logo

Lý luận văn học về Vợ chồng A Phủ

Đề bài: Lý luận văn học về Vợ chồng A Phủ

Trích dẫn những câu lí luận văn học về Vợ chồng A Phủ:

1. “Qua truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”. Tô Hoài đã dựng lên một bức tranh hiện thực về đời sống của đồng bào dân tộc miền núi Tây Bắc. Đồng thời nhà văn chỉ ra con đường giải phóng cho người lao động có cuộc đời tăm tối và số phận bi thảm”.

2. “Truyện Vợ chồng A Phủ cũng như tập Truyện Tây Bắc nói chung bộc lộ rõ nét phong cách của Tô Hoài: màu sắc dân tộc đậm đà; chất thơ, chất trữ tình đằm thắm, lời văn giàu tính tạo hình. Đọc xong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài. Gấp trang sách lại rồi mà chúng ta vẫn không quên được gương mặt “buồn rười rượi” của Mị. Đó là gương mặt mang nỗi đau của một kiếp người không bằng ngựa trâu.
Đó là gương mặt tưởng như cam chịu, mất hết sức sống. Không, đằng sau gương mặt ấy, vẫn ẩn chứa một sức sống tiềm tàng không dễ gì dập tắt. Tô Hoài nói với Phan Thị Thanh Nhàn:“Muốn viết văn, điều quan trọng nhất là chi tiết. Mà chi tiết thì không thể phịa ra được. Phải chịu khó quan sát, ghi chép, đọc và tiếp xúc càng nhiều càng tốt”.- (Lê Tiến Dũng, In trong “Những vấn đề ngữ văn“).

3.  “Bản chất của văn chương Tô Hoài là phong cách, bút pháp đậm đà bản sắc dân tộc. Phẩm chất ấy là sự tích tụ của cả một đời gắn bó với đất nước và nhiều miền quê hương, trân trọng và yêu thương những con người lao động mang tâm hồn và tính cách của người Việt Nam” (Hà Minh Đức).

4. “…Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng mãnh liệt”

5. Nói về Mị, nhà văn Tô Hoài tâm huyết rằng: “Số phận của cô là sự hồi sinh mãnh liệt của con người cô. Sự hồi sinh của một con người là vô cùng quý giá.”

6. “Thật khó để tìm được một nhà văn thứ hai vừa có thể miêu tả chân thật, tinh tế những cung bậc cảm xúc của cô Mị yêu sống nhưng bị giam cầm trong cảnh tù túng của “Vợ chồng A Phủ” (Phan Anh Dũng)

7. “Qua truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”. Tô Hoài đã dựng lên một bức tranh hiện thực về đời sống của đồng bào dân tộc miền núi Tây Bắc. Đồng thời nhà văn chỉ ra con đường giải phóng cho người lao động có cuộc đời tăm tối và số phận bi thảm”.

8. Truyện Vợ chồng A Phủ cũng như tập Truyện Tây Bắc nói chung bộc lộ rõ nét phong cách của Tô Hoài: màu sắc dân tộc đậm đà; chất thơ, chất trữ tình đằm thắm, lời văn giàu tính tạo hình.

9. Đọc xong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài. Gấp trang sách lại rồi mà chúng ta vẫn không quên được gương mặt “buồn rười rượi” của Mị. Đó là gương mặt mang nỗi đau của một kiếp người không bằng ngựa trâu.

10. “Tô Hoài là một nhà văn lớn của Văn học Việt Nam hiện đại, người có 95 năm tuổi đời nhưng đã dành hơn 70 năm đóng góp cho văn học. Ông là nhà văn chuyên nghiệp, bền bỉ sáng tác và có khối lượng tác phẩm đồ sộ.” (Phạm Xuân Nguyên – Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội)

Các em cùng Toploigiai tham khảo thêm các bài văn mẫu về tác phẩm Vợ chồng A Phủ nhé!

Đề bài 1:

   Về cảnh đêm tình mùa xuân trong “Vợ chồng A Phủ”, có ý kiến cho rằng: “Đó là bức tranh đất trời Tây Bắc vào xuân”. Ý kiến khác lại khẳng định: “Đó là bức tranh xuân của tâm hồn nhân vật Mị. Ý kiến của anh/ chị?

Bài văn mẫu

   Nếu như “Dế Mèn phiêu lưu ký” đã trở thành truyện “gối đầu giường” của biết bao thế hệ Việt Nam thì dấu ấn văn chương Tô Hoài còn lưu lại trong tâm trí người đọc ở rất nhiều truyện ngắn khác, tiêu biểu là truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”. Về cảnh đêm tình mùa xuân trong truyện, có ý kiến cho rằng: “Đó là bức tranh đất trời Tây Bắc vào xuân”, ý kiến khác lại khẳng định: “Đó là bức tranh xuân của tâm hồn nhân vật Mị”. Hai ý kiến đã góp phần đem đến cho người đọc cái nhìn toàn diện về cảnh đêm tình mùa xuân cũng như hiểu hơn cảm xúc, suy nghĩ nhà văn gửi vào đoạn trích.

   Nhà văn Tô Hoài bắt đầu sự nghiệp văn học của mình với những bài thơ đậm chất lãng mạn nhưng rồi hành trình sáng tạo văn học của ông nhanh chóng chuyển sang văn xuôi và gần như hết cuộc đời văn chương còn lại ông gắn bó với văn xuôi và đạt được những thành tựu rực rỡ, lưu lại trong lòng người đọc những dấu ấn đậm nét. Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” in trong tập “Truyện Tây Bắc” xuất bản năm 1953 đã được giải Nhất trong Giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955. Từ đó đến nay, tác phẩm này vẫn giữ nguyên giá trị sâu sắc và sức hút đối với biết bao thế hệ yêu văn xuôi nói chung và văn chương Tô Hoài nói riêng. Đoạn trích tả ảnh đêm tình mùa xuân trong “Vợ chồng A Phủ” là một đoạn truyện đặc sắc, cảm nhận về nó, có hai ý kiến thú vị: “Đó là bức tranh đất trời Tây Bắc vào xuân” và “Đó là bức tranh xuân của tâm hồn Mị”.

Lý luận văn học về Vợ chồng A Phủ ngắn gọn, hay nhất

    Hai ý kiến với hai cách nhìn, quan điểm khác nhau song lại không đối lập mà bổ sung cho nhau, từ đó giúp người đọc có cái nhìn sâu sắc hơn về cảnh đêm tình mùa xuân trong “Vợ chồng A Phủ”. Nói cảnh đêm tình mùa xuân là “bức tranh đất trời Tây Bắc vào xuân”, ý kiến như muốn đề cập đến ngoại cảnh, đến hiện thực cuộc sống hay chính là đối tượng, phương tiện thẩm mỹ nhà văn Tô Hoài gửi gắm vào tác phẩm. Với ý kiến thứ hai cho rằng cảnh đêm tình mùa xuân trong truyện là “bức tranh xuân của tâm hồn Mị”, ta có thể hiểu người nói muốn nhắc đến sự sống, sự hồi sinh của tâm hồn người con gái, từ đó giúp người đọc hiểu hơn về mục đích thẩm mĩ của nhà văn khi viết tác phẩm này. Hai ý kiến đã cùng nhau góp phần làm nên giá trị của đoạn trích.

    Cảnh đêm tình mùa xuân trong “Vợ chồng A Phủ” trước hết là “bức tranh đất trời Tây Bắc vào xuân” tuyệt đẹp, đầy sức sống. Mùa xuân xưa nay đã luôn là mùa gợi nhiều cảm hứng cho các thi nhân, văn nhân sáng tạo nghệ thuật. Đó là một mùa xuân trong sáng, nhẹ nhàng với tiết trời thanh mát, với sắc cỏ non mơn mởn và màu trắng tinh khôi của vài bông hoa lê trong “Truyện Kiều” – Nguyễn Du:

“Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”

Nhà thơ Huy Cận cùng từng gửi hồn thơ mình vào những câu thơ tả chiều xuân ngập nắng làm biết bao lòng người xao xuyến:

Đâm chồi hy vọng

Ôi! Duyên tốt lành

Em ngả đưa võng

Hương đồng lên tranh

Kề bên đường tạnh

Cỏ mọc bờ non

Chiều xuân tươi mạnh

Gió bay vào hồn.”

    Nguyễn Du tả cảnh buổi sớm tiết thanh minh, Huy Cận cảm về một buổi chiều xuân chứa chan cảm xúc, còn Tô Hoài, ông lại lựa chọn viết về đêm xuân. Nhà văn mượn cái thanh xuân tươi trẻ của đất trời Tây Bắc để gợi ra cái thanh xuân của lòng người, ở đây chính là Mị. Nhà văn còn phác họa nên một bức tranh xuân đượm màu sắc, âm thanh bằng ngôn từ, hình ảnh sinh động. Sắc màu thì tươi vui, ấm áp, âm thanh thì quen thuộc, yên bình. Đọc đoạn văn miêu tả cảnh Hồng Ngài đón Tết, ta càng cảm phục hơn bút lực Tô Hoài cũng như sự quan sát tinh tế, tỉ mỉ của nhà văn. Đó là sự hiểu biết sâu và rộng về phong tục vùng cao, khả năng miêu tả thiên nhiên đất trời và phong tục, lối sống sống động và đặc biệt là ngôn ngữ phong phú, đậm đà màu sắc dân tộc.

    Đâu chỉ là một bức tranh đất trời Tây Bắc vào xuân tuyệt đẹp, cảnh đêm tình mùa xuân còn là một bức tranh xuân của tâm hồn người con gái, gợi ra sự hồi sinh mãnh liệt trong tâm hồn Mị. Sự hồi sinh kỳ diệu ấy được nhà văn Tô Hoài thể hiện ở một loạt các khía cạnh. Trước hết là sự hồi sinh các giác quan. Nếu như trước đây cuộc sống xung quanh với Mị chỉ toàn một màu mông lung “mờ mờ trăng trắng” thì giờ lại đậm tươi sắc màu hạnh phúc. Mị chẳng còn để ý đến tiếng chân ngựa đạp vách mỏi mòn nữa mà nghiêng tai, mở lòng đón nhận những âm thanh tươi vui của cuộc sống bên ngoài. Và, thân xác héo hon giờ đã bắt đầu rạo rực sức sống, niềm hạnh phúc, tin yêu. Mị bắt đầu nhẩm thầm những bài hát gắn bó trong một thời thanh xuân đẹp đẽ bấy lâu nay bị lãng quên. Trong kí ức Mị bây giờ ngập tràn những kỉ niệm tươi vui thuở trước, một quá khứ từng được sống trọn vẹn là mình, vui say, thoải mái. Men rượu ngô cay nồng, ấm nóng đã làm bừng tỉnh cảm xúc trong Mị, đem đến cảm giác phơi phới trở lại, lòng đầy vui sướng hân hoan. Từ nhận thức về tuổi trẻ, về quyền sống, quyền tự do, Mị bắt đầu có trong mình một khát vọng mãnh liệt, đó là khát vọng được ra ngoài đón Tết, được vui chơi, hòa mình với niềm vui chung của mọi người những ngày đầu xuân. Mị thắp đèn và sửa soạn đi chơi. Hành động tìm đến ánh sáng ấy chứng tỏ Mị không chịu ngủ yên trong bóng tối, trong sự cầm tù khổ cực bấy lâu cam chịu nữa. “Mị còn trẻ. Mị muốn đi chơi…”, một loạt các câu văn ngắn cùng sự lặp lại của chủ từ và hành động đã gợi hình dung đến hành động hối hả, thái độ quyết liệt, dứt khoát như một chú chim muốn tháo cũi sổ lồng. Khi bị A Sử trói lại không cho đi, đứng trong bóng tối, Mị đã nhớ lại người đàn bà đồng phận. Hình ảnh và số phận người đàn bà ấy làm Mị thấy sợ, rồi cựa mình xem mình còn sống hay đã chết. Tất cả sự thay đổi, chính xác hơn là sự phục sinh tâm hồn nhà văn thể hiện qua từng chi tiết đã góp phần khẳng định khát vọng sống mãnh liệt của Mị.

    Bức tranh xuân đất trời Tây Bắc hay bức tranh xuân của tâm hồn Mị, cả hai ý kiến đều đúng, góp phần đem đến cái nhìn sâu sắc về cảnh đêm tình mùa xuân trong “Vợ chồng A Phủ”. Qua đó, người đọc có cơ hội đón nhận và trân trọng tài năng của nhà văn Tô Hoài trong việc miêu tả sinh động thiên nhiên cuộc sống cũng như diễn tả chân thực, hấp dẫn tâm lý, hành động của nhân vật.


Mục lục nội dung

Đề bài 2:

    Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy (T. Sêkhốp). Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên. Chứng minh bằng các tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân).

Bài văn mẫu

    Khi bàn về văn học, M.Gorki có nhận định rằng: Văn học là nhân học. Dường như điều này đã trở thành một chân lí hiển nhiên, vững bền. Văn học không chỉ là một loại hình nghệ thuật mà còn là một thứ khoa học đặc biệt – khoa học của lòng người và người nghệ sĩ làm thử khoa học này phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ (T. Sêkhốp).

    Thực ra, khi sinh tồn trong cõi đời này, khi làm bất cứ công việc gì, mỗi người cần phải có, phải giữ gìn đạo đức, giữ gìn những nét đẹp trong nhân cách, trong tâm hồn mình. Người nghệ sĩ cần một chữ tình để duy trì thế giới (Trương Trào), cần một tấm lòng dù chẳng để làm gì, dù chỉ để gió cuốn đi (Trịnh Công Sơn). T. Sêkhốp coi tinh thần nhân đạo là phẩm chất bắt buộc phải có trong mỗi người cầm bút. Trong cách nói của mình, ông khẳng định lòng nhân đạo là tiêu chuẩn, là điều kiện để đánh giá mức độ chân chính của nhà văn. Nhân đạo là tình cảm hướng tới con người, bảo vệ quyền làm người của con người. T. Sêkhốp đòi hỏi tình cảm này phải có chiều sâu, phải là thứ căn bản có từ trong cốt tuỷ của người nghệ sĩ chu không chỉ là tình cảm hời hợt, nông cạn, mơ hồ. Đồng quan điểm với ông nhiều nhà phê bình văn học, nhiều nghệ sĩ chân chính cũng khẳng định.

    Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu , không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hay trả lời những câu hỏi đó (Belinski); Một tác phẩm thật giá trị phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, Ai là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng hương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn (Nam Cao). Như vậy, có thể nói rằng T. Sêkhốp hoàn toàn có lí khi đề cao phẩm chất nhân đạo của nhà văn, Nhưng cái lí đó xuất phát từ đâu? "

    Trở lại với lời khẳng định của M.Gorki, Văn học là nhân học chúng ta hiểu rằng lòng yêu thương con người là bản chất của thứ khoa học này. Mỗi tác phẩm văn học không chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật trưng diện, phô bày những hình tượng nghệ thuật độc đáo của người nghệ sĩ. Nếu cái độc đáo đó không ngụ một tinh thần nhân văn sâu sắc, không chứa đựng niềm vui, nỗi khổ đau của con người, không cho chúng ta cảm nhận được tình cảm, tư tưởng của tác giả, thì đó chỉ là cái độc đáo khô khan, hời hợt, giả tạo, thậm chí phi nhân đạo.

    Một trong các chức năng quan trọng của văn học là giáo dục, là cứu vớt con người. Nếu không xuất phát từ tình cảm chân thực, liệu rằng tác phẩm văn học có đủ sức lay động tâm hồn con người để thực hiện chức năng hướng thiện cao cả đó? Hơn nữa, mỗi tác phẩm văn học lại là kết quả của một quá trình sáng tạo mà khâu đầu tiên phải là sự rung động cực điểm của tâm hồn người nghệ sĩ. Hiện thực nhỡn tiền trước mắt nhưng có phải ai cũng đủ xúc động để viết thành thơ, thành văn không? Phải là người sẵn mang trong lòng mối thương cảm sâu sắc với cuộc đời, người nghệ sĩ mới có thể cầm bút và bắt đầu quá trình sáng tạo. Không đau đớn cả cõi lòng trước số kiếp tài hoa bạc mệnh của Thúy Kiều, của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đương thời, liệu rằng Nguyễn Du có thể viết nên kiệt tác Truyện Kiều? Không xót xa khi biết tin giặc đánh phá quê hương, liệu rằng Hoàng Cầm có viết được một bên kia sông Đuống xúc động đến thế? Nói như vậy để thấy rằng tấm lòng, tình yêu chân thành của người nghệ sĩ là cội nguồn sâu xa nhất để họ cho ra đời các tác phẩm văn học có giá trị. Mặt khác, từ phía tâm lí tiếp nhận của độc giả, chúng ta đều thấy rằng không một ai yêu thích, say mê những bài thơ, những câu văn hoa mĩ mà sáo rỗng, vô nghĩa lí. Thứ văn chương không chứa đựng tình người, những người cầm bút không có lòng yêu thương chân thành sẽ không bao giờ được độc giả quan tâm.

    Người nghệ sĩ chân chính sẽ luôn sáng tạo được tác phẩm văn học có giá trị. Và tất nhiên, giá trị của các văn bản ấy được thể hiện trong tư tưởng nhân đạo của nhà văn. Căm phẫn, tố cáo các thế lực chà đạp lên quyền sống của con người; thông cảm sâu sắc với những số phận bị vùi dập, khốn khổ; nói lên ước mơ, khát vọng về quyền sống của con người là những biểu hiện cụ thể của tinh thần nhân đạo trong các sáng tác. Điều này chúng ta dễ dàng nhận thấy trong nhiều truyện ngắn như Vợ chồng A Phủ (Ta Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân).

    Đọc các câu chuyện trên đây, có thể thấy các nhà văn đều cùng chung một nỗi niềm trăn trở về cuộc đời và số phận của người lao động trong sự kìm bức của các thế lực phi nhân tính. Họ là Mi, A Phủ, Tràng, bà cụ Tứ người vợ nhặt, người đàn bà làng chài mẹ thằng Phác. Mẫu số chung của những cuộc đời này là nỗi khốn khó, bất hạnh, tủi nhục đáng thương… Xúc động, cảm thông với bao nỗi khổ đau đó, cả Tô Hoài, Kim Lân đều không ngại ngần vạch trần, tố cáo tội ác thế lực chà đạp lên quyền sống những con người này.

    Đọc Vợ chồng A Phủ, có lẽ không ai không cảm thấy phẫn uất, căm hận trước sự áp chế, đè nén tàn bạo của hai thế lực cường quyền và thần quyền miền núi. Chế độ phong kiến miền núi với những hủ tục lạc hậu, bất công được sự hậu thuẫn của bọn thực dân xâm lược đã bóp nghẹt quyền sống của biết bao người lao động như Mị và A Phủ. Một cô gái tài sắc, đức hạnh vẹn toàn như Mị lại sớm phải chịu cảnh làm dâu gạt nợ. Mị làm dâu nhà giàu nhưng thực chất là làm người ở không công. Cả thể xác và tinh thần Mị bị bóc lột một cách tàn tệ, không thương tiếc. Công việc dồn đổ xuống đầu Mị không biết bao nhiêu mà kể: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Tô Hoài hoàn toàn đúng đắn khi thực hiện phép so sánh không ngang bằng để cực tả cảnh sống vất vả của Mị: Con ngựa con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được lúc gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào làm việc cả đêm cả ngày. Điều đó có nghĩa là cuộc sống của Mị còn không được bằng những con vật, Lời văn đong đầy nỗi thương xót và sự căm hận sâu xa của tác giả. Đầu tắt mặt tối như thế nhưng Mị đâu có được A Sử thương yêu đối xử như một người vợ. Đối với A Sử, Mị chỉ như một chiến lợi phẩm và hắn hành hạ thế nào cũng được. Mị đã phải chịu những trận đòn thừa sống thiếu chết A Sử bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xoã xuống A Sử cuốn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa… Nhưng sự lao khổ, đớn đau về mặt thân xác đã thấm vào đâu so với nỗi đau tinh thần mà Mị phải chịu đựng? Thời con gái, như bao thiếu nữ khác, Mị mang trong mình khao khát tình yêu, khao khát hạnh phúc mãnh liệt. Nhưng cay đắng thay, niềm khao khát ấy đã không trở thành hiện thực. Mẹ bị bắt về làm vợ A sử, phải sống với con người mà Mị không hề rung động, yêu thương. Cuộc sống ở nhà thống lí đã làm Mị tê liệt gần như hoàn toàn và mất tinh thần. Mị quên tất cả, quên cả cái chết phương thức cực đoan nhất để khẳng định quyền sống của mình. Tô Hoài kể: Mỗi ngày Mị càng không nói lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Con rùa trong ca dao xưa xuống đội đá, lên chùa đội bia, còn con rùa trong lời so sánh của nhà văn dường như cũng đã chấp nhận cam chịu cuộc sống quẩn quanh, câm lặng, bế tắc. Dường như Mị đã hoàn toàn quy phục sự thống trị của cường quyền và thần quyền khi trong đầu luôn mang ý nghĩ: Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi rũ xương ở đây thôi.Tiếng nhạc sinh tiền cúng ma trong buổi sáng Mi bị bắt về làm dâu nhà thống lí đã đóng định vào đầu cô suy nghĩ đó.

    Số phận nô lệ tủi nhục của người dân miền núi được bổ sung và hoàn chỉnh bằng cuộc đời của A Phủ và thân phận của bao người con gái khác giống như Mị: Đời người đàn bà lấy chồng nhà giàu ở Hồng Ngài thì một đời người chỉ biết đi theo đuổi con ngựa của chồng. Kể lại câu chuyện bằng giọng văn nhẹ nhàng, ấm áp nhưng rõ ràng bản án tố cáo tội ác của các thế lực phi nhân tính của nhà văn hết sức rõ ràng, đanh thép. Nếu như trong Vợ chồng A Phủ, tuy không trực tiếp nhưng còn có lúc Tô Hoài gọi tên chỉ thẳng vào bè lũ thống trị bạo tàn thì trong Vợ nhặt, tội ác của bè lũ thực dân phong kiến chỉ hiện nguyên hình đằng sau nạn đói khủng khiếp mà nạn nhân là những người lao động nghèo ở xóm ngụ cư. Bao trùm truyện là không khí bẩn mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của các người. Hơn một lần nhà văn đưa vào thiên truyện hình ảnh những con người canh xám dật dờ đi lại như những bóng ma. Người chết như ngả rạ còn người sống phải quay quắt trong cái đói. Cái đói làm con người tiều tụy cả thân xác. Chỉ thoáng đọc những câu văn miêu tả hình ảnh người vợ nhặt chúng ta cũng đủ hình dung điều đó thị rách quá, áo, quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt, hai con mắt trũng hoáy. Thảm hại hơn, cái đói làm thân phận con người trở nên rẻ rúng hơn bao giờ hết. Người đàn bà mới chỉ quen biết sơ sơ đã tình nguyện theo không Tràng – một anh chàng ế vợ sau khi được thiết đãi bốn bát bánh đúc.

    Chuyện cả một đời người được cân nhắc bằng miếng ăn cứu đói. Phản ánh hiện thực đau đớn này, Kim Lân đã lên tiếng tố cáo sự bóc lột tàn bạo của bè lũ cướp nước Pháp – Nhật và bọn tay sai phong kiến. Chính chúng chứ không phải ai khác đã đẩy con người đến bước đường cùng, đến sự thảm hại tột bậc trong cuộc sống.

    Phơi bày, tố cáo tội ác, sự thống trị, bóc lột tàn bạo của những thế lực phi nhân tính, các nhà văn đã lên tiếng đòi quyền sống cho bao số phận, con người yếu đuối, thấp cổ bé họng. Cái nhìn của các nhà văn rõ ràng không phải là cái nhìn thương hại, mỗi câu văn họ viết ra không phải để bố thí tình thương cho những số kiếp bất hạnh. Ta đọc được trong đó niềm cảm thông, yêu thương, xót xa đến tê tái cõi lòng của mỗi trái tim nghệ sĩ. Không thấu hiểu, đồng cảm, không bao giờ họ sáng tạo được các văn bản chân thực, xúc động như thế. Hơn thế nữa, thông qua mỗi trang viết, các tác giả còn ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của con người và nói hộ các nhân vật của mình những ước mơ, những khát khao về một cuộc sống mới mẻ, tốt đẹp.

    Nhà văn Kim Lân đã từng nói: Khi viết về cái đói, thường mọi người có ý nghĩ là khi đói người ta khổ cực và chỉ muốn chết. Nhiều cây bút bi. thực phê phán trong văn học Việt Nam thế kỉ XX đã kết thúc cuộc đời nhà vật của mình bằng cái chết (có thể do ý đồ nghệ thuật khác). Nhưng rõ ràng với Vợ nhặt, Kim Lân đã thắp lên trong mỗi nhân vật niềm hi vọng về một cuộc sống mới, tốt đẹp hơn. Truyện khép lại bằng không gian buổi sáng rực rỡ ánh nắng. Mỗi người trong cái gia đình nhỏ bé của Tràng đó hăm hở dọn dẹp thu xếp nhà cửa cho gọn gàng, sạch sẽ, hình như ai nói, đều có ý nghĩ rằng thu xếp cửa nhà cho quang quẻ, nền nếp thì cuộc đời có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn. Cảm giác vui sướng, phấn chấn ngập tràn trong lòng Tràng. Người vợ nhặt sáng này khác hẳn rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực còn bà cụ Tứ thì toàn nói chuyện, chuyện sung sướng về sau này. Sự thay đổi theo hướng tích cực của mỗi người đã thể hiện khát vọng mãnh liệt về cuộc sống tương lai tốt đẹp. Khát vọng đó là chính đáng, bởi lẽ ngày hôm qua, những kiếp sống cơ cực đó đã khốn khổ, bần cùng, thảm hại lắm rồi.

    Như Kim Lân, tấm lòng nhân đạo của Tô Hoài không cho phép nhà văn dửng dưng với khát vọng tự do, khát vọng hạnh phúc của con người. Trong chồng A Phủ, tác giả miêu tả khá chi tiết, sống động quá trình bừng thức sức sống tiềm tàng trong nhân vật Mị. Không khí đón xuân ở Hồng Ngài cùng men rượu và tiếng sáo đã đưa Mị đi từ cõi quên về cõi nhớ, khơi gạt lớp tro tàn bấy lâu nay vùi lấp mầm sống trong tâm hồn Mị, đưa Mị trở lại ý thức về sự sống, về tự do, và trao cho Mị những hành động nổi loạn táo bạo… Diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân là bước đệm đưa Mị đến hành động quyết liệt: cởi trói cho A Phủ và cùng A Phủ trốn khỏi nhà thống lí Pá Tra. Phát hiện được sức sống tiềm tàng trong tâm hồn con người, khơi thắp và cổ vũ, động viên nhân vật thực hiện khát vọng tự do, hạnh phúc, tấm lòng nhân đạo của Tô Hoài đã đạt đến chiều sâu nhân bản.

    Với truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, người đọc có thể cảm nhận sâu sắc lòng yêu thương con người của các tác giả. Và chúng ta có thể khẳng định đây là những sáng tác văn học đích thực của những người nghệ sĩ chân chính – những nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ.

icon-date
Xuất bản : 12/09/2021 - Cập nhật : 20/09/2021