logo

Phân tích bài thơ Bàn giao của Vũ Quần Phương

icon_facebook

Đề bài: Viết bài văn phân tích bài thơ:

BÀN GIAO

Rồi ông sẽ bàn giao cho cháu
Bàn giao gió heo may
Bàn giao góc phố
Có mùi ngô nướng bay

Ông sẽ chẳng bàn giao những tháng ngày vất vả
Sương muối đêm bay lạnh mặt người
Dát rung chuyển, xóm làng loạn lạc
Ngọn đèn mờ, mưa bụi rơi

Ông bàn giao tháng giêng hương bưởi
Cỏ mùa xuân xanh dưới chân giày
Bàn giao những mặt người đẫm nắng
Đẫm yêu thương trên trái đất này

Ông chỉ bàn giao một chút buồn 
Ngậm ngùi một chút, chút cô đơn 
Câu thơ vững gót làm người ấy(1)
Ông cũng bàn giao cho cháu luôn.

(Theo Vũ Quần Phương”(2), Văn nghệ quân đội Xuân Giáp Ngọ 2014, tr.86)

Chú thích: 

(1) Câu thơ Cắn răng mà chịu thiệt, vững gót để làm người.

(2) Vũ Quần Phương (sinh năm 1940) tên thật là Vũ Ngọc Chúc, quê cha ở Nam Định nhưng ông hầu như sinh sống và gắn bó cả đời với mảnh đất Hà Nội quê mẹ. Ông là một bác sĩ nhưng yêu thích văn chương, ông sáng tác thơ và viết phê bình văn học. Thơ ông giản dị, sâu sắc mà hóm hỉnh, khoa học, suy tưởng mà ăm ắp trữ tình.


Phân tích bài thơ Bàn giao của Vũ Quần Phương

Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm. Nêu nhận xét khái quát bài thơ. 

Nói về dấu ấn cá nhân trong sáng tạo nghệ thuật, Lê Đạt từng quan niệm: 

"Mỗi công dân có một dạng vân tay
Mỗi nhà thơ có một dạng vân chữ". 

Quả đúng là giữa muôn vàn tên tuổi thi ca, nhà thơ muốn thành công nhất định phải có lối đi riêng, Vũ Quần Phương đã làm được điều ấy. Bài thơ Bàn giao được Vũ Quần Phương viết ra thể hiện tình cảm yêu thương, những ước mong mà người ông muốn gửi lại cho người cháu, đồng thời cũng là sự trao gửi của thế hệ đi trước với thế hệ đi sau.

Thân bài

* Khái quát: Đề tài tình cảm gia đình, tình cảm ông cháu và nhan đề bài thơ. 

- Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới. Vì 
thế cùng viết về đề tài tình cảm gia đình, tình cảm ông cháu, nhưng Bàn giao của Vũ Quần Phương 
đã đem đến cho người đọc những cảm nhận mới mẻ, thú vị ngay từ nhan đề. Bàn giao vừa bao hàm 
nghĩa trao lại, gửi lại vừa là giao trách nhiệm, giao nghĩa vụ.

- Bài thơ ra đời vào thời điểm Xuân Giáp Ngọ 2014 mang trong nó sự suy tư sâu sắc về quá trình chuyển giao giữa các thế hệ. Nó không chỉ là sự bàn giao về vật chất, mà còn chứa đựng cả giá trị tinh thần, văn hóa, kỷ niệm và những nỗi niềm đã trải qua. Bài thơ là lời tâm sự của người ông trước một thời đại mới, với hy vọng rằng thế hệ trẻ sẽ tiếp nhận những giá trị truyền thống, đồng thời giữ vững tinh thần và phẩm chất tốt đẹp trong quá trình phát triển.

Phân tích bài thơ Bàn giao của Vũ Quần Phương

* Phân tích bài thơ.

LĐ 1:  Phân tích nội dung chủ đề của bài thơ: 

a. Những thứ mà ông sẽ bàn giao.

CCĐ: Bài thơ là sự bàn giao thế hệ, gửi gắm bao tình cảm, bao mong ước của ông dành cho cháu và thế hệ của cháu. Bài thơ được bắt đầu với những thứ mà ông sẽ bàn giao cho cháu của mình:

Rồi ông sẽ bàn giao cho cháu
Bàn giao gió heo may
Bàn giao góc phố
Có mùi ngô nướng bay

 và   

Ông bàn giao tháng giêng hương bưởi
Cỏ mùa xuân xanh dưới chân giày
Bàn giao những mặt người đẫm nắng
Đẫm yêu thương trên trái đất này

- Bài thơ mở ra như lời tâm tình của người ông với đứa cháu nhỏ Rồi ông sẽ bàn giao cho cháu. 

- Điệp ngữ bàn giao như sợi chỉ đỏ xâu chuỗi toàn bộ bài thơ. Nó được lặp đi lặp lại thể hiện tình cảm dạt dào, tấm lòng yêu thương của tác giả dành cho người cháu của mình.

- Kết hợp với thủ pháp liệt kê: "gió heo may", "mùi ngô nướng", "hương bưởi" và "yêu thương"- đó là những món quà mang giá trị tinh thần quý giá. Ông chẳng để lại cho cháu những tài sản có giá trị về vật chất nhưng những thứ ông bàn giao cho cháu lại là vô giá - đó là những gì thân thuộc của thiên nhiên, của mảnh đất nơi ông cháu ta gắn bó.

- Ông muốn cháu cảm nhận được cái rét căm căm của những cơn gió heo may ngày đông, thời điểm lý tưởng để ta cùng nhau trò chuyện dưới hương ngô nướng thơm. Ông bàn giao cho cháu hương bưởi tháng giêng thoảng nhẹ nhàng để cháu cảm nhận được cái vẻ đẹp, hương thơm của đất trời. 

- Và để cháu thấy được sức sống của mùa xuân mãnh liệt, Ông muốn bàn giao lại cho cháu mùa đẹp nhất trong năm, mùa khởi đầu cho những điều mới mẻ, tốt lành. Ở đó, có hương bưởi, có cỏ non xanh dưới chân giày. 

- Cuối cùng, Ông còn muốn bàn giao lại cho cháu cả những yêu thương: 

Bàn giao những gương mặt đẫm nắng
Đẫm yêu thương trên trái đất này.

Đó là những người thân yêu của cả ông và cháu, đó cũng có thể là tất cả những người cháu sẽ gặp, cháu sẽ quen trên trái đất này. Họ là những con người tắm nắng gội mưa, lam lũ vất vả "những gương mặt đẫm nắng", nhưng họ cũng là những con người tình nghĩa, giàu yêu thương, giàu lòng nhân ái đẫm yêu thương. Cảm động biết bao trước những điều ông bàn giao cho cháu, đó đều là những gì sẽ giúp cho cuộc đời cháu được hạnh phúc hơn, ý nghĩa hơn. 

- Người ông còn quyết định, sẽ bàn giao thêm cho cháu: một chút buồn, chút ngậm ngùi, cô đơn: 

Ông chỉ bàn giao một chút buồn 
Ngậm ngùi một chút, chút cô đơn 
Câu thơ vững gót làm người ấy(1)
Ông cũng bàn giao cho cháu luôn.

- Tuy có những cung bậc cảm xúc con người không mong muốn như nỗi buồn, sự cô đơn nhưng ông muốn cháu hiểu rằng đó là những gia vị không thể thiếu của cuộc sống, chính nó sẽ là động lực để cháu vững gót làm người. 

- Ý thơ gợi ta liên tưởng tới câu thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ: 

"Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Thì chắc gì ta đã nhận ra ta?"

b. Những thứ không nên bàn giao, không được phép bàn giao. 

CCĐ: Bên cạnh những thứ ông muốn bàn giao cho cháu, còn có những thứ không nên bàn giao, không được phép bàn giao. 

"Ông sẽ chẳng bàn giao những tháng ngày vất vả
Sương muối đêm bay lạnh mặt người
Dát rung chuyển, xóm làng loạn lạc
Ngọn đèn mờ, mưa bụi rơi"

- Sự xuất hiện hàng loạt hình ảnh gợi sự liên tưởng qua biện pháp nghệ thuật ẩn dụ, kết hợp với liệt kê: "sương muối", "đất rung", "loạn lạc", "ngọn đèn", "mưa bụi"…gợi cuộc sống lầm than, cơ cực những tháng ngày vất vả, đó là chiến tranh loạn lạc, đau thương. 

- Cả khổ thơ, từ "bàn giao" chỉ xuất hiện một lần duy nhất, cho thấy thái độ dứt khoát, kiên quyết của ông: sẽ chẳng bàn giao cho cháu những đau thương mất mát. Trách nhiệm của ông, của cả những thế hệ đi trước là dành những gì tốt lành đẹp đẽ, quý giá nhất cho thế hệ con cháu mai sau.

LĐ2:  Phân tích một số đặc sắc nghệ thuật của bài thơ: 

CCĐ: 

- Thể thơ tự do, những câu thơ dài ngắn không đều, với sự linh hoạt về vần nhịp, giọng điệu chân thành, tha thiết rất phù hợp để diễn tả tâm tình của ông dành cho cháu, khiến bài thơ như lời chuyện trò của người ông. 

- Các khổ thơ luân phiên chuyển đổi giữa những điều tích cực và tiêu cực, tạo ra một sự đối lập tương phản rõ rệt. Ông muốn trao lại những điều đẹp đẽ, tích cực, và từ chối những ký ức đau thương, vất vả.

- Ngôn ngữ, hình ảnh thơ gần gũi, giản dị mà giàu sức gợi. Có những hình ảnh là biểu tượng của vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp con người: "gió heo may", "mùi ngô nướng", "hương bưởi", "yêu thương"... Tất cả đã làm nổi bật những điều mà ông muốn gửi trao, muốn bàn giao cho cháu. 

- Giọng điệu của bài thơ nhẹ nhàng, trầm lắng, mang âm hưởng của sự triết lý và chiêm nghiệm như một lời dặn dò, đầy yêu thương và cảm xúc.

- Đặc sắc nhất là việc sử dụng kết hợp nhiều biện pháp tu từ: Ẩn dụ, điệp ngữ, liệt kê… Trong đó đặc biệt là thủ pháp lặp cấu trúc "Ông sẽ bàn giao", "Ông chỉ bàn giao", "Ông cũng bàn giao" nhấn mạnh vào các giá trị mà ông muốn truyền lại và "bàn giao" như sợi chỉ đỏ xâu chuỗi toàn bộ bài thơ thể hiện tình cảm dào dạt, tấm lòng yêu thương của người ông dành cho người cháu của mình, cũng là của thế hệ đi trước muốn dành lại cho thế hệ sau.

LĐ3:  Đánh giá: Khái quát thành công về nội dung, nghệ thuật của bài thơ. Liên hệ mở rộng.

- Thơ hay là hay cả hồn lẫn xác (Xuân Diệu) thì Bàn giao của Vũ Quần Phương là một bài thơ như vậy.  Thể thơ tự do, ngôn ngữ, hình ảnh gần gũi, giản dị mà giàu sức gợi, các biện pháp tu từ đã góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề của bài thơ: những gửi trao của thế hệ đi trước dành cho thế hệ sau.

Liên hệ mở rộng: 

- Bài thơ "Bàn giao" của nhà thơ Vũ Quần Phương mang đậm tình cảm gia đình và những suy tư về việc truyền lại di sản tinh thần, tình yêu và những giá trị sống từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chủ đề của bài thơ gợi liên tưởng đến nhiều tác phẩm văn học khác cùng chung tinh thần chuyển giao những giá trị đẹp đẽ giữa các thế hệ.

Như Bài thơ "Nói với con" của Y Phương: người cha muốn truyền lại cho con tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về nguồn cội, truyền thống văn hóa với những từ ngữ thiết tha: 

Người đồng mình yêu lắm con ơi!
………………………………….
Người đồng mình thương lắm con ơi!.....

Hoặc nếu trong bài thơ Truyện cổ nước mình, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ viết: 

Đời cha ông với đời tôi
Như con sông với chân trời cách xa

thì đến với bài thơ Bàn giao, Vũ Quần Phương đã giúp người đọc nhận ra một sợi dây bền chặt để kết nối thế hệ, kết nối đời cha ông với đời ta, chính là thông qua những tài sản vật chất và tinh thần vô giá mà người đi trước đã bàn giao lại cho chúng ta hôm nay.

* Kết bài: Khẳng định giá trị của bài thơ. Rút ra thông điệp ý nghĩa cho bản thân. 

- Thời gian huỷ hoại các lâu đài nhưng làm giàu những vần thơ. Với những giá trị về nội dung và nghệ thuật đặc sắc, Bàn giao xứng đáng là món quà vô giá mà nhà thơ Vũ Quần Phương bàn giao cho người đọc. 

- Từ đó bồi đắp cho chúng ta thái độ, tình cảm trân trọng, giữ gìn và ý thức phát huy những gì mà thế hệ cha ông đã để lại.

"Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng."

(Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm)

icon-date
Xuất bản : 02/12/2024 - Cập nhật : 02/12/2024

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads