logo

Phân tích bài thơ Chị tôi của Nguyễn Thị Hồng Hạnh

icon_facebook

Từ lâu hình ảnh con cò đã trở nên quen thuộc trong kho tàng ca dao dân ca Việt Nam. Và trong số đó có Chị tôi của Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng mượn hình ảnh con cò, con vạc để làm nổi bật phẩm chất tốt đẹp của những người phụ nữ. Theo chân Toploigiai Phân tích bài thơ Chị tôi của Nguyễn Thị Hồng Hạnh để hiểu rõ tác phẩm hơn nhé!


Dàn ý Phân tích bài thơ Chị tôi của Nguyễn Thị Hồng Hạnh

1. Mở bài

- Giới thiệu hình ảnh con cò, con vạc trong văn hóa dân gian Việt Nam:

  + Tượng trưng cho sự tần tảo, chịu thương chịu khó của người phụ nữ.

  + Là cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học, đặc biệt trong thơ ca.

- Dẫn dắt đến bài thơ “Chị tôi” của Nguyễn Thị Hồng Hạnh:

  + Hình ảnh người phụ nữ được khắc họa qua biểu tượng con cò, con vạc.

  +Khẳng định giá trị và phẩm chất tốt đẹp của người chị – đại diện cho phụ nữ Việt Nam.

2. Thân bài

2.1 Nội dung

* Khổ thơ 1: Hình ảnh người chị chịu thương chịu khó, vất vả 

- Hình ảnh “cánh cò” tượng trưng cho người phụ nữ tần tảo.

- Điệp từ "đội" nhấn mạnh sự chịu đựng, kiên cường trước nắng mưa, cực nhọc của cuộc sống.

- Tương phản giữa "đắng cay" và "thảo thơm ngon ngọt":

    + Sự hy sinh: Người chị dành những điều tốt đẹp nhất cho con.

    + Nổi bật đức tính yêu thương, hết lòng vì gia đình.

* Khổ thơ 2: Hình ảnh người chị trải qua đau thương, mất mát

   - Hình ảnh “cánh vạc”: gợi nỗi nhớ mong, chờ đợi mỏi mòn.

    - Bi kịch của chiến tranh: Chồng con hy sinh, để lại sự cô đơn và mất mát cho người ở hậu phương

    - Tấm lòng thủy chung, son sắt: Dù mất đi người thân yêu, chị vẫn sống với trái tim tràn đầy yêu thương.

* Khổ thơ cuối: Ngợi ca đức hy sinh và phẩm chất cao quý của người phụ nữ

- Hình ảnh “vẫn bay” biểu trưng cho nghị lực sống mãnh liệt, dù vất vả hay cô đơn.

 - Đức tính “ân nghĩa tảo tần, thủy chung” thể hiện sự cần mẫn, tận tụy với gia đình.

 - Sự tiếc thương cho người phụ nữ: Một đời hy sinh thầm lặng, không nghĩ cho bản thân.

2.2 Nghệ thuật

  - Sử dụng chất liệu dân gian: Hình ảnh cánh cò, cánh vạc từ ca dao quen thuộc.

  - Thể thơ lục bát: Gần gũi, giàu âm hưởng, phù hợp với nội dung ca ngợi.

  - Biện pháp nghệ thuật:

    - Điệp cấu trúc (“Một đời...”).

    - Tương phản (đắng cay – thảo thơm).

    - Ngôn ngữ dung dị nhưng giàu cảm xúc.

Phân tích bài thơ Chị tôi của Nguyễn Thị Hồng Hạnh

3. Kết bài

* Khẳng định giá trị bài thơ:

  - Là lời tri ân đối với sự hy sinh của người phụ nữ Việt Nam.

  - Thể hiện tình yêu thương gia đình và các giá trị truyền thống tốt đẹp.

* Liên hệ:

  - Gợi nhắc mỗi người trân trọng hơn những người phụ nữ trong gia đình. 

  - Ý nghĩa sâu sắc về tình thân và những giá trị vĩnh cửu trong cuộc sống.


Phân tích bài thơ Chị tôi của Nguyễn Thị Hồng Hạnh

Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Ông có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con

Từ lâu hình ảnh con cò đã trở nên quen thuộc trong kho tàng ca dao dân ca Việt Nam. Hình ảnh con cò thường được dùng để tượng trưng cho số phận của người nông dân, người phụ nữ nghèo khổ, vất vả nhưng vẫn giữ được những phẩm chất tốt đẹp. Ca dao, dân ca vẫn luôn là một chất liệu phong phú cho các tác giả vì vậy không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh con cò, con vạc trong những tác phẩm văn học hiện đại. Bài thơ Chị tôi của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng mượn hình ảnh con cò, con vạc để làm nổi bật phẩm chất tốt đẹp của những người phụ nữ Việt Nam: chịu thương chịu khó, giàu lòng yêu thương và đức hi sinh.

Mở đầu bài thơ, tác giả đã cho thấy sự vất vả của “chị tôi”:

Cánh cò đội nắng đội mưa
Chị tôi đội cả sáng trưa tối ngày.
Một đời chị gánh đắng cay
Thảo thơm ngon ngọt giành bầy con thơ.

Hình ảnh “cánh cò” kết hợp với cụm từ “đội nắng đội mưa” đã gợi lên sự vất vả, cực nhọc. Hình tượng con cò được phản ánh rất nhiều qua ca dao và dân ca và là hình ảnh về thân phận của người phụ nữ nông thôn Việt Nam với tấm thân gầy guộc, khẳng khiu, da bọc xương, lặn lội bì bõm, tần tảo, lom khom. “Đội nắng đội mưa” được lấy ý từ thành ngữ “dãi nắng dầm mưa” chỉ sự vất vả cực nhọc của những người lao động chân tay, câu thành ngữ xuất phát từ hình ảnh thực tế của người lao động phải làm việc ngoài trời, chịu đựng nắng mưa suốt ngày. Từ “đội” được lặp lại hai lần càng nhấn mạnh thêm sự vất vả, khổ cực của “chị tôi”. So sánh người chị với cánh cò, tác giả muốn nhấn mạnh đến sự vất vả, chịu thương chịu thương của người con gái với tấm thân nhỏ bé nhưng lại mạnh mẽ phi thường. Nắng mưa cũng không thể khuất phục được chị, dù phải “đội nắng đội mưa” “cả sáng trưa tối ngày”, chị vẫn kiên cường, chăm chỉ lao động. Những điều gì khiến chị kiên cường như vậy? Câu trả lời nằm ở hai câu thơ tiếp theo. Chị “một đời gánh đắng cay” là vì “thảo thơm ngon ngọt giành bầy con thơ”. Cặp đối lập “đắng cay” – “thảo thơm ngon ngọt” được sử dụng đã làm nổi bật sự hi sinh của người chị với vai trò là một người mẹ. Chị có tình yêu thương vô bờ bến, tất cả ngọt bùi, hạnh phúc, tất cả những điều tốt đẹp nhất chị đều dành trọn cho các con, còn những gian truân, đắng cay chị sẽ sẵn sàng đứng ra hứng lấy. Để các con hạnh phúc, chị sẵn sàng dùng tất cả thời gian của đời mình để bảo vệ con cái trước những cơn giông bão.

Người chị trong bài thơ không chỉ chịu những vất vả trong đời thường mà còn phải trải qua những mất mát to lớn:

Nghiêng nghiêng cánh vạc bơ bơ
Một đời chị đã đợi chờ nhớ thương.
Chồng con nằm lại chiến trường
Chị tôi son sắt yêu thương nặng đầy.

Nếu như “cánh cò” gợi lên sự vất vả, cực nhọc thì “cánh vạc” lại nỗi nhớ thương, cô đơn khi phải chờ đợi. Vạc là động vật có cánh, một loài chim thuộc họ diệc, kiếm ăn ban đêm và có tiếng kêu buồn thảm. Tiếng kêu của loài Vạc nghe buồn thảm vì là tiếng lòng của kẻ lẻ bạn, đơn độc, một mình bay đi kiếm ăn ban đêm nhưng lòng vẫn thương nhớ khôn nguôi về người bạn tình phương xa. Có thể thấy rằng tác giả hiểu biết về văn hóa dân gian vô cùng sâu sắc và phong phú. Khổ thơ nhắc chúng ta nhớ về những đau thương mất mát trong chiến tranh. Những nỗi đau buồn ấy không chỉ có những người lính nơi chiến trường mà còn ở những người nơi hậu phương. Những người lính chiến đấu anh dũng vì tổ quốc rồi hi sinh trước khi được trở về gặp lại người vợ, người mẹ. Còn những người phụ nữ có chồng, có con, có người thân đi chiến trường thì cô đơn, lo lắng ngày ngóng đêm mong tin tức của người thân, mong ngày đoàn tụ nhưng rồi lại nhận được tin “chồng con nằm lại chiến trường”. Thật đau xót biết bao! Mặc dù phải trải qua những mất mát lớn lao ấy nhưng “chị tôi” vẫn kiên cường vượt qua, chị vẫn sống với tình yêu son sắt, thủy chung. Người chồng, người con yêu dấu sẽ sống mãi trong trái tim chị và chị sẽ nhắc đến họ với tình yêu thương sâu sắc và niềm tự hào lớn lao vì họ là những người đã góp phần vào công cuộc giành độc lập, tự do cho đất nước, để những người phụ nữ như chị cũng như tất cả nhân dân được sống trong hòa bình, hạnh phúc, được sống bên gia đình và những người thân yêu.

Kết lại bài thơ, nhà thơ một lần nữa khẳng định và ca ngợi những đức tính tốt đẹp của người chị:

Cánh cò cánh vạc vẫn bay
Chị sống lặng lẽ giữa ngày thanh xuân.
Một đời vất vả gian truân
Chị sống ân nghĩa tảo tần, thủy chung.

Chị giống như “cánh cò”, “cánh vạc” dù vất vả, cô đơn nhưng “vẫn bay”. Chị vẫn sẽ sống tiếp, “sống lặng lẽ giữa ngày thanh xuân”. Cả một đời vất vả, khó khăn nhưng chị không hề kêu than. Khổ thơ ngợi ca sự hi sinh thầm lặng của người chị, đồng thời cũng xen một chút tiếc thương, thương người phụ nữ hi sinh mọi thứ vì người khác nhưng lại chẳng dành cho một chút gì. Bên cạnh đó, tác giả còn nhấn mạnh đức tính cao quý của người chị: “ân nghĩa tảo tần, thủy chung.” Hai từ “tảo tần” và “thủy chung” không chỉ nói về sự cần mẫn trong lao động mà còn là sự gắn bó, trọn vẹn với những giá trị gia đình, dù phải đối mặt với bao gian truân.

Tác phẩm được viết theo thể thơ lục bát, ngôn ngữ thơ không cầu kỳ, hoa mỹ mà rất gần gũi, dung dị. Nhà thơ cũng đã sử dụng rất hiệu quả những chất liệu văn hóa dân gian, cùng các biện pháp nghệ thuật như tương phản đối lập, điệp cấu trúc (Một đời…). Bài thơ đã khắc họa thành công hình ảnh người chị và cũng là hình ảnh của rất nhiều người phụ nữ Việt Nam, họ là những con người vô cùng tốt đẹp: chăm chỉ, cần cù, giàu tình yêu thương, thủy chung son sắt, kiên cường và giàu đức hi sinh,…

Bài thơ Chị tôi là lời ca ngợi sự hy sinh cao cả và đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam. Qua hình ảnh người chị, tác giả không chỉ bày tỏ lòng kính trọng mà còn khơi dậy tình yêu thương, sự trân trọng đối với những giá trị gia đình. Đọc bài thơ, ta thêm thấu hiểu và biết ơn những người phụ nữ đã lặng lẽ cống hiến, làm đẹp cho cuộc đời.

icon-date
Xuất bản : 09/12/2024 - Cập nhật : 09/12/2024

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads