Bài thơ Giá từng thước đất của Chính Hữu đã khắc họa thành công vẻ đẹp của những người lính Điện Biên, ở họ vừa hiện lên nét chân chất, mộc mạc, giản dị, tình nghĩa của những người xuất thân từ làng quê vừa có sự anh dũng, hào hùng, có ý chí kiên cường, bất khuất, lý tưởng cao đẹp. Theo dõi bài viết dưới đây để hiểu chi tiết hơn nhé!
1. Mở bài
- Giới thiệu ngắn gọn về tác giả Chính Hữu:
+ Sự nghiệp sáng tác
+ Phong cách nghệ thuật thơ
- Giới thiệu bài thơ Giá từng thước đất: Khái quát nội dung của bài thơ.
2. Thân bài
2.1 Nội dung
* Hai câu đầu: Tác giả gợi nhớ về Chiến dịch Điện Biên Phủ oanh liệt của quân và dân ta
Năm mươi sáu ngày đêm bom gầm pháo giội
Ta mới hiểu thế nào là đồng đội.
- “bom gầm pháo giội” => dữ dội, ác liệt của chiến trường
=> Dữ dội, ác liệt, thấm thía 2 chữ đồng đội đồng chí.
=> Tác giả mượn năm mươi sáu ngày đêm ác liệt ấy để làm nổi bật vẻ đẹp vừa giản dị vừa hào hùng bi tráng của những người lính và cũng là những người đồng đội của mình.
* Bảy câu thơ tiếp: Hoàn cảnh sống, chiến đấu khó khăn, thiếu thốn của những người lính và tình cảm giản dị, chân thành của những người lính dành cho nhau.
Đồng đội ta
Là hớp nước uống chung
Nắm cơm bẻ nửa; => sự chia sẻ
Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa, => Cùng nhau chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết
Chia khắp anh em một mẩu tin nhà; =>chia sẻ niềm vui chung, hậu phương của một người lính cũng là của mọi người lính mang đến sức mạnh tinh thần cho họ
Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp, =>cùng nhau làm nhiệm vụ, cùng nhau chiến đấu
Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết => Chia sẻ lý tưởng sống, chiến đấu
- Điệp ngữ: chia khắp, chia nhau
- Hoàn cảnh sống, chiến đấu thiếu thốn, khó khăn, nguy hiểm của những người lính: hớp nước uống chung, nắm cơm bẻ nửa, nắng, mưa, chiến hào chật hẹp, cái chết.
=> Hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm không làm nguôi đi ý chí chiến đấu, không làm vơi đi tình nghĩa của những người lính.
=> Tình cảm thân thiết, sự đồng cam cộng khổ của những người lính.
* 11 câu tiếp: Hình ảnh những người lính dũng cảm, bất khuất (Vẻ đẹp hào hùng, bi tráng của những người lính)
Bạn ta đó
Ngã trên dây thép ba tầng
Một bàn tay chưa rời báng súng, => không từ bỏ tinh thần chiến đấu, lí tưởng
Chân lưng chừng nửa bước xung phong. => Nuối tiếc vì không thể chiến đấu cho tổ quốc được nữa.
Ôi những con người mỗi khi nằm xuống
Vẫn nằm trong tư thế tiến công! => Thán từ “Ôi” và câu cảm thán => bộc lộ cảm xúc của tác giả, xót thương, đau buồn và tự hào.
Bên trái: Lò Văn Sự
Bên phải: Nguyễn Đình Ba, => tên cụ thể
Những đêm tiến công, những ngày phòng ngự
Có phải các anh vẫn còn đủ cả
Trong đội hình đại đội chúng ta? =>Câu hỏi tu từ
=> Vẻ đẹp hào hùng, bi tráng của người lính. Họ sống và chiến đấu cho lí tưởng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”
=> Niềm xót thương của tác giả trước sự ra đi của đồng đội, kính trọng, cảm phục trước ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất của đông
* Các câu thơ còn lại: Lòng biết ơn sự hi sinh to lớn của những người lính và sự tiếp nối ý chí của những
người ở lại
Khi bạn ta
lấy thân mình
đo bước
Chiến hào đi,
Ta mới hiểu
Giá từng thước đất,
Các anh ở đây
Trận địa là đây,
Trận địa sẽ không lùi nửa thước.
Không bao giờ, không bao giờ để mất
Mảnh đất
Các anh nằm.
- Điệp ngữ “trận địa”: nơi che chở và nơi chôn cất những chiến sĩ có tên và không tên dọc theo hai bên đường phát triển của chiến hào.
- “Chiến hào đi”: nhân hóa, ẩn dụ: những đại đội hi sinh hết đồng nghĩa với những chiến hào thất thủ
=> Từng thước đất vô cùng quý giá, nó đổi bằng tính mạng của rất nhiều chiến sĩ.
=> Lòng biết ơn sâu sắc trước sự hi sinh tính mạng để bảo vệ những chiến hào, cũng là từng thước đất của Tổ quốc.
- Điệp ngữ: không bao giờ => như hô khẩu hiệu => sự quyết tâm, mạnh mẽ, ý chí sắt đá bảo vệ những thành quả mà nhiều người lính đã dùng máu xương để đổi lấy.
2.2 Nghệ thuật
- Thể thơ tự do.
- Sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh chọn lọc, giàu gợi hình, gợi cảm.
- Giọng thơ có sự kết hợp hài hòa giữa bi thương và hào hùng.
- Nhịp điệu câu thơ đước cấu trúc theo lối bậc thang, tạo cảm giác chân thực cho người đọc
- Nghệ thuật tu từ: điệp ngữ.
3. Kết bài
- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
- Rút ra bài học cho bản thân
Chính Hữu là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Dù viết ít nhưng ông cũng có những bài thơ rất đặc sắc, mang đậm hơi thở thời đại. Nhận xét về Chính Hữu, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng ông là “nhà thơ quân đội thực thụ cả ở phía tác giả lẫn tác phẩm”. Thật vậy, ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp sáng tác và trong suốt những năm tháng cầm bút ấy, nhà thơ Chính Hữu hầu như chỉ viết về người lính và chiến tranh. Thơ ông ngắn gọn ở câu chữ nhưng dài ở sự ngân vang. Đọc những trang thơ kháng chiến của Chính Hữu, người đọc thấy sự vang vọng của tình đồng chí, đồng đội. Và bài thơ Giá từng thước đất của tác giả cũng là một trong những bài thơ như vậy. Bài thơ vừa bi tráng, xót xa nhưng cũng phác họa vẻ đẹp hùng tráng của người chiến sĩ mà khó có tượng đài nào chạm khắc nổi. Đồng thời, bài thơ còn là lời ca ngợi, đến những người lính Điện Biên cũng như tất cả những anh hùng của dân tộc - những người đã hy sinh để giữ vững từng thước đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Tác phẩm Giá từng thước đất của nhà thơ Chính Hữu viết từ 1954 và hoàn thành vào năm 1961. Lúc đầu nhà thơ Chính Hữu đặt tên bài thơ là Đồng đội, nhưng rồi muốn được “tự do huỷ bỏ những cái viết ra nhưng không vừa ý” (Tự bạch) nên ông đổi tên bài thơ là Giá từng thước đất. Bài thơ được in trong tập thơ Đầu súng trăng treo (1972). Cũng giống như một số tác phẩm như Thư nhà, Ngọn đèn đứng gác, Đồng chí,… bài thơ Giá từng thước đất là những trang thơ vô cùng chân thực và xúc động về cuộc sống chiến đấu của người lính.
Hai câu thơ đầu, nhà thơ Chính Hữu khiến người đọc nhớ về Chiến dịch Điện Biên Phủ quyết liệt năm nào của quân và dân ta:
Năm mươi sáu ngày đêm bom gầm pháo giội
Ta mới hiểu thế nào là đồng đội.
Nhà thơ Chính Hữu cũng là người lính đã từng tham gia trực tiếp chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ gay go, quyết liệt ấy, vì vậy với trái tim và con mắt của một người trọng cuộc, nhà thơ thấm thía được sự dữ dội của “bom gầm pháo giội” ngày ấy và thấm thía hai chữ “đồng đội” .Và in sâu trong tâm trí nhà thơ là những hình ảnh anh hùng của đồng đội. Như vậy hai câu thơ đầu, nhà thơ mượn năm mươi sáu ngày đêm bom gầm pháo giội trên mảnh đất Điện Biên để làm nền cho vẻ đẹp vừa gần gũi giản dị, vừa hào hùng bi tráng của những người lính, những người đồng đội, đồng chí của mình.
Giữa “bom gầm pháo giội” những người lính Điện Biên vẫn kề vai sát cánh, sống bên nhau những giây phút đầy ắp tình người ngay trong chiến hào của trận địa:
Đồng đội ta
Là hớp nước uống chung
Nắm cơm bẻ nửa;
Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa,
Chia khắp anh em một mẩu tin nhà;
Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp,
Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết.
Những câu thơ không chỉ toát lên sự ấm áp của tình đồng đội giữa bom đạn chiến tranh mà còn tái hiện hoàn cảnh sống và chiến đấu gian khổ, thiếu thốn của những người lính. Cuộc sống của những người lính được thể hiện qua những hình ảnh chọn lọc như “hớp nước uống chung”, “nắm cơm bẻ nửa”, “chiến hào chật hẹp”, “cái chết”. Nhà thơ đã tái hiện cuộc sống khó khăn, gian khổ thiếu thốn và nguy hiểm, có thể chết bất cứ lúc nào của những người lính, nhưng sự khó khăn, nguy hiểm ấy không làm vơi đi tinh thần chiến đấu, không thể xóa đi nghĩa tình của những người lính. Sự gian khó, hiểm nguy nơi chiến hào ấy càng làm nổi bật lên vẻ đẹp ấm áp, giản dị của tình đồng đội, đồng chí. Họ giống như những người thân trong gia đình, gắn kết với nhau, chia sẻ cho nhau mọi thứ, từ “hớp nước uống chung” đến “nắm cơm bẻ nửa” và từ những người xa lạ, những người lính đã thành tri kỷ của nhau, cùng nhau chịu “một trưa nắng” gắt, “một chiều mưa” tầm tã, xối xả. Tình cảm đồng đội được nâng dần lên từ những sinh hoạt bình thường đến lẽ tử sinh của một đời người. Cộng đồng thân thiết đó thật bình dị. Có lẽ đây cũng là nét đặc trưng của những người lính Việt Nam đa số xuất thân từ nông thôn ra đi từ cộng đồng làng xóm, từ nếp nhà tranh sau lũy tre làng gắn bó mật thiết với nhau. Một mẩu tin tuy ngắn ngủi nhưng đó là cả một hậu phương vững chắc để chống chọi lại “Năm mươi sáu ngày đêm bom gầm pháo dội”. Sống và chiến đấu cùng nhau, những người lính còn chia sẻ lí tưởng cho nhau, và từ việc có chung lí tưởng sống ấy, cuộc đời những người lính hòa vào nhau, sống và chết cùng nhau thực hiện lý tưởng ấy. Đó là chiến đấu để giành độc lập dân tộc dù có phải nằm lại chiến trường mãi mãi. Hy sinh để giữ từng thước đất – đó là một sự đóng góp làm nên vinh quang. Sự hi sinh ấy vô cùng ý nghĩa. Và trong thơ, hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ sáng lên, lấp lánh. Họ biết “chia nhau cái chết”, biết chia nhau cả cái vinh quang được hy sinh vì đất nước.
Nhà thơ Chính Hữu không chỉ nhớ hình ảnh những người lính gần gũi, thân thiết, giản dị, mộc mạc, nhớ tình đồng đội, đồng chí ấm áp tình thân mà còn nhớ về vẻ đẹp hào hùng, bi tráng của những người lính:
Bạn ta đó
Ngã trên dây thép ba tầng
Một bàn tay chưa rời báng súng,
Chân lưng chừng nửa bước xung phong.
Ôi những con người mỗi khi nằm xuống
Vẫn nằm trong tư thế tiến công!
Bên trái: Lò Văn Sự
Bên phải: Nguyễn Đình Ba
Những đêm tiến công, những ngày phòng ngự
Có phải các anh vẫn còn đủ cả
Trong đội hình đại đội chúng ta?
Trong chiến tranh, cái chết là điều không thể tránh khỏi, nhà thơ Chính Hữu không hề né tránh hiện thực ác liệt, đau thương của chiến tranh, không hề né tránh những mất mát, hi sinh mà người lính phải chịu. Nhà thơ mô tả trực tiếp cái chết của những người lính và cũng chính là những “bạn ta đó” của mình. Sống và chiến đấu cùng nhau suốt thời gian dài, tình cảm giữa những người lính trở nên sâu đậm biết bao. Trước sự hi sinh của đồng đội mình, người lính đau buồn biết bao. Nhưng trong con mắt của tác giả và cũng của những người lính còn sống, những người đồng đội đã nằm xuống, cái chết của họ không bi thẳm mà cao đẹp vô cùng. Tác giả Chính Hữu đã chạm khắc nên những bức tượng đại hùng tráng về người lính. Những người anh hùng ngay cả khi đã chết đi, họ vẫn mang theo lí tưởng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Bàn tay họ vẫn nắm chắc súng trong tay (Một bàn tay chưa rời báng súng) và đôi chân họ vẫn hướng về phía trước, hướng về phía kẻ thù (Chân lưng chừng nửa bước xung phong). Những người lính khi sống luôn sẵn sàng chiến đấu cho đất nước và khi chết đi họ cũng mang theo tinh thần ấy, người lính hy sinh vẫn nằm trong tư thế tiến công. Dù không còn nữa nhưng lí tưởng sống và chiến đấu cho đất nước vẫn còn mãi. Và tư thế hi sinh hiên ngang, bất khuất của những người lính thời chống Pháp đã được những người lính sau này kế thừa trong thơ kháng chiến chống Mỹ của Lê Anh Xuân: “và anh chết trong khi đang đứng bắn/ Máu anh phun theo lửa đạn cầu vòng”. (Dáng đứng Việt Nam).
Trước sự ra đi của đồng đội mình, tác giả cũng là người trực tiếp chứng kiến người động đội của mình ngã xuống, chắc chắn sẽ cảm thấy vô cùng thương tiếc. Thán từ “ôi” cùng câu cảm thán “Ôi những con người mỗi khi ngã xuống/ Vẫn nằm trong tư thế tiến công” đã bộc lộ niềm cảm thương sâu sắc của tác giả dành cho những người lính, những người đồng đội đã kề vai sát cánh cùng mình. Câu thơ cũng bộc lộ niềm thương tiếc của nhà thơ với sự ra đi khi đất nước chưa giành được độc lập, khi chưa được cùng nhau chia sẻ niềm vui chiến thắng của chiến dịch, đồng thời đó cũng là sự kính trọng trước tinh thần, ý chí chiến đấu kiên cường, dũng cảm của người lính và sự biết ơn, ghi nhớ sự hi sinh đầy ý nghĩa của “đồng đội ta”.
Biết trước là sẽ có những hi sinh nhưng khi tận mắt chứng kiến thì trong lòng vẫn ngập tràn nỗi buồn thương, những câu thơ tiếp thể hiện nỗi niềm nhớ thương vô hạn của tác giả với những người động đội của mình:
Bên trái: Lò Văn Sự
Bên phải: Nguyễn Đình Ba
Những đêm tiến công, những ngày phòng ngự
Có phải các anh vẫn còn đủ cả
Trong đội hình đại đội chúng ta?
Những chân dung cụ thể đã hiện lên, đó là đồng chí Lò Văn Sự, đó là đồng chí Nguyễn Đình Ba. Nhà thơ nhớ “những đêm tiến công, những ngày phòng ngự” cùng nhau. Câu hỏi tu từ: “Có phải các anh vẫn còn đủ cả/ Trong đội hình đại đội chúng ta?” khiến cho độc giả vô cùng xúc động. Trong quá trình chiến dịch Điện Biên Phủ, các đồng chí hy sinh vẫn được chôn cất dọc theo hai bên đường phát triển của chiến hào. Họ nằm lại chiến hào, tiếp tục sát cánh bên anh em đồng đội. Câu thơ cũng thể hiện sự nghiệt ngã của chiến tranh, những người lính ra đi trong sự chôn cất vội vã, câu thơ khiến ta nhớ đến bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Bài thơ khép với những câu thơ thể hiện lòng biết ơn sâu sắc trước sự hi sinh to lớn của những người lính, đồng thời còn là lời hứa, lời thề danh dự kế thừa ý chí chiến đấu, lí tưởng của những người đồng đội đã ngã xuống:
Khi bạn ta
lấy thân mình
đo bước
Chiến hào đi,
Ta mới hiểu
Giá từng thước đất,
Các anh ở đây
Trận địa là đây,
Trận địa sẽ không lùi nửa thước.
Không bao giờ, không bao giờ để mất
Mảnh đất
Các anh nằm.
Chiến hào trong bài thơ nằm trong lòng đất không vô tri vô giác mà đó là cuộc sống của những con người trong trận quyết chiến giữ từng tấc đất, luôn sẵn sàng hi sinh và luôn nghĩ đến đồng đội. Đó cũng là chiến hào ở trận địa mặc dù có hình thù góc cạnh cụ thể, nhưng lại có đời sống riêng, nơi che chở và nơi chôn cất những chiến sĩ có tên và không tên dọc theo hai bên đường phát triển của chiến hào. Chiến hào các chiến sĩ dùng máu xương của mình để giữ, linh hồn các anh vẫn còn vương trên từng thước đất. Đất đai của đất nước quý giá vô cùng, nó đổi bằng biết bao sinh mệnh của con người Việt Nam. Bảo vệ từng thước đất ấy cũng là giành lại độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Vì vậy dù những người lính nằm xuống nhưng tiếng họ vẫn giục giã kêu gọi mỗi người lính Điện Biên tiếp tục tiến công, giữ vững ý chí quyết tâm chiến đấu giành lại độc lập cho Tổ quốc. Đáp lại lời kêu gọi của những người lính đã khuất, những người lính tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Những câu thơ cuối mang âm hưởng hào hùng, điệp ngữ “không bao giờ” được lặp lại hai lần khiến những câu thơ như những khẩu hiệu trước trận chiến. Đó cũng giống như lời thề tiếp tục sự nghiệp chiến đấu vì Tổ quốc còn dang dở của những người đồng đội đã ra đi của những người lính còn sống. Câu thơ cũng gợi lên khí thế hào hùng, quyết tâm của những chiến sĩ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, và sau “năm mươi sáu ngày đêm bom gầm pháo giội”, nhờ có ý chí quyết tâm, sự anh dũng, bất khuất mưu chí, dân tộc Việt Nam đã tạo nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - kỳ tích “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Viết về chiến tranh không dễ, nhất là với thơ - một thể loại ở đó có độ kết tinh cao của ngôn ngữ. Bài thơ đã cho thấy tài năng của nhà thơ Chính Hữu, thơ ông có sự hài hòa giữa niềm bi cảm trước những gian khó của những người lính, trước sự ra đi của họ và sự hào hùng khi viết về vẻ đẹp của những người lính Điện Biên. Nhịp điệu câu thơ trong bài Giá từng thước đất cấu trúc theo lối bậc thang, tạo cho người đọc cảm giác đang chứng kiến trận địa giao thông hào chằng chịt và lấn dần từng thước đất mà: “ Bạn ta - lấy thân mình - đo bước ”. Tứ thơ vụt sáng khi mỗi thước đất được đo bằng sự hy sinh của từng người lính gối lên nhau rải trên mặt đất. Ngôn ngữ thơ quánh lại, quyện lấy nhau tạo ra trường liên tưởng ám ảnh, gợi nhiều suy nghĩ sâu sắc.
Với bài thơ Giá từng thước đất, nhà thơ Chính Hữu tiếp tục khẳng định tài năng thơ ca của mình khi viết về những người lính. Bài thơ đã khắc họa thành công vẻ đẹp của những người lính Điện Biên, ở họ vừa hiện lên nét chân chất, mộc mạc, giản dị, tình nghĩa của những người xuất thân từ làng quê vừa có sự anh dũng, hào hùng, có ý chí kiên cường, bất khuất, lý tưởng cao đẹp. Bên cạnh đó, với bài thơ, tác giả cũng tái hiện được sự ác liệt và hào hùng của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Đọc tác phẩm, người đọc xúc động trước sự hi sinh anh dũng của những người chiến sĩ và qua đó, khơi dậy trong lòng mỗi người sự biết ơn với những người có công bảo vệ đất nước, cùng với lòng yêu nước cũng như trách nhiệm của bản thân với đất nước.