logo

Một mai một cuốc một cần câu

Tuyển tập những bài văn hay Phân tích vẻ đẹp của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn đầy đủ, hay nhất giúp bạn có các cách hành văn mới mẻ để đạt điểm cao môn Ngữ văn. 

Đề bài: Phân tích vẻ đẹp của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn 

Nhàn

Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn, người đến chốn lao xao

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

Rượu, đến gốc cây, ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý, tựa chiêm bao.


I. Dàn ý chung Phân tích vẻ đẹp của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn 

MỞ BÀI:

Giới thiệu về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm và tác phẩm như:

- Hiệu là Bạch Vân cư sĩ, xuất thân trong gia đình trí thức Nho giáo. Ông thông minh học giỏi nhưng đến năm 45 tuổi mới đi thi dưới thời triều Mạc.

- Làm quan trong triều, một lần ông dâng sớ xin chém lộng thần mà không được, ông đành treo mũ xin về quê nhà => lí do mà Nguyễn Bỉnh Khiêm ở ẩn

- Ông tiêu biểu cho tầng lớp trí thức thế kỷ XVI, không cộng tác với kẻ cầm quyền, chọn con đường ẩn dật để giữ gìn khí tiết.

- Thơ văn ông có chủ đề lớn là hình ảnh về phê phán xã hội phong kiến, yêu nước thương dân, thế thái nhân tình (hiểu là thói đời tình người), đạo lý cuộc sống, nhàn dật triết lý.

- Bài thơ Nhàn là bài thơ tiêu biểu cho phong cách ấy, qua cảm nhận ta sẽ thấy thấu đáo hơn về cuộc sống và nhân cách đẹp của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

THÂN BÀI:

 Hình ảnh một lão nông cùng với những dụng cụ lao động hiện ra ở câu thơ đề đầu tiên:

“Một mai, một cuốc, một cần câu,"

Tác giả sử dụng số từ để liệt kê những công cụ lao động :một mai, một cuốc, một cần câu

=> chúng có nghĩa đơn lẻ, ta hiểu là một; là những dụng cụ phổ biến của người dân Việt. Mai (dụng cụ có lưỡi sắt nặng, rộng ngang dùng để đào đất), cuốc (nông cụ để xới đất), cần câu (dụng cụ có buộc sơi dây để câu cá)

“Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.” :miêu tả trạng thái của Nguyễn Bỉnh Khiêm, lặng lẽ mà tận hưởng cuộc sống hiện tại

=> ý thức kiên định với lối sống đã chọn, lối sống không vướng tục trần, chất phác và nguyên sơ.

 Hai câu thực: Lựa chọn cuộc sống thanh đạm, tự nguyện hòa nhập với thiên nhiên, vì ông không muốn bon chen với sự ganh đua người đời 

=> nhân cách cao đẹp:

“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,

Người khôn, người đến chốn lao xao.”

Dại, khôn được nhắc đến. “Ta dại, người khôn” : Nguyễn Bỉnh Khiêm có ý thích thú, khen mình mà chê người. người đời tranh nhau và phê phán nhau ở chữ dại khôn

=> triết lí sống, khẳng định sự hơn người của Nguyễn Bỉnh Khiêm

“nơi vắng vẻ” : Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng đây mới là nơi khiến tâm hồn ta tĩnh tâm cảm nhận cuộc sống, còn “chốn lao xao”: là nơi làm tâm hồn ta bị khuấy động bị cuốn theo vòng xoay danh lợi

=> sâu sắc và tinh tế

 Hai câu luận: Cuộc sống đạm bạc “Thu ăn măng trúc đông ăn giá, xuân tắm hồ sen hạ tắm ao”. Những thức ăn quê mùa dân dã: măng, trúc, giá đỗ.

=> là tự mình làm ra, cây nhà lá vườn gần gũi.

Chuyện sinh hoạt “tắm hồ sen, hạ tắm ao”: mùa hạ sen ở hồ nở nhiều, mùa hạ thì đồng sen có lẽ đã tàn => chỗ có sẵn không phải nhọc công tìm kiếm nói lên chất đơn sơ giản dị Nguyễn Bỉnh Khiêm.

 Hai câu kết: Nguyễn Bỉnh Khiêm tỉnh táo, xem thường danh lợi phú quý

“Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp,

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.”

- Trong hơi men nồng nàn cùng sự bình yên của làng quê nhà thơ nhận ra phú quý quả thật chỉ là một giấc chiêm bao. Nó cũng sẽ mau chóng tan thành mây khói.

Nghệ thuật:

- Nhịp điệu những câu thơ đầu tạo cảm giác thư thái, ung dung.

- sử dụng phép đối: dại >< khôn, nơi vắng vẻ >< chốn lao xao.=> nổi bật sâu sắc

- liên tưởng so sánh “phú quý” và “chiêm bao” => nhận thức phú quý rồi cũng chỉ là thứ phù du không đáng bận tâm.

KẾT BÀI: 

     Nhàn là một lời tâm sự thâm trầm và sâu sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm về quan niệm sống. bài thơ vẻn vẹn 8 câu nhưng cảm xúc không hề bị bó hẹp, người đọc cảm nhận được vẻ đẹp về cách sống, cách suy nghĩ, nhận thức và nhân cách cao cả của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Một mai một cuốc một cần câu

II. Bài văn mẫu tham khảo Phân tích vẻ đẹp của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn 


Bài mẫu 1:

     Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại hơn 700 bài thơ chữ Hán và chữ Nôm. Các bài thơ được tập hợp trong Bạch vân am thi tập và 170 bài thơ chữ Nôm trong Bạch vân quốc ngữ thi. Thơ ông mang đậm chất triết lí giáo huấn, ngợi ca chí của kẻ sĩ, thú thanh nhàn, đồng thời phê phán thói đời đen bạc trong xã hội. Bài thơ Nhàn là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho lối sống, một cách xử thế của Nguyễn Bỉnh Khiêm ngay trong thời đại có nhiều biến động dữ dội nhất của lịch sử.

Một mai, một cuốc, một cần câu, 
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào. 
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ, 
Người khôn, người đến chốn lao xao. 
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá, 
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao. 
Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống, 
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

     Nhan đề của bài thơ Nhàn do người đời sau đặt cũng là một sự tri ân với tác giả. Chữ Nhàn trong bài nhằm chỉ một quan niệm, một cách xử thế. Vẻ đẹp nhân cách của nhà thơ được thể hiện qua cách nghĩ, cách sống trong sạch, khiết tịnh và đầy lạc quan của bậc tài danh:

Một mai, một cuốc, một cần câu, 
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào. 
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ, 
Người khôn, người đến chốn lao xao.

     Trong lịch sử, Nguyễn Bỉnh Khiêm được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam – Bắc triều, cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam. Dưới thời phong kiến của Việt Nam, ông là một trong số rất hiếm văn nhân Nho gia không phải quan tướng nắm binh quyền và chưa từng cầm quân ra trận nhưng được phong tới tước Trình Quốc Công ngay từ lúc còn sống. Lúc từ quan, ông về ở ẩn nơi quê nhà, mở trường dạy học, sống gần gũi với thiên nhiên Bởi thế, thiên nhiên trong thơ ông mang một vẻ đẹp vừa hồn hậu, vừa triết lý cao sâu. Hai câu thơ đầu toát lên phong thái thoát tục của bậc tài danh giữa cuộc đời:

“Một mai, một cuốc, một cần câu, 
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”.

     Từ “một lặp lại ba lần làm hiện lên một cuộc sống đơn sơ, bình dị, không cầu kì vật chất. Tất cả đều là củ vườn quê, trong tư thế lao động. Câu thơ cho thấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm đề cao lao động chân chính, quý trọng sức lao động của con người. Của cải tạo ra phải bằng sức lao động và tâm hồn trong sáng của con người mới đích thực là của quý ở đời. Người quân tử tiếp thu cái mạch của đất, nhận lấy cái khí của trời để tạo tác nên khí chất cứng cỏi, thanh cao, thuần với tự nhiên.

     Tuy không sa đà vào học thuyết của Lão Tử, song Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng thể hiện một lối sống “vô vi”: “Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”. Cái “vô vi” của Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa hẳn là phủ nhận mọi sự tồn tại của đời sống lý trí nhưng cũng tiệm cận đến sự thoát ly đời sống vật chất tiện nghi, đạt đến sự khiết tịnh của nhân tâm, một sự khiết tịnh thường thấy của các bậc nho gia. Xuất thân là bậc trí học thượng thừa, uy danh cũng đứng đầu thiên hạ, vị thế ấy có thể có được một cuộc sống tột bậc cao sang. Thế nhưng, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sớm từ bỏ con đường quan trường, tìm kiếm một cuộc sống thanh tịnh, tu tâm dưỡng đạo, sống cuộc đời thanh bần, an lạc trong đạo triết của mình, tạo phúc cho thiên hạ. Một phần là bởi thời cuộc quá nhiễu nhương, chính pháp bị xem thường, phần chính là bởi ông yêu mến tự cảnh, muốn giữ gìn và phát huy minh triết của Nho gia. Bởi thế mà ông đã đặt mình ở nơi vốn còn tồn chứa nguồn mạch sự sống chân thiện để tĩnh tâm:

“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ, 
Người khôn, người đến chốn lao xao”.

     “Nơi vắng vẻ” là nơi tĩnh tại của thiên nhiên và nơi thảnh thơi của tâm hồn. Đó cũng là nơi không người cầu cạnh ta và ta cũng không cầu cạnh người. Mọi mối quan hệ đều bình đẳng, trong sạch và tĩnh lặng. “Chốn lao xao” là chốn cửa quyền, sang trọng, ngựa xe tấp nập, kẻ hầu người hạ, bon chen, sát phạt. Nơi ấy, tham quyền thắng thế, đạo đức bị khinh bỉ, tiền bạc làm điên đảo con người.

     Trên cái nền mang tính triết luận, Nguyễn Bỉnh Khiêm tự thán về bản thân, có vẻ như rất nghịch lý. Người “dại” thường tìm nơi vẳng vẻ. Người “khôn” thường thích đến chốn lao xao. Đây là cách nói ngược vô cùng hóm hỉnh nhưng sâu cay.

     Nhìn vào cuộc đời, suy tư của Nguyễn Bỉnh Khiêm không khỏi khiến chúng ta giật mình. Người “dại” ấy thực chất là người “khôn”. Danh lợi, quyền lực, địa vị vốn là những ma lực không ngừng quyến rũ, lôi kéo con người đến tội lỗi. Nó làm khởi phát lòng tham, khiến con người đánh mất thiện tính, tranh đoạt không biết mệt mỏi. Người “dại” biết quay lưng lại với danh lợi, tìm sự thư thái cho tâm hồn, sống ung dung hoà nhập với thiên nhiên, tránh được những hiểm nguy ở đời quả thực là “khôn”. Còn người “khôn” tìm đến chốn lao xao, để cho ngọn lửa tham tàn thiêu đốt nhân tính, tự trói buộc mình vào ma lực của đồng tiền, cuồng quay điên đảo thì ấy là khôn dại:

“Khôn được ích mình, đừng để dại,
Dại thì giữ phận, chớ tranh khôn.
Khôn mà hiểm độc là Khôn Dại,
Dại ấy hiền lành, ấy dại khôn”.

(Khôn dại – Nguyễn Bỉnh Khiêm)

     Cái khôn của con người không phải tính bằng việc hơn thua bao nhiêu tuổi mà nó nhìn xoáy vào chiều sâu cảm nhận của mỗi người, cách nhìn sự việc và xử sự nơi cuộc sống. Đừng để tâm hồn ta lụi tàn ngay từ khi còn sống. Chính lòng tham khiến ta không còn nhận biết hay có thể thưởng thức cái đẹp chân chính ở đời. Quan niêm sống thanh cao, thoát tục khẳng định vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đó là vẻ đẹp của  trí tuệ phi thường, vượt lên trên mọi cám dỗ và ràng buộc.

     Thoát lên trên những cái tầm thường của cuộc sống, Nguyễn Bỉnh Khiêm tìm đến điểm nương tựa cho tâm hồn, cốt cách và cuộc đời mình, không gì khác ngoài một cuộc sống gắn kết với tự nhiên đầy sinh lực và đạo triết của mình:

“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá, 
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao. 
Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống, 
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”.

     Dường như, ta không thể tìm thấy một sự khiên cưỡng nào trong quan niệm sống hay lối sống của trạng Trình. Ông đặt mình trong vũ trụ như nhiên để vận động luân hòa. Mùa nào thức ấy, việc ấy, không có chi phải sầu não, lo âu.  Sống thuần hậu phải chăng là cách sống mà các vị cao nhân, ẩn sĩ luôn tu tập:

“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá, 
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”.

     Nguyễn Bỉnh Khiêm lấy các sự vật hết sức giản dị, gần gũi để làm nổi bật lên nét đặc trưng riêng của từng mùa. Thức ăn là những sản vật có sẵn xung quanh tác giả, mang đậm bản chất thôn dã. Đó là những sản vật do con người làm ra hoặc thiên nhiên ban tặng. Sinh hoạt của ông cũng hết sức nhịp nhàng, tuần hoàn theo dòng chảy của thời gian: tắm hồ sen, tắm ao. Cung cách sống thật khiêm nhường, bình dị của một bậc trí thức đại tài. Mọi nhu cầu của cuộc sống luôn được đáp ứng đủ không thừa cũng không thiếu. Cuộc sống tuy có phần đạm bạc nhưng hết sức thanh nhàn, giải phóng con người khỏi phường danh lợi, đem con người đến gần hơn với tự nhiên, hòa hợp với vạn vật. Nguyễn Trãi ở thế kỉ XIV cũng đã từng gây dựng và đề cao:

“Ao cạn vớt bèo cấy muống
Đìa thanh, phát cỏ, ươm sen”.

Và trong lúc thảnh thơi, con người lại tận hưởng cái đẹp của cuộc sống:

“Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống, 
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”.

     Có rượu tìm đến cội cây, nơi quang đãng, vắng lặng đẻ uống, để say thỏa thích, mặc sự đời trôi chảy, nhìn mọi người tranh đoạt phú quý mà cười khinh miệt. Uống rượu thì đâu cần chỉ kẻ hầu người hạ, bàn tiệc linh đình, đàn hát xôn xao. Uống rượu để thưởng nhận cái nồng say của rượu, để thưởng lãm cảnh vật, để thức ngộ chân lý cuộc đời: “phú quý tựa chiêm bao”.  Nguyễn bỉnh Khiêm nhìn cuộc đời như là một giấc mộng. Cuộc đời thực chính là những tháng ngày sống đúng nghĩa, sống vì con người, vì nhân loại.

     Cái say và giấc chiêm bao của tác giả thể hiện quan niệm sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Công danh, phú quý, cái mà mọi người đang tranh giành nhau, đối với ông chỉ như một giấc mơ chẳng có ý nghĩa gì. Cái tồn tại mãi mãi vĩnh viễn là thiên nhiên và nhân cách con người

     Câu thơ thể hiện quan điểm sống “nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sống “nhàn” là sống hòa hợp với tự nhiên, sống đạm bạc, nhàn tản, vui với thú điền viên thôn dã, xa lánh quyền quý, danh lợi để giữ cốt cách thanh cao. Để có thể sống “nhàn”, con người phải chiến thắng cái tham vọng của bản thân, trả mình về với thực thể tự nhiên trong sạch và cao quý, không ngừng thanh lọc tâm hồn vươn tới chân, thiện, mĩ. Điều này cho thấy ông là một người có trí tuệ uyên thâm, nhân cách cao cả, bản lĩnh phi thường hiếm có.

     Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm “thanh tao, tiêu sái, hồn hậu, phong nhã, có ý thú tự nhiên”, thể hiện sự ưu thời mẫn thế, đậm chất triết lý, giáo huấn nhưng vẫn gần gũi và dễ tiếp nhận.

     Xây dựng hình ảnh con người tự do vốn là tâm điểm của nền văn học thế kỉ XVI. Ở thời đại này, vì lực hút của triều đình phong kiến, Nho giáo độc tôn mạnh, nên gần như hút về tâm là quỹ đạo chủ đạo. Nguyễn Bỉnh Khiêm  không bị hút về tâm nhưng cũng không hẳn ly tâm, nhờ đó tạo nên chính sự tự chủ cho người thức giả. Ông ung dung, tự tại, muốn ra thì ra, muốn về thì về, không phụ thuộc vào ai hay vào thứ gì. Cũng như các sĩ tử khác, ông trải qua quan trường để thực hiện cái chí của đáng nam nhi. Rồi khi thấy cần phải xuất thế ông liền chủ động rút lui, không lưu luyến gì.

     Chính phong thái ung dung chủ động kia đã tạo nên tiếng nói tự do, tự tại trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Dòng mạch tư duy tự do tự tại quy tụ nên hình tượng con người không bị lệ thuộc  vào quyền lực nữa mà ít hay nhiều đã là con người giải thoát. Cần phải thừa nhận rằng trong cái “nhàn”, cái thoát tục của Nguyễn Bỉnh Khiêm có một phương diện gọi là tự tại. Nhàn ở đây không là ẩn, chưa phải xã hội thối nát đến mức mình không thể chấp nhận nổi mà trở về chăm nom vài luống cúc, hoặc lẩn trốn vào cửa thiền, hoặc tìm quên trong thú vui ở “nơi vắng vẻ” với cần câu, chén rượu. Nhàn, bởi mình cảm thấy phải làm chủ cuộc sống của mình, cho nên tự mình trở về an nhàn nghỉ ngơi. Nhưng khi triều đình kêu gọi đi đánh bọn phản loạn thì ông sẵn sàng và hăng hái ra giúp. Nhàn trong trường hợp này là nhàn tự tại. Nhàn tự tại chính là nét khác với nhàn ở nhiều thời đại khác là thứ nhàn chỉ muốn lánh đục, lánh triều đình, “dũng thoái”. Nhàn tự tại không cố chấp mà hồn nhiên hơn.

     Vật chất làm nên giá trị sống nhưng không thể quyết định giá trị của con người. Chiến thắng sức cám dỗ của giàu sang, phú quý là chiến thắng hiển hách của các bạc hiền nhân. Nguyễn bỉnh Khiêm đã chọn một lối sống thanh cao, thoát tục, không để vật chất làm cho vấy bẩn tâm hồn. Thế nhưng, thái độ nhàn của Nguyễn bỉnh Khiêm không phải là cái nhàn yếm thế. mà là cái nhàn hiện thế, rất tích cực và mạnh mẽ. Ông vẫn ở trong cuộc đời, không xa rời trách nhiệm của người làm trai đối với đất nước.


Bài mẫu 2:

     “Thơ khởi phát từ lòng người ta”, chứa đựng biết bao nhiêu rung cảm, trăn trở nơi người cầm bút. Một tác phẩm thơ chân chính, muốn vượt lên sức mạnh của thời gian, của lòng người, ẩn chứa trong đó những tình cảm thật, suy nghĩ thật và phải được viết lên từ mồ hôi và nước mắt của nhà thơ. Với “Nhàn”, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã gửi tới người đọc những quan niệm, triết lí sâu sắc về con người, thời đại mà cho đến tận ngày nay người ta vẫn phải suy ngẫm.

     Cũng giống như Nguyễn Trãi, sống giữa một thời đại loạn lạc, đầy biến động, nơi mà các giá trị truyền thống đạo đức bị đảo lộn, con người trở nên vụ lợi hơn, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tìm về với cuộc sống nơi thôn dã, vui với việc “cày nhàn câu vắng”, tự mình thích thảng với lòng mình, tạm quên hết sự đời “dầu ai vui thú nào”. Gửi chí hướng về nơi thôn dã, cuộc sống của thi nhân nơi thôn quê hiện lên như một “lão nông chi điền”

Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào

     Bài thơ mở đầu bằng phép liệt kê kết hợp với điệp từ “một” đã gợi mở ra một cuộc sống đơn sơ, chất phác với những công cụ lao động quen thuộc của người dân quê. Một cuộc sống thuần phác, giản dị với “mai”, “cuốc” và “cần câu” nhưng an nhàn và thanh tao. Đặc biệt, hai chữ “thơ thẩn” kết hợp với nhịp thơ 2/2/3 một cách tài tình, đã gợi ra chân dung của Nguyễn Bỉnh Khiêm giữa chốn thôn quê dân dã. Đó là dáng điệu ung dung, thu thái của một nhà thơ, cũng là nhịp điệu cuộc sống thường nhật của nhân vật trữ tình. Thanh thản, tự tại là tâm thế con người đã xác định được lẽ sống của mình, rời xa cõi trần tục, lòng không vướng bận xung quanh. Câu thơ cũng là lời bày tỏ thái độ cự tuyệt đời sống thị thành, chối bỏ mọi sự nhập cuộc, tự tách mình khỏi thế nhân trụy lạc để giữ khí tiết thanh tao.

     Trở về với cuộc sống thuần phác, chân chất, Nguyễn Bỉnh Khiêm tiếp tục cụ thể hóa bằng một đời sống tinh thần và lề lối sinh hoạt hòa hợp với thiên nhiên. Ông nương theo quy luật đất trời, thuận theo thời tiết bốn mùa

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

     Các nguyên liệu cho đời sống, không gian sinh hoạt đều rất bình dị, đơn sơ với “măng trúc”, “giá” là những món ăn dân dã sẵn có trong tự nhiên; “ao”, “hồ” là những bến nước thôn quê đơn sơ và bình dị. Đó là sự thể hiện một lối sống, một thái độ xử thế cầu nhàn không hề kham khổ mà trái lại nó toát lên vẻ thanh cao của nhân vật trữ tình. Con người giờ đây đã hòa hợp với thiên nhiên bốn mùa, với sự luân chuyển luân chuyển của thời gian và không thể tách khỏi thiên nhiên.

     Như vậy, với Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhàn trước hết là một cách sống. Cùng với “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi, ông đã khẳng định một lối sống thanh tao của các bậc hiền tài giữa cảnh đất nước suy tàn, loạn lạc: rời xa cõi trần phàm tục để tìm về với thiên nhiên, sống một cuộc sống giản dị, thuần phác để giữ tâm hồn được thư thái, thanh sạch.

     Thi nhân đau đớn, phê phán thế thái nhân tình, đạo lí suy vi và tìm đến sự hòa giải nội tâm bằng một lối sống gián cách với cõi đời. Đã hơn một lần, ông lên tiếng chối bỏ lối sống đô hội thị thành, sống một cuộc sống tự tại, không đua tranh

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,

Người khôn, người đến chốn lao xao.

     Bằng nghệ thuật đối rất chỉnh, tác giả đã đối lập giữa cái “vắng vẻ” với “chốn lao xao”, giữa “ta” với “người”. Cái “lao xao” đó chính là nơi trần tục đầy những sự nhân vi, toan tính, bon chen mà Nguyễn Bỉnh Khiêm từng chiêm nghiệm, chán ghét và thể hiện trong nhiều bài thơ khác: “Thành thị vốn đua tranh giành giật”; “Vật vờ thành thị làm chi nữa”. Đối lập lại, ông đề cao lối sống dân dã, thanh đạm, kiệm cần, đề cao “nơi vắng vẻ” và rất mực coi trọng tinh thần tự tại bằng một lối nói khiêm nhường “Ta dại…”. Đương nhiên, đó là một lối sống mới mẻ, có sự hấp dẫn bởi vẻ đẹp đạo lí, cách biệt với “thói đời”. Nếu nhìn cuộc sống ấy theo quan niệm đạo đức nhà nho một chiều, người ta không dễ dàng chấp nhận những mầm mống lối sống mới đó. Trên tất cả, ông đã hòa giải được những phức tạp nội tâm bằng tinh thần tự tại và thái độ gián cách với thế tục, đứng trên thế tục. Nhưng xét đến cùng, đó mới chính là cái khôn của bậc đại trí, quay lưng lại với danh lợi, sống một cuộc sống an nhàn để giữ cho tâm hồn thư thái.

     Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chứng kiến và chiêm nghiệm lẽ đời, đã đi đến cùng của sự khôn dại để thấu hiểu và tìm ra triết lí “nhàn” – cũng là triết lí nhân sinh sâu sắc

Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao

     Thi nhân đã nhắc đến giấc mộng dưới cây hòe của Thuần Vu Phần để thức tỉnh một chân lí: của cải, vật chất chỉ là ảo mộng, như một giấc chiêm chiêm bao, bất chợt đến rồi lại bất chợt đi. Phải trải qua tất cả cảnh đời, trường đời như thế rồi Nguyễn Bỉnh Khiêm mới đạt tới thế ứng xử văn hóa mang tinh thần triết lí về nhàn dật và tự tại. Một tinh thần nhàn dật và tự tại như thế nhiều khi biểu lộ cách nói hơn là hành động thực, một giải pháp tình thế hơn là chí hướng cả đời người, một sự độc tôn tâm trạng bất đắc dĩ hơn là khả năng tìm ra lối thoát tối ưu. Bởi xét đến cùng, giữa một xã hội đâu đâu cũng là hư danh, phú quý phù du, mấy ai được như Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Trãi để nhìn thấy lẽ đời, sự đời, để gìn giữ khí tiết thanh tao. Nhân vật trữ tình đã tìm đến cái say để tỉnh, dùng mộng để nói thực và thốt lên những chiêm nghiệm sâu sắc. Cũng như chính thi nhân đã bày tỏ rõ ràng trong Bài tựa tập thơ Am Bạch Vân: “Ôi, nói tâm là nói về cái chỗ mà chí đạt tới vậy, mà thơ lại là đề nói chí. Có kẻ chí để ở đạo đức, có kẻ chí để ở công danh, có kẻ chí để ở sự nhàn dật. Tôi lúc nhỏ chịu sự dạy dỗ của gia đình, lớn lên bước vào giới sĩ phu, lúc về già chỉ thích nhàn dật, lấy cảnh núi non sông nước làm vui…”

     Có thể nói, nhàn là một chủ đề rất phổ biến trong thơ ca trung đại, là một nét tư tưởng văn hóa rất sâu sắc của người xưa, đặc biệt là tầng lớp trí thức. Sống nhà dật với tự nhiên để tu dưỡng nhân cách, đem lại thú vui tao nhã cho con người. Biết sống sống nhàn, biết tìm thú nhàn là cả một học thuyết triết học lớn. Bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm in đậm dấu ấn tinh thần con người cá nhân trước một thời đại mất phương hướng, chao đảo, loạn lạc, nhiều đổi thay. Đặt trong tương quan với nhiều tác phẩm thơ văn khác, các sáng tác của ông hàm chứa tính phức hợp của cung bậc tâm trạng. Thi nhân đã đưa ra nhiều cách thức hình dung về cuộc đời, soi nhìn cuộc sống từ nhiều góc cạnh, tự đặt mình trong mỗi tình huống cụ thể mà bài thơ “Nhàn” chỉ là một chiêm nghiệm riêng. Điều này đặt ra yêu cầu tiếp nhận thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm cần được xem xét trong tính tổng thể song cũng phải chú tới mối liên hệ giữa các đường hướng tâm trạng phù hợp với từng cảnh đời và chặng đường đời cụ thể.

     Như vậy, khép lại bài thơ, người đọc vẫn còn vương vấn cuộc sống an nhàn, thanh tao, giản dị mà Nguyễn Bỉnh Khiêm coi đó là cách sống, là triết lí sống sâu sắc: vinh hoa phú quý chỉ là phù du, như một giấc mộng, rời xa chốn hư danh phàm tục đó để giữ khí tiết thanh sạch mới là bậc đại trí. Điều đó đã làm nên sức sống trường tồn bất diệt của tác phẩm trước sức mạnh của dòng thời gian và đời người.


Bài mẫu 3:

     Nhắc đến Nguyễn Bỉnh Khiêm người ta luôn nhắc tới chuyện ông dâng sớ vạch tội và xin chém đầu mười tám lộng thần nhưng vua không nghe, ông bèn cáo quan về quê ở ẩn. Câu chuyện này đủ để ta hình dung về vẻ đẹp cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đó là một cuộc sống, tâm hồn cao đẹp, sáng ngời. Và nếu đọc thêm bài thơ “Nhàn” chúng ta sẽ càng thấu hiểu hơn về cuộc sống đó, nhân cách đó.

     Cáo quan về quê, tất nhiên Nguyễn Bỉnh Khiêm không còn được hưởng bổng lộc của triều đình nữa. Nhưng không quá nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm dễ dàng hòa nhập với cuộc sống thôn quê đạm bạc. Ngay từ câu thơ đầu tiên, người ta đã có cảm giác đang đứng trước một lão nông tri điền với những công cụ lao động. Cách đếm rành rọt “Một…một…một” cho thấy tất cả đã sẵn sàng, chu đáo. Đồng thời, nó cũng thể hiện một phong thái ung dung, thư thái, thanh nhàn, có chút ngông ngạo. Hai chữ “thơ thẩn” nói lên trạng thái thảnh thơi của con người “vô sự” trong lòng không chút cơ mưu, tư dục. Cụm từ “dẫu ai vui thú” nói lên ý thức kiên định lối sống đã lựa chọn. Hai câu thơ như đưa ta về với cuộc sống chất phát, nguyên sơ của cái thời “tạc tỉnh canh điền”. Rõ ràng có sự tương đồng trong cuộc sống, lối sống của con người này. Đến đây, người đọc đã dần cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đó chính là một tinh thần nhập thế rất tích cực của các bậc đại ẩn.

     Thật khó có thể tìm thấy dấu vết của lối sống quan trường cao sang trong những câu thơ như vậy. Chủ động lựa chọn cuộc sống đó nên Bạch Vân cư sĩ sẵn sàng đón nhận cảnh sống đạm bạc. Thế mới biết vật chất đơn sơ không bao giờ có thể làm cho những nhân cách lớn phải vướng bận, lo toan. Đạm bạc trong cuộc sống của những con người này không đi với khắc khổ. Nó đi với thanh cao. Cuộc sống thanh cao trong sự trở về với thiên nhiên, mùa nào thức ấy. Chỉ hai câu thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khắc họa một bộ tranh tứ bình về cảnh  sinh hoạt với bốn mùa xuân, hạ , thu, đông; có mùi vị, có hương sắc, không nặng nề, không ảm đạm. Lựa chọn cuộc sống thanh đạm, tự nguyện hòa nhập với thiên nhiên, sống trung hòa thuận theo tự nhiên là thoát ra ngoài vòng ganh đua của thói tục, là không bị cuốn hút bởi tiền tài, địa vị, để tâm hồn an nhiên khoáng đạt. Ông đối lập với danh lợi như nước với lửa. Nhà thơ đối lập “nơi vắng vẻ” với “chốn lao xao” đối lập “ta” với “người”. Nơi vắng vẻ là nơi tĩnh tại của thiên nhiên và là nơi thảnh thơi của tâm hồn, là nơi ta thích thú, được sống thoải mái, an toàn. Người đến “chốn lao xao” là đến chốn cửa quyền, “chốn lao xao” là chốn “chợ lợi, đường danh” huyên náo, nơi con người chen chúc xô đẩy, giành giật, hãm hại nhau, là nơi nhiều nguy hiểm khôn lường.

     Tìm đến sự thanh cao, tìm thấy sự thư thái của tâm hồn. Niềm vui chi phối cả âm điệu bài thơ, cứ nhẹ nhàng, lâng lâng, cứ thanh thản một cách là lạ. Bài thơ vẻn vẹn tám câu. Người đọc vẫn có cảm nhận rất rõ nét về vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đó cuộc sống đạm bạc mà thanh cao và nhân cách vượt lên trên danh lợi của một bậc tiền nhân.


Bài mẫu 4:

     Nguyễn Bỉnh Khiêm ( Sinh năm 1491- Mất năm 1585) là người có học vấn uyên thâm. Tuy nhiên khi nhắc đến ông là mọi người thường nghĩ ngay đến việc lúc ông làm quan, ông đã từng dân sớ vạch tội xin chém đầu mười tám lộng thần nhưng đã không thành công nên ông đã cáo quan về quê. Ông là một nhà thơ lớn của dân tộc. Khi mất, ông để lại tập thơ viết bằng chữ Hán – Bạch Vân Am thi tập. Và bài thơ tiêu biểu nhất trong tập thơ đó là bài thơ “Nhàn”. Bốn câu thơ cuối của bài thơ nói rõ nhất về vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

     Hai câu thơ đầu đã khắc họa được như thế nào một cuộc sống nhàn rỗi :

“Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẫn dầu ai vui thú nào”

     Ở câu thơ đầu đã khắc họa hình ảnh một ông lão nông dân sống thảnh thơi. Bên cạnh đó tác giảc còn dùng biện pháp điệp từ “Một” thêm vào là một số công cụ quen thuộc của nhà nông dân nhằm khơi gợi trước mắt người đọc một cuộc sống rất tao nhã và gần gũi nhưng không phải ai muốn là có. Từ “Thơ thẩn” trong câu hai khắc họa dáng vẻ của một người đang ngồi ung dung, chậm rãi và khoan thai. Đặt hình ảnh ấy vào cuộc đời tác giả ta có thể thấy được lúc nhàn rỗi nhất của ông chính là lúc ông cáo lão về quê ở ẩn. Và từ “vui thú nào” cũng một lần nữa nói lên cái nhàn rỗi, cái vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, đó là cảnh nhàn dẫu có ai bon chen vòng danh lợi nhưng tác giả vẫn thư thái. Hai câu thơ đầu không chỉ giới thiệu được đề tài mà còn khắc họa tư thế ung dung nhàn hạ, tâm trạng thoải mái, nhẹ nhàng vui thú, điền viên…

“…Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn, người khôn người đến chốn lao xao”

     Hai câu thơ tiếp theo của bài thơ ý tác giả muốn nhắm đến cảnh nhàn và sử dụng các từ đối lâp nhau như “ta” – “người”; “dại” – “khôn”; “nơi vắng vẻ” – “chốn lao xao”  một loạt những từ đối lập đó đã thể hiện được quan niệm sống của ông. Nhân vật trữ tình đã chủ động tìm đến nơi vắng vẻ với chốn thôn quê cuộc sống thanh nhàn mặc cho bao người tìm đến chốn “phồn hoa đô hội”. Hai câu thơ đã đưa ra được hai lối sống độc lập, hoàn toàn trái ngược nhau. Ông tự nhận mình là “dại” vì theo đuổi cuộc sống thanh đạm thoát khỏi vòng danh lợi để giữ cho tâm hồn được thanh nhàn. Vậy lối sống của ông có phải là lối sống xa dời và trốn tránh trách nhiệm? Điều đó tất nhiên là không, vì hãy đặt bài thơ vào hoàn cảnh sáng tác chỉ có thể làm như vậy mới có thể giữ cốt cách thanh tao của mình. Do ông có hoài bão muốn giúp vua làm cho trăm dân no ấm, hạnh phúc nhưng triều đình lúc đấy tranh giành quyền lực, nhân dân rất đói khổ, tất cả ước mơ hoài bão của ông không được xét tới. Vậy nên ông rời bỏ “Chốn lao xao” là điều đáng trân trọng. Ta có thể cảm nhận được ông đã sống rất thanh thản, hòa hợp với thiên nhiên, tận hưởng mọi vẻ đẹp vốn có của đất trời mà không bon chen, tranh giành. Đặt bài thơ vào hoàn cảnh lúc bấy giờ thì bài thơ đã thể hiện rõ nét vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đó là lối sống tích cực thể hiện rõ thái độ của Bạch Vân cư sĩ.

     Như vậy, qua bốn câu thơ đầu của bài thơ “Nhàn” ta đã hiểu rõ được quan niệm sống nhàn và nhân cách của ông, coi thường danh lợi, luôn giữ được tâm hồn thanh cao hòa hợp với thiên nhiên. Quan niệm sống đề cao vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh  Khiêm. Lối sống trong sạch của ông vẫn còn giữ nguyên giá trị trong bài thơ cho đến tận ngày hôm nay.

icon-date
Xuất bản : 08/02/2022 - Cập nhật : 10/02/2022