logo

Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ hay nhất


Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ hay nhất

       “Trước không ai có, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình” (Chế Lan Viên). Vâng, Hàn Mặc Tử thật sự là một nhà thơ khẳng định phong cách riêng biệt, có cá tính. So với những thi sĩ cùng thời, chất trữ tình trong thơ của ông luôn khác biệt, tạo cho người đọc một sự liên tưởng, tầng ý nghĩa sâu xa. Tác phẩm chứng minh rõ chất thơ của thi sĩ chính là bài thơ “Đây thôn vĩ dạ”.

        Cái tên Hàn Mặc Tử trong làng thơ mới của nền văn học Việt Nam luôn có dấu ấn riêng không thể không nhắc đến. Ông luôn mang lại cho độc giả một điều gì đó đặc biệt trong thơ của mình mà không thể nhầm lẫn với bất kì nhà thơ nào. Cách viết thơ của ông có sự đan xen kết hợp giữa những hình ảnh giản dị, thân quen, thuần khiết lồng ghép với những yếu tố ma quái, rợn ngợp thế là tạo nên chất riêng trong thơ ông. Đây thôn vĩ dạ là một sáng tác năm 1938 được trích từ tập thơ Điên của tác giả.

        Một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp mang lại một năng lượng tràn đầy, tươi mới được nhà thơ chọn mở đầu rất thú vị, đầy cuốn hút:

Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ | Văn mẫu 11 hay nhất

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

… mặt chữ điền”

       Một bức tranh gợi tả về thôn Vĩ được nhà thơ thể hiện ngay ở đoạn thơ. Mở đầu ta bắt gặp ngay một câu hỏi thăm nhẹ nhàng nhưng hàm ý trách móc của nhân vật trữ tình, hay đó là tiếng lòng cô gái Thôn Vĩ chan chứa yêu thương, đầy mong đợi. Bức tranh làng quê Thôn Vĩ Dạ tiếp sau đó được vẽ ra tràn đầy sức sống. Khung cảnh thiên nhiên đầy gợi cảm, xanh tươi rực rỡ khi mặt trời mọc rọi những tia nắng ấm áp ban mai, cây cối tốt tươi, căng mọng tạo nên một nhịp sống yên bình, gắn bó. Hàng cau thẳng tắp trong buổi sớm mai được miêu tả khá là đặc biệt, gợi nhắc một điều gì khoẻ khoắn, chắc chắn của thiên nhiên. Hơn nữa nỗi niềm mộc mạc, yêu thương của làng quê được gợi lên qua hàng cau. Chữ “mướt” ở đây thật đắt, nhà thơ dùng khéo để nói về sức sống tươi tốt của khu vườn, đó là sự mượt mà, mướt mát của tơ non trong độ phát triển. Ẩn hiện trong khu vườn là nét đặc sắc nhành lá trúc thanh mảnh che ngang mặt chữ điền, tưởng chừng không liên quan mà lại gắn kết đến lạ. Sau lá trúc khuôn mặt chữ điền thấp thoáng mơ màng, hư thực.

        Nếu như ở khổ đầu tình cảm nhà thơ hé mở thì ở khổ thơ thứ 2 là một sự chuyển tiếp tinh tế từ việc hé mở tình yêu đến tả cảnh sông nước với niềm bâng khuâng, hư ảo:

“Gió theo lối gió…

… về kịp tối nay?”

        Hình ảnh gió và mây trôi nổi, lênh đênh, lang thang được sử dụng ở đây chỉ về nỗi buồn da diết và trong cách tả “mây đường mây”, “gió theo lối gió” càng thấm đượm thêm nỗi buồn sầu thương hơn nữa. Sự xa cách của mây và gió khi chúng không thể đồng hành cùng nhau được ví như tình yêu thầm kín của nhà thơ. Sự chia ly, tiễn biệt ở đây có lẽ đã đọng lại trong lòng người nỗi niềm man mác, tâm hồn u uất. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” diễn tả rõ nét về những dòng thơ ở đoạn này. Dòng sông Hương hiện ra trong thơ cũng buồn vô cùng, tẻ nhạt một màu khói. Giờ đây trong lòng tác giả dòng sông thơ mộng, lờ lững trở nên buồn lặng, quạnh hiu một nỗi niềm xa vắng. Tuy buồn là thế nhưng nối tiếp đó là hai câu cuối của đoạn được diễn đạt đầy thơ mộng với hình ảnh ánh trăng sáng rực, huyền ảo. Trong đó là một trái tim khát khao yêu thương, nỗi mong nhớ  được đặt để vào thuyền trăng. Qua cách tả của nhà thơ bức tranh xứ Huế mộng mơ tuy buồn nhưng lại đẹp, thơ mộng vô cùng.

       Dù có thế nào thì nhà thơ vẫn cứ tiếp tục sống, chạy theo giấc mơ trong lòng đầy mãnh liệt:

 “Mơ khách đường xa, khách đường xa

Ai biết tình ai có đậm đà?”

       Chưa lúc nào nhà thơ ngừng trái tim khát khao yêu thương, dù đau, dù buồn cùng những kỉ niệm tình yêu nhưng ông gửi nó vào trang thơ thật đẹp. Mơ khách đường xa, ai trong chiếc áo trắng… mọi thứ trôi vào trong bao giấc mơ, màu trắng là màu ánh nắng của Vĩ Dạ khiến tác giả như ngây ngất trước sự thuần khiết, tinh khôi, cao quý của người ông yêu thương.

        Lúc này nhà thơ có chút khựng lại, giữa không gian sương khói đó ông thấy con người có thể mờ nhạt, nhòa đi và tình người cũng thế. Lúc này nhà thơ dành vài câu đặt tình cảm vào để tả tình, tâm trạng mình. Ẩn hiện trong sương khói, những cô gái Huế thấp thoáng xa vời, kín đáo, lòng tác giả chợt lóe lên suy nghĩ rằng liệu khi yêu họ có đậm đà chăng, lí do ông không dám khẳng định về tình cảm của cô gái Huế.

 "Ai biết tình ai có đậm đà?"

        Một lời nhắc nhở, bộc bạch nỗi lòng cùng một chút thất vọng được thể hiện qua câu thơ nhẹ nhàng. Trái tim khao khát yêu thương này thất vọng khi trọn vẹn của tình yêu không đến với tác giả. Nhìn có vẻ là câu hỏi tu từ nhưng sâu xa trong đó là lời tự sự rất thực của chính lòng tác giả đầy chất văn, da diết cảm xúc.

       Bài thơ “Đây thôn vĩ dạ” tuy ngắn ngủi nhưng từng dòng thơ luôn khiến người đọc thổn thức, da diết trước tình cảm chân tình tác giả đặt vào trong thơ. Bài thơ không chỉ nói về nỗi lòng khao khát tình yêu huyền ảo nửa thực nửa hư mà còn hiện ra một bức tranh tuyệt diệu say đắm lòng người. 

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021