logo

Cảm nhận Đây thôn Vĩ Dạ ngắn gọn


Cảm nhận về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

Cảm nhận về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ | Văn mẫu 11 hay nhất

         “Thơ không cần nhiều từ ngữ, nó cũng không quan tâm đến hình xác sự sống. Nó chỉ cần cảm nhận và chuyển đi một chút linh hồn của cảnh vật thông qua linh hồn thi sĩ” (Nguyễn Đăng Mạnh). Người nghệ sĩ lúc nào cũng mang một tâm hồn chất chứa, xôn xao đa sầu đa cảm dạt dào, tác phẩm được lòng độc giả không cần phải quá phô trương trong từ ngữ mà chỉ cần nó chân thật, chuyển tải đủ đầy cảm xúc, tâm tư sầu kín của thi sĩ. Bài thơ “Đây thôn vĩ dạ” là một minh chứng thể hiện một cách rõ nét đầy cảm xúc của thi sĩ Hàn Mặc Tử.

        Người ta thường nhắc đến Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ tiên phong, trụ cột của phong trào Thơ mới có sức sáng tạo rất mạnh mẽ. Dù cuộc đời của ông không mấy êm đềm, nhiều đau thương nhưng hồn thơ lại vô cùng thơ mộng, ảo diệu. Bài thơ luôn thổn thức một niềm trăn trở, tiếng nói thổn thức của tâm hồn khát khao một tình yêu đẹp, trọn vẹn. Tình yêu đầy cảm xúc, da diết, thiết tha sẽ được nhà thơ thể hiện ngay những dòng thơ đầu của bài:

 “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

…mặt chữ điền.”

        Bức tranh phong cảnh được vẽ lên da diết cảm xúc hay đó chính là nỗi lòng của ông đặt vào đó được diễn tả một cách tài tình qua vài dòng thơ ngắn ngủi. Ông mang một trái tim đơn phương xen lẫn trong tình yêu cá nhân là một tình yêu thiên nhiên, quê hương xứ Huế dạt dào. Lời chào hỏi thân mật nhưng cũng mang sự trách móc nhẹ nhàng, tình cảm của cô gái Thôn Vĩ được đặt ngay câu hỏi tu từ mà nhà thơ đã chọn để mở đầu. Khi nhà thơ lâu không về thăm quê nhà, ông buồn nên đã mượn lời cô gái để nói lên tiếng lòng của chính mình. Thiên nhiên trong ba câu sau được nhà thơ miêu tả mới thật lung linh, sắc màu. Điệp từ “nắng” làm hình ảnh hàng cau mang một sức sống căng tràn, sinh sôi, thoáng đạt của xứ Huế. Có cảnh thì phải có người, nhắc đến xứ Huế thì hình ảnh hàng cau hiện lên, thấp thoáng sau đó là người con gái trong tà áo dài thướt tha, dịu dàng. “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” là một nét vẽ rất tình, dịu dàng. Thiên nhiên và con người dưới tài miêu tả của thi sĩ mới hài hòa đến lạ.

       Khổ thơ mở đầu tạo điểm nhấn bằng một bức tranh khung cảnh mang nhiều tâm sự sâu thẳm của thi nhân thì nỗi buồn nhớ nhung quê nhà, khát khao tình yêu sẽ được thi sĩ đặt trong khổ thơ kế tiếp:

 “Gió theo lối gió…

… kịp tối nay?”

          Nhà thơ không miêu tả theo một dòng chảy mà có sự ngắt quãng, có thể nhận thấy đây là một nét riêng của tác giả. Ở khổ này nhịp thơ chậm rãi, nhẹ nhàng vẽ lên xứ Huế rất tinh tế. Bức tranh hiện lên chất chứa nỗi buồn sâu kín của tác giả mong muốn một tình yêu trọn vẹn có thể nhìn nhận qua cảnh vật thiên nhiên “gió”, “mây”, “hoa bắp” đều lặng lờ chảy trôi theo một hướng riêng. Nhà thơ cảm nhận mọi thứ linh hoạt các giác quan của mình, nó có sự hiện hữu giữa hư và thực. Câu thơ cuối “có chở trăng về kịp tối nay?” là một điểm nhấn đắt giá. Nhiều thi nhân đã sử dụng hình ảnh “trăng” trong thơ của họ nhưng với Hàn Mặc Tử trăng hiện trong thơ rất đặc sắc. Ông không liên tưởng vầng trăng bình thường mà là sông trăng, gợi lên tràn đầy một niềm hy vọng đan lồng vào đó nỗi buồn thương đến vô cùng. Nhà thơ dịu dàng cùng ánh trăng, gửi vào đó một chút hy vọng cùng sự tha thiết, ngóng trông xa vợi bóng hình từ quá khứ.

          Người đọc chưa khỏi ngạc nhiên khi đến với khổ thơ cuối là một sự tài tình trong cách sử dụng, miêu tả hình ảnh:

 “Mơ khách đường xa…

Ai biết tình ai có đậm đà?”

         Một tâm hồn phóng khoáng của nhà thơ nhưng lại đầy nỗi lòng. Với bóng dáng của vị khách đường xa cùng chiếc áo trắng trong sương khói phủ mờ khiến thi nhân tiếp tục đắm chìm trong nỗi mơ màng. Khung cảnh hiện lên khá nhạt nhòa, hư ảo. Người khách kia đến rồi lại đi trong nhẹ nhàng, lùi dần trong sương khói, mờ dần không rõ nét. Một thoáng suy nghĩ của nhà thơ chợt lóe lên trước khung cảnh đó, liệu rằng thời gian qua đi con người ta có còn vẹn nguyên như lúc đầu hay sẽ nhạt phai theo dòng chảy thời gian kia. Nhà thơ mơ hồ hình dung về sự bền lâu của người tri kỉ phương xa trong câu hỏi ở câu thơ cuối cùng. Liên hệ với thời điểm ông viết bài thơ trong lúc bệnh tật kéo đến bủa vây khiến ông khát khao có được một tình yêu tròn đầy. Do đó mới thấy sự chia ly mới đáng sợ thế nào, nó càng thấm thía hơn khi chính bản thân mình cảm nhận lấy những thứ từng quý giá dần trôi tuột khỏi tầm tay. Khổ thơ kết thúc dâng trào một xúc cảm buồn, tiếc nuối và cả hy vọng khiến người đọc có cảm giác mơ hồ khó tả.

        Một bài thơ tài tình trong cách tả cảnh và tinh tế cùng sự lồng ghép tiếng lòng thi sĩ vào từng dòng thơ chỉ có thể nhắc ngay đến Đây thôn vĩ Dạ. Sau tất cả người ta mới thấy tình yêu sẽ hồi sinh con người một cách kì diệu, cho dù kiếp người có bé nhỏ, ngắn ngủi.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021