logo

(Kết nối tri thức) Lý thuyết Địa lí 11 Bài 20: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội Liên Bang Nga

Tóm tắt Lý thuyết Địa lí 11 Kết nối tri thức Bài 20. Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội Liên Bang Nga theo chương trình Sách mới ngắn gọn nhất. Tổng hợp lý thuyết Địa lí 11 trọn bộ chi tiết, đầy đủ.

Bài 20: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội Liên Bang Nga

Soạn Địa 11 Kết nối tri thức Bài 20: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội Liên Bang Nga


I. Phạm vi lãnh thổ và vị trí địa lí

- Liên bang Nga nằm trên cả hai châu lục (châu Á và châu Âu).

- Phần đất liền của Nga rộng lớn, trải dài từ vĩ độ 41°B đến vĩ độ 77°B và từ kinh độ 169°T đến kinh độ 27°Đ.

- Nga tiếp giáp với 14 quốc gia ở phía tây và phía nam, Bắc Băng Dương ở phía bắc, Thái Bình Dương ở phía đông, và nhiều biển như Ca-ra, Ba-ren, Ô-khốt,...

- Nga có thuận lợi trong giao thương và phát triển kinh tế và văn hoá, nhưng cũng gặp khó khăn trong khai thác lãnh thổ và an ninh quốc phòng.


II. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên


1. Địa hình và đất

- Liên bang Nga có địa hình đa dạng, cao ở phía đông và thấp về phía tây.

Lý thuyết Địa lí 11 Kết nối tri thức Bài 20. Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội Liên Bang Nga
Bản đồ tự nhiên Liên Bang Nga

- Sông I-ê-nít-xây chia lãnh thổ Liên bang Nga thành hai phần: phần phía Tây và phần phía Đông.

- Phần phía Tây chủ yếu là địa hình đồng bằng và đồi núi thấp, nơi tập trung phần lớn dân cư và có tiềm năng phát triển nông nghiệp. Đồng bằng Tây Xi-bia không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. U-ran là dãy núi già có độ cao trung bình khoảng 1.000 m, tạo nên ranh giới tự nhiên giữa châu Âu và châu Á.

- Phần phía Đông chủ yếu là núi, cao nguyên và các đồng bằng nhỏ, không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nhưng có tài nguyên thiên nhiên phong phú và trữ năng thủy điện lớn.

- Liên bang Nga có nhiều loại đất khác nhau, bao gồm đất đài nguyên, đất pốt dôn, đất nâu xám, đất đen,... các loại đất thích hợp cho trồng trọt, chăn nuôi và phát triển rừng.

- Hơn 40% diện tích lãnh thổ Liên bang Nga thường xuyên nằm dưới lớp băng tuyết không thuận lợi cho canh tác.


2. Khí hậu

- Lãnh thổ Liên bang Nga chủ yếu nằm trong đới khí hậu ôn đới và có sự phân hoá theo lãnh thổ.

- Phần phía bắc từ vòng cực Bắc trở lên có khí hậu cận cực khắc nghiệt, mùa đông kéo dài, có nhiều tuyết.

- Phần phía nam từ vòng cực Bắc trở xuống có khí hậu ôn đới, có thể chia thành ba vùng: vùng phía tây (đồng bằng Đông Âu) khí hậu ôn đới chịu ảnh hưởng của biển, vùng nội địa châu Á có khí hậu ôn đới lục địa và vùng ven Thái Bình Dương có khí hậu ôn đới gió mùa.

- Khí hậu tạo điều kiện cho Liên bang Nga có cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng, với nhiều loại nông sản đặc trưng của vùng ôn đới.

- Tuy nhiên, nhiều vùng rộng lớn có khí hậu giá lạnh, khắc nghiệt, không thuận lợi cho hoạt động kinh tế và sinh sống của dân cư.


3. Sông, hồ

- Liên bang Nga có mạng lưới sông phát triển, với nhiều sông lớn như sông Von-ga, Ô-bi, I-ê-nít-xây, Lê-na, bắt nguồn từ vùng núi nam Xi-bia và chảy về hướng bắc.

- Các sông có giá trị về giao thông đường thủy, thủy điện, cung cấp nước và thủy sản, nhưng vào mùa đông một số sông bị đóng băng và giao thông đường sông bị hạn chế.

- Liên bang Nga có nhiều hồ lớn, trong đó hổ Bai-can là hồ sâu nhất thế giới và chứa nước ngọt lớn nhất hành tinh.

- Các hồ có giá trị về thủy sản, du lịch và bảo vệ tự nhiên.


4. Sinh vật

- Liên bang Nga có tài nguyên sinh vật phong phú và đa dạng theo vùng.

- Liên bang Nga có diện tích rừng đứng đầu thế giới, chiếm khoảng 20% diện tích rừng thế giới (năm 2020).

- Rừng tai-ga là loại rừng chủ yếu ở Liên bang Nga, chiếm khoảng 60% diện tích rừng cả nước, tập trung nhiều nhất ở vùng Xi-bia và phía bắc châu Âu.

- Các loài cây lá kim như vận sam, thông, tùng rụng lá là thực vật chính của rừng tai-ga.

- Rừng tai-ga là nơi sống của nhiều loài động vật như gấu nâu, nai sừng tấm và rất nhiều loài chim.

- Rừng tai-ga cũng là nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành khai thác và chế biến gỗ.

- Liên bang Nga còn có rừng lá rộng ở phía đông nam với hệ động thực vật phong phú.

- Thảo nguyên ở phía nam đồng bằng Tây Xi-bia có các loại cỏ chiếm ưu thế, thuận lợi phát triển chăn nuôi.

- Đài nguyên lạnh giá phía bắc có nhiều loài động vật như gấu trắng, hải cẩu, tuần lộc.


5. Khoáng sản

- Liên bang Nga có tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú bao gồm năng lượng, kim loại và phi kim loại như than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên, kim cương, vàng, thiếc, đồng...

- Dầu mỏ và khí tự nhiên của Liên bang Nga có trữ lượng hàng đầu thế giới, tập trung ở đồng bằng Tây Xi-bia.

- Than tập trung nhiều ở dãy U-ran và phía đông.

- Tài nguyên khoáng sản của Liên bang Nga là cơ sở nguyên liệu cho phát triển các ngành công nghiệp và thúc đẩy hoạt động ngoại thương.

- Khó khăn trong việc khai thác và tiêu thụ các nguồn tài nguyên khoáng sản do nhiều loại khoáng sản nằm ở những nơi có địa hình phức tạp hoặc những vùng có khí hậu khắc nghiệt.

- Nhiều loại khoáng sản của Liên bang Nga ảnh hưởng lớn tới nguồn cung nguyên liệu toàn cầu và tăng vị thế của nước Nga trên thế giới.


6. Biển

- Liên bang Nga có tổng chiều dài đường bờ biển khoảng 37,000km, đứng thứ ba trên thế giới.

- Nhiều biển lớn như biển Ba-ren, biển Ca-ra, biển Ô-khốt,...

- Tài nguyên sinh vật biển phong phú với các loài cá có giá trị kinh tế cao.

- Vùng biển phía đông nam có tiềm năng phát triển ngành khai thác thuỷ sản, giao thông vận tải biển, thương mại và du lịch biển.

- Vùng biển và thềm lục địa (vùng biển Ô-khốt) có trữ lượng lớn dầu mỏ và khí tự nhiên.

- Vùng biển phía bắc có thời gian đóng băng kéo dài trong năm, gây khó khăn cho hoạt động giao thông vận tải.


III. Dân cư và xã hội


1. Dân cư

- Liên bang Nga là quốc gia đông dân đứng thứ 9 thế giới. Tỉ lệ tăng tự nhiên của dân số thấp, với mức trung bình giai đoạn 2015-2020 là 0,05%. Thiếu hụt lao động là một thách thức đối với đất nước.

- Liên bang Nga là quốc gia đa sắc tộc, với khoảng 100 dân tộc, trong đó hơn 80% dân số là người Nga.

- Liên bang Nga có cơ cấu dân số già, với tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 15,5% tổng số dân. Nước này có số nữ nhiều hơn số nam, đặc biệt ở các nhóm tuổi cao.

- Mật độ dân số trung bình rất thấp ở Liên bang Nga, chỉ khoảng 9 người/km2. Dân cư phân bố không đều, với 75% dân số sống tại phần lãnh thổ phía tây dãy U-ran. Các vùng phía bắc và phía đông có dân số rất thưa thớt.

- Tỉ lệ dân thành thị của Liên bang Nga là 74,8% năm 2020, với các đô thị phần lớn là loại nhỏ và trung bình. Mát-xcơ-va và Xanh Pê-téc-bua là các đô thị lớn nhất của đất nước, là các trung tâm chính trị, tài chính, công nghiệp, dịch vụ và giao thông vận tải.


2. Xã hội

- Sự đa dạng dân tộc và tôn giáo đã tạo nên văn hoá Nga đa dạng.

- Nước Nga có nền văn hoá lớn, đóng góp cho văn hoá nhân loại.

- Chất lượng cuộc sống người dân Nga được cải thiện đáng kể.

- Người dân Liên bang Nga có trình độ học vấn cao, nền tảng khoa học - công nghệ lâu đời là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và thu hút đầu tư của nước ngoài.

- Liên bang Nga đang phải đối mặt với nhiều thách thức như sự phân hoá trình độ phát triển kinh tế giữa các khu vực, nhiều vấn đề xã hội phức tạp.


IV. Trắc nghiệm Địa 11 Kết nối tri thức Bài 20

Câu 1. Hệ thống sông nào sau đây có giá trị về thủy điện và giao thông lớn nhất Liên bang Nga?

A. Sông Lê-na.

B. Sông Vôn-ga.

C. Sông Ô-bi.

D. Sông I-ê-nit-xây.

Câu 2. Liên bang Nga là quốc gia đầu tiên

A. đưa người lên sao Hỏa.

B. đưa người đến Nam Cực.

C. đưa người lên vũ trụ.

D. thử vũ khí hạt nhân.

Giải thích:

Với nhiều trường đại học danh tiếng, Liên bang Nga là quốc gia đứng hàng đầu thế giới về các ngành khoa học cơ bản. Khi Liên Xô là cường quốc trong thập niên 60 và 70 của thế kỉ XX, Liên bang Nga đã chiếm tới 1/3 số bằng phát minh sáng chế của thế giới và là nước đầu tiên trên thế giới đưa con người lên vũ trụ. 

Câu 3. Liên bang Nga có đường biên giới trên đất liền dài khoảng

A. 40 000 km.

B. 30 000 km.

C. 20 000 km.

D. 50 000 km.

Câu 4. Dân cư Liên bang Nga tập trung chủ yếu ở khu vực nào dưới đây?

A. Đồng bằng Đông Âu.

B. Đồng bằng Tây Xi - bia.

C. Ven Thái Bình Dương.

D. Vùng Xibia và các đảo.

Câu 5. Thế mạnh nổi bật ở phần lãnh thổ phía tây Liên bang Nga là

A. chăn nuôi gia súc lớn.

B. sản xuất lương thực.

C. trồng cây công nghiệp.

D. phát triển thủy điện.

Giải thích:

Với lợi thế đại bộ phận phía Tây là đồng bằng (đồng bằng Đông Âu, đồng bằng Xibia), sản xuất lương thực hiện nay đang là thế mạnh nổi bật của vùng Tây Liên bang Nga.

Câu 6. Hồ nước ngọt sâu nhất thế giới là hồ nào dưới đây?

A. Hồ Victoria.

B. Hồ Superior.

C. Hồ Baikal.

D. Biển Caspi.

Giải thích:

- Hồ Victoria: Hồ nước ngọt lớn nhất tại châu Phi và lớn thứ hai thế giới.

- Hồ Superior: Hồ nước ngọt lớn nhất thế giới thuộc Ngũ Đại Hồ, Bắc Mỹ, tính theo diện tích mặt nước (82.100 km²), 

- Hồ Baikal ở Siberia, Liên bang Nga lớn hơn Hồ Superior khi tính theo thể tích, là hồ nước ngọt sâu nhất thế giới.

- Biển Caspi là một hồ nước do nằm hoàn toàn trên đất liền, không liên kết với biển và đại dương khác. 

>>> Xem toàn bộ: Lý thuyết Địa lí 11 Kết nối tri thức

-------------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Tóm tắt Lý thuyết Địa lí 11 Kết nối tri thức Bài 20. Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội Liên Bang Nga theo chương trình Sách mới ngắn gọn nhất. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Top lời giải để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới Lớp 11 nhé. Chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 15/03/2023 - Cập nhật : 08/08/2023