logo

Viết đoạn văn phân tích khổ 3 bài thơ "Người con gái Việt Nam"

Tố Hữu là một trong những nhà thơ tiêu biểu về thơ ca cách mạng, với tình yêu lớn lao dành cho Đảng và sự cảm thông san sẻ trước sự vất vả anh hùng của những nữ thanh niên xung phong thời chiến tranh. Sau đây, Toploigiai sẽ cùng bạn Viết đoạn văn phân tích khổ 3 bài thơ “ Người con gái Việt Nam “ để hiểu rõ hơn về tấm lòng kiên trung bất khuất của những cô gái sáng ngời trong mưa bom bão đạn mịt mù của chiến nhé!


Phân tích khổ 3 bài thơ "Người con gái Việt Nam" - Mẫu số 1

Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng

Em đã sống lại rồi, em đã sống!

Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung

Không giết được em, người con gái anh hùng!

      Vừa đọc những câu thơ đầu tiên, bồi hồi trong ta là tiếng lòng thổn thức nghẹn ngào của chính tác giả: “ Tỉnh lại em ơi!”. Đó không phải là lời đánh thức sau một giấc chiêm bao đẹp, mà là sự xót xa nghẹn ngào sau thời khắc họ bị quân địch tra tấn đánh đập tàn bạo. Nếu ở đoạn thơ đầu, Tố Hữu còn tự hỏi liệu “ em “ là cô gái hay nàng tiên - thì ở đây, “ em “ là nữ thanh niên xung phong kiên cường bất khuất. Người con gái ấy khi ở cái độ đẹp nhất của tuổi xuân thì, lại phải chịu sự hành hạ tra tấn dã man của quân địch. “ Em đã sống lại rồi, em đã sống! “ - nhịp thơ 5/3 cùng dấu phẩy ở giữa như một dòng cảm xúc nghẹn ngào ngắt quãng rồi bâng khuâng. Bởi, biện pháp liệt kê một loạt các hành động đã diễn tả cho ta thấy người con gái ấy đã phải trải qua những thời khắc khó khăn như thế nào. Mưa bom bão đan nơi chiến trường lạnh giá dã đành, đây lại còn phải chịu sự tra tấn của” điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung”. Chỉ mới nghe thôi, ta đã thấy thực khủng khiếp tới độ nào. Một người con gái chân yếu tay mềm, làm sao có thể chịu đựng được qua những sự dã man tàn bạo như thế? Vậy mà em vẫn kiên cường vượt qua - không giết được em, người con gái anh hùng! Đứng trước dùi đâm dao cắt, người con gái ấy vẫn không chùn bước hoảng sợ, quyết không bán rẻ lương tâm cùng anh em - đồng đội và nước nhà. Người con gái ấy không chỉ nói riêng cho ai, mà là đại diện cho tất cả vẻ đẹp của người Việt Nam, với bản tính kiên cường bất khuất quyết đấu tranh cho nền độc lập hòa bình. Trải qua biết bao nhiêu tháng năm lịch sử, tấm gương kiên trung về những người con gái anh dũng ấy vẫn mãi sáng ngời, hòa cùng vói nền độc lập của quê hương, đất nước. 

Viết đoạn văn phân tích khổ 3 bài thơ "Người con gái Việt Nam"

Phân tích khổ 3 bài thơ "Người con gái Việt Nam" - Mẫu số 2

      Lẽ sống cống hiến hết mình cho Tổ quốc, cho lẽ phải vốn là chủ đề tiêu biểu đại diện cho thơ ca cách mạng xuyên suốt một thời kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Đó có thể là chân dung về những anh lính “ áo anh rách vai - quần tôi có vài mảnh vá”, da tái lên vì sốt rét rừng trong Đồng Chí, cũng có thể là người phụ nữ kiên cường bất khuất ngẩng cao đầu dù bị tra tấn dã man trước kìm kẹp lửa nung. Đó là bức chân dung của nhân vật “ em “, được tái hiện trong khổ 3 của bài thơ “ Người con gái Việt Nam”. Sự kiên cường bất khuất của nhân vật ấy, được tái hiện rõ nét nhất qua câu thơ: “ Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung - Không giết được em, người con gái anh hùng! “ Họ là những người con gái đáng thương, khi phải chịu sự tra tấn hành hạ dã man của quân kẻ thù bất nghĩa. Ta thử hỏi tại sao chúng lại rắp tâm tàn nhẫn tra tấn một người con gái yếu mềm, bằng những phương pháp cực hình và đau khổ nhất? Dùng điện để giật, lấy dùi để đâm, lấy dao để cắt, lấy lửa để nung nóng rồi dí vào làm người con gái vì bỏng và hoảng sợ để khai thác thông tin. Đó là sự lên án, tố cáo gay gắt những hành động bất nghĩa bất nhân. Câu cảm thán “ Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng!” của Tố Hữu như một tiếng lòng nghẹn ngào thổn thức, bày tỏ sự thương xót vô hạn của tác giả trước người con gái kiên cường. Ông tự nhận ra được rằng, chính tình yêu tổ quốc và khát khao độc lập đã tiếp thêm cho họ nguồn sức mạnh to lớn, để vượt qua hết sự đau đớn ác liệt của đòn roi kẻ thù. Nỗi đau bị giày vò thể xác được họ coi nhe, chẳng là gì so với nỗi đau mất nước, cửa nát nhà tan. Vậy nên, họ đã vượt qua tất cả khó khăn ấy, mạnh mẽ ngẩng cao đầu đầy hãnh diện: “ Không giết được em, người con gái anh hùng.” Điệp từ “ em “ được rải đều từ đầu tới cuối đoạn, cho ta thấy xuyên suốt mạch thơ, là cảm hứng trữ tình về nhân vật em - người con gái thanh niên xung phong can trường dũng cảm. Nhịp thơ nhẹ nhàng như lời tâm sự, nhưng không vì thế mà mất đi cái vẻ mạnh mẽ hào hùng. Qua đó, Tố Hữu đã thành công tái hiện, ca ngợi phẩm chất cao đẹp của người con gái thanh niên xung phong. Đó là khát khao sống để cống hiến cho độc lập tự do của dân tộc, sẵn sàng bỏ lại tuổi xuân đẹp nhất nơi chiến trường: 

Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng

Em đã sống lại rồi, em đã sống!

Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung

Không giết được em, người con gái anh hùng!

----------------------------------------

Vừa rồi, Toploigiai đã cùng các bạn Viết đoạn văn phân tích khổ 3 bài thơ "Người con gái Việt Nam". Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 22/04/2023 - Cập nhật : 06/07/2023