logo

Phân tích bài thơ Cây lúa của tác giả Huy Cận

Nhà thơ Huy Cận là một trong những hồn thơ lãng mạn của phong trào thơ mới Việt Nam. Trước cách mạng thơ ông đượm buồn và mang nặng những tâm sự của thời cuộc. Sau cách mạng hồn thơ ông tràn đầy phấn khởi, tự tin hơn với vận mệnh và tương lai của non sông, tổ quốc. Bài thơ Cây lúa sáng tác trước cách mạng là một bài thơ ngắn nhất của ông. Bài thơ tuy ngắn nhưng gửi gắm rất nhiều những thông điệp ý nghĩa về cuộc đời. Qua việc phân tích bài thơ Cây lúa của tác giả Huy Cận dưới đây các em sẽ làm sáng tỏ được điều này.


Bài thơ Cây lúa của tác giả Huy Cận

"Mơn mởn đời ươm hoa trái non

Cho tôi chăm bón. Đến mùa hồn

Thì tôi sẽ chết như cây lúa

Đầu ngả mang đầy hạt dẻo ngon"


Nội dung chính bài thơ Cây lúa của tác giả Huy Cận

      Nội dung chính bài thơ Cây Lúa của Huy Cận: Tác giả mượn hình ảnh cây lúa để thể hiện khát khao cống hiến không mệt mỏi cho cuộc đời. Cây lúa từ mầm non nhỏ bé, trải qua quá trình được chăm bón, sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của mình là cho ra những hạt dẻo ngon thì chúng sẽ chết đi. Đó cũng giống như ước nguyện được cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của tác giả, Huy Cận sẵn sàng hy sinh, dân hiến bản thân mình cho Tổ quốc và nhân dân. Một khát vọng sống đầy ý nghĩa, rất đáng để mỗi chúng ta học hỏi. 


Nghệ thuật bài thơ Cây lúa của tác giả Huy Cận

- Bài thơ viết theo thể Thất ngôn tứ tuyệt

- Huy Cận sử dụng rất nhiều hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng “mùa hồn”, “cây lúa”, “đầu ngả”

- Huy Cận sử dụng tài tình các biện pháp tu từ: phép ẩn dụ, so sánh độc đáo, phép đảo ngữ,…=> góp phần truyền tải tới bạn đọc thông điệp sâu sắc và ý nghĩa. 

- Từ láy “mơn mởn” được đặt ở đầu câu thơ nhấn mạnh sự tươi non của hoa trái

- Chủ đề tuy không mới nhưng với cách diễn đạt riêng, Huy Cận vẫn thể hiện nó thật mới mẻ. 

- Cách diễn đạt chậm dãi, nhẹ nhàng.


Dàn ý phân tích bài thơ Cây lúa của tác giả Huy Cận

1, Mở bài

- Giới thiệu bài thơ, tác giả, thời điểm sáng tác.

- Đánh giá chung về bài thơ: Mượn hình ảnh cây lúa để gửi gắm khát khao cống hiến và làm đẹp cho cuộc đời một cách chân thành, tự nguyện.

2, Thân bài

- Câu 1: hình ảnh cây cối tươi mơn mởn đang ươm hoa, kết trái. Chú ý từ láy “mơn mởn”, phép đảo ngữ “mơn mởn” đặt lên đầu câu => thể hiện sự tươi non, căng tràn sức sống của cây trái.

- Câu 2: nhân vật trữ tình chăm bẵm, nâng niu để cây tạo quả dâng hương cho đời. Dấu chấm phân cách trong một câu thơ, ngắt ý thơ thành hai đoạn, nhấn mạnh thời điểm cây cối dâng hoa quả trọn vẹn cho cuộc đời.

- Câu 3+ 4: hình ảnh nhân vật trữ tình hoá thân thành cây lúa, so sánh “chết như cây lúa” để dâng hương thơm, trái ngọt cho cuộc đời, mang đến hạt gạo dẻo ngon, nuôi sống con người.

=> Hình ảnh cây lúa chính là ẩn dụ cho sự hoá thân tự nguyện và chân thành của nhà thơ. Một khát khao sống và cống hiến, hy sinh rất đáng ngưỡng mộ của con người nhà thơ gửi đến cuộc đời.

- Nhận xét về nghệ thuật: bài thơ ngắn gọn, sử dụng hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng “mùa hồn”, “cây lúa”, “đầu ngả”, phép ẩn dụ, so sánh độc đáo=> truyền tải thông điệp sâu sắc, ý nghĩa.

3, Kết bài

- Khẳng định giá trị của bài thơ.

- Liên hệ bản thân.


Phân tích bài thơ Cây lúa của tác giả Huy Cận

      Cây lúa được sáng tác năm 1942 là một trong những bài thơ ngắn của tác giả Huy Cận. Với cảm hứng về sự hoá thân và làm đẹp cho cuộc đời bài thơ đã thể hiện những khát khao giản dị nhưng chân thành của tác giả. Với ý nghĩa như vậy, Cây lúa là bài thơ hiếm hoi mang thông điệp khác hẳn với những sáng tác trước cách mạng của Huy Cận.

      Bài thơ có bốn câu, mượn hình ảnh cây lúa để gửi gắm tư tưởng, cuộc đời của nhà thơ. Mở đầu là hình ảnh cây trái tươi non mơn mởn: Mơn mởn đời ươm hoa trái non. Phép đảo ngữ kết hợp với từ láy mơn mởn được đặt ở đầu câu thơ nhấn mạnh sự tươi non, mỡ màng của cây trái. Trái non mới ra là kết tinh của mật ngọt cuộc đời, cần lắm những bàn tay nâng niu, chăm sóc để tạo quả ngon ngọt dâng cho đời. Hình ảnh cây trái non cũng là ẩn dụ cho tâm hồn và khát khao của nhà thơ rất sục sôi và tràn đầy nhiệt huyết, rộng mở và luôn khát khao cống hiến cho cuộc đời.

      Đến câu thơ thứ hai là hình ảnh của nhân vật trữ tình tôi: Cho tôi chăm bón. Đến mùa hồn.  Nhân vật trữ tình chăm bẵm, nâng niu để cây tạo quả dâng hương cho đời. câu thơ vô cùng đặc biệt bởi sử dụng dấu chấm phân cách trong một câu thơ, ngắt ý thơ thành hai đoạn, nhấn mạnh thời điểm cây cối dâng hoa quả trọn vẹn cho cuộc đời. Mùa hồn chính là ẩn dụ đến mùa thu hoạch, trái chín cũng là mùa dâng hương cho cuộc đời.

      Hình ảnh so sánh táo bạo ở câu thơ thứ ba: Thì tôi sẽ chết như cây lúa, nhấn mạnh vào sự hoá thân của tác giả. Tôi chết đi tự nguyện để dâng đến cho cuộc đời những hạt gạo dẻo ngon. Tư thế đầu ngả là hình ảnh ẩn dụ đẹp vừa thể hiện những bông lúa nặng trĩu hạt mẩy, chắc đầy, hứa hẹn vụ mùa bội thu; vừa thể hiện tư thế cống hiến một cách chân thành của tác giả “Đầu ngả mang đầy hạt dẻo ngon”

Soi chiếu vào cuộc đời hoạt động nghệ thuật miệt mài không ngừng nghỉ của tác giả người đọc mới thấy được những gì ông gửi gắm trong bài thơ thật chính xác. Câu thơ khiến tôi liên tưởng đến bài thơ Một khúc ca của Tố Hữu:

Nếu là con chim, chiếc lá

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?”

      Chúng ta thấy điểm tương đồng về quan niệm sống của hai tác giả cùng thế hệ. Đó đều là những khát vọng sống rất ý nghĩa, rất đáng trân quý của thế hệ tuổi trẻ trong những năm kháng chiến. Nếu Tố Hữu mượn hình ảnh mang tính quy luật của cuộc đời là chim phải hót, là lá phải xanh”  thì Huy Cận mượn hình ảnh cây lúa ngả hạt dâng cho đời để thể hiện khát khao của mình. Đó đều là những khát vọng rất cao đẹp, thể hiện nhân cách lớn.

Phân tích bài thơ Cây lúa của tác giả Huy Cận

       Bài thơ ngắn gọn, sử dụng hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng “mùa hồn”, “cây lúa”, “đầu ngả”, phép ẩn dụ, so sánh độc đáo, góp phần truyền tải thông điệp sâu sắc, ý nghĩa. Với chủ đề không mới trong thơ ca nhưng bằng cách diễn đạt riêng, Huy Cận vẫn thể hiện nó thật mới mẻ. Thể hiện khát khao cống hiến thông qua hình ảnh ẩn dụ cây lúa, bằng cách diễn đạt nhẹ nhàng, không lên gân: Thì tôi sẽ chết như cây lúa/ Đầu ngả mang đầy hạt dẻo ngon, góp phần bộc lộ trọn vẹn những điều tâm niệm trong tâm hồn của tác giả. Điều đó thật đáng quý, đáng trân trọng để mỗi người chúng ta soi vào.

      Với bài thơ Cây lúa chúng ta hiểu thêm về con người, nhân cách của nhà thơ Huy Cận. Đó là một khát khao cống hiến không mệt mỏi cho cuộc đời, sẵn sàng hy sinh cho nhân dân và tổ quốc. Một khát vọng sống đầy ý nghĩa, rất đáng để mỗi chúng ta học hỏi. Học tập nhà thơ Huy Cận thế hệ trẻ hôm nay sẽ ra sức học tập, sống, phấn đấu và làm việc bằng tất cả tài năng, trí tuệ để đưa đất nước Việt Nam giàu đẹp, sáng ngang với các cường quốc khác trên thế giới.

-----------------------------------------

Trên đây, Toploigiai đã hướng dẫn viết bài văn mẫu Phân tích bài thơ Cây lúa của tác giả Huy Cận. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 11/05/2023 - Cập nhật : 08/08/2023