logo

Phân tích 16 câu cuối bài Trao duyên

Tổng hợp Dàn ý Phân tích 16 câu cuối bài Trao duyên do Top lời giải sưu tầm và biên soạn. Qua dàn ý và các bài văn mẫu được biên soạn dưới đây sẽ giúp các bạn có thêm tài liệu, các cách hành văn khác nhau, qua đó có thể tiếp cận tác phẩm với cái nhìn đa chiều, mới mẻ hơn. Mời các bạn cùng xem!


Dàn ý hân tích 16 câu cuối bài Trao duyên

 1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả: Nguyễn Du

+ Là đại thi hào của dân tộc

+ Là nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca trung đại Việt Nam

+ Ông đã để lại cho chúng ta một kho tàng văn học đồ sộ nhưng nổi bật nhất có lẽ là kiệt tác "Truyện Kiều".

- Giới thiệu tác phẩm: đoạn trích "Trao duyên"

+ Được trích trong tập thơ "Truyện Kiều"

+ Vị trí: từ câu 723 đến 756

+ Giống như một bản lề khép lại cuộc đời ấm êm, tươi đẹp và mở ra 15 năm lưu lạc, sóng gió, đoạn trường của cô gái tài hoa bạc mệnh - Thúy Kiều.

- Giới thiệu khái quát về 16 câu cuối

2. Thân bài

a. Bốn câu thơ đầu

Mai sau dù có bao giờ,

Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.

Trông ra ngọn cỏ gió cây,

Thấy hiu hiu gió, thì hay chị về.

-Với việc sử dụng hàng loạt câu hỏi tu từ và các hình ảnh "lò hương", "phím",... đã cho thấy Kiều nghĩ về cái chết để giải quyết tình cảnh éo le của mình.

b. Bốn câu thơ tiếp theo

Hồn còn mang nặng lời thề,

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.

Dạ đài cách mặt, khuất lời,

Rảy xin chén nước cho người thác oan.

- Quay về quá khữ, nghĩ đến những kỉ vật, Kiều chỉ đau đớn, tiếc nuối, nghĩ đến tương lai thì chỉ thấy bế tác với cái chết ám ảnh cận kề. Kiều với tâm trạng hoang mang, bế tắc, tuyệt vọng.

- Hình ảnh "dạ đài, thác oan" một lần nữa xuất hiện. Điều này cho thấy Kiều lại nhắc đến cái chết, nghĩ đến cái chết để giải quyết bi kịch chính là dấu vết của tư tưởng siêu thoát. Đây là một nét hạn chế trong nội dung tư tưởng của Truyện Kiều. Nhưng Nguyễn Du dùng cái chết để miêu tả, khắc sâu nỗi đau đớn của Kiều trong thời khắc trao duyên.

- Nếu như 12 câu thơ đầu, lí trí của Kiều có phần tỉnh táo để tìm lí lẽ thuyết phục Thúy Vân thì đến đoạn thơ này, Kiều càng lúc càng chìm đắm vào tâm trạng đau đớn, tiếc nuối, xót xa, quặn thắt của mình. Rõ ràng, trao duyên nhưng vật muốn giữ, duyên trao nhưng tình đậm.

c. Bốn câu thơ tiếp theo

Bây giờ trâm gãy bình tan,

Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!

Trăm nghìn gửi lạy tình quân

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.

- Từ ngữ "Bây giờ" chỉ khoảng thời gian ở thực tại. Quay về quá khứ hay nghĩ đến tương lai đều thấy bế tắc, tuyệt vọng. Nhưng đối mặt với hiện tại, Kiều càng đau đớn, xót xa đến ngỡ ngàng. Bên cạnh đó, hình ảnh "Trâm gãy gương tan" là một hình ảnh ước lệ chỉ tình yêu tan vỡ, sự chia li xa vời. Nhịp điệu 2/2/2 khiến câu thơ như bị ngắt quãng, giống như tiếng khóc nức nở, quặn thắt trong lòng của Kiều. Hơn thế nữa, cụm từ "Kể làm sao xiết" khiến câu thơ giống như một tiếng than đầy đau đớn và tuyệt vọng.

- Chưa dừng lại ở đó, nếu như ở đầu đoạn trích, khi mở đầu trao duyên, Kiều lạy tấm lòng hy sinh của Vân để thay tấm lòng trả nghĩa thì đến cuối, Kiều lạy Kim Trọng vì cảm thấy có lỗi. Kiều không chỉ tự thương xót phận mà còn tự ý thức duyên phận ngắn ngủi giữa mình và Kim Trọng.

d. Bốn câu thơ cuối

Phận sao phận bạc như vôi?

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng. 

Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!

- Mở đầu, tác giả đã sử dụng thật tài tình biện pháp so sánh " bạc như vôi" kết hợp với câu hỏi tu từ và nghệ thuật ước lệ "nước chảy hoa trôi" vừa làm tăng tính gợi hình, gợi cảm, gợi tả cho câu thơ vừa cho thấy được sự tự ý thức về số phận bấp bênh của Kiều. Trong thơ Hồ Xuân Hương, bà đã từng viết:

"Có phải duyên nhau thì thắm lại

Đừng xanh như lá bạc như vôi".

=> Đây chính là nét mới trong chủ nghĩa nhân đạo. Trong hoàn cảnh phong kiến, người phụ nữ không có tiếng nói riêng, thường phải nhẫn nhịn, cam chịu. Hồ Xuân Hương dám cất nên tiếng nói và lên tiếng khẳng định số phận của bản thân và ý thức sâu sắc về số phận của mình. Đây chính là điều mới mẻ, tiến bộ.

- Để rồi Kiều đã cất lên:

"Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!"

+ Tận ba lần, Kiều thay đổi tâm trạng, cách xưng hô đối với Kim Trọng. Sự thay đôti lần này đã thể hiện tâm trạng rối bời của Kiều trước giờ khắc chia ly đau đớn. Từ "phụ" đã cho thấy Kiềm tự nhận mình đã phụ Kim Trọng. Biết bao nhiêu đau đớn trong giờ khắc trao duyên đã dồn vào chữ "phụ" đầy xót xa. Từ đây, cho thấy Kiều khẳng định tình yêu của mình bằng một tiếng "phụ" nhưng cả đoạn trích "Trao duyên", người đọc chỉ thấy một tình yêu tha thiết nhưng cũng đầy đau đớn, xót xa.

+ "từ đây" là một từ chỉ dấu mốc trong thời gian có giá trị giống như bản lề đóng lại quãng đời ấm êm, tươi đẹp, đóng lại tình yêu tuổi trẻ say đắm, ngọt ngào và mở ra quãng đời đầy đoạn trường, lưu lạc, sóng gió.

+ Các tính từ cảm thán "ôi, thôi, hỡi" như là một lời đau, một tiếng nức nở đầy ám ảnh về một tình yêu đầy xót xa, tan vỡ, chia ly. 

=> Đoạn thơ đã đặc tả nỗi đau của Kiều, dường như đã vỡ òa trong tiếng nức nở, bi thương. Kiều đối thoại với Kim Trọng nhưng thực chất là độc thoại với chính mình. Đây chính là một thủ pháp độc đáo, sáng tạo trong nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật. Dường như Nguyễn Du đã nhập thân vào nhân vật Kiều bằng tất cả yêu thương, xót xa, trân trọng để miêu tả tài tình những dằn vặt của Kiều trong giờ khắc chia ly.

3. Kết bài 

- Khẳng định giá trị của bài thơ

- Tình cảm của em dành cho bài thơ.

Phân tích 16 câu cuối bài Trao duyên hay nhất

Phân tích 16 câu cuối bài trao duyên – Mẫu số 1

Truyện Kiều - một thi phẩm bất hủ của tác gia Nguyễn Du, được viết dựa vào một tác phẩm cổ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, một tác giả sống vào đời nhà Thanh, Trung Quốc. Truyện kể về cuộc đời đầy đau thương mất mát của Thuý Kiều, trải qua muôn vàn sóng gió, khổ hạnh, chết đi sống lại,… cuối cùng hạnh phúc cũng mĩm cười với nàng.

Thuý Kiều một người con hiếu hạnh, tài đức vẹn toàn. Vì phải cứu gia đình, nàng đành phải bán mình chuộc cha. Nhưng làm vậy thì nàng đã phản bội lời thề nguyền thuỷ chung, son sắc với tình lang Kim Trọng. Tình thế ép buộc nàng đành nhờ cậy em ruột là Thuý Vân, xem như chị trao duyên lại cho em, nhờ em thực hiện lời thề của mình với Kim Trọng dù rằng Thuý Kiều rất đau đớn, day dứt tâm can và nhắn nhủ với em mình như thể rằng chị sắp đi xa vĩnh viễn “một đi không trở lại”.

Mai sau dù có bao giờ,

Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.

Trông ra ngọn cỏ gió cây,

Thấy hiu hiu gió, thì hay chị về.

Bốn câu thơ tưởng chừng như Thuý Kiều đang trăn trối nói về ngày sau khi mình chết đi. Mai sau em “đốt lò hương”, nhìn thấy trời “hiu hiu gió” thì hồn chị đã về:

Hồn còn mang nặng lời thề,

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.

Dạ đài cách mặt, khuất lời,

Rảy xin chén nước cho người thác oan.

Hồn chị đã về đây, mang nặng nỗi thống khổ của một kẻ phụ tình. Trước khi thát oan, nàng chấp nhận cho thân nát để đền cho người bạn tình chung thuỷ vì tội đã phản bội lại lời thề nguyền. Nỗi day dứt ấy chị vẫn mang theo xuống cửu tuyền. Hôm nay chị trở về thì đã "âm dương cách biệt đôi đường" không thể nói được gì, chỉ xin rảy cho chén nước để oan hồn chị được siêu thoát.

Nhìn lại thực tại, nghĩ đến tình quân nàng nhắn nhủ đôi lời tâm sự, giải bày:

Bây giờ trâm gãy bình tan,

Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!

Trăm nghìn gửi lạy tình quân

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.

Giờ đây mọi chuyện đã tan vỡ, lỡ làng, nói làm sao hết những tình cảm tha thiết, da diết, những kỉ niệm ngọt ngào ân ái ngày xưa đã trao nhau. Thôi thì thiếp đành cam chấp nhận số phận, tơ duyên ngắn ngủi, hạnh phúc quá mong manh, kiếp này đã lỡ phu thê, thiếp xin bái biệt đi về cõi âm. Lời nhắn nhủ vừa mang nỗi tiếc nuối, vừa cam chịu chỉ "có ngần ấy thôi" ít ỏi quá chàng ơi, nhưng không thể nào kéo dài thêm được nữa.

Câu thơ chứa chan tình cảm, xót xa đau cho kiếp số phũ phàng, chua chát - lời thơ như hờn oán, trách móc than thân trách phận:

Phân sao phận bạc như vôi?

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.

 

Lời thơ uất nghẹn, phận gì? mà bạc như vôi? Phận trâu ngựa, kiếp chó mèo chứ không phải là phận người, kiếp người nữa. Cuộc đời quá cay đắng, bạc bẽo hay xã hội quá bất công, tàn nhẫn với con người tài sắc vẹn toàn như Thuý Kiều. Đành rằng cuộc đời “nước chảy hoa trôi” nhưng cũng có giới hạn thôi chứ sao mà quá bi đát, quá phũ phàng đến vậy. Quay về với thực tại Thuý Kiều như bừng tỉnh, thốt lên:

Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây! 

Việc “trao duyên” đã thành, việc bán mình cũng đã xong, thì bi kịch của Thuý Kiều cũng đến. "Ôi", "Hỡi" Kim Lang, Thuý Kiều gọi tên tình nhân lần sau cuối trong nước mắt nhạt nhoà, nàng ôm nỗi đau giằng xé tâm can khi biết chắc chắn rằng từ đây nàng đã mất chàng Kim mãi mãi. Sự thật ấy làm cho Thuý Kiều kêu lên thống thiết “thôi thôi” một cách vật vã, đớn đau “đứt từng đoạn ruột”. Điều đó cho ta thấy được tình cảm của Thuý Kiều dành cho Kim Trọng vô cùng lớn, vô cùng sâu đậm, chung thuỷ sắc son.

Sự “hi sinh” của Thuý Kiều làm cho người đời cảm phục, tình cảm của Thuý Kiều làm cho chúng ta trân quý yêu thương. Đó là điểm sáng chói ngời trong phẩm giá con người Thúy Kiều, khiến cho nàng sống mãi trong lòng người đọc.


Phân tích 16 câu cuối bài trao duyên – Mẫu số 2

Tình yêu đầu bao giờ cũng là tình yêu trong sáng và đẹp đẽ nhất. Thế nhưng, với Thuý Kiều, tình yêu ấy lại chứa chan bao đau khổ, xót thương vô cùng. Mối tình đầu đẹp như mơ của nàng với Kim Trọng đã buộc phải chia cắt vì biến cố bất ngờ của gia đình.

Để vẹn tròn hai bên hiếu, tình nàng đã quyết định trao lại mối duyên ấy cho Thuý Vân – em gái mình để Vân thay nàng trả nghĩa cho Kim Trọng. Tất cả điều đó được thể hiện qua đoạn trích Trao duyên vô cùng đặc sắc. 16 câu cuối trong đoạn trích đã cho thấy được sự dằn vặt, đau đớn khôn nguôi của Kiều khi phải trao đi mối duyên sâu đậm của mình.

Sau đêm thề nguyền cùng chàng Kim Trọng, gia đình Kiều xảy ra gia biến, gia sản bị tịch thu còn cha và em trai thì bị bắt. Trước biến cố bất ngờ Kiều phải bán mình cho Mã Giám Sinh để lấy bốn trăm lạng vàng, đút lót quan lại để cứu cha và em. Khi đó, Kim Trọng đang ở Liễu Dương chịu tang chú nên không hề biết chuyện xảy đến với gia đình Kiều. Vào tối đêm trước ngày ra đi, Kiều đã nhờ Thuý Vân – em gái mình ở lại trả nghĩa cho chàng Kim. Bao nhiêu đau đớn và giằng xé trong tâm can Kiều được đẩy lên cao trào trong trích đoạn này.

Những dòng thơ tuôn trào là nỗi lòng Kiều trong giằng xé, bởi nàng vừa muốn trao đi mối duyên của mình lại vừa tiếc nuối nó, không đành. Càng nói, Kiều càng đau xót cho số phận mình, tự nhận mình là một kẻ “bạc mệnh”. Thế nên nàng mới dự cảm được tương lai của mình đầy mịt mù, chỉ thấy cái chết là rõ ràng nhất.

“Mai sau dù có bao giờ

Đốt lò hương ấy so tơ phím này

Trông ra ngọn cỏ lá cây

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về

Hồn còn mang nặng lời thề

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai

Dạ đài cách mặt khuất lời

Rưới xin giọt nước cho người thác oan”

Trong khi Vân và chàng Kim được nên duyên vợ chồng, Kiều tưởng tượng mình chỉ còn là một mảnh hồn vất vưởng nơi trần thế, “hiu hiu” trong gió. Thế nhưng dù “nát thân bồ liễu” thì linh hồn nàng vẫn mang nặng lời thề sắt son cùng Kim Trọng, vĩnh viễn không bao giờ quên. Thật là mâu thuẫn, thật là đan xen. Bởi Kiều đã nói nếu Vân chịu nhận lời giúp nàng thì nàng “thịt nát xương mòn” cũng sẽ “ngậm cười chín suối”.

Ấy vậy mà giờ đây, khi trả được món nợ tình duyên, nàng cũng không hề thanh thản mà còn xót xa, nặng nề hơn trước nữa. Phải chăng đó là bởi trước đó, nàng lo cho người mà quên đi mình, giờ đây khi lo chu toàn chuyện của người, nàng mới nhận ra sự bạc bẽo của phận mình. Tương lai mờ mịt, oan trái, còn tinh thần nàng thì như nửa tỉnh nửa mê. Những câu nói của nàng như lời của một linh hồn phảng phất từ thế giới bên kia vọng lại.

Có thể thấy, trong lời nói của Kiều là sự giằng xé, sự tiếc nuối khôn nguôi khi phải trao đi mối duyên tình đậm sâu của mình. Và chứa chán trong đó, còn là nỗi đau xót, xót xa cho số phận bạc bẽo của mình, cho tương lai mù mịt, không lối thoát.

Trong sự cao trào của nỗi đau xót, Kiều thốt lên những lời gan ruột đau đớn cho mối duyên tình dở dang của mình, cho số phận của mình:

“Bây giờ trâm gãy gương tan,

Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!

Trăm nghìn gửi lạy tình quân,

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!

Phận sao phận bạc như vôi!

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.

Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”

Giờ đây, trong thực tại nỗi nhớ về Kim Trọng, Kiều chỉ thấy những đổ vỡ, những tang thương “trâm gãy, bình tàn”. Thế nhưng, còn có thể làm được gì, “phận” đã “bạc như vôi” thì đành phải chấp nhận, đành để mối tình ấy, trái tim ấy “lỡ lãng”. Kiều biết nàng đã phụ chàng, nàng đã làm chàng phải thất vọng. Vậy nhưng giờ đây, nàng chỉ còn biết tạ tội với tình lang của mình trông chua xót và bất lực. Cuối cùng, không thể chịu đựng nổi, nàng đã thốt lên trong sự nghẹn ngào và đau đớn quằn quại:

“Ôi Kim lang! Hời Kim lang

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”

Tiếng nấc nghẹn ấy của Kiều là sự bộc lộ toàn bộ tâm trạng đau đớn lúc đó của nàng, tới mức gần như mê sảng. Nỗi đau chia cắt cứ nhân lên nhân lên gấp bội, lên tới tột đỉnh. Đoạn kết khép lại trong nỗi đau thương quằn quại con người nàng. Nhưng không phải là vì bản thân nàng mà là vì người nàng yêu, vì tình lang của mình. Tâm hồn nàng chứa chan sự vị tha, nhân hậu vô bờ, nàng muốn cho người được hạnh phúc còn mình thì sẵn sàng cam chịu sự hi sinh.

16 câu cuối đoạn trích Trao duyên đã lột tả chân thực tâm trạng của Thuý Kiều khi buộc lòng phải trao đi mối duyên nồng đậm với Kim Trọng. Ngòi bút của Nguyễn Du đã sắc sảo trong việc sử dụng ngôn ngữ để lột tả hoàn toàn từng rung động trong tâm hồn Kiều, để từ đó, ta thấy được sự đau đớn, giằng xé, nghẹn ngào trong con người Kiều một cách chân thực nhất.


Phân tích 16 câu cuối bài trao duyên – Mẫu số 3

Truyện Kiều từ lâu được xem là áng thơ bất hủ của dân tộc. Tác phẩm mang nhiều tầng ý nghĩa lớn lao về cả nội dung lẫn nghệ thuật. Phân tích 16 câu cuối bài Trao duyên, ta sẽ thấu hiểu sự dằn vặt, xót xa, nỗi bất hạnh của Thuý Kiều. Đồng thời quan đó cũng thấy được sự đồng cảm, yêu thương và trân trọng con người của tác giả Nguyễn Du.

Nguyễn Du được đánh giá là đại thi hào của dân tộc. Những tác phẩm của ông luôn đưa ra cái nhìn thẳng thắn, lột tả những điều xấu xa, thối nát của xã hội bấy giờ. Đồng thời, trong mỗi vẫn thơ cũng đều chất chứa sự trân trọng cái đẹp, yêu thương con người của tác giả.

Đoạn trích “Trao duyên” được trích trong tập “Truyện Kiều” (Đoạn trường tân thanh). Đoạn trích gồm 34 câu thơc từ câu 723 đến câu 756 trong tác phẩm. Đây nằm trong phần “Gia biến và Lưu lạc”. Đoạn trích chính là lời của Thúy Kiều nói với Thúy Vân khi muốn nhờ Vân trả nghĩa cho Kim Trọng trước khi nàng bán mình để chuộc cha. 16 câu thơ cuối của “Trao Duyên” là lời dặn dò của Kiều với Vân và sự xót xa cho chính bản thân mình.

Sau những lời nhờ em trả nghĩa cho chàng Kim, Kiều đã dặn dò Vân với tấm lòng của một người chị giàu hi sinh. Trước tiên, Kiều dự cảm về cái chết của chính mình:

“Mai sau dù có bao giờ,

Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.

Trông ra ngọn cỏ gió cây,

Thấy hiu hiu gió, thì hay chị về

Hồn còn mang nặng lời thề,

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.”

Nguyễn Du đã sử dụng một loạt những hình ảnh, từ ngữ liên tiếp gợi về cái chết như: “hiu hiu gió”, “hồn”, “nát thân bồ liễu”, “dạ đài”, “người thác oan”. Kiều đã đưa ra dự cảm không lành về tương lai mờ mịt của mình. Đó là sự tuyệt vọng tột cùng của nàng khi không thể nắm được số phận của bản thân. Nàng đã tưởng tượng ra cảnh mình chết oan, chết hận, không nơi nương tựa. Linh hồn của nàng sẽ mãi không thể nào siêu thoát được bởi trong lòng nàng luôn đau đáu lời thề ước với Kim Trọng. Qua những câu thơ ấy, người đọc có thể thấy được sự đau đớn, tuyệt vọng tột cùng của Kiều. Nàng sẽ mãi mãi không thể tha thứ cho sự thất hứa của bản thân. Đồng thời cũng thể hiện tấm lòng thủy chung, sắt son, một lòng hướng về Kim trọng của Thuý Kiều:

“Dạ đài cách mặt, khuất lời,

Rảy xin chén nước cho người thác oan.”

Kiều đã dặn dò Vân hãy nhớ tới và giúp nàng rửa nỗi oan khuất này. Điển tích “đền nghì trúc mai” thể hiện việc đền ơn đáp nghĩa. Và hành động “rưới xin giọt nước” là muốn nhờ Vân có thể tẩy oan cho mình. Đó là nỗ bứt rứt, dằn vặt khôn nguôi trong lòng Kiều. Bây giờ đây, trước khi phải bán mình chuộc cha, Kiều lại như càng nhớ và càng thương Kim Trọng hơn bao giờ hết.

Thông qua tám câu thơ dặn dò Vân với những hình ảnh giàu giá trị biểu cảm và nghệ thuật miêu tả nội tâm, ta có thể thấy sự mâu thuẫn to lớn thường trực trong tâm trạng Thúy Kiều. Kiều đã trao kỉ vật cho em, nhờ em trả nghĩa cho mình, thế nhưng lời gửi trao ấy lại chất chứa bao đau đớn, khổ đau, giằng xé và chua chát với chính bản thân mình.

Ở tám câu thơ tiếp theo, Kiều lại trở về thực tại đau xót khi nhớ tới Kim Trọng:

“Bây giờ trâm gãy bình tan,

Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!

Trăm nghìn gửi lạy tình quân

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.

Phân sao phận bạc như vôi?

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.

Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”

Đến đây, Nguyễn Du đã chuyển từ những câu thơ đối thoại sang độc thoại của Thuý Kiều. Từ đó có thể miêu tả nội tâm dằn vặt, xót xa của nhân vật. Lúc này đây, nàng ý thức rõ về cái hiện hữu của mình thông qua những hình ảnh “trâm gãy gương tan”, “tơ duyên ngắn ngủi”, “phận bạc như vôi”, “nước chảy hoa trôi lỡ làng”. Đó là cách để gợi tả số phận đầy đau khổ, bạc bẽo,  dở dang, lênh đênh trôi nổi của Kiều về sau. Có lẽ nàng đã đoán trước tương lai không yên bình của bản thân.

Nguyễn Du đã sử dụng nghệ thuật đối lập giữa quá khứ với tương lai, nhằm khắc sâu nỗi đau của Thuý Kiều ở hiện tại. Kiều đã tự nhận mình là “người phụ bạc” vì đã không giữ được lời hứa sắt son với chàng Kim. Giờ đây, nàng chỉ có thể “lạy” để tạ lỗi và vĩnh biệt mà thôi. Cái tên Kim Trọng được Kiều gọi đến hai lần trong một câu thơ,đó là cái gọi tên đầy tức tưởi, nghẹn ngào và đau đớn đến gần như mê sảng. Bản thân mình đã phải quên đi nỗi đau đớn của bản thân mà hi sinh vì người khác, đó là lòng bao dung và vị tha cao quý của Thuý Kiều.

Bằng cách sử dụng từ ngữ biểu cảm độc đáo, nhiều thành ngữ, câu cảm thán, điệp từ và hình ảnh mang tính tượng trưng, 16 câu thơ cuối bài Trao Duyên đã để lại nhiều suy ngẫm trong lòng độc giả. Và có lẽ, trong suốt hành trình chìm nổi phía trước, Kiều sẽ nhớ mãi về ngày hôm ấy và dằn vặt, không thể tự tha thứ cho chính mình. Đó chính là cái nhìn thấu hiểu, đồng cảm và yêu thương sâu sắc của tác giả Nguyễn Du.

---/---

Thông qua dàn ý và một số bài văn mẫu Phân tích 16 câu cuối bài Trao duyên tiêu biểu được Top lời giải tuyển chọn từ những bài viết xuất sắc của các bạn học sinh. Mong rằng các em sẽ có khoảng thời gian vui vẻ và hữu ích khi học môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 28/03/2022 - Cập nhật : 20/11/2022