logo

Lý thuyết Địa 11 Kết nối tri thức Bài 27: Kinh tế Trung Quốc

Tóm tắt Lý thuyết Địa lí 11 Kết nối tri thức Bài 27: Kinh tế Trung Quốc theo chương trình Sách mới ngắn gọn nhất. Tổng hợp lý thuyết Địa lí 11 trọn bộ chi tiết, đầy đủ.

Bài 27: Kinh tế Trung Quốc

Soạn Địa 11 Kết nối tri thức Bài 27


I. Đặc điểm chung


1. Thành tựu và vị thế của nền kinh tế Trung Quốc

- Năm 1978, Trung Quốc tiến hành cải cách từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường và đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng.

- Với quy mô GDP đạt tới mức rất lớn, Trung Quốc đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Thế giới cho biết, mức đóng góp trung bình của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế thế giới là hơn 30%.

- Xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài của Trung Quốc ngày càng tăng và có tác động quan trọng đến sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trung Quốc luôn đứng đầu thế giới về kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ, và đạt vị trí quốc gia thương mại hàng đầu thế giới từ năm 2017 đến 2021.

Lý thuyết Địa lí 11 Kết nối tri thức Bài 27: Kinh tế Trung Quốc

+ Thành tựu kinh tế đã giúp Trung Quốc có vị trí quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Với GDP chiếm 17,3% toàn thế giới vào năm 2020, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới (sau Hoa Kỳ).

+ GDP của Trung Quốc tăng ổn định và có sự thay đổi trong cơ cấu GDP với tăng tỉ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản.

Lý thuyết Địa lí 11 Kết nối tri thức Bài 27: Kinh tế Trung Quốc (ảnh 2)

+ Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc tăng nhanh và luôn xuất siêu. Trung Quốc là quốc gia thương mại hàng đầu thế giới.

+ Trung Quốc là một trong những nước nhận được vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất thế giới.


2. Nguyên nhân

Thành tựu kinh tế Trung Quốc được đạt nhờ vào:

- Nguồn lực tự nhiên đa dạng, phong phú là tiền đề cho sự phát triển kinh tế.

- Nguồn lao động dồi dào và trình độ của người lao động được nâng cao, tạo điều kiện để tiếp nhận công nghệ mới từ nước ngoài và tăng năng suất lao động.

- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài.

- Cơ sở hạ tầng phát triển, thị trường rộng lớn và năng động tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế.

- Chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được điều chỉnh kịp thời qua các giai đoạn khác nhau, nhất là việc mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ sau năm 1978 và thành lập các đặc khu kinh tế để thu hút FDI


II. Các ngành kinh tế


1. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản

- Trung Quốc chú trọng phát triển nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

- Sản phẩm nông nghiệp cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến, tăng nguồn thu ngoại tệ.

- Năm 2020, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 7,7% GDP và giải quyết việc làm cho 22% lực lượng lao động.

a) Nông nghiệp

- Trồng trọt chiếm hơn 60% giá trị sản xuất nông nghiệp tại Trung Quốc.

- Các loại cây trồng chủ yếu bao gồm cây lương thực và cây công nghiệp như đậu tương, bông, lạc, củ cải đường, mía, chè, cây thực phẩm và cây ăn quả.

- Ngành trồng trọt phát triển mạnh ở các đồng bằng và các vùng khác.

- Ngành chăn nuôi được quan tâm phát triển, với lợn, bò, gia cầm ở các vùng đồng bằng và cừu, dê ở các tỉnh thuộc vùng Đông Bắc, Hoa Bắc và các khu tự trị phía Tây.

b) Lâm nghiệp 

- Trung Quốc đứng thứ ba thế giới về sản lượng gỗ tròn khai thác năm 2020, sau Hoa Kỳ và Ấn Độ.

- Hiện nay, Trung Quốc đang tập trung vào bảo vệ rừng và kiểm soát chặt chẽ việc khai thác rừng tự nhiên.

- Trung Quốc cũng đang nỗ lực trồng rừng để tăng tỉ lệ che phủ rừng.

c) Thuỷ sản

- Trung Quốc có ngành thuỷ sản lâu đời và phát triển.

- Sản lượng thuỷ sản khai thác và nuôi trồng đứng đầu thế giới.

- Ngư trường khai thác ở biển Hoa Đông, Hoa Nam, v.v.

- Nuôi trồng thuỷ sản tăng trưởng nhanh với các sản phẩm chủ yếu là cá, tôm, trai lấy ngọc, rong biển, v.v.


2. Công nghiệp

- Nền công nghiệp Trung Quốc có quy mô lớn và đa dạng sản phẩm, đóng góp 37,8% vào GDP cả nước.

- Các ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng là công nghiệp chế tạo, năng lượng, luyện kim, điện tử – tin học,...

- Công nghiệp chế tạo tăng nhanh với nhiều sản phẩm đứng đầu thế giới như ô tô, tàu biển, chi tiết máy của ngành hàng không - vũ trụ.

- Công nghiệp năng lượng là ngành cơ bản và Trung Quốc đang đa dạng hóa nguồn cung cấp điện với các năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân.

- Trung Quốc sản xuất 56,5% sản lượng thép trên thế giới và có một công nghiệp luyện kim được đầu tư phát triển.

- Công nghiệp điện tử-tin học đang phát triển nhanh và trở thành ngành mũi nhọn của nền kinh tế Trung Quốc, với nhiều sản phẩm hàng đầu thế giới.

- Các trung tâm công nghiệp lớn nhất của Trung Quốc tập trung ở miền Đông, đặc biệt là vùng duyên hải, bao gồm các thành phố như Thượng Hải, Thâm Quyến, Bắc Kinh, Quảng Châu và Thiên Tân.

Lý thuyết Địa lí 11 Kết nối tri thức Bài 27: Kinh tế Trung Quốc (ảnh 3)

3. Dịch vụ

- Ngành dịch vụ đang trở thành yếu tố quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.

- Năm 2020, ngành dịch vụ chiếm 54,5% tỷ lệ GDP của Trung Quốc.

- Các loại hình dịch vụ như thương mại, giao thông vận tải, du lịch, tài chính, và ngân hàng đang phát triển nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và nhu cầu ngày càng tăng của người dân.

- Một số trung tâm dịch vụ lớn của Trung Quốc là Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Thâm Quyến,... 

a) Thương mại

- Về nội thương: Thị trường nội địa với quy mô dân số lớn là động lực quan trọng cho nền kinh tế Trung Quốc. Doanh thu bán lẻ và doanh thu từ cung ứng các dịch vụ tăng nhanh. Các trung tâm thương mại lớn của Trung Quốc là Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Hồng Công, Thâm Quyến.

- Về ngoại thương: Trung Quốc là nước xuất siêu, kim ngạch ngoại thương có mức tăng hằng năm cao. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ của Trung Quốc lớn nhất thế giới. Trung Quốc có quan hệ buôn bán với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, những đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc là Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Hàn Quốc.

b) Giao thông vận tải

- Giao thông đường bộ: Trung Quốc có mạng lưới đường sắt dài hơn 130 nghìn km, trong đó 3 cao tốc hơn 40 nghìn km có tốc độ tàu chạy trên 200 km/h; đường ô tô có 5 triệu km, trong đó có 150 nghìn km đường cao tốc (đứng đầu thế giới).

- Giao thông đường biển: các cảng biển lớn như Thượng Hải, Ninh Ba – Chu Sơn, Thâm Quyến phục vụ việc xuất nhập khẩu.

- Giao thông hàng không: các sân bay lớn nhất là Bắc Kinh, Phố Đông (Thượng Hải).

- Trung Quốc đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông khu vực miền Tây để mở rộng quy mô và hoàn thiện mạng lưới giao thông.

c) Du lịch

- Là quốc gia có nền văn minh lâu đời, nhiều danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc nổi tiếng và hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch phát triển vượt bậc.

- Trung Quốc đứng thứ 4 trong 10 quốc gia trên thế giới có nhiều lượt khách du lịch quốc tế đến nhất và đứng thứ 11 về doanh thu du lịch quốc tế vào năm 2019.

- Doanh thu của ngành du lịch năm 2019 đạt khoảng 1 000 tỉ USD.

- Các điểm du lịch nổi tiếng ở Trung Quốc là Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành, Lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng, bến Thượng Hải,...

d) Tài chính ngân hàng

- Hoạt động của ngành tài chính ngân hàng ở Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ.

- Doanh thu từ hoạt động tài chính liên tục tăng qua các năm và đạt 1 071 tỉ USD vào năm 2020.

- Nhiều ngân hàng nước ngoài đã gia nhập thị trường vốn của Trung Quốc thông qua việc thành lập công ty cổ phần hoặc 100% vốn nước ngoài.

- Trung Quốc có nhiều trung tâm tài chính lớn như Thượng Hải, Thiên Tân và Thâm Quyến.


III. Trắc nghiệm Địa 11 Kết nối tri thức Bài 27 (có đáp án)

Câu 1. Trung tâm công nghiệp nào sau đây của Trung Quốc không nằm ven biển?

A. Thiên Tân.

B. Thượng Hải.

C. Hồng Kông.

D. Bao Đầu.

Giải thích:

- Các trung tâm công nghiệp của Trung Quốc nằm ở ven biển phía Đông là:  Bắc Kinh, Thượng Hải, Phúc Châu, Hồng Công, Đài Loan, Thiên Tân.

- Các trung tâm công nghiệp nằm ở phía Tây Trung Quốc là: U-rum-si, La-sa; 

- Các trung tâm công nghiệp nằm ở trong nội địa là: Bao Đầu, Lan Châu, Trung Khánh, Quý Dương, Côn Minh, Thành Đô…

Câu 2. Trung Quốc lần đầu tiên đưa người vào vũ trụ và trở về Trái Đất an toàn vào năm

A. 2001.

B. 2002.

C. 2003. 

D. 2004.

Giải thích:

Trung Quốc lần đầu tiên đưa người vào vũ trụ và trở về Trái Đất an toàn vào tháng 10 năm 2003 trên con Tàu Thần Châu V, đánh dấu cột mốc quan trọng trong bước tiến phát triển nhành khoa học - vũ trụ của nước này.

Câu 3. Lợi ích của việc phát triển các ngành công nghiệp ở địa bàn nông thôn Trung Quốc không phải là

A. Sử dụng lực lượng lao động dồi dào tại chỗ.

B. Tận dụng nguyên vật liệu sẵn có ở nông thôn.

C. Đảm bảo các nhu cầu thiết yếu của người dân. 

D. Tạo nguồn hàng xuất khẩu lớn ra nước ngoài.

Câu 4. Các loại vật nuôi chủ yếu của Trung Quốc là

A. Trâu, cừu, gà, lợn.

B. Bò, cừu, dê, lợn.

C. Dê, cừu, ngựa, lợn. 

D. Gà, cừu, ngựa, lợn.

Câu 5. Loại cây nào sau đây được trồng nhiều ở đồng bằng Đông Bắc?

A. Mía.

B. Chè.

C. Ngô.

D. Lúa mì.

Giải thích:

Lúa gạo và lúa mì là hai giống cây lương thực giữ vị trí quan trọng, sản lượng đứng đầu thế giới. Lúa mì trồng chủ yếu ở đồng bằng Hoa Bắc và Đông Bắc. Lúa gạo được trồng nhiều ở đồng bằng Hoa Trung và Hoa Nam.

>>> Xem toàn bộ: Lý thuyết Địa lí 11 Kết nối tri thức

-------------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Tóm tắt Lý thuyết Địa lí 11 Kết nối tri thức Bài 27: Kinh tế Trung Quốc theo chương trình Sách mới ngắn gọn nhất. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Top lời giải để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới Lớp 11 nhé. Chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 24/03/2023 - Cập nhật : 12/08/2023