logo

Kết bài trao duyên 14 câu giữa

Tuyển chọn những mẫu kết bài Trao duyên 14 câu giữa hay được Top lời giải biên soạn, tổng hợp chi tiết, đầy đủ từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé! 


Kết bài Trao duyên 14 câu giữa - Mẫu 1

Đoạn trích “Trao duyên” là tình yêu và cũng là số phận bi kịch của Kiều. Nguyễn Du đã thành công trong việc miêu tả nội tâm của nhân vật. Tuy tác phẩm đã ra đời cách nay mấy trăm năm nhưng câu chuyện về thân phận và vẻ đẹp người phụ nữ vẫn là nỗi nhức nhối trong xã hội cả trước và nay.


Kết bài Trao duyên 14 câu giữa - Mẫu 2

Đoạn trích là những dòng thơ thể hiện bi kịch tình yêu bậc nhất trong Truyện Kiều. Qua đó, bộc lộ phẩm chất cao quý của Thúy Kiều trong tình yêu. Trước sự tan vỡ của tình yêu, nàng làm tất cả những gì có thể làm được để người mình yêu được hạnh phúc nhưng người đau khổ nhất vẫn là nàng. Nhờ thế mà đoạn trích đã thể hiện được tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du: nỗi cảm thông sâu sắc đối với những đau khổ và khát vọng hạnh phúc, tình yêu của con người.


Kết bài Trao duyên 14 câu giữa - Mẫu 3

Qua đây ta thấy hậu quả mà xã hội xưa đã đày đọa con người ta đến đường cùng, cướp đi quyền yêu và hạnh phúc, khiến cho một cô gái “xuân xanh” như Kiều lại bế tắc nghĩ đến cái chết. Nàng vùng vẫy vọng tuyệt vọng, muốn biết tại sao mình lại phải hy sinh thân mình, trao duyên, chịu đựng giằng xé vì một lỗi lầm không phải của ai cả. Sự không cam lòng ấy lại chẳng thể chia sẻ với ai, không ai thấu hiểu nên càng bế tắc.

Cả cuộc đời, Kiều vẫn luôn sống trong sự trăn trở với những câu hỏi xem mình làm vậy có đúng hay không. Và ngòi bút nhân đạo Nguyễn Du đã nhìn thấy sự khốn khổ đó của con người trong xã hội cũ và để sự tự ý thức về cuộc đời, số phận, phẩm chất lần đầu tiên được bộc lộ rõ ràng, quyết liệt như thế. Nhà thơ đã lên tiếng che chở cho nhu cầu hạnh phúc cơ bản, vốn có của con người.


Kết bài Trao duyên 14 câu giữa - Mẫu 4

Bằng nghệ thuật khắc họa, miêu tả nội tâm nhân vật, ngôn ngữ độc thoại sinh động, sử dụng ngôn từ điêu luyện tác giả đã cho người đọc thấy được tâm trạng vật vã, đau đớn rồi ngất đi trong tiếng kêu thảng thốt, ai oán của Thúy Kiều. Đó là tâm trạng đau đớn đến cùng cực của Kiều khi phải nhường lại tình yêu của mình và Kim Trọng. Qua đó thấy được bi kịch mà người phụ nữ xưa phải chịu rất nghiệt ngã. Thời gian trôi qua đã hàng trăm năm nhưng đoạn trích Trao duyên nói riêng và kiệt tác Truyện Kiều nói chung vẫn còn nguyên giá trị bởi tài năng miêu tả tâm lí nhân vật của Nguyễn Du đã đạt đến đỉnh cao.


Kết bài Trao duyên 14 câu giữa - Mẫu 5

Có thể thấy Thúy Kiều là một người con gái mang thân phận đau khổ nhưng nhân cách sáng ngời, trong tâm hồn Kiều không có sự phân chia lí trí hay tình cảm, nhân cách hay thân phận mà hòa quyện chặt chẽ với nhau. Nhờ có bút pháp miêu tả nội tâm nhân vật tài hoa của Nguyễn Du cùng với ngôn từ độc thoại sinh động mà ta cảm thấy Thúy Kiều sống động và chân thực hơn, gần gũi tự nhiên chứ không hẳn là một tấm gương đạo lí.


Bài văn cảm nhận 14 câu giữa bài Trao duyên

     Nguyễn Du được mệnh danh là đại thi hào của dân tộc, ông đã từng sống gian khổ ở nhiều vùng quê khác nhau nên đã chứng kiến những bất công của cuộc đời và có tấm lòng thương cảm đặc biệt với những người phụ nữ tài hoa bạc mệnh. Sau khi đi sứ sang Trung Quốc, Nguyễn Du đã sáng tạo kiệt tác ''Truyện Kiều''. Đoạn trích "Trao Duyên" trong Truyện kiều là một đoạn trích thể hiện cảnh tan vỡ, dang dở tình duyên của Thúy Kiều và Kim Trọng.

     Biến cố xảy đến bất ngờ khi đoạn tình cảm giữa Kim và Kiều đang độ nồng thắm. Lại thêm không có Kim Trọng ở cùng, Kiều đã rơi vào hoàn cảnh bế tắc. Sau khi thu xếp việc bán mình để cứu cha và em xong xuôi, ngày mai nàng sẽ phải theo Mã Giám Sinh rời đi. Sau khi đã lo liệu cho gia đình thì nằng mới nghĩ đến đoạn tình cảm của mình và Kim Trọng nên cuối cùng, nàng đã tìm cách thuyết phục và trao duyên cho em. Thúy Vân vì cảm thông, đã nhận lấy những kỷ vật giữa chị và chàng Kim:

 ''Chiếc vành với bức tờ mây

Duyên này thì giữ vật này của chung

Dù em nên vợ nên chồng

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên

Mất người còn chút của tin

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa''

     Thúy Kiều từ từ trao lại những kỷ vật tình yêu với Kim Trọng là "chiếc vành", ''bức tờ mây'' rồi đến ''phím đàn'', ''mảnh hương nguyền'' cho Thúy Vân. Kiều đưa từng món một. Mỗi vật đều gắn với một kỷ niệm, mang một ý nghĩa của mối tình giữa hai người. Với Vân, có thế đó chỉ là những vật vô tri, nhưng với Kiều mỗi kỷ vật là cả một vùng trời ký ức, là lời thề nguyền gắn bó trăm năm... gắn liền với những ngày đẹp nhất đời Kiều. Khi đã đưa tất cả lại cho Thúy Vân, nàng còn dặn với ''Duyên này thì giữ vật này của chung''. Duyên giữa Kiều và Kim Trọng được giao cho Thúy Vân.

Kết bài trao duyên 14 câu giữa hay nhất

     ''Duyên này'' là duyên giữa người em Thúy Vân và Kim Trọng, chứ phần của Kiều coi như đã hết. Những kỷ vật này thì em hãy coi là ''của chung'' bởi còn là một phần là của chị. Nàng tiếc nuối, đau đớn khi phải chia sẻ cho người khác. Cảnh ngộ trớ trêu bắt Kiều phải ''lỗi lời thề'' nhưng trong đáy lòng nàng đâu dễ dàng nguôi đi được lời thề xưa và đoạn tuyệt tình cũ. 

     Cứ tưởng rằng ''duyên'' đã trao là lòng nhẹ bẫng không còn vướng bận, nhưng ai ngờ trong tâm hồn Kiều lại chứa đựng bao nhiêu sự giằng xé, cố níu kéo trong đau đớn. Lý trí bắt buộc Kiều phải dứt tình với Kim Trọng nhưng tình cảm của nàng lại không thể tuân theo một cách dễ dàng. Nỗi đau như càng dâng lên ở câu thơ "dù em nên vợ nên chồng" - Kiều tự thấy đáng thương bản thân, cảm thấy mình là người mệnh bạc để người khác phải xót xa thương hại. 

     ''Mất người còn chút của tin'' nàng chỉ có thể trao duyên còn tâm tình nàng vẫn không thể trao, nàng đau đớn đến nỗi nghĩ tới cái chết. Nàng vừa dùng dằng, vừa gửi gắm tất cả lại cho Thúy Vân rồi tâm trạng mâu thuẫn thật sự trong lòng nàng mới bùng lên mạnh mẽ nửa muốn trao, nửa muốn giữ. Mất bao công sức để thuyết phục Thúy Vân nhưng chính lúc em mình chấp nhận cũng là lúc Kiều bắt đầu chơi vơi cố níu tình yêu lại với mình. Sau đó Kiều để mặc cho cảm xúc trong lòng tuôn tràn.

     Điều đặc biệt nằm ở chữ ''giữ'' và ''của chung''. ''Giữ'' không phải là trao hẳn mà chỉ là đưa cho em ''giữ'' hộ. Còn chữ ''của chung'' lại thể hiện tâm lý của Kiều không đành lòng trao tất cả lại cho Thúy Vân. Điều đó chứng tỏ tình yêu của nàng và Kim Trọng thật nồng nàn, sâu sắc. Tuy nhiên, Kiều vẫn trao duyên cho em, khẳng định nàng đã đặt hạnh phúc của người yêu lên trên hết. Đoạn thơ là một tiếng nghẹn ngào chứa đầy tâm trạng của nàng khi ấy, làm người đọc cảm thấy đau lòng. 

     Quá đắng cay cho số phận của mình, thấy rõ là mình mệnh bạc, tất cả chỉ còn là quá khứ, Thúy Kiều nghĩ đến một tương lai mù mịt, đau thương khi mình đã chết. Hơn lúc nào hết, ý nghĩ đó cứ hiện ra và rõ nét dần.

''Mai sau dù có bao giờ 

Đốt lò hương ấy so tơ phím này 

Trông ra ngọn cỏ lá cây 

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về 

Hồn còn mang nặng lời thề 

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai''

     Đoạn thơ như một lời chiêu hồn buồn thăm thẳm, một hơi thở khác hẳn với lúc bắt đầu Trao duyên. Đây vẫn là những lời tâm sự của nàng với chàng Kim mà sao lời lẽ lại trở nên xa lắng, mù mịt, phảng phất ma mị như từ cõi bên kia vọng về đến thế. Hàng loạt từ nói về cõi chết: cùng với âm điệu chập chờn, hư ảo, thời điểm không xác định ''mai sau'', ''bao giờ'', không khí linh thiêng ''đốt lò hương'', ''so tơ phím'', hình ảnh phất phơ, ma mị ''ngọn cỏ lá cây'', ''hiu hiu gió'',... Kiều bắt đầu cảm nhận rõ hơn về những bi kịch mà mình sắp trải qua. Nàng cảm thấy bản thân thật đáng thương.

     Nàng tưởng tượng đến cảnh tượng hạnh phúc của Trọng - Vân, còn mình chỉ là linh hồn ''xương trắng quê người'', bất hạnh nhưng vẫn ''mang nặng lời thề'', vẫn mong muốn được theo làn gió nhẹ ''hiu hiu'' trên ''ngọn cỏ lá cây'' để trở về cõi trần gặp lại người thương yêu. Duyên tình của Kiều đã hết, kỷ vật tình yêu cũng đã trao cho Vân, nhưng hồn của nàng vẫn chưa dứt nổi Kim Trọng. Thế mới biết nàng thủy chung đến mức nào. Nàng cô đơn, tuyệt vọng và dự cảm được tương lai đầy bất hạnh của chính mình. Nghĩ đến đấy, Thúy Kiều tha thiết:

''Dạ đài cách mặt khuất lời 

Rưới xin giọt nước cho người thác oan''

     Lo cho người khác đã xong xuôi, nàng mới tự nhìn lại mình mà tủi thân. ''Dạ Đài" là nơi âm phủ, trong cảnh ngộ ''cách mặt khuất lời'' hồn Thúy Kiều vẫn khao khát nhận được sự cảm thông, nên chỉ xin Trọng một ''chén nước'' để tẩy oan. Chứng tỏ Thúy Kiều vẫn khao khát được trở về cõi trần thế để chứng minh cho ty bất diệt của mình. Nàng đau khổ, sợ hãi trước tương lai mù mịt...Thế mới thật sự là giằng xé tâm can.

     Dưới ngòi bút tài hoa tuyệt thế của Nguyễn Du, Thúy Kiều hiện lên rất rõ là một cô gái vị tha và giàu lòng yêu thương nhưng vô cùng nhạy cảm. Qua nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật và thông qua lời đối thoại và độc thoại, nỗi đau và tâm hồn của Kiều càng được thể hiện tinh tế, sinh động, sâu sắc và đầy tâm trạng của Thúy Kiều.

     Đoạn trích là những bức tranh về bi kịch tình yêu bậc nhất trong Truyện Kiều. Qua đó, bộc lộ phẩm chất cao đẹp của Thúy Kiều trong tình yêu. Trước sự tan vỡ của tình yêu, nàng làm tất cả những gì có thể làm được để người mình yêu được hạnh phúc và chịu hết đau đớn về phần mình. Đoạn trích đã thể hiện được tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du: nỗi cảm thông sâu sắc đối với bất hạnh của con người trong xã hội xưa.

Trên đây là một số mẫu kết bài Trao duyên 14 câu giữa mà Top lời giải đã biên soạn. Hy vọng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em có một bài văn thật tốt!

icon-date
Xuất bản : 07/05/2022 - Cập nhật : 20/11/2022