bóng vào sông”. Ký ức về cánh áo nâu thấm mồ hôi cha mặn, đẫm lưng áo mẹ loang loáng thân còng. Cái ký ức “buốt tháng năm”, thổi qua miền ký ức. Ngọn gió đã từng “thổi mát những đau buồn còn nằm khuất” trong kiếp con người phận cò, thân vạc. Hình ảnh “mẹ vục bóng vào sông” hay chính mẹ vục bóng vào dòng sông cuộc đời? Cuộc đời đã không cho mẹ được phút giây thảnh thơi ngắm trời nhìn đất. Mẹ chỉ thấy nước là nước. Mẹ giấu nước mắt vào chính dòng sông cuộc đời. Nước mắt mẹ thành sông chảy ra làm biển mặn?  Ngọn gió đồng trở thành ngọn gió mát lành an ủi, sẻ chia với những nhọc nhằn nơi thôn quê, thổi đi những buốt giá đời người. Ngọn gió ấy còn tràn vượt cả qua thời gian, không gian quá khứ, “thổi mát những đau buồn còn nằm khuất đâu đây”. Ngọn gió ấy có sức mạnh diệu kì, như một phương thuốc thần tiên chữa lành những vết thương đau, lấp đầy khoảng trống trong lòng người và thanh lọc tâm hồn con người…

Gió không chỉ làm dịu những ưu phiền, những vết thương, những vị cay, vị đắng nơi mảnh đất mình sinh ra, mà còn giúp ta cảm nhận quy luật sinh tồn, cái sức sống bền bỉ âm thầm:

“ Những vạt cỏ vơi hương gió thổi lại đầy
Ôi mùi hương của cỏ gầy tinh khiết
Đời đất cát lên hương từ đất cát
Nên mới thơm chân thật đến ngọt ngào”

Ngọn gió đồng đã thức tỉnh con người khi nhìn lại bản thân. Phải chăng, khoảnh khắc con người nhận ra không gian thân thuộc với hương cỏ dại vẫn đầy ăm ắp, vẫn tinh khiết, chân thật và ngọt ngào sau bao mùa mưa nắng ở thôn quê cũng là lúc con người có cơ hội nhìn lại chính mình trong những đổi thay. Liệu cái chân quê thật thà có còn nguyên vẹn trong ta?

 Ngọn gió đồng đã thức tỉnh con người về lối sống cao đẹp biết sẻ chia, biết yêu thương đùm bọc “biết thổi cho nhau” vơi bớt những nhọc nhằn, buồn khổ; không chịu khuất phục trước những thử thách chông gai, “biết tự mình mở lối; thuỷ chung, gắn bó với đồng quê dù vạn vật có đổi thay:

“Gió chẳng bao giờ thổi tới trăng sao
Nhưng gió biết thổi cho nhau biết tự mình mở lối
Ôi những ngọn gió quê muốn ghim tôi vào đồng nội
Tôi bước ngược cánh đồng gió lại thổi ngược tôi”

 Gió có thể làm mềm, làm dịu mát, làm đầy, làm sáng, làm ấm những yêu thương, đánh thức lòng trắc ẩn, gợi những rung cảm nơi sâu thẳm tâm hồn? Và nhà thơ đã lý giải: "Gió chẳng bao giờ thổi đến trăng sao/Nhưng gió biết thổi cho nhau biết tự mình mở lối". Gió vẫn chỉ là gió, nhưng khi đã biết thổi cho nhau, biết tự mình mở lối thì “gió” là hình ảnh của những con người biết hy sinh, sẻ chia, đồng cảm, biết sống, biết cho, biết yêu thương, biết tự mình vươn lên. Gió hay chính người quê đã đạt đến chân thiện đủ để làm mềm, làm tan chảy những tảng băng vô cảm vẫn tồn tại ngay trong mỗi con người. Sinh ra từ quê, rồi lại từ quê mà ra đi, những ngọn gió như muốn “ghim” muốn níu giữ "tôi" ở lại. "Ôi những ngọn gió quê muốn ghim tôi vào đồng nội/Tôi bước ngược cánh đồng gió lại thổi ngược tôi".

Không gian trong thơ Bình Nguyên là không gian của sự thanh bình, dân dã. Nhưng đó cũng là không gian của sự hồi sinh cảm xúc, của những suy tưởng, chiêm nghiệm sâu xa. Không gian ấy trở đi trở lại trong nhiều sáng tác của nhà thơ như một hằng số, ở đó luôn có một cái tôi hoài niệm. Không gian nghệ thuật trong “Những ngọn gió đồng” cũng vậy, đó là không gian sống động từ phố phường đến thôn quê, từ hiện tại về quá khứ, từ không gian thực đến suy tưởng dưới sự dẫn đường của những ngọn gió đồng. Ngọn gió càng thuỷ chung son sắt, càng dạt dào tình cảm bao nhiêu thì càng khiến tâm hồn con người được “thổi mát”, càng thấy ăn năn day dứt bấy nhiêu.

icon-date
Xuất bản : 24/12/2024 - Cập nhật : 24/12/2024

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads