logo

Mở bài 16 câu đầu Tình cảnh lẻ loi

Tuyển chọn các mẫu mở bài 16 câu đầu Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Chinh phụ ngâm) và những bài văn hay cùng chủ đề đầy đủ, đặc sắc nhất. Qua các mẫu mở bài và bài văn mẫu do Top lời giải biên soạn dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu học môn Ngữ Văn hữu ích. Cùng tham khảo nhé! 


Mở bài 16 câu đầu Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ - Mẫu 1

Đặng Trần Côn là một trong những tác giả nổi tiếng của văn học Việt Nam khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII. Đây là một giai đoạn lịch sử đầy biến động, nhiều trai tráng phải giã từ người thân để ra trận. Sống trong thời kỳ ấy, cảm nhận được nỗi thống khổ của người vợ lính, Đặng Trần Côn đã viết nên tác phẩm Chinh phụ ngâm bằng chữ Hán. Đó là một khúc ngâm đầy cảm xúc lột tả tình cảnh của người chinh phụ lúc bấy giờ. Trong đó đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” là đoạn trích hay đặc biệt là 16 câu thơ đầu đã thể hiện rõ nét nỗi cô đơn của người vợ có chồng đi chinh chiến.


Mở bài 16 câu đầu Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ - Mẫu 2

Là con người, ai cũng khiếp sợ chiến tranh, bởi chiến tranh gắn liền với máu và nước mắt. Vào thế kỉ thứ XVIII, tình hình xã hội nước ta vô cùng rối ren, chính trị bất ổn, chiến tranh liên miên. Triều đình cần nhiều binh lính để chiến đấu. Vì vậy, rất nhiều trai tráng đã từ giã gia đình và gia nhập quân ngũ. Nhưng “cổ lai chinh chiến khứ nhân hồi” tức có nghĩa là xưa nay, đi chiến đấu có mấy ai trở về. Thật vậy, sự ra đi không hẹn ngày về của những người chồng đã khiến cho người vợ của họ, những người thiếu phụ đã trở thành những người chinh phụ. Người khuê phụ trong bài thơ “Khuê oán” của Vương Xương Linh từng thốt:

Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,
Hối giao phu tế mịch phong hầu.


Mở bài 16 câu đầu Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ - Mẫu 3

Có thể nói, ở mỗi thời đại, văn học đều là tấm gương phản chiếu lên được mặt tốt và mặt xấu của xã hội. Khai thác và đào sâu vào những vấn đề thuộc về nội tâm của con người. Tác phẩm "Chinh phụ ngâm là một điển hình tiêu biểu như thế, đặc biệt là mười sáu câu đầu đoạn trích "Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ". Đoạn trích phản ánh lên tội ác của những cuộc chiến tranh phi nghĩa đã làm cho người chinh phụ phải rơi vào tình cảnh cô đơn lẻ loi, tâm trạng đau khổ khắc khoải khôn nguôi. Hãy cùng thả lòng mình đến với 16 câu đầu đoạn trích "Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ" để cảm nhận rõ nét hơn nỗi cô đơn của người vợ có chồng đi chinh chiến.


Mở bài 16 câu đầu Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ - Mẫu 4

Đặng Trần Côn là một tác giả văn học nổi tiếng sống vào khoảng nửa đầu thế kỉ XVIII. Đây là một giai đoạn lịch sử đầy biến động nên của đất nước khi mà chiến tranh đã làm chia cắt bao gia đình. Có biết bao nhiêu cặp vợ chồng vừa xây dựng hạnh phúc lứa đôi đã phải chia tay để chồng đi chinh chiến phương xa. Từ sự cảm thương với số phận con người trong thời chiến, ông đã viết nên tác phẩm "Chinh phụ ngâm". Đoạn trích "Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ" là một trong những đoạn trích tiêu biểu nói về tâm trạng cô đơn, lẻ bóng của người vợ trẻ khi chồng ra trận vắng nhà.


Mở bài 16 câu đầu Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ - Mẫu 5

Chinh Phụ Ngâm là một trong những tác phẩm văn học trung đại xuất sắc nhất trong lịch sử văn học Việt Nam mà ở đó, lồng ghép những mạch cảm xúc, câu chuyện thấm đẫm nỗi bi thương về thân phận người phụ nữ thời kỳ lúc bấy giờ, đồng thời gián tiếp miêu tả chân thực bức tranh hiện thực xã hội cay đắng, bất công.


Mở bài 16 câu đầu Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ - Mẫu 6

Trong đề tài viết về chiến tranh, người ta thường viết nhiều về những tráng sĩ, những anh hùng đã chiến đấu, đã hi sinh vì non sông, đất nước. Rất ít tác giả viết về hình ảnh những người vợ, những người mẹ mòn mỏi chờ đợi tin tức của chồng mình, của con mình. Và có ai biết được rằng cái sự chờ đợi đó dường như là vô vọng, bế tắc bởi lẽ: “Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi”. Cảm thông trước cảnh buồn khổ của những người chinh phụ, Đặng Trần Côn đã sáng tác tác phẩm Chinh phụ ngâm bằng chữ Hán và Đoàn Thị Điểm đã dịch bài thơ này ra chữ Nôm. Trong bản dịch này, có thể thấy xuất sắc nhất là đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ”. Đặc biệt là 16 câu thơ đầu tiên.


Mở bài 16 câu đầu Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ - Mẫu 7

“Chinh phụ ngâm khúc” là một trong những kiệt tác của danh sĩ, nhà thơ Đặng Trần Côn. Tác phẩm được viết bằng chữ Hán, được mọi người biết đến qua bản tương truyền của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” bộc lộ rõ tâm trạng u buồn, nhớ nhung của người chinh phụ khi phải sống trong tình cảnh lẻ loi, vì chồng phải tham gia vào trận đánh chiến tranh tàn khốc. Tác phẩm thể hiện sâu sắc cảm hứng nhân đạo và sự lên án, tố cáo chiến tranh phi nghĩa khiến con người phải chia cắt.

Trong 16 câu thơ đầu tiên, tác giả thể hiện nỗi cô đơn của người chinh phụ trong tình cảnh lẻ loi, cảm giác về thời gian chờ đợi, cố tìm cách giải khuây mà không được. Đến 11 câu thơ tiếp theo, thi nhân đã họa lại nỗi nhớ thương chồng ở phương xa của người chinh phụ khiến lòng nàng càng thêm ảm đạm. Trong những câu thơ còn lại, cảnh vật xung quanh càng khiến lòng người chinh phụ thêm rạo rực, khao khát hạnh phúc lứa đôi.


Bài văn Phân tích 16 câu đầu bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

Là con người, ai cũng khiếp sợ chiến tranh, bởi chiến tranh gắn liền với máu và nước mắt. Vào thế kỉ thứ XVIII, tình hình xã hội nước ta vô cùng rối ren, chính trị bất ổn, chiến tranh liên miên. Triều đình cần nhiều binh lính để chiến đấu. Vì vậy, rất nhiều trai tráng đã từ giã gia đình và gia nhập quân ngũ. Nhưng “cổ lai chinh chiến khứ nhân hồi” tức có nghĩa là xưa nay, đi chiến đấu có mấy ai trở về. Thật vậy, sự ra đi không hẹn ngày về của những người chồng đã khiến cho người vợ của họ, những người thiếu phụ đã trở thành những người chinh phụ. Người khuê phụ trong bài thơ “Khuê oán” của Vương Xương Linh từng thốt:

Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,

Hối giao phu tế mịch phong hầu.

Nỗi niềm này một lần nữa chúng ta lại bắt gặp trong tác phẩm “Chinh phụ ngâm” nguyên tác của Đặng Trần Côn. Đây là đoạn trích trong khúc ngâm được xem là tiêu biểu nhất cho thể loại khúc ngâm trong văn học Việt Nam. Dưới trí tuệ của dịch giả Đoàn Thị Điểm – người “tài sắc nương tử xưa hiếm nay không, xuất khẩu thành chương, bản chất thông minh” mà tuyệt tác Hán ngôn “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn một lần nữa thăng hoa. Đặc biệt 16 câu đầu của đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” – bản diễn Nôm của Đoàn Thị Điểm, dù ngắn nhưng Đoàn Thị Điểm đã làm nổi bật lên bức tranh tâm trạng của người chinh phụ với những cảm nhận về thời gian chờ đợi và nỗi cô đơn, buồn nhớ, sầu lo dành cho người chinh phu:

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước

Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen

Sắt cầm gượng gảy ngón đàn

Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng”

Nửa đầu thế kỷ XVIII, “chính sự hư hỏng, thuế khóa nặng nề”, khắp nơi nông dân vùng lên khởi nghĩa và chúa Trịnh đã tiến hành nhiều cuộc đánh dẹp. Những cảnh vợ chồng chia lìa, nhà cửa ly tán đã khiến Đặng Trần Côn xúc động mà làm ra khúc ngâm. Tác phẩm là lời tố cáo chiến tranh phong kiến phi nghĩa; đồng thời là tiếng nói khao khát tình yêu, hạnh phúc lứa đôi vốn ít được thơ văn các thời kỳ trước chú ý. Nguyên tác “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn gồm 477 câu viết bằng chữ Hán theo thể trường đoản cú. Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, có lẽ do đồng điệu với người chinh phụ, đã diễn Nôm thành 408 câu song thất lục bát. Đoạn trích trên được trích từ câu 193 đến câu 288 của nguyên tắc, là tình cảnh và tâm trạng của người chinh phụ trong những năm tháng chồng đi đánh trận: tình cảnh cô đơn và khát khao được giãi bày, chia sẻ.

Tâm trạng của người chinh phụ trước hết được bộc lộ thông qua không gian và hành động:

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước

Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen”

Thủ pháp đối “hiên vắng” với “rèm thưa” không chỉ miêu tả không gian mà còn hé lộ tâm trạng. “Hiên vắng” cho thấy chẳng có ai ngoài người chinh phụ nhưng thực chất trong nhà còn có cha mẹ chồng và các con, đâu chỉ mình nàng. Song, cái vắng lặng kia của không gian phải chăng toát ra từ cõi lòng cô đơn, trống vắng của người chinh phụ? Qua con mắt ngóng trông, bức rèm dẫu có dày, cũng trở thành “rèm thưa”. Ngoài không gian, hành động nhân vật cũng là phương tiện miêu tả nội tâm nhân vật hiệu quả. Hai câu thơ có đến bốn động từ chỉ hoạt động: “dạo”, “ngồi, “rủ”, “thác” nhưng trọng tâm câu thơ lại không rơi vào những chữ ấy mà nó nằm ở những trạng từ diễn tả tính chất của hành động: “thầm gieo từng bước” và “đòi phen”. “Thầm gieo từng bước” không phải “đi” hay “bước” mà là “gieo” tức âm thầm mà vẫn nặng lòng, làm nặng luôn cả bước chân! Bước chân nặng nề ấy dường như độc giả còn bắt gặp trong “Cung oán ngâm” của Nguyễn Gia Thiều:

Buồn mọi nỗi lòng đà khắc khoải

Ngán trăm chiều bước lại ngẩn ngơ

Bài thơ “Cung oán ngâm” của Nguyễn Gia Thiều cũng là một bài thơ viết về nỗi lòng của người phụ nữ

Thật buồn khi những bước chân ấy đều là những bước chân mang nỗi lòng của những người phụ nữ đáng thương. Còn “đòi phen” là một từ cổ, có nghĩa là “nhiều lận”. Động tác buông rèm và cuốn rèm được lặp đi lặp lại trong dáng vẻ vô hồn, vô thức. Không có gì thay đổi, nghĩa là kết quả của chuỗi ngày đợi chờ trong mỏi mòn, hy vọng trong vô vọng. Đó là sự tái hiện nhiều khoảnh khắc giống nhau, đó cũng là sự dồn nén tâm trạng.

Không chỉ qua không gian và hành động mà tâm trạng của người chinh phụ còn được bộc lộ rõ qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm:

“Ngoài rèm thước chẳng mách tin

Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?

Đèn có biết dường bằng chẳng biết

Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi”

Hướng ra “ngoài rèm”, nàng mong chờ chim thước báo tin vui, rằng chồng đã trở về an lành. Nhưng tuyệt nhiên, điều nhận lại chỉ là sự im lặng đến đáng sợ: “Ngoài rèm thước chẳng mách tin”, và thế là đành trở về độc thoại trong nỗi cô đơn của chính mình. Câu thơ như một cái lắc đầu tuyệt vọng. Câu hỏi tu từ “trong rèm dường đã có đèn biết chăng?” mang hình thức đối thoại với ngọn đèn, nhưng thực chất là độc thoại nội tâm đấy thôi, nào có ai để mà giãi bày, chia sẻ! Thủ pháp đối “trong rèm – ngoài rèm” cho thấy một hiện thực tù túng: nhìn ra ngoài hay nhìn vào trong thì cuối cùng cũng chỉ quanh quẩn, trói buộc bên song cửa sổ, trong một không gian chật hẹp. Không gian tự thân đã chứa đựng khả năng biểu đạt tâm trạng. Càng vắng lặng, chật hẹp, tù túng thì càng cảm nhận rõ hơn hết nỗi trống vắng, cô đơn. Và vì thế mà càng bị nỗi sầu bủa vây, không cách nào giải tỏa.

Cách nói có vẻ mâu thuẫn “Đèn có biết dường bằng chẳng biết” cho thấy một nỗi hụt hẫng, thất vọng. Ngọn đèn được nhân hoá với mục đích thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ nỗi lòng của người chinh phụ. Nhưng suy cho cùng đèn cũng chỉ là một vật vô tri vô giác mà thôi! Trong tâm hồn người chinh phụ tưởng chừng đã lóe lên niềm vui, bởi đã có người đồng cảm, sẻ chia, để thỏa niềm khao khát được giãi bày và thoát khỏi cảnh sống cô đơn, chờ đợi của hiện tại. Nhưng cũng ngay lập tức nàng nhận thức được hiện thực không gì khác ngoài: khổ đau, chia lìa và vô vọng, càng mong mỏi, khát khao lại càng bế tắc, tuyệt vọng. Thật bi kịch khi càng muốn thoát ra thì nàng càng bị nỗi sầu muộn trói chặt hệt như người sắp đuối nước tưởng đã tìm thấy chiếc phao cứu sinh. Nào ngờ…

Hình ảnh “ngọn đèn” vốn là thi liệu quen thuộc trong ca dao viết về nỗi nhớ tình yêu:

“Đèn thương nhớ ai

Mà đèn mà đèn không tắt”

Hay:

“Mong anh mà chẳng thấy anh

Thiếp tôi buồn bã khêu quanh ngọn đèn”

Rồi lại:

“Đêm qua gió bấc mưa dầm

Đèn lầm với bóng, bóng lầm với ai?”

Trò chuyện với “ngọn đèn” là thế! Song, “lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi” – là lời người chinh phụ tự bạch với chính mình. Tính từ “bi thiết” không chỉ diễn tả nỗi buồn mà hơn thế, đó còn là nỗi đau tự ý thức về tình cảnh cô đơn và nỗi sầu không ai chia sẻ được đang trở đi trở lại vò xé tâm can người chinh phụ.

Tâm trạng của người chinh phụ, cuối cùng, được bộc lộ thông qua ngoại hình nhân vật:

“Buồn rầu chẳng nói nên lời

Hoa đèn kia với bóng người khá thương”

Nét mặt và dáng vẻ “buồn rầu”, cô đơn, tiều tụy ấy là kết quả của những chuỗi ngày mòn mỏi đợi chờ, cho thấy sự sống kéo lê, tàn tạ, nhạt nhòa. Phải chăng đó chỉ là tồn tại, nào phải sống cuộc sống của một con người? Nhìn kiếp “hoa đèn” lụi tàn, người chinh phụ tự thương cho kiếp mình tàn lụi. Người và vật cuối cùng cũng chẳng khác gì nhau. Thật đáng thương! Thật đau xót! Đặc tả những nét ngoại hình ấy của nhân vật, ngòi bút không chỉ xoáy sâu vào từng ngóc ngách để mổ xẻ tâm lí nhân vật, mà hơn thế, chính tác giả và dịch giả đang sống và trăn trở cùng nhân vật, đau nỗi đau của nhân vật trữ tình. Đó là dùng chiều sâu của tâm hồn, chiều rộng của tình thương để thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ cùng nhân vật. Vì thế mà ở dòng thơ cuối cùng, lời nhân vật, lời tác giả và dịch giả dường như đã hòa làm một trong một niềm đồng cảm.

Sau những tháng ngày khắc khoải trong mong chờ: hết “dạo hiên vắng” lại “ngồi rèm thưa”, hết ngóng tin từ chim thước ngoài rèm, đến tìm kiếm một sự đồng cảm từ ngọn đèn trong rèm; người chinh phụ bắt đầu có cảm nhận sâu sắc về thời gian chờ đợi:

“Gà eo óc gáy sương năm trống

Hoè phất phơ rủ bóng bốn bên.”

Trước tiên đó là cảm nhận về sự thay đổi của thiên nhiên, cảnh vật: đêm, tiếng gà nhức nhối suốt năm canh; ngày, sự dịch chuyển của bóng cây hòe trên mặt đất. Sự quan sát thiên nhiên này đã hé lộ tư thế của nhân vật trữ tình: người chinh phụ “ngồi nhẫn tàn canh” trong cảnh đợi chờ. Có thể nói, chờ mong đã trở thành tâm trạng thường trực của nàng. Từ láy tượng thanh “eo óc” và từ láy tượng hình “phất phơ” càng khắc sâu thêm không gian hiu quạnh, tĩnh lặng của cảnh vật, cũng như tâm trạng trống vắng, cô đơn của con người. Bút pháp “tả cảnh ngụ tình”, “lấy động tả tĩnh” đã được vận dụng một cách tinh tế, hiệu quả. Hình ảnh cây hòe trong màn đêm “phất phơ rủ bóng” cũng gợi lên cảm giác man mác buồn, xót xa. Hình ảnh “rủ bốn bên” của cây hòe còn biểu hiện bước đi của mặt trời trọn một ngày. Nếu như hình ảnh cây hòe bắt gặp trong bài “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi tượng trưng cho sự tươi tốt, căng tràn sức sống “Hòe lục đùn đùn tán rợp giương” thì đến với cây hòe trong bài “Chinh phụ ngâm” lại được đặt trong đêm khuya thanh vắng, thấm đượm nỗi buồn. Từ đó ta thấy được nghệ thuật dùng từ của tác giả, đó là sự chọn lọc một cách tinh tế từ ngữ để biểu thị cảm xúc, tâm trạng.

Nếu như ở cặp song thất, cảm nhận của người chinh phụ về thời gian được gợi lên qua cái nhìn về cảnh vật, thì ở cặp câu lục bát, nhân vật trữ tình đã trực tiếp giãi bày cảm nhận, tâm trạng của mình:

“Khắc giờ đằng đẵng như niên,

Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.”

Xưa nay trong cảnh đợi chờ, bao giờ con người cũng cảm thấy thời gian chảy trôi với một nhịp điệu hết sức chậm rãi, như muốn trêu ngươi, kéo dài khoảnh khắc chờ đợi của con người. Như trong “Kinh Thi” của Trung Quốc từng ví “nhất nhật tựa tam thu” hay trong “Truyện Kiều”, khi miêu tả nỗi niềm tương tư trong tình yêu, Nguyễn Du cũng đã để Kim Trọng phải thốt lên: “Sầu đong càng lắc càng đầy/ Ba thu dồn lại một ngày dài ghê!”. Trong Chinh phụ ngâm, thời gian chờ đợi của đôi lứa đang trong cảnh ngộ chia lìa dường như càng đáng sợ, khủng khiếp hơn, nhất là khi nó được cảm nhận từ một người thiếu phụ: từng khắc, từng giờ trôi đi như đã qua cả một năm vậy! Nỗi buồn tủi, cô đơn cũng theo đó mà vô cùng vô tận như biển xa.

Thủ pháp so sánh “như, tựa” với những hình ảnh tưởng chừng như khoa trương, ước lệ “khắc giờ như niên” rồi lại “mối sầu tựa biển”, nhưng lại rất thực với tâm trạng mòn mỏi, nỗi lòng ngổn ngang của người thiếu phụ có chồng đi chinh chiến. Bởi nó đã chuyển biến từ thời gian thật của ngoại cảnh (ở cặp song thất) đến thời gian của tâm lý (ở cặp lục bát này). So sánh bản diễn Nôm với nguyên tác, người đọc có thể thấy được thành công của bản dịch trong việc thể hiện nội dung tư tưởng, tình cảm của câu thơ. Nếu như trong bản chữ Hán của Đặng Trần Côn, đây là hai câu đoản cú “Sầu tự hải/Khắc như niên” thì trong bản diễn Nôm, ý thơ của nguyên tắc được diễn đạt tinh tế, sâu sắc và cảm động hơn. Đoàn Thị Điểm đã sử dụng tài tình thể song thất lục bát – vốn là thể thơ có khả năng dồi dào trong diễn đạt tâm tư tình cảm;vận dụng thành công các từ láy “đằng đẵng, dằng dặc” – một phương tiện ngôn từ đặc thù của tiếng Việt, để miêu tả chính xác, chân thật tâm trạng của nhân vật trữ tình. Bên cạnh đó bà còn hoán chuyển thứ tự hai câu thơ để mạch cảm xúc đi từ cảm nhận về ngoại cảnh “khắc giờ” cho đến lặn sâu vào nội tâm của con người “mối sầu”. Như vậy, trong không gian vô cùng và thời gian vô tận của sự chờ đợi, người chinh phụ chỉ thấy có mình đối diện đàm tâm với biển sầu của chính mình. Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai quả thật tinh tế và sâu sắc khi nhận định rằng: “Đây là một trong những vần thơ mênh mông vô tận, như khối sầu trong lòng người yêu tự ngàn xưa”.

Trong sự bủa vây của mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa, người chinh phụ cố gắng tìm cách vượt ra khỏi, nhưng rốt cuộc vẫn không thoát nổi:

“Hương gượng đốt hồn đà mê mải

Gương gượng soi lệ lại châu chan

Sắt cầm gượng gảy ngón đàn

Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng”

Nàng muốn làm mọi việc để quên đi nỗi nhớ chồng, nhưng xung quanh lại luôn là khung cảnh gợi nhớ, khơi dậy cảm giác về sự chia lìa lứa đôi hiện tại của nàng: “hương”, “gương” rồi sắt cầm” – đàn cầm và đàn sắt gảy hòa âm với nhau, thường dùng để ví cảnh vợ chồng hòa thuận, với dây đàn uyên ương và phím đàn loan phượng – hình ảnh biểu tượng của lứa đôi gắn bó: cặp uyên ương, loan phượng. Chính vì vậy, nỗi nhớ lại càng chất chồng. Cho nên, hết thảy ba lần lần người chinh phụ định làm những công việc bình thường của cuộc sống hằng ngày thì cũng chỉ là “gượng”. Chính phép điệp từ “gượng” gợi tả cử chỉ, dáng dấp: cố làm cho ra vẻ tự nhiên, bình thường khi đang có tâm trạng buồn, đồng thời nhấn mạnh sự gượng gạo đến tội nghiệp của nàng. Khi đốt hương, nàng lại chìm đắm vào nỗi sầu tủi miên man: “hồn đà mê mải”. Khi soi gương thì nàng lại nhớ hình ảnh cùng chồng soi chung nên không cầm được nước mắt “lệ lại châu chan”. Khi gắng “gảy ngón đàn” thì kinh sợ “dây uyên” bị “đứt”, lo ngại “phím loan” bị “chùng”, là những điềm gở báo hiệu sự không may của lứa đôi đang xa nhau. Ở những câu thơ này, yếu tố tự sự – thuật hành động, và yếu tố trữ tình – tả tâm trạng, xuất hiện sóng đôi, đan xen nhau. Trong cùng một câu thơ, vế trước chỉ việc làm, vế sau là sự biểu hiện tâm trạng, tình cảm của nhân vật trữ tình: “Hương gượng đốt / hồn đà mê mải” rồi “Gương gượng soi / lệ lại châu chan.” Thủ pháp đối kết hợp với liệt kê, đảo ngữ – đưa bổ ngữ chỉ vật lên trước hành động: “hương gượng đốt, gương gượng soi, sắt cầm gượng gảy, dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng” có tác dụng rất lớn đối với việc xây dựng yếu tố tự sự. Bên cạnh đó, từ ngữ cũng được Đoàn Thị Điểm lựa chọn, sử dụng rất “đắt”: “mê mải, châu chan, kinh, ngại” đã biểu đạt đến tận cùng các sắc thái tình cảm, cung bậc tâm trạng của nhân vật trữ tình. Chưa đến nỗi như người thiếu phụ ngày xưa vọng phu hóa đá, nhưng nàng chinh phụ của chúng ta đã phải sống trong nỗi cô đơn, buồn nhớ, sầu lo triền miên không dứt. Mọi nỗ lực nhằm xua tan đi buồn nhớ đều bất lực, vô dụng. Không thể thay đổi cảnh sống hiện tại, người chinh phụ lại càng khắc khoải âu sầu, càng rơi vào tuyệt vọng. Đó là sự bế tắc khủng hoảng đến độ trở thành bi kịch.

Đoạn trích đã thể hiện sự đồng cảm của tác giả – dịch giả khi khắc họa thành công bi kịch tâm trạng của người chinh phụ: khát khao được giãi bày, chia sẻ mâu thuẫn với hiện thực cô đơn, sầu muộn. Người chinh phụ đã bật lên tiếng nói thầm kín của lòng mình.

“Nếu như có những tư tưởng của thời đại, thì cũng có những hình thức của thời đại” (Bielinski). Trong văn học phong kiến “phi ngã”, Chinh phụ ngâm nói chung và đoạn trích nói riêng, ra đời để cất lên tiếng nói đòi quyền sống, quyền hạnh phúc cho con người, đặc biệt là người phụ nữ; qua đó, tố cáo chiến tranh phi nghĩa đương thời

Tiếng nói ấy xuất phát từ tấm lòng nhân đạo cao cả và tư tưởng nhân văn tiến bộ, và có ý nghĩa khai phá quan trọng: là tiền đề cho tinh thần nhân đạo đề cao quyền sống và quyền hạnh phúc lứa đôi của con người ở văn học giai đoạn thế kỷ XVIII – XIX trỗi dậy mạnh mẽ trong Truyện Kiều, Cung oán ngâm, thơ Hồ Xuân Hương… sau này.

Hình ảnh ước lệ tượng trưng, giàu sức gợi hình, biểu cảm: sắt cầm, dây uyên, phím loan”. Đoạn trích đã chọn lọc đắt giá, khai thác hiệu quả những từ thuần Việt (thầm gieo, đòi phen, khá thương, gượng, kinh, ngại), đặc biệt hàng loạt những từ láy tượng thanh, tượng hình đậm đà tính dân tộc (eo óc, phất phơ, đằng đẵng, dằng dặc, mê mải, thăm thẳm, đau đáu); các biện pháp nghệ thuật thường xuất hiện trong thơ văn cổ (đối, điệp, nhân hoá, so sánh, ẩn dụ, câu hỏi tu từ,…). Thể song thất lục bát của bản diễn Nôm góp phần quan trọng diễn tả được những trạng thái tình cảm miên man không dứt, phù hợp với giai điệu chung của khúc ngâm.

Có thể nói rằng cả khúc ngâm đọng thành một “mối sầu vạn cổ” mà không gây nhàm chán vì sự diễn biến tinh vi mà phong phú, đa dạng của đời sống nội tâm nhân vật. Chỉ riêng đoạn trích này, tâm trạng của người chinh phụ đã có những chuyển biến luân phiên: ngóng trông ngoại cảnh để tìm mối đồng cảm, nhưng không thành để rồi quay về độc thoại với nỗi cô đơn sầu muộn ngổn ngang trong sâu thẳm lòng mình; khi lóe sáng chút hy vọng, lúc lại rơi vào hố sâu tuyệt vọng, ủ rũ, bế tắc. Nếu nói rằng, lời lẽ trong “Chinh phụ ngâm” là sự “hoàn toàn thống nhất giữa ý, tình và âm thanh, nhịp điệu, những câu thơ đẹp vào bậc nhất trong thơ Việt Nam” (Hoài Thanh) thì đoạn trích này là một minh chứng.

---/---

Trên đây là các mẫu mở bài 16 câu đầu Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ và những bài văn hay cùng chủ đề đầy đủ, đặc sắc nhất do Top lời giải đã biên soạn. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em có một bài văn thật tốt!

icon-date
Xuất bản : 13/05/2022 - Cập nhật : 27/11/2022