logo

Module GVPT 02: Xây dựng phong cách của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông trong bối cảnh hiện nay


Module GVPT 02: Xây dựng phong cách của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông trong bối cảnh hiện nay


I, Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên Module GVPT 02 số 1

1. Nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông trong bối cảnh hiện nay.

     Tính đến tháng 8/2019, toàn quốc có 1.161.143 giáo viên mầm non, phổ thông (công lập 1.089.837, ngoài công lập 71.306). Về cơ bản, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học đã đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo, trong đó: mầm non là 96,6%, tiểu học là 99,7%, trung học cơ sở là 99,0%, trung học phổ thông là 99,6%, đại học là 82,7%(1); đây là tiền đề để Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo cho giáo viên trong Luật Giáo dục. Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên có lòng yêu nghề, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đã tham mưu tích cực và hiệu quả cho cấp đảng ủy và chính quyền các cấp trong việc xây dựng các chính sách cán bộ, giáo viên, học sinh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã tăng mạnh về số lượng, chất lượng và ngày càng đồng bộ về cơ cấu trong 5 năm qua, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục của đất nước.

2, Những yêu cầu về phong cách của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông trong bối cảnh hiện nay; kỹ năng xử lý tình huống sư phạm.

Theo Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT

Điều 5. Lối sống, tác phong.

1. Sống có lý tưởng, có mục đích, có ý chí vượt khó vươn lên, có tinh thần phấn đấu liên tục với động cơ trong sáng và tư duy sáng tạo; thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

2. Có lối sống hòa nhập với cộng đồng, phù hợp với bản sắc dân tộc và thích ứng với sự tiến bộ của xã hội; biết ủng hộ, khuyến khích những biểu hiện của lối sống văn minh, tiến bộ và phê phán những biểu hiện của lối sống lạc hậu, ích kỷ.

3. Tác phong làm việc nhanh nhẹn, khẩn trương, khoa học; có thái độ văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội, trong giao tiếp với đồng nghiệp, với người học; giải quyết công việc khách quan, tận tình, chu đáo.

4. Trang phục, trang sức khi thực hiện nhiệm vụ phải giản dị, gọn gàng, lịch sự, phù hợp với nghề dạy học, không gây phản cảm và phân tán sự chú ý của người học.

5. Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ; đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật và các quy định nghề nghiệp. Quan hệ, ứng xử đúng mực, gần gũi với nhân dân, phụ huynh học sinh, đồng nghiệp và người học; kiên quyết đấu tranh với các hành vi trái pháp luật.

6. Xây dựng gia đình văn hóa, thương yêu, quý trọng lẫn nhau; biết quan tâm đến những người xung quanh; thực hiện nếp sống văn hóa nơi công cộng.

3. Xây dựng và rèn luyện tác phong, hình thành phong cách nhà giáo.

Một là, người thầy giáo phải luôn học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt.

     Trong bối cảnh nhân loại đã có những bước tiến vượt bậc về khoa học - công nghệ, Việt Nam đang ở trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức. Trong thời đại như vậy, nếu chúng ta dừng lại, thậm chí tiến chậm là bị tụt hậu, là bị thụt lùi so với dòng chảy của tri thức nhân loại. Cho nên, người thầy giáo phải luôn có ý thức đầu tư, cập nhật, mở rộng tri thức của mình, có ý thức quyết tâm đi vào khoa học kỹ thuật, nhất là khoa học giáo dục.

Hai là, người thầy giáo phải nắm vững và sử dụng hợp lý các phương pháp giảng dạy.

     Người thầy giáo tồi là người mang chân lý đến sẵn, còn người thầy giáo giỏi là người biết dạy học sinh đi tìm chân lý. Để bài giảng đạt hiệu quả cao, người thầy giáo phải nắm vững và sử dụng hợp lý các phương pháp dạy học tích cực, phù hợp với các chương trình, đối tượng. Từ đó, phát huy tính tính cực, chủ động, sáng tạo của người học, giúp người học kết hợp hài hòa giữa học tập trên lớp với tự học, mở rộng và nâng cao kiến thức, rèn luyện phương pháp tư duy, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Ba là, người thầy giáo phải không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao lập trường tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, có tác phong mẫu mực.

     Trong điều kiện nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, người thầy giáo thường xuyên được tiếp cận với các phương tiện kỹ thuật, công nghệ hiện đại, nắm bắt được những thông tin mới, đa dạng, nhiều chiều và hết sức phức tạp..

     Người thầy giáo cần phải tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị và đạo đức của mình theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm mục tiêu phấn đấu suốt đời. Đó chính là đạo đức cách mạng mà mỗi người trí thức nói chung, người thầy giáo nói riêng phải rèn luyện thường xuyên, lâu dài. Chỉ khi nào thực hiện được điều này, người thầy giáo mới vững vàng vượt qua mọi khó khăn, cám dỗ để làm tròn bổn phận.

     Phải làm sao để mỗi người thầy giáo không những là nhà sư phạm mà còn là nhà mô phạm. Người thầy giáo phải say mê, bền bỉ, cần cù, nghiêm túc và sáng tạo trong lao động sư phạm, thành công không kiêu căng, thất bại không nản chí, thương yêu, gần gũi người học, đoàn kết với đồng nghiệp, gắn bó với nhân dân, thực sự là những tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

     Ngoài ra, người thầy giáo cũng cần phải cương quyết đấu tranh loại trừ những biểu hiện tiêu cực như chạy theo thành tích, xúc phạm đến nhân cách và thân thể người học, hoặc kiếm tiền bằng mọi cách, tự đánh mất mình, làm ảnh hưởng đến uy tín của người thầy giáo.


II. Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên Module GVPT 02 số 2

     Nhà giáo được xã hội tôn vinh bởi sứ mệnh trồng người và được coi là “Người kỹ sư tâm hồn”, do nhà giáo không chỉ dạy chữ mà còn dạy cách làm người, hình thành và phát triển nhân cách người học. Hiện nay, xã hội tôn vinh cao nghề dạy học bao nhiêu thì đòi hỏi càng cao về phẩm chất đạo đức và trách nhiệm của nhà giáo.

1. Đạo đức nhà giáo có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động sư phạm và chất lượng giáo dục.

     Với truyền thống hiếu học và tinh thần “Tôn sư trọng đạo”, người thầy và nghề dạy học có vai trò lớn trong phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà. Do đó, nhà trường phải luôn quan tâm phẩm chất đạo đức và trách nhiệm của nhà giáo, vì đó là nhân tố cơ bản.

     Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ là một phần, cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy, cho nên những tấm gương thực tế là rất quan trọng. Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô, các chú phải là người tốt”.

     Hoạt động dạy học được tiến hành bằng nhiều phương thức, trong đó dùng nhân cách tác động nhân cách là cách làm của người thầy dùng để cảm hóa học trò. Do vậy, nhà giáo phải luôn nêu gương về đạo đức để những giá trị tốt đẹp của người thầy được hình thành nên nhân cách ở trò.

2. Mỗi nhà giáo phải luôn rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp để xứng đáng với sự tôn vinh và niềm tin yêu của xã hội.

     Mỗi nhà giáo phải luôn có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về vị trí của nghề sư phạm, trọng trách cao cả của mình trong xã hội. Tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống để mỗi nhà giáo thực sự là những tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức cho học sinh noi theo.

     Đạo đức nghề nghiệp là nền tảng trong nhân cách nhà giáo. Trong nhà trường cần thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và được duy trì thành nề nếp, dựa trên các quy tắc chung nhằm định hướng, điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi nhà giáo sao cho phù hợp với yêu cầu của nghề. Như vậy, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp là nền tảng, động lực để nhà giáo phấn đấu hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình.

     Trong thực tế có rất nhiều tấm gương các nhà giáo hết lòng yêu nghề. Họ đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục và được rất nhiều thế hệ học trò và nhân dân kính trọng. Tuy nhiên, hiện nay có những giáo viên còn thiếu chuẩn mực, thiếu gương mẫu trong lời nói, việc làm, nản chí trước những học sinh thiếu ý thức học tập, học sinh chưa ngoan do không thường xuyên được bồi dưỡng nhận thức hoặc nâng cao trình độ dạy học. Để nhà giáo và đạo đức nghề nghiệp được tôn vinh cần phải có những biện pháp, bên cạnh đó, nhà giáo phải luôn tự hoàn thiện mình, trung thực, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, bảo vệ sự trong sáng, giá trị cao quý của người thầy.

     Mặt khác, đội ngũ nhà giáo phải không ngừng học tập và tự học để nâng cao trình độ nhận biết về mọi mặt, luôn tìm tòi, sáng tạo và đổi mới trong nghiên cứu, kinh nghiệm giảng dạy, học các kỹ thuật dạy học, kỹ năng giao tiếp. Những thói quen cũ không còn phù hợp cần được thay đổi, không được bằng lòng hay thoả mãn với cái mà mình hiện có. Trong bất cứ thời kỳ nào, người thầy phải luôn có tâm hồn thanh cao, tấm lòng độ lượng hun đúc những thế hệ tương lai của dân tộc. Nơi nào có thầy giỏi thì nơi đó sẽ có trò giỏi.

     Giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ là một chiến lược quan trọng của quốc gia mà trọng trách được đặt trên vai nhà giáo. Để nâng cao phẩm chất đạo đức của mình, mỗi một thầy, cô giáo phải hiểu, thấm nhuần tư tưởng và đạo đức của Hồ Chí Minh, mỗi người phải không ngừng rèn luyện để hoàn thiện lối sống, nhân cách của mình, sống có tấm lòng nhân ái, làm việc có tinh thần trách nhiệm, biết giữ gìn danh dự nghề nghiệp.

     Trong điều kiện hội nhập và toàn cầu hóa, người thầy giáo thường xuyên được tiếp cận với các phương tiện kỹ thuật, công nghệ hiện đại, cần nắm bắt được những thông tin mới, đa dạng nên phải luôn vận động, tích lũy nguồn tri thức để tích hợp trong dạy học. Nhà giáo tiên phong trong tự học, tự nghiên cứu nâng cao năng lực công tác, trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cũng là thể hiện những đặc trưng của đội ngũ trí thức trong thời đại ngày nay.

3. Thực hiện đúng các quy định về chuẩn mực đạo đức nhà giáo do Bộ GDĐT quy định.

     Nhà giáo hiện nay phải gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực trong mọi công việc của nhà trường, đoàn thể giao phó, làm việc có chất lượng, có hiệu quả, đạt năng suất. Bản thân mỗi người thầy giáo phải xây dựng cho mình một phong cách sống khiêm tốn, giản dị, thanh lịch. Lối sống mẫu mực mà mỗi người thầy thể hiện không chỉ bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà còn góp phần nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, hình thành tác phong công nghiệp của người lao động mới; đưa lối sống nhân văn thấm sâu vào từng học sinh, vào mỗi gia đình, góp phần tạo sự nhận thức và hành động trong mọi tầng lớp nhân dân để xây dựng và phát triển đất nước.

     Gần đây, quy định về đạo đức nhà giáo là cơ sở để các nhà giáo nỗ lực tự rèn luyện phù hợp với nghề dạy học được xã hội tôn vinh, đồng thời là một trong những cơ sở để đánh giá, xếp loại và giám sát nhà giáo nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, có tính tích cực học tập, không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp sư phạm, có lối sống và cách ứng xử chuẩn mực, thực sự là tấm gư­ơng cho người học noi theo.

      Qua đó mỗi nhà giáo cần có những nhận thức cao hơn về trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ như:

- Bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức nhà giáo phải được xem là việc làm trọng tâm, thường xuyên có tính lâu dài không chỉ trong nhận thức, mà quan trọng hơn là mỗi nhà giáo phải tự xây dựng kế hoạch thực hiện nâng cao đạo đức của mình qua từng năm học.

- Thường xuyên cụ thể hóa việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Coi trọng việc đổi mới, khát vọng vươn lên, hoàn thiện văn hóa sư phạm, biết tự học để có hiểu biết sâu rộng về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm, luôn ý thức chấp hành tốt nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục học sinh.

- Giữ gìn tình đoàn kết, thống nhất trong tập thể sư phạm, biết lắng nghe, sẵn sàng học hỏi và cầu tiến. Nêu cao tính nguyên tắc, tính kỷ luật, tính sư phạm các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

- Sống và làm việc theo pháp luật của Nhà nước và quy định về đạo đức nhà giáo của Bộ GDĐT, thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương về đạo đức và tự học”.

- Luôn thể hiện sự chuẩn mực, tính sư phạm trong tác phong, lối sống, xử lý khéo tình huống trong các mối quan hệ với đồng nghiệp, với PHHS, với công việc, nhất là đối với học sinh.

- Về nhiệm vụ giảng dạy mỗi nhà giáo phải luôn nhận thức trách nhiệm của mình là “Dạy tốt và học tốt” là hai nhiệm vụ không thể thiếu trong nhà trường. Thầy muốn dạy tốt, ngoài việc trau dồi kiến thức, phải luôn tìm tòi trải nghiệm những phương pháp thích hợp tuỳ theo nội dung bài học và đối tượng học sinh. Trò muốn học tốt, ngoài việc chuyên cần học tập, phải được thầy hướng dẫn phương pháp học tập và định hướng các kiến thức, kỹ năng, thái độ để hình thành nên những phẩm chất năng lực của người lao động mới trong xã hội hiện đại.

     Nhiệm vụ đặt ra trong mỗi tiết để dạy tốt là mình phải làm gì? Để có nhiều tiết dạy tốt mình phải làm thế nào? Người giáo viên thực sự trở thành giáo viên giỏi khi có nhiều tiết dạy tốt.

     Luôn tự rút kinh nghiệm nhằm hoàn thiện bản thân, học hỏi các tiết dạy của đồng nghiệp nhất là về ý tưởng và phương thức mới, đúc kết việc giảng dạy của mình qua các chuyên đề hoặc kinh nghiệm giảng dạy, tham gia sinh hoạt chuyên môn để nâng cao tay nghề và không ngừng tìm hiểu lý luận dạy học bổ sung vốn kiến thức sư phạm trong hoạt động giảng dạy.

     Những năm gần đây,việc thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông đang đặt ra cho người giáo viên nhiệm vụ mới nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Trước tình hình đó, nhà giáo phải không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, tự trang bị cho mình thêm lý luận dạy học, đúc kết, hệ thống những đề tài kinh nghiệm phục vụ cho giảng dạy.

     Đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiến tới hội nhập quốc tế, đòi hỏi sự nghiệp giáo dục đào tạo phải đi trước một bước nhằm chuẩn bị nhân tài, lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Trước những đòi hỏi đó, nhà giáo cần thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Bác Hồ kính yêu về nghề dạy học, từ đó vận dụng sáng tạo và tổ chức tốt việc giảng dạy, giáo dục học sinh.

     Song song đó, ngành giáo dục cần đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng đội ngũ giáo viên và đề ra nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên như: thực hiện chương trình bồi dưỡng thường xuyên, đổi mới phương pháp giảng dạy; mở nhiều lớp bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực cho giáo viên ở các cấp học; các trường học thường xuyên tổ chức thao giảng, dự giờ để đánh giá rút kinh nghiệm, nhắc nhở tinh thần trách nhiệm của giáo viên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhà giáo cũng cần được trang bị lý luận dạy học mới, tâm lý giáo dục hiện đại có như vậy sẽ góp phần kích thích tính năng động, sáng tạo mới trong đội ngũ tác động giúp học sinh trong chiếm lĩnh tri thức.

     Sự nghiệp giáo dục đào tạo được xác định rõ là sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội nhưng việc thực hiện thuộc về nhà giáo. Để xã hội phát triển đòi hỏi phải đẩy mạnh xây dựng nền đạo đức mới, trong đó có đạo đức nghề nghiệp, để đào tạo lớp người mới khỏe mạnh về thể chất, phong phú về trí tuệ, đủ năng lực đưa nước ta sánh vai các cường quốc năm châu. Nhà giáo mang trên vai nhiệm vụ nặng nề là đào tạo nhân tài cho đất nước, có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc, phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo đáp ứng với sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Mỗi nhà giáo cần thấm nhuần đầy đủ, sâu sắc, toàn diện những lời dạy quý báu, những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, về đạo đức, về trách nhiệm của nhà giáo đối với tổ quốc, với nhân dân.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021