Tham vấn chuyên môn bài viết
Giáo viên:
Hoàng Thị Dung
Giáo viên Ngữ Văn với 3 năm kinh nghiệm
Tham vấn chuyên môn bài viết
Giáo viên:
Hoàng Thị Dung
Giáo viên Ngữ Văn với 3 năm kinh nghiệm
Bài thơ “Người con gái Việt Nam” của nhà thơ Tố Hữu là bản anh hùng ca về sự can trường bất khuất của người nữ chiến sĩ Việt Nam. theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi để thấy được hình ảnh người phụ nữ Việt Nam kiên cương, bất khuất ra sao nhé!
Đề bài: Anh chị hãy viết bài văn nghị luận phân tích đánh giá về ba khổ thơ đầu Người Con Gái Việt Nam của nhà thơ Tố Hữu.
Bài làm
Tố Hữu là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến, do đó các tác phẩm của ông thường có đề tài ngợi ca đất nước, tình đồng chí, những người con Việt Nam bình dị mà quật cường. Sự hung tàn của chiến tranh đã khiến nhiều người trải qua cảnh ngộ đau thương, nhưng họ vẫn tỏa sáng vẻ đẹp tinh thần kiên trung ái quốc. Đó cũng là hình ảnh cô gái trong bài thơ “Người con gái Việt Nam”.
Tố Hữu mở đầu bài thơ bằng một câu hỏi ngỡ ngàng: “Em là ai?”. Sự ngỡ ngàng của tác giả lan truyền sang người đọc, vì tên đề bài thơ là “Người con gái Việt Nam”, khó có thể hiểu vì sao tác giả lại ngạc nhiên thốt lên câu hỏi vậy.
Tiếp theo đó là một loạt câu hỏi liên tục:
“Em là ai? Cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây hay là mây là suối
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông
Thịt da em hay là sắt là đồng?”
Sử dụng biện pháp so sánh tu từ, tác giả đã miêu tả cô gái với vẻ ngoài mạnh mẽ và bản năng quyết liệt sắc bén bên trong. Những hình tượng so sánh mây suối, chớp lửa, sắt đồng đem lại ấn tượng cho người đọc về một nữ chiến binh của trời, một “nàng tiên” không hề lả lướt mà rất hiên ngang kiêu hãnh.
Nhưng đến đoạn thơ sau, tác giả lại miêu cô gái có đôi bàn chân “lạnh ngắt”, đôi bàn tay “như đôi lá còn xanh” đang “nắm chặt”, và cả thân hình cô đang oằn mình đau đớn. Đó là hình ảnh trái ngược hẳn với những miêu tả anh dũng ban đầu. Bây giờ cô lại xuất hiện với dáng vẻ yếu mềm và đầy những tổn thương. Đến đoạn cuối, tác giả cho người đọc hiểu được lý do cô lại “đau đớn cả thân cành”. Với một loạt hành động dã man “điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung”, mỗi hành động ngăn cách bởi một dấu phẩy và thể hiện trong cùng một câu thơ cho thấy những đòn tra tấn dồn dập liên tiếp của kẻ thù, cùng nỗi uất hận của tác giả trước sự tàn ác của chúng để lên người một cô gái trẻ.
Sự miêu tả đối lập giữa hai đoạn thơ khiến người đọc nhận ra đây là cô gái có thật chứ không phải nàng tiên trong ảo mộng. Cô đang bị thương tích đầy người và chưa tỉnh lại. May mắn thay, sự sống vẫn còn trong cô và cô đang dùng ý chí quật cường để kháng cự lại những đau đớn hành hạ cơ thể. Một cô gái còn trẻ nhưng có bản lĩnh sống đáng kinh ngạc khiến người ta phải nể phục. Chính lòng yêu nước và khao khát tự do là động lực để cô vượt qua những trận tra tấn của quân giặc. Cũng chính điều đó tiếp tục là động lực nuôi dưỡng và duy trì tính mạng của cô.
Tố Hữu đã tha thiết:
“Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
Em đã sống lại rồi, em đã sống!”
Tiếng gọi như muốn đánh thức cô khỏi cơn ác mộng. Câu cảm thán vừa mang nỗi vui mừng vừa khẳng định một thực tế hiển nhiên “em đã sống”. Câu cuối của khổ thơ, Tố Hữu khẳng định lần nữa “Không giết được em, người con gái anh hùng!”. Lời khẳng định mạnh mẽ ấy chất chứa niềm tự hào. Người con gái Việt Nam tưởng như nhỏ bé nhưng lại mang một sức sống mãnh liệt. Sức sống ấy được hun đúc từ tình yêu quê hương và gia đình, người thân. Khi có giặc ngoại xâm làm nguy hại đến những gì mình yêu quý, tình yêu đó sẽ trở thành phương tiện vô hình nhưng hữu hiệu giúp con người mạnh mẽ, quyết tâm đứng lên bảo vệ những người mình yêu thương.
Nhà thơ Tố Hữu đã khẳng định dù quân giặc tàn ác thế nào cũng không giết chết được “người con gái anh hùng”, qua đó cũng khẳng định chúng sẽ không giết được tình yêu đất nước, ý chí đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Đồng thời tác giả thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối về chiến thắng và nền độc lập sẽ đến với đất nước. Bởi hung tàn không thể thắng được chính nghĩa là đạo lý ở đời, như những câu thơ bất hủ của Lý Thường Kiệt:
“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc đến xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!”
Bài thơ “Người con gái Việt Nam” của Tố Hữu khiến người đọc thấu hiểu sự bạo tàn của chiến tranh, qua đó ngời sáng hình ảnh chiến sĩ Việt Nam dũng cảm, can trường như tia chớp lửa mạnh mẽ vượt xuyên đêm đen lạnh giá. Đó là những con người kiên cường với tâm nguyện “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Thế hệ con cháu chúng ta phải biết trân quý những bậc cha anh trước đã không tiếc bản thân cho nền độc lập mà chúng ta đang thừa hưởng.
>>> Xem thêm:
- Viết đoạn văn phân tích khổ 3 bài thơ "Người con gái Việt Nam"
- Nghị luận bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu